Phùng Tá Chu: Chính khách lớn hai triều Lý - Trần

Thứ Sáu, 10/11/2017, 19:32
Theo chính sử, Phùng Tá Chu làm quan Nội hầu của triều Lý. Chính ông là người được vua Lý Huệ Tông gọi đến bàn việc truyền ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng. 

Ông đã lấy dẫn chứng trong lịch sử để thuyết phục vua nhường ngôi cho con gái. Khi Trần Cảnh lên ngôi vua, ông cùng văn võ bá quan đưa thuyền, xe về phủ Tinh Cương đón Trần Thừa vào kinh.

Đầu triều Trần, ông được ban chức Phụ quốc Thái phó, có công giúp việc tổ chức triều đình nhà Trần những năm đầu dựng nghiệp. Sau được cử đi trấn ngự biên cương ở Nghệ An, lại được phép ban tước từ Tá chức, Xá nhân trở xuống cho người khác. 

Năm Giáp Ngọ (1234), được phong tước Hưng Nhân vương. Năm Bính Thân (1236), lại được gia phong Hưng Nhân đại vương. Ông là người ngoài hoàng tộc được phong tước vương, lại được phong khi còn sống, chứng tỏ nhà Trần rất coi trọng những đóng góp của ông cho vương triều.

Từ những tư liệu lịch sử, nhất là trong giai đoạn chuyển giao hai vương triều Lý - Trần, đã đủ cho chúng ta, những hậu thế sinh sau danh nhân Phùng Tá Chu hơn 800 năm có thể khẳng định ông là một chính trị gia lão luyện của giai đoạn lịch sử đó.

Một người quyết định đến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Phùng Tá Chu chính là người cha Phùng Tá Thang. Sinh thời, Phùng Tá Thang là người rất nổi tiếng. Ông được triều Lý vốn rất sùng đạo tin dùng và trân trọng, luôn coi là bậc rường cột về đạo giáo của quốc gia. Vốn tinh thông tam giáo cửu lưu, bách gia chư tử, thông kim bác cổ, giỏi y nho lý số... Phùng Tá Thang được coi là bậc đạo cao đức trọng, kiến thức thâm hậu của đương thời.

Triều Lý là triều đại tam giáo đồng nguyên, các kiến thức và thực hành của các đạo giáo được tự do phát triển. Những cao đồ các đạo giáo luôn được giao lưu, luận bàn, tham bác, học hỏi lẫn nhau. Đó là điều tiến bộ chưa từng thấy trong triều đại phong kiến.

Với viễn kiến hơn người, Phùng Tá Thang đã sớm rèn đúc người con Phùng Tá Chu ngay từ nhỏ. Tá Chu được cha trực tiếp rèn luyện và đưa về sơn môn Yên Tử, nơi trung tâm trí tuệ của các đạo giáo, nhất là Phật giáo để học tập, tu dưỡng.

Trong mười năm ở sơn môn Yên Tử, giới trí thức tinh hoa Đại Việt đã truyền không chỉ kiến thức mà cả một ngọn lửa mãnh liệt cho chàng thanh niên Phùng Tá Chu. Đây chính là thời gian trui rèn một bản lĩnh lớn của một ý chí lớn không gì suy suyển. Và cũng chính bản lĩnh lớn đó đã tạo nên một Phùng Tá Chu - chính trị gia lão luyện trong thời kỳ chuyển giao hai vương triều Lý - Trần.

Với tính cách khác thường, khi rời Yên Tử, Phùng Tá Chu đang ở tuổi thanh niên hiếu động với kiến thức phong phú và đặc biệt là mong muốn có được thực tiễn từ chính đời sống nhân dân đang chịu nhiều cơ cực khi Lý Cao Tông càng ngày buông bỏ triều chính, sa đoạ, dâm loạn. 

Ảnh: LG.

Phùng Tá Chu luôn muốn đoán xem thiên hạ khi loạn lạc thì đời sống nhân dân sẽ cơ cực nhường nào? Có cách gì bảo toàn đất nước, bảo toàn và phát triển đời sống của nhân dân?

Chúng ta nên nhớ, hàng nghìn năm phong kiến là hàng nghìn năm nhân dân sống trong lầm than, áp bức, đói khổ, giết chóc. Những khoảng thời gian các triều đại yêu dân, chăm lo tới đời sống của nhân dân luôn rất ngắn ngủi. Khoảng mênh mông còn lại nhân dân sống trong chiến tranh, loạn lạc, điêu linh.

Một thực tiễn khác, người cha Phùng Tá Thang vốn rất thân Trần Lý và các yếu nhân họ Trần trong vương triều Lý như Trần Thừa, Trần Tự Khánh... nên việc Phùng Tá Chu có một khoảng thời gian dài đến với đại gia tộc họ Trần nơi vùng đất Long Hưng là chuyện đương nhiên.

