Ác tăng đội lốt thầy tu

Thứ Bảy, 17/04/2021, 13:42
Đề cập đến một trong những vấn đề thời sự được dư luận quan tâm, Báo Tuổi trẻ ngày 21-7-2019 có bài “Mạnh tay chống “đội lốt” hàng Việt”. Dù không giải thích nhưng ai cũng biết lốt là xác bọc bên ngoài một số động vật; theo nghĩa bóng là cái vỏ, hình thức bề ngoài.

Đội lốt là “Mang danh nghĩa bề ngoài, cải trang che giấu bản chất xấu xa bên trong” - “Đại từ điển tiếng Việt” giải thích. Thơ ngụ ngôn Lã Phụng Tiên (Nguyễn Văn Vĩnh dịch) có phê phán trường hợp:

Con lừa kia đội da sư tử

Khắp một vùng tưởng dữ đều kinh

Tuy rằng là vật đáng khinh

Mà ai cũng sợ oai linh con lừa.

Thật ra cái sự đội lốt quái đản này vốn là chiêu trò phổ biến chung, chứ không riêng sắc dân tộc nào. Nếu bên Tây có Con lừa đội da sư tử, bên Tàu có Hồ mượn oai hổ thì nước Nam ta có Quạ đội lốt công hoặc Gà đội lông công:

Xem như chuyện giả hình này biết:

Con gà rừng được ít lông công

Gài lên đuôi cánh vẫy vùng

Vẻ vang hách dịch kiêu ngông cả đàn.

Với mô típ này, nhà văn hóa Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân có lời bình xác đáng trong đối nhân xử thế: “Cốt ý nói những kẻ thần hạ mượn quyền thế người trên để hống hách, dọa nạt người ta. Nhưng nếu người ta không biết, thì người ta còn sợ, chứ khi “hổ mà thèm cỏ, lừa mà thò tai” thì chẳng những người ta đem lòng khinh bỉ, mà người ta còn làm cho đê nhục để cho bõ ghét”.

Đội lốt cỡ này mới kinh hơn nè, rằng, cô nàng nọ đeo ba lô ngược, bụng to chình ình như cái trống chầu, tình nhân mới rụt rè hỏi, “Thế có chắc cô chửa với tôi không?”. Nàng giàn giụa giọt lệ sầu giọt lệ thẳm rồi nghiêm mặt mà rằng: “Này, năm nay tôi mới mười tám tuổi đầu, sao anh đã đổ bậy, đổ bạ cho tôi cái tiếng khỉ gió ấy! Anh hỏi tôi chửa với ai à? Rồi nó giống ai, nó máu mủ ai, thì anh biết. Tôi con nhà trâm anh, anh cũng con nhà thế phiệt, vì một lời giao ước, nên tôi mới quá chiều anh. Tuy tôi chưa là vợ anh, nhưng cũng như là vợ, nên tôi dốc một lòng chung thủy, thì chữ trinh tôi giữ nguyên cho anh. Nếu bây giờ tôi loan chung phượng chạ thì đây này, tôi sẽ chết như thế này này!”.

Khiếp quá! Nàng trung chính là thế. Tiết hạnh khả phong là vậy. Bỉ bai cho cái đầu nghĩ xằng, vả cho cái miệng ăn mắm ăn muối, chỉ được cái nghĩ tà nói bậy. Rồi ngày khai hoa nở nhụy đã đến. Vui quá, mừng quá. Vậy mà: “Ngắm xong, bọc cẩn thận trả lại, chàng từ từ lui ra, thở dài một cái rõ dài, nét mặt thất vọng. Té ra thằng bé con chàng mà nước da lại đen như cái cột nhà cháy! Vậy nó không phải con Rồng cháu Tiên. Nó là giống "Oẳn tà rroằn" không biết chống gậy”. Thì ra đó là hậu quả ngoại tình giữa người đàn bà An Nam với gã Tây đen mắt xanh mũi lõ. Chỉ có nhà văn Nguyễn Công Hoan mới “sáng chế” ra cụm từ cực kỳ ấn tượng "Oẳn tà rroằn". Ban đầu có lẽ người ta chỉ thấy buồn cười. Nhưng rồi trải qua bao biến đổi, thay đổi về ngôn ngữ, nó vẫn “sống” sờ sờ, vẫn đồng hành cùng thời đại chúng ta đấy chứ?

Đội lốt cỡ nào, dù che giấu tinh vi đến đâu cũng có lúc bị lật mặt, lúc đó thiên hạ ầm ầm tẩy chay, “một sự bất tín, vạn sự bất tin”, xét ra hại nhiều hơn lợi. Với từ lốt, “Việt Nam tự điển” (1931) còn cho biết: “Vị thần đội lốt rắn, thường gọi là ông lốt”. Cách gọi này, đến nay vẫn còn tồn tại trong tín ngưỡng đạo Mẫu. Mà lốt cũng còn có nghĩa là dấu/ dấu vết còn để lại, tỉ như lốt chân chẳng hạn. Thế nhưng:

Có lá lốt phụ xương sông

Có chùa bên bắc để miếu bên đông tồi tàn.

