Ông Vũ Xuân Hồng (Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) với những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Nga sang Việt Nam:

Ấn tượng không phai

Chủ Nhật, 17/11/2013, 13:22

Ngày 12/11/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là một chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng cho quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện của hai nước trong tương lai. 12 năm trước đây, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam với cương vị Tổng thống Nga, ông V.Putin đã có cuộc gặp gỡ đầy xúc động với các cựu sinh viên Việt Nam từng học tại Liên Xô cũ và Nga. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với người tổ chức cuộc gặp gỡ đó, ông Vũ Xuân Hồng - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về nước Nga và công tác đối ngoại nhân dân.

- PV: Thưa ông Vũ Xuân Hồng, ngày mai, 12/11/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và là một người từng gắn bó lâu dài với nước Nga, ông có cảm xúc gì đặc biệt nhân sự kiện này?

- Ông Vũ Xuân Hồng: Điều đầu tiên là tôi muốn chúc mừng ngài Tổng thống Nga V.Putin vừa được tạp chí Forbes chọn là Nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới của năm 2013. Sự đánh giá này rất xứng đáng với ông. Và là sự công nhận ảnh hưởng của ông với hai nhiệm kỳ tổng thống và một nhiệm kỳ làm Thủ tướng nước Nga. V. Putin đã thực sự làm thay đổi nước Nga, đưa đất nước Nga trở lại một cường quốc lớn trên thế giới, tham gia một cách có trách nhiệm, hiệu quả và xử lý những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của thế giới. Là những người gắn bó, yêu quý nước Nga, chúng ta thực sự cảm thấy tự hào cho người Nga và nước Nga đối với sự đánh giá dành cho ông Putin.

Cũng như những anh chị em từng học ở Liên Xô về, tôi có rất nhiều kỷ niệm với nước Nga, nhưng một trong những kỷ niệm không quên được là sự kiện năm 2001. Sau rất nhiều năm không có lãnh đạo cao cấp nào của nước Nga sang thăm Việt Nam thì Tổng thống V.Putin sang thăm chính thức Việt Nam. Ngoài rất nhiều hoạt động chính thức quan trọng trong chuyến thăm thì chúng tôi được giao nhiệm vụ tổ chức cho Tổng thống gặp và nói chuyện với các cựu sinh viên, học viên các trường đại học của Liên Xô trước đây.

Thoạt đầu chúng tôi tưởng rằng đây là một công việc vui vẻ và lễ tân khánh tiết  thôi. Nhưng càng đi sâu vào quá trình tổ chức thì chúng tôi càng cảm nhận được ý nghĩa của cuộc gặp này. Nhất là nhận thấy được những tình cảm xúc động mạnh mẽ của các anh chị em đã từng học ở nước Nga –Xô viết trước đây dành cho nhà lãnh đạo nước Nga.

Cuộc gặp đó như thế nào thì có lẽ các bạn đã theo dõi và biết rồi. Gần hai giờ đồng hồ chúng ta nhìn thấy được nụ cười tươi tắn vốn ít khi xuất hiện  trên gương mặt của vị Tổng thống quyền lực Putin, chúng ta được nghe ông nói về quan hệ truyền thống đoàn kết chiến đấu của hai nước. Tôi còn nhớ, giữa rừng người vây quanh hô vang những khẩu hiệu chào mừng Tổng thống, tôi mời Tổng thống vào Hội trường, lực lượng an ninh hai bên hết sức lo lắng và vất vả vì mọi người nhao tới để bắt tay ông.

Tôi đi bên cạnh, vừa hướng dẫn Tổng thống vào vừa nói anh em Việt Nam bình tĩnh nhưng vẫn kịp nghe người phụ trách lễ tân của Tổng thống báo cáo: “Thưa Tổng thống, màn đầu sẽ là màn mời trầu, các nghệ sĩ Việt Nam sẽ mời tổng thống và những người ngồi hàng đầu miếng trầu têm cánh phượng, nhưng đề nghị Tổng thống chỉ nhận, ngắm chứ đừng ăn”.

Ngồi xuống ghế, Tổng thống phải đứng lên nhiều lần để đáp lại những tràng vỗ tay không dứt của anh em. Tổng thống hỏi đồng chí Nông Đức Mạnh và Nguyễn Mạnh Cầm, vì hai đồng chí đều biết tiếng Nga, từ Vưputxnich tiếng Việt là gì, các đồng chí trả lời là “cựu sinh viên”, Tổng thống Putin đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng tiếng Việt của mình là: “Chào các cựu sinh viên, tôi cũng là cựu sinh viên”.

