An ninh hạt nhân: Vẫn chỉ là một giấc mơ

Thứ Năm, 15/04/2010, 10:39
Từ ngày 12 tới 14/4/2010, tại Washington diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân. Chủ đề trọng tâm của hội nghị này là việc tăng cường các sáng kiến toàn cầu nhằm ngăn nguy cơ vũ khí nguyên tử rơi vào tay bọn khủng bố. Hội nghị cũng tập trung bàn về các nguy cơ mà hoạt động buôn bán nguyên liệu hạt nhân và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt gây ra.

Tham dự hội nghị có 47 nhà lãnh đạo quốc gia tới từ khắp thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta tham dự hội nghị theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Thời mới, lời lẽ mới

Ngay từ khi mới lên cầm quyền tháng 2/2009, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ Barack Obama đã không chỉ một lần nói tới giấc mơ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, có thể nói không phải là quá dễ nhưng làm thì lúc nào cũng rất khó khăn.

Theo thông lệ đã được hình thành từ năm 1991 ở Mỹ, mỗi một vị Tổng thống mới đều phải trình bày cách nhìn của mình về tình hình vũ khí hạt nhân để thông qua đó, có thể hình dung ra được chiến lược quốc phòng mới của Washington trong điều kiện thế giới đương đại đang ẩn chứa quá nhiều những thách thức từ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Lẽ ra, Tổng thống Obama đã phải đưa ra bản báo cáo về chính sách cân nhắc tình thế hạt nhân (NPR) từ năm ngoái nhưng phải tới ngày 6/4/2010, ông mới thực hiện được nghĩa vụ này và trình bày bản báo cáo thay cho những gì mà người tiền nhiệm George Bush (con) đã đưa ra năm 2001, khi ông này bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất của mình trong Nhà Trắng.

Không ngẫu nhiên mà Tổng thống Obama lại chọn thời điểm như thế để công bố chính sách hạt nhân mới của mình. Những ngày đầu tháng 4/2010 là lúc diễn ra không chỉ một sự kiện trọng đại liên quan tới vấn đề này: lễ ký hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga tại CH Czech ngày thứ năm 8/4; Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Washington (từ ngày 12 tới 14/4); hội nghị quốc tế tại New York về thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ nguyên tử (NPT)…

Thời thế mới cần những lời lẽ mới. Chính sách hạt nhân mới của ông Obama được ông tự đánh giá như "một phần trong nỗ lực lớn hơn, nhằm đưa thế giới tiến tới việc xóa bỏ hoạt động sản xuất vũ khí hạt nhân và tạo ra những ưu đãi cho các nước từ bỏ tham vọng hạt nhân". 

Lần đầu tiên kể từ khi vào làm chủ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã tuyên bố "giấy trắng mực đen" về việc, từ nay trở đi, mối đe dọa chính yếu đối với nước Mỹ không phải là sự đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân mà là nguy cơ vũ khí hạt nhân lọt vào tay các phần tử khủng bố và việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, Washington sẽ từ bỏ những kế hoạch gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình: "Nước Mỹ sẽ không tiến hành các vụ thử hạt nhân và sẽ thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử toàn diện các loại vũ khí hạt nhân (CTBT). Nước Mỹ cũng sẽ không chế tạo những đầu đạn hạt nhân mới và không tiến hành những phi vụ quân sự theo hướng gia tăng tiềm năng hạt nhân…". Cũng phải nói rằng, cho tới ngày hôm nay Washington vẫn chưa phê chuẩn CTBT(?!).

Tổng thống Mỹ cũng vẫn giữ thái độ cứng rắn với Iran và CHDCND Triều Tiên khi nói rằng, hai quốc gia này không thể nào cảm thấy an bình  dù Washington có mềm mỏng tới đâu. Theo quan điểm của ông chủ Nhà Trắng, đó là hai quốc gia đang vi phạm hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân…

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong một cuộc họp báo được đặc biệt tổ chức nhân dịp công bố chính sách hạt nhân đã trình bày cụ thể những hoạt động của Mỹ trong khuôn khổ của học thuyết mới.

Thứ nhất, từ nay hệ thống vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ được xây dựng trên cơ sở sử dụng các nghiên cứu đã có. "Việc thay thế các thành phần hạt nhân sẽ cần được sự cho phép đặc biệt từ phía Tổng thống" - người đứng đầu Lầu Năm Góc thông báo.