Lốt ở đây lại là loại cây thuộc họ hồ tiêu, lá có hình thù tựa lá trầu nhưng mỏng hơn, nếu… các bà nội trợ sử dụng nấu với ốc hoặc cuốn thịt bò thì ăn ngon tuyệt. Đôi khi không dùng từ đội lốt, ta có thể hoán đổi qua từ gì? Báo Tuổi Trẻ ngày 15-7-2019 có bài Nhiều hàng Trung Quốc đã được 'hô biến' thành hàng Việt. Hô biến vốn là từ các ảo thuật gia thường sử dụng khi họ “nhanh tay lẹ mắt” biểu diễn một tiết mục nào đó nhằm tạo ra sự bất ngờ, đột ngột. Rằng chỉ trong nháy mắt, tích tắc chỉ cần “hô biến” thì vật đã có/ đã thấy lại hoàn toàn biến mất hoặc hoặc biến sang thứ khác, chẳng ai ngờ trước. Trộm nghĩ, ban đầu chỉ là mỗi từ hô và biến riêng biệt, không tin cứ tra từ điển ắt rõ, mãi sau này cả hai mới sáp nhập chung để trở thành “hô biến” theo nghĩa như ta đã hiểu.

Ảnh: L.G.

Thế thì hàng Trung Quốc đã “hô biến” thành hàng Việt thế nào?

Dễ ẹt, chỉ cần nhập hàng Trung Quốc về đóng nhãn mác Việt; hoặc thay thế nhãn mác. Vậy là xong. Nhanh như lật bàn tay. Chẳng khác gì, Ác tăng đội lốt thầy tu. Với hàng hóa nói chung, nhãn mác quan trọng quá đi chứ? Vâng, rất quan trọng. Cũng tựa hô và biến, nhãn và mác ban đầu cũng là hai từ riêng biệt, sau này mới kết hợp trở thành “đôi bạn cùng tiến”.

Nhãn là gì? Nhãn là mắt, cũng còn có âm đọc là nhỡn - thí dụ nhỡn tiền/ nhãn tiền… Vậy nhãn, theo “Đại từ điển tiếng Việt”:  “Dấu hiệu riêng của cơ sở sản xuất được dán, in trên mặt hàng hóa”. Thế nhưng nó cũng là từ trùng âm với nhãn/ trái nhãn:

Hỡi cô cắt cỏ bên sông

Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây.

Sở dĩ gọi nhãn vì “Cây có trái giống cái tròng con mắt” (Huình Tịnh Paulus Của, 1895), “Cây có trái tròn như con mắt” (Lê Ngọc Trụ, 1959). Câu ca dao này hay ở chỗ ngầm hiểu nhãn này là nhãn lồng, nhưng lồng lại là từ dùng để chỉ… gia súc hăng lên mà nhảy càn. Dù nhãn còn có âm đọc/ nói là nhỡn nhưng ở đâu thì tùy trường hợp chứ dứt khoát chẳng ai gọi… trái nhỡn. Tương tự, phòng cũng hiểu là buồng, nào ai dám gọi… chánh văn buồng; đàn cũng là đờn nhưng chẳng ai gọi… Công viên Tao Đờn! Hoặc mai cũng đọc là mơi, vì thế “Việt Nam tự điển” (1931) mới xếp mai/ mơi cùng nghĩa:

Sớm mơi ra đứng cột lều

Áo quần rách rưới, lại nhiều cảnh điên.

Sớm mơi cũng là sớm mai, nhưng hoa mai chỉ nói/ gọi/ viết hoa mai, chẳng thấy ai gọi… hoa mơi. Đúng thế, nếu hoán đổi mai/ mơi trong câu ca dao: “Nghêu ngao vui thú sơn hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen”; hoặc “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” (“Truyện Kiều”).., nghe ra như bỡn cợt, hài hước. Ấy mới là xí lắc léo trong tiếng Việt.

Thêm một điều thú vị là từ nhãn rất Việt Nam lại se duyên với mác/ mạc - vốn là từ của cư dân mắt xanh mũi lõ. Vâng, mác/ mạc chính là từ vay mượn marque (nhãn hiệu của hãng chế tạo hay sản xuất) trong tiếng Pháp. Trước năm 1975, với từ mạc/ mạc ta thường nghe nói đến câu quen thuộc, đại khái là mạc đề-bô-zê (marque déposée) tức nhãn hiệu đó đã có/ đã được cầu chứng tại tòa; ta hiểu nhãn hiệu đó đã được R (®) - Registered; C (©) - Copyrighted; TM (™) -  Trademark. Hiểu nôm na là nhãn hiệu/ nhãn mạc đó đã đăng ký bảo hộ với nhà nước, được luật pháp luật pháp bảo hộ, nghiêm cấm tất cả mọi tổ chức, cá nhân sử dụng một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó nếu chưa được sự đồng ý của người sở hữu. Quy định này nhằm ngăn ngừa, răn đe, nghiêm cấm các loại hàng nhái, hàng giả.