Sau đó, Tổng thống trân trọng trả lời các câu hỏi của các cựu sinh viên Việt Nam. Và đặc biệt nhất, khi ông cùng với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam và tất cả các anh chị em ở đó cùng hát Chiều Maxcơva thì tất cả chúng tôi ngồi dưới, sống mũi cay cay và đôi mắt rưng rưng. Dù ai cũng biết tình cảm mình dành cho nước Nga là vô cùng sâu nặng, nhưng đây như là một cái cớ, cái duyên để chúng tôi vỡ oà cảm xúc...

Vì nhìn thấy Tổng thống Putin hôm đó là nhìn thấy một nước Liên Xô và Nga Xôviết đã hỗ trợ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, nhìn thấy cả tuổi trẻ sôi nổi của mình ở xứ sở Bạch Dương, là nhớ lại những áng thơ văn, những ca khúc sôi nổi, là nhớ thầy nhớ cô đã giúp chúng tôi những kiến thức  để có được hành trang của con đường lập nghiệp sau này.

Chúng tôi nhớ từng con đường, từng địa danh đã đi vào ký ức trong những tháng năm đẹp nhất của đời mình. Cảm xúc xen lẫn cảm xúc. Và tôi không ngờ buổi giao lưu ấy lại thành công đến như vậy. Sau cuộc gặp gỡ đó, lúc tiễn Tổng thống ra xe, tôi có nói với ông rằng, tất cả những điều Tổng thống cảm nhận được hôm nay là sự biểu hiện chân thành của một đất nước, một dân tộc và hàng triệu người Việt Nam dành cho ngài cũng như dành cho nước Nga.

Tổng thống Putin dừng lại mấy giây và nắm tay tôi thật chặt nói: “Đồng chí Hồng, tôi biết đồng chí đang nói điều gì”! Sau đó, khi trở về nước, Tổng thống Nga Putin có tổ chức cuộc họp báo và trong cuộc  họp báo ấy ông nói với báo chí nước Nga: “Người ta không thể ra lệnh, không thể lập trình, không thể đạo diễn cho một hoạt động nghĩa tình như vậy, mà đó chỉ có thể nói là biểu hiện của một tình yêu chân thành và cao cả của một dân tộc đối với nước Nga chúng ta”. Đánh giá của Tổng thống rất có ý nghĩa đối với tất cả chúng tôi, những người làm công tác đối ngoại nhân dân tham gia tổ chức hoạt động này.

- Như vậy, những thành công của chuyến thăm năm 2001 trước đây của Ngài Putin, đã là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian qua và Đối ngoại nhân dân cũng đã tiếp tục đóng góp vào quá trình đó?

- Tôi vẫn nhớ ngày đó, Tổng thống V.Putin chính thức sang thăm Việt Nam và ký hiệp ước về quan hệ hợp tác chiến lược giữa Liên bang Nga và Việt Nam trên cơ sở đó, quan hệ hai nước đã không ngừng phát triển và năm 2012 đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đầu tư của Nga vào Việt Nam tuy đứng vào hàng thứ 19 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam nhưng lại ở các lĩnh vực hết sức quan trọng.

Việt Nam cũng đầu tư vào Nga 2,4 tỷ đôla Mỹ và Nga là một trong những nước đứng hàng thứ 3 trong số các nước Việt Nam đầu tư. Quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học, công nghệ, an ninh quốc phòng, giáo dục, du lịch… đều phát triển mạnh mẽ và tiềm năng thì vô cùng to lớn. Chắc chắn rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống V.Putin sẽ tạo nên một sức sống mới cho quan hệ chiến lược và toàn diện giữa hai nước.

Và lần này, chúng tôi muốn nhiệt liệt chào mừng Tổng thống V.Putin với những tình cảm chân thành, nồng ấm của 90 triệu người dân nước Việt như ông đã cảm thấy 12 năm trước đây trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi. Và trong những năm qua, cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước, Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt-Nga và những người yêu nước Nga ở Việt Nam, bằng những hoạt động phong phú của mình đã góp phần giữ trọn ngọn lửa truyền thống của hai nước, củng cố và phát triển mối quan hệ cơ sở quần chúng, nền tảng quần chúng vững chắc cho quan hệ Việt – Nga trong tương lai.

