Afghanistan thất bại đến gần

Thứ Sáu, 20/08/2010, 15:00
Chiến trường Afghanistan đang minh chứng cho thấy, Washington dường như không rút ra được bài học cần thiết từ những thất bại trong quá khứ. Năm 2010 có thể sẽ là năm của những thiệt hại to lớn nhất đối với các đơn vị binh lính Mỹ  đang đồn trú tại đây nói riêng cũng như liên quân quốc tế nói chung. Và cũng là năm của thương vong to lớn nhất đối với dân thường sở tại.

Rõ ràng là Washington nói riêng cũng như phương Tây nói chung đã bị sa lầy vào cuộc chiến tranh ở Afghanistan, kéo dài đằng đẵng suốt 9 năm nay. Liên quân quốc tế có những trận thắng nhưng nhìn đại cục thì đó có thể là một cuộc chiến bị thất bại đối với phương Tây. Nhìn từ bất cứ góc độ nào, những hệ lụy của cuộc chiến ở Afghanistan cũng đều là khủng khiếp.

Ngày 5/10/2001 đã bắt đầu chiến dịch Enduring Freedom (Tự do bất tuyệt), đưa liên quân quốc tế vào lãnh thổ Afghanistan như một câu trả lời có vẻ là duy nhất đúng đối với cuộc tấn công nhằm vào tòa tháp đôi ở New York ngày 11/9/2001. Dưới ảnh hưởng của một hệ thống truyền thông khổng lồ, ít ai thấy rõ được nguyên nhân căn bản của tội ác khủng bố: đó là cảnh bần hàn và bất công đang ngự trị trên thế giới nói chung và ở Afghanistan nói riêng, sự cô lập cộng đồng tín đồ Hồi giáo, nền tảng dễ làm nảy sinh nhất tư tưởng trả thù và cực đoan…

Chiến trường Afghanistan hôm nay vì thế vẫn đầy rẫy những khó khăn và đẫm máu. Cũng như đang ẩn chứa vô số những mâu thuẫn trái nghịch nhau đến bi thảm. Mỗi một người dân thường bị chết oan, một vị trí được củng cố thêm của liên quân quốc tế, cũng như mỗi một cái gọi là sáng kiến mới của NATO chỉ làm trầm trọng thêm thảm họa và củng cố thêm vị thế cho Taliban.

Hiện nay lực lượng Taliban từng bị căm thù và ghét bỏ lại trở nên hấp dẫn hơn đối với dân chúng Afghanistan. Trong khi đó, liên quân quốc tế lại thường hiện lên trong cách nhìn nhận của người dân sở tại như những nguyên do dẫn đến tai họa. Mỗi một vụ tình cờ bắn chết dân lành từ phía binh lính liên quân quốc tế lại càng làm sâu sắc hơn lòng căm thù đối với phương Tây.

Không ngẫu nhiên mà nữ nghị sĩ quốc hội Afghanistan, Malalai Joya, từng không chỉ một lần bị các thế lực cực đoan dọa ám sát ở tổ quốc mình, trong bài trả lời phỏng vấn cho tờ l'Humanité đã kêu gọi phương Tây: "Hãy dừng bắn giết ở đất nước tôi và đưa hết quân đội nước ngoài ra để ngăn chặn sự Taliban hóa".

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/8 trong chương trình Early Show của kênh truyền hình CBS đã buộc phải thú nhận rằng, thực ra mục tiêu của phương Tây tại Afghanistan là rất "khiêm tốn": chỉ cố gắng làm sao để cho các lực lượng khủng bố không thể hoạt động trong khu vực, mở rộng việc đào tạo cũng như lên kế hoạch tấn công…

Ở đâu rồi những câu tuyên bố hùng hồn trong Nhà Trắng về một sứ mệnh cao cả "vị dân chủ" nhằm biến cải Afghanistan thành một xã hội dân chủ theo hình mẫu phương Tây?! Thực tế và ích kỷ, các nước tham gia liên quân ở Afghanistan thật ra chỉ theo đuổi những mục tiêu vật chất của mình.

Cựu Tổng thống Đức Horst Khler bất chấp việc phải mất chức đã lớn tiếng tuyên bố rằng, nguyên nhân chính để binh lính Đức dính líu vào cuộc chiến Afghanistan chỉ là việc bảo vệ quyền lợi kinh tế của đất nước mình… Uy tín của phương Tây nói chung và của nước Mỹ nói riêng rất dễ bị sụp đổ cùng với một thất bại rất nhiều khả năng sẽ tới trong cuộc chiến ở Afghanistan

Lực lượng Taliban không thay đổi bản chất và không yếu đi, luôn như những Phạm Nhan bị chặt đầu này lại lập tức mọc lên đầu khác, bất chấp những nỗ lực chiến đấu của liên quân quốc tế. Những chiến dịch truy phạt ở miền Nam nước này đã không mang lại kết quả cần thiết.