Với từ giả, có những cặp từ trái nghĩa, tùy ngữ cảnh ta có thể áp dụng “đâu ra đó”, chẳng hạn giả - thực/ thật/ thiệt; bịa - thật; dối - thật…

Lụa này là lụa Cổ Đô

Chính tông lụa cống các cô ưa dùng.

Chính tông cũng là thật, là chính cống (tiếng lóng), “chính hiệu con nai vàng” chứ không phải hàng nhái, hàng giả. Thú vị nữa, giả còn có từ tương đương nữa là trá, “Việt Nam tự điển” (1931) xếp giả/ trá cùng nghĩa: “Giả: 1. Gian dối, không thực: Giấy bạc giả, Giả hiệu; 2. Mượn: Giả danh”; “Trá: Giả dối - gian trá, trá hình, trá hàng”. Theo nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ, giả dối là từ trá mà ra.

Hàng đội lốt là hàng giả, hàng gian dối nhưng nếu cái tít của bài báo Hàng trăm triệu lít xăng giả ra thị trường (Báo Tuổi trẻ ngày 7-6-2019), ta thay “xăng giả” bằng “xăng dối” liệu chừng có ai hiểu không? Ắt không. Thế nhưng xin thưa, ở thế kỷ XVII, thiên hạ hiểu đấy. Bằng chứng “Tự điển Việt-Bồ-La” (1651) cho biết dối và giả cùng một nghĩa. Của dối là của giả. Giả, tùy trường hợp lại có lúc biến âm thành giá, thí dụ giả như/ giá như…

Đọc xong bài báo trên, có người tặc lưỡi: “Buôn bán xăng dầu mà dối trá thế này”. Ta hiểu dối trá trong ngữ cảnh này là giả dối, lừa lọc, lừa gạt. Nghe xong, người khác bình luận: “Kịp thời lật tẩy vụ này, chứng tỏ cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ đâu có dối dá”, thì dối dá lại là từ láy nhằm chỉ ai đó thực hiện công việc qua loa đại khái, được chăng hay chớ, không toàn tâm toàn ý, không chu tất.

Trong lúc cả hai đang đối thoại, có người thứ ba chen ngang: “Vậy, khi tra tay vào còng, gã gian thương cỡ gộc đó có dối dăng gì không?”. Cũng là dối nhưng dối dăng lại hàm nghĩa như trối trăng/ trăng trối - tức có trối, có nói lời gì, dặn dò gì khi sắp tịch, sắp ngủm củ tỏi hay không? Dù biết thủ phạm trong sự việc này chỉ “đếm lịch mút mùa lệ thủy”, chứ không đến nỗi “dựa cột” nhưng họ vẫn nói cho bõ ghét. Đó là một trong những cách nói mỉa mai nói chung của người Việt.

Gần đây, một khi nói đến hàng giả, còn từ tương đương là rởm, dỏm. Thật ra, từ rởm nghĩa ban đầu của nó là “gàn dở, hợm hĩnh” như “Việt Nam tự điển” (1931) đã giải thích; về sau mới có nghĩa phái sinh là dỏm, hiểu theo nghĩa là giả, không thật. Mà từ dỏm xuất hiện từ bao giờ? Nếu khảo sát của “Từ điển từ mới tiếng Việt” (NXB TP .HCM - 2002) chính xác, có khả năng nó ra đời từ thập niên 90 thế kỷ XX với dẫn chứng: “Đối với thị trường tiêu thụ và sản xuất hiện nay, người tiêu dùng sẽ dễ dàng mua phải hàng dỏm” (Thời báo kinh tế Việt Nam số 3 ngày 19-1-1995). Nhân đây xin nói luôn, dỏm còn có cách ghi dởm/ dổm; và có thể nó là do từ rởm nói trại ra chăng?

Thế nhưng, chiêu trò đội lốt trong Mạnh tay chống 'đội lốt' hàng Việt còn cay độc, độc địa hơn nhiều - hơn cả Treo đầu dê bán thịt chó, vì vẫn treo thịt chó chứ không cần phải lòe mắt người mua bằng cách “nhá hàng” là cái đầu dê. Cái sự đội lốt quái đản chỉ thay đổi nhãn mạc/ nhãn mác đã khiến nhiều người nhầm chết là vậy. Nhưng rồi, “vỏ quýt dày, móng tay nhọn” nên kẻ xấu có ngày vác chiếu hầu tòa là lẽ tất nhiên.

Lê Minh Quốc
.
.