Một minh chứng cho tình cảm đó là trong những ngày qua nhiều đơn vị, tổ chức, địa phương và các chi hội của Hội hữu nghị Việt-Nga đã tự tổ chức các hoạt động kỷ niệm 96 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Đây là việc làm tự nguyện, tự nhiên để nhớ ơn Cách mạng Tháng Mười và cũng là cách để trải lòng mình với nước Nga hôm nay.

Ông Vũ Xuân Hồng rất trân trọng chiếc bình gốm do Tổng thống V.Putin tặng.

- Được biết, trung tuần tháng 9 vừa qua, ông có tháp tùng Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sang thăm Liên bang Nga. Ông có thể cho biết, vấn đề đặc biệt mà hai bên quan tâm và những thành tựu đạt được trong chuyến thăm của Phó thủ tướng?

- Đúng vậy, tháng 9 vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã sang thăm Liên bang Nga để thỏa thuận chương trình hợp tác chiến lược khoa học công nghệ và giáo dục giữa hai nước trong thời gian tới. Nước Nga kế thừa một nền khoa học tiên tiến, công nghệ đầy sáng tạo và nền giáo dục đào tạo cơ bản vững chắc. Trong những năm Xôviết trước đây, hàng vạn người Việt Nam đã được đào tạo ở Liên Xô trong đó có hàng ngàn các kỹ sư, hàng trăm tiến sĩ, phó tiến sĩ.

Nguồn nhân lực ấy đã đóng góp hết sức ý nghĩa trong cuộc đấu tranh giải phóng, thống nhất và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Thời gian qua do những thay đổi ở mỗi nước hợp tác trong những vấn đề này chững lại. Nay cơ hội chín muồi đã đến và hai nước quyết tâm nâng tầm hợp tác khoa học, công nghệ và giáo dục lên tầm chiến lược.

Những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến đi của Phó Thủ tướng, những văn kiện hợp tác được ký kết giữa các Viện Hàn lâm, khoa học, giữa các trường đại học, các cơ sở đào tạo và trung tâm công nghệ giữa hai nước tới đây chắc chắn sẽ làm cho lĩnh vực hợp tác này sống động và góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.

Điều thứ 2 trong chuyến đi này, Phó thủ tướng đã gặp gỡ những cựu chiến binh Nga từng chiến đấu tại Việt Nam, các chuyên gia Nga đã từng làm việc ở Việt Nam, đại diện lãnh đạo hội Việt-Nga  và những thành viên tích cực của Hội bạn. Phó thủ tướng bày tỏ vui mừng khi gặp gỡ những người đồng chí, bạn bè thân thiết, những người đã từng gắn bó và giúp đỡ Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, đối tác chiến lược, toàn diện Việt - Nga.

Các cựu chiến binh Nga, chuyên gia Nga là những đồng đội, đồng chí của nhân dân Việt Nam với tinh thần quốc tế cao cả đã cống hiến những năm tháng tuổi trẻ của mình cho cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, vì độc lập, tự do và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ to lớn, sự giúp đỡ chí tình, vô tư và hiệu quả mà nhân dân Nga anh em đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do cũng như trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Có những người con Xôviết và Liên bang Nga đã hy sinh vì nền độc lập của Việt Nam; hàng vạn chuyên gia, các nhà khoa học, công nhân, nông dân Nga bằng sức lao động quên mình đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam. “Trong số đó có nhiều người đang có mặt tại khán phòng này và chúng ta không thể quên các đồng chí thân yêu đã hy sinh, không bao giờ trở lại nữa”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói trong niềm xúc động.

- Riêng với bản thân ông, trở lại nơi đã từng ghi dấu ấn của những năm tháng tuổi trẻ đời mình, có kỷ niệm nào tâm đắc trong chuyến đi ấy ông có thể chia sẻ?

- Tất cả những gì tôi có được bây giờ phần quan trọng là do những năm tháng học ở Nga: tình yêu đất nước, con người, tính nhân văn, cái tốt bụng, sự vô tư trong sáng của người Nga đã ảnh hưởng sâu sắc tới chúng tôi. Quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người của dân tộc Nga - Xôviết đã thấm vào tôi như một tính cách riêng, nhuần nhuyễn với tâm hồn Việt, tạo cho tôi một phong cách không trộn lẫn. Sau này, khi về nước ổn định công tác và cống hiến, lòng tôi vẫn luôn dõi theo nước Nga, nặng lòng những khi nước Nga có những biến thiên, vui lây khi ánh hào quang tỏa sáng ở đất nước của những điều đôn hậu. Thơ ca, hội họa, âm nhạc, phim ảnh của Xôviết đều đã ngấm sâu vào những người như tôi như một lẽ tất yếu. Đất nước của những bộ sách đã đi sâu vào tâm hồn người Việt.