Các cuộc thương thảo giữa chính phủ do ông Karzai đứng đầu với một số nhóm trong lực lượng Taliban không mang lại kết quả mong muốn. Có lẽ Tổng thống Pakistan, Asif Ali Zardari, đã có lý khi tuyên bố: Không có những thành viên Taliban tốt để có thể tiến hành thương lượng với nhóm Taliban này và chiến đấu với nhóm Taliban khác! Taliban lúc nào cũng là Taliban, lúc nào cũng là những phần tử khủng bố…

Ông Zardari cũng nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, cộng đồng quốc tế mà trong đó có cả Pakistan, đang thua Taliban. Thua trước hết trong sự giành lại con tim và khối óc người dân. Những sai lầm chính của liên quân là họ đã không đánh giá đúng tình hình tại chỗ và không hiểu hết được quy mô của vấn đề. Hơn nữa, cuộc chiến đã tràn ra khỏi lãnh thổ Afghanistan, ai nếu không phải chúng tôi hiểu rõ điều này?! Cuộc chơi sẽ phải coi là thua nếu cứ nghĩ rằng có một giải pháp nhanh chóng… Hoạt động của cộng đồng quốc tế cần phải được đưa vào triển vọng dài lâu. Những nhóm nổi dậy đang giành được thắng lợi vì chúng biết cách chờ đợi…".

Thực tế là, hàng núi viện trợ nhằm tranh thủ "khối óc và con tim" của người dân Afghanistan đã không tới được tay những người xứng đáng. Thương vong trên chiến trường Afghanistan vẫn luôn ở mức cao, cả trong số thường dân lẫn trong các đơn vị liên quân. Chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa qua đã có tới 66 binh lính Mỹ bị thiệt mạng…

Những người dân bị chết cả vì tên bay đạn lạc của liên quân quốc tế cũng ngày một nhiều, buộc ngày 4/8, tướng David Petraeus, Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan, đã phải ra lệnh cho binh lính dưới quyền phải chú trọng hơn tới việc tránh thương vong cho dân thường sở tại…

Trong khi đó lại vang lên những tuyên bố về việc tới năm 2014, toàn bộ lãnh thổ Afghanistan sẽ được chuyển giao cho quân đội quốc gia quản lý. Phó Tổng thống  Mỹ Joseph Biden ngày 1/8 đã tuyên bố rằng, Washington sẽ rút hơn 2 nghìn quân ra khỏi chiến trường Afghanistan từ tháng 7/2011.

Thế nhưng, theo lời cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger trong bài trả lời phỏng vấn tờ The Financial Times, kế hoạch chuyển giao cho lực lượng quân sự Afghanistan trách nhiệm an ninh quốc gia từ tháng 7 năm tới rất nguy hiểm vì đó sẽ là nguyên do dẫn tới thất bại. Xã hội cần phải chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tranh lâu dài ở Afghanistan, một cuộc chiến tranh mà cho tới nay đã là lâu dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ông Kissinger cho rằng, Tổng thống Obama cần xem xét lại những thời hạn rút quân cũng như ý nghĩa của chiến lược tại Afghanistan, bởi các mục tiêu của chiến lược này quá tham vọng và quá dựa vào quyền năng của chính phủ Kabul, một chính phủ thực ra có rất ít ảnh hưởng ở những phần lãnh thổ nằm ngoài thủ đô. Cuộc chiến tranh chống lại Taliban cho đến khi chúng "không còn mảnh giáp" sẽ làm mất nhiều thời gian hơn khả năng nền chính trị Mỹ cho phép.

Đã thay đổi cách nghĩ về vấn đề Afghanistan ở nhiều người tại không chỉ đất nước Nam Á này mà cả ở phương Tây. Có lẽ cũng nhận thức vấn đề Afghanistan như vậy nên ngày 2/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong chương trình This Week của kênh ABC đã tuyên bố rằng, Washington sẽ chỉ rút một ít quân ra khỏi Afghanistan vào mùa hè năm tới. Ông từ chối không cho biết khi nào Mỹ sẽ rút hết quân ra khỏi Afghanistan

Muốn nói gì thì nói, tiến trình "Afghanistan hóa chiến tranh" ở đây tất yếu sẽ đến. Các lực lượng vũ trang của chính phủ Kabul sẽ phải  gánh vác những trọng trách an ninh. Nhưng với hiện trạng hôm nay, liệu họ có thể đảm đương được sứ mệnh bất khả thi đó không trước nguy cơ một cuộc nội chiến tất yếu sẽ bùng nổ? Và câu hỏi của tờ báo Italia Corriere della Serra xem ra không phải vô lý: liệu ở Afghanistan có lặp lại "hội chứng Việt Nam" hay không?!

Đặng Đình Nguyên
.
.