Hơn thế nữa, Washington còn hành động mạnh bạo hơn trong việc tự hạn chế mình về vũ khí hạt nhân khi tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại những nước không có loại vũ khí này ngay cả trong trường hợp bị tấn công bởi vũ khí sinh học hay hóa học. Kèm theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vẫn không quên đe dọa: "Nếu một quốc gia nào đó khác sử dụng vũ khí sinh học hay hóa học chống lại chúng tôi thì họ sẽ vấp phải đòn giáng trả hủy diệt"! Đồng thời, ông Gates cũng nói rằng, nước Mỹ vẫn giữ cho mình quyền thay đổi quan điểm này nếu cuộc tấn công sinh học hay hóa học dồn họ vào tình thế nguy cấp.

Từ bỏ vai trò chủ đạo của vũ khí hạt nhân, chính quyền Mỹ đương nhiệm dự định sẽ phát triển các loại vũ khí không hạt nhân, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD). Ông Gates tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí không hạt nhân, trong đó có cả hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ mình và các đối tác cũng như đồng minh của chúng tôi".

NMD là thứ mà Moskva đã không chỉ một lần phản đối. Thậm chí sau lễ ký hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) tại Praha ngày 8-4 vừa qua, phía Nga đã đơn phương tuyên bố rằng, Moskva có thể sẽ rút khỏi START mới nếu hệ thống NMD của Mỹ đạt tới quy mô có thể đe dọa an ninh của nước Nga…

Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong lễ ký hiệp ước START mới tại Praha ngày 8/4/2010.

Tiến nhưng chưa đủ

Trong bối cảnh buộc phải thay đổi các ưu tiên chiến lược và từ bỏ giọng điệu hung hăng thời chiến tranh lạnh, chính quyền đương nhiệm ở Mỹ đã tuyên bố rằng, những cường quốc hạt nhân từng là thù địch trước kia, hiện nay đang phải cùng đối mặt với những vấn đề chung nên cần phải "kết đoàn lại chúng ta là sức mạnh".

Washington đã bày tỏ hy vọng tiếp tục các cuộc đàm phán với Moskva về quá trình tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và về kiểm soát vũ khí. Dự định, vòng đàm phán mới sẽ được bắt đầu sau khi phê chuẩn hiệp ước mới cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), vừa được Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Dmitri Medvedev ký tại Praha ngày 8/4 vừa qua dưới sự bảo vệ của hơn 5 nghìn cảnh sát. Đây chính là văn bản thay thế cho hiệp ước  START 1 ký năm 1991, đã hết hạn từ tháng 12/2009. Theo lời Tổng thống Mỹ, hiệp ước mới là văn kiện giải trừ vũ khí toàn diện nhất trong gần hai thập kỷ qua.

Hiệp ước START mới buộc cả Washington lẫn Moskva phải cắt giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân, từ 25 tới 30%. Theo đó, mức độ vũ khí sẽ phải được duy trì ở mức:

- 1550 đầu đạn được triển khai ở mỗi bên.

- 700 tên lửa xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo đặt trên tàu ngầm và các máy bay ném bom hạng nặng đã được triển khai.

- 800 thiết bị phóng tên lửa xuyên lục địa đã được triển khai và chưa được triển khai, các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo đặt trên tàu ngầm đã được triển khai và chưa được triển khai cũng như các máy bay ném bom hạng nặng đã được triển khai hoặc chưa được triển khai…

Trong hiệp ước START mới có quy định mối quan hệ giữa các loại vũ khí tấn công chiến lược và các loại vũ khí phòng thủ chiến lược. Ngoài ra, còn có ghi nhận cụ thể về tầm quan trọng của mối quan hệ này trong quá trình cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược…. Hiệp ước START mới không có những quy định hạn chế việc thử nghiệm và triển khai NMD của Mỹ, cũng như của những loại vũ khí tấn công không hạt nhân tầm xa…

Sau khi hiệp ước START mới được ký kết, nó còn cần được Duma Quốc gia Nga và Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Xét theo những gì đang diễn ra, dường như sẽ không có bất ngờ lớn trong chuyện này…

Đánh giá một cách công bằng, hiệp ước START mới chỉ là một bước tiến khiêm nhường nếu so với những gì cần phải làm để nguy cơ hạt nhân trở nên giảm thiểu đối với nhân loại. Tuy nhiên, đó cũng có thể là một bước tiến quan trọng vì nhờ nó, thế giới có thêm những điều kiện phối hợp với nhau để phòng chống sự khủng bố hạt nhân. Trong bất luận trường hợp nào, viễn cảnh một thế giới không bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân vẫn còn xa vời, như một giấc mơ…

Đặng Đình Nguyên
.
.