Tôi vẫn nhớ như in mình đã mê mẩn đọc thâu đêm những tác phẩm văn học như Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, Đội cận vệ đỏ, Bông hồng vàng và bình minh mưa… Đã xem mê mải những bộ phim như Chỉ có những người lính già ra trận, Bộ phim dài tập Giải phóng, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Thanh kiếm và lá chắn, Mặt trời trên sa mạc…

Đã nghe và đến bây giờ vẫn thường mở to các ca khúc Bài ca thanh niên sôi nổi, Đôi bờ, Cây thùy dương, Đàn sếu bay qua… để mình giữ nguyên cảm giác xao xuyến với mảnh đất mà một thời tuổi trẻ mình đã từng gắn bó. Nói về kỷ niệm với đất nước Bạch Dương, tôi đoán rằng không chỉ tôi, mà tất cả những ai đã từng sống và học tập ở đấy đều có thể nói hàng giờ đồng hồ mà không biết chán vì chúng tôi thật sự đã sống hết mình trong lòng bè bạn những năm tháng chưa xa ấy…

- Có một thực tế đáng buồn là hiện nay, lớp trẻ dường như đang bị mất dần tinh thần nhiệt huyết với tiếng Nga, văn học Nga… Theo ông, làm thế nào để kéo lại tinh thần “yêu nước Nga” như một thời các ông đã từng say đắm?

- Đó là một điều thiệt thòi cho các bạn trẻ. Tôi phải khẳng định rằng, tiếng Nga rất hay, văn học Nga rất sâu sắc, nó chạm vào đến tận trái tim con người với tình nhân ái. Nhưng không sao cả, đó là sự cạnh tranh và thách thức của thời cuộc. Tôi biết có nhiều người phải bỏ tiếng Nga để đi học tiếng khác nhằm thích ứng với cuộc sống mới là điều dễ hiểu, song có một thực tế là vẫn có rất nhiều người mê đắm với nước Nga. Hiện nay số lượng sinh viên Việt Nam đang ở Nga là 6.000 người, gần 80 ngàn người Việt Nam đang ở nước Nga.

Tới đây, khi quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Nga phát triển sẽ là cơ hội cho những người yêu nước Nga được làm những điều có ý nghĩa và là cơ hội để chúng ta làm sống động hơn trong việc sử dụng tiếng Nga cũng như những hoạt động liên quan. Phải nói thêm rằng, trong những năm qua dù quan hệ khó khăn nhưng thông qua Quỹ Hòa bình của nước Nga, chúng tôi vẫn mời đoàn nghệ thuật của nước Nga và Trung ương Hội Việt-Nga sang để giao lưu, biển diễn.

Ngoài ra, chúng ta có những ngày Hà Nội ở Matxcơva và những ngày Matxcơva ở Hà Nội. Chẳng ở đâu xa, sắp tới đây, chúng ta sẽ có tuần lễ Nga tại Hà Nội. Những người yêu nước Nga sẽ có cơ hội gặp lại những Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ công huân của nước Nga, những người mà tên tuổi của họ đã là những thần tượng một thời của chúng tôi, đưa lại cho chúng tôi những gì đẹp đẽ và tuyệt vời nhất về Liên Xô và nước Nga.

Chúng tôi cũng được biết, lãnh đạo của nước Nga cũng đã có chương trình quảng bá văn hóa Nga và tiếng Nga tại Việt Nam, đặc biệt gần đây khách du lịch Nga sang Việt Nam rất nhiều lần, hãy nắm bắt những cơ hội mới đó để hiểu nước Nga nhiều hơn và góp phần cho quan hệ hai nước phát triển.

- Như ông đã chia sẻ, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có những thành công trong hoạt động đối ngoại nhân dân. Vậy, xin ông cho biết cụ thể về những thành tựu mà Liên hiệp đã đạt được trong năm năm qua trong bối cảnh quốc tế sống động và đầy biến động này?

- Trong nhiệm kỳ Đại hội IV, Liên hiệp đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW ngày 02/12/2008 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp, Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Liên hiệp, và đã đạt nhiều thành quả quan trọng theo các hướng chính sau đây:

Về quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác nhân dân, Liên hiệp đã chú trọng nội dung chính trị và hiệu quả thiết thực, đa dạng hoá hình thức hoạt động, góp phần làm cho bạn bè và các đối tác hiểu đúng về tình hình Việt Nam, về chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước ta; góp phần có hiệu quả cho các hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức và cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam.

Liên hiệp đã tăng cường xã hội hóa, nâng cao tính quần chúng nhân dân trong các hoạt động đối ngoại; phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì sự thống nhất của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ giữa Việt Nam và các nước. Tích cực tham gia vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về tổ quốc.

Đối với các vấn đề nhạy cảm, Liên hiệp chủ trương tăng cường đối thoại, chủ động vận động nhằm bảo vệ hình ảnh và lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động đa phương có những đột phá mới, góp phần khẳng định vai trò, vị trí, tiếng nói của nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân thế giới và khu vực. Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với bạn bè quốc tế cũng được quan tâm. Liên hiệp đã vận động được 24 tỷ đồng ủng hộ nhân dân Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia khắc phục hậu quả thiên tai.

Về công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), Liên hiệp thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN, đảm bảo yêu cầu quản lý hoạt động PCPNN về chính trị, kinh tế và an ninh. Từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2013, Liên hiệp đã vận động được một số lượng lớn viện trợ PCPNN phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Các tổ chức PCPNN triển khai trên 15.000 chương trình, dự án với tổng giá trị viện trợ PCPNN đạt trên 1,4 tỷ đô la Mỹ, tập trung vào các lĩnh vực: xóa đói, giảm nghèo và phát triển cộng đồng bền vững, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, viện trợ khẩn cấp...

Công tác nghiên cứu, thông tin đối ngoại có nhiều khởi sắc, tận dụng lợi thế của đối ngoại nhân dân để tuyên truyền tới bạn bè thông qua các kênh hòa bình, hữu nghị  và vận động viện trợ phi chính; tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo khu vực và quốc tế, các diễn đàn song phương và đa phương. Thông tin về đất nước, con người, những thành tựu của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, tình hình thực tế của Việt Nam đã được nhanh chóng chuyển tới nhân dân và bạn bè quốc tế; làm cho nhân dân và bạn bè thế giới hiểu và ủng hộ các hoạt động của Liên hiệp; góp phần đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch đang chống phá Việt Nam.

Công tác phát triển tổ chức của Liên hiệp luôn được quan tâm. Đến nay, Liên hiệp đã có 107 tổ chức thành viên (tăng 20 tổ chức thành viên so với trước Đại hội IV), trong đó có 63 tổ chức thành viên ở Trung ương và 44 tổ chức thành viên ở địa phương. Cán bộ cơ quan thường trực Liên hiệp được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ.

Liên hiệp đã tổ chức 22 cuộc tập huấn (cấp trung ương, khu vực và tỉnh, thành) về công tác đối ngoại nhân dân và 60 cuộc tập huấn về công tác PCPNN. Những kết quả đạt được nhiệm kỳ qua của Liên hiệp là do những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng; sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư; sự hướng dẫn, phối hợp của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành, của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp; sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sự tham gia và đóng góp nhiệt tình của quần chúng nhân dân mọi miền đất nước; nỗ lực khắc phục khó khăn, tinh thần đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo, kiên định của tập thể lãnh đạo, Ban Thường vụ, Đoàn Chủ tịch và cán bộ cơ quan thường trực Liên hiệp và các tổ chức thành viên.

- Sau nhiều năm làm công tác đối ngoại nhân dân thì ông rút ra những bài học gì trong lĩnh vực hoạt động này?

- Cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác đối ngoại nhân dân, nhất là trong tình hình mới. Cần củng cố, phát triển tổ chức và đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Liên hiệp và các thành viên. Cần tranh thủ được sự ủng hộ của các ngành, các cấp, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế để tiếp tục duy trì, nuôi dưỡng và củng cố quan hệ đối tác truyền thống đồng thời chủ động tích cực quan hệ phát triển đối tác mới. Cần tăng cường xây dựng lực lượng đối ngoại nhân dân và đầu tư thỏa đáng cho công tác đối ngoại nhân dân.

- Vâng, xin cảm ơn ông Vũ Xuân Hồng!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.