Ở những buổi đầu ấy, với con mắt tinh tường của Trần Lý, với độ thâm hậu, cao cường của Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu được Trần gia lập tức tin dùng và giao cho giảng dạy binh pháp, chỉ huy đội gia binh của họ Trần ở lộ Long Hưng.

Tài năng, mưu lược, đặc biệt là tầm nhìn của Phùng Tá Chu được những yếu nhân họ Trần sớm nhìn ra và trân trọng. Đội gia binh sau này cũng chính là nòng cốt của quân đội nhà Trần từ những buổi đầu trứng nước đã được Phùng Tá Chu giảng dạy không chỉ binh pháp, kỹ thuật chiến đấu, mà cái cao hơn, thẳm sâu hơn là tinh thần yêu nước, lẽ sống làm người dân Đại Việt, để từ nền tảng đó, sau này chúng ta có võ công ba lần chiến thắng Nguyên - Mông.

Và cũng thời gian này, Phùng Tá Chu kết giao sâu sắc với Trần Thủ Độ - một nhân tài đặc biệt không riêng của họ Trần mà của cả Đại Việt.

Thuận theo lịch sử, họ Trần kế tiếp họ Lý làm chủ ngôi nước. Bây giờ nói thì đơn giản thế chứ khi ấy muôn dân đã và đang máu chảy đầu rơi từ kinh đô đến nơi thôn cùng xóm vắng rồi. Ngay từ trước khi Lý Cao Tông mất, các thế lực quần hùng đã mạnh ai nấy cát cứ suốt ngày động binh chém giết lẫn nhau.

Trong triều, triều thần năm bè bảy mối kẻ nào cũng lăm le kết giao với các ông tướng, các đầu lĩnh, đầu mục để động tí khởi binh hỏi tội lẫn nhau, bức vua hại dân không sao kể xiết. Lý Cao Tông chết trong triều đình hỗn loạn.

Khi chết thân còn chưa lạnh, các ấu chúa đã bị chính thái hậu dìm chết dưới giếng rồi sai vớt thây để ở cửa cung nhằm doạ quần thần khiến viên quan Trịnh Đạo liều chết khóc rất ai oán: “Tiên quân đi đâu mà khiến cho ba con như thế u”+. Trẻ con hát khúc đồng dao: “Cao Tông táng vị tât' Tam thi tích vi nhat”^' (Tang Cao Tông chửa đoạn Ba thây đã chất lên).

Triều chính như thế. Lòng người như thế. Bốn phía các thế lực cát cứ chỉ lăm le xưng vương thử hỏi lúc rối ren đó không có các yếu nhân họ Trần đồng thời cũng là rường cột của Lý triều chèo chống liệu thiên hạ có đại loạn không? Muôn dân có tắm trong biển máu không? Và, ai là người đã vạch ra những kế sách, phương lược cao cường để họ Trần giành lấy ngôi nước từ họ Lý? Người đó phải là một chính trị gia đại tài.

Người đó không ai khác chính là Thái phó Phùng Tá Chu.

Không phải ngẫu nhiên mà một hôm, mùa đông, tháng Chạp, Lý Huệ Tông vời Phùng Tá Chu đến dụ rằng: “Trẫm vì thất đức, chịu tội với trời, không có người kế tự, phải truyền ngôi cho con gái, lấy một âm mà chế ngự cả một bầy dương, nếu chúng không theo thì tất phải ăn năn. 

Cứ như ta thấy, không gì bằng bắt chước Đường Nghiêu ngày xưa, noi theo Nhân tổ mới rồi, chọn người hiền mà trao ngôi cho. Nay ta thấy con của Thái uý Trần Thừa có đứa con trai thứ là Mỗ (tức Trần Cảnh) tuổi tuy còn bé, nhưng tướng mạo phi thường, tất có thể cứu đời, yên dân, nên ta muốn lấy làm con, để làm chủ xã tắc, mà lấy Chiêu vương (Chiêu Hoàng) gả cho. Lũ khanh hãy vì trẫm mà nói giùm với Thái uy”'.

Không phải ngẫu nhiên lịch sử chọn Thái phó Phùng Tá Chu soạn chiếu và tuyên chiếu Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng, tiếp đó là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Điều đặc biệt này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử Việt Nam cũng là chỗ tốn giấy mực nhất của không chỉ các sử gia mà cả hậu thế sau này.

Lịch sử đã chọn Thái phó Phùng Tá Chu kể cũng quá tài tình. Ông là thầy dạy của hai vua Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Và ông tác thành cho hai vua nên duyên chồng vợ. Tạo hoá dẫu thử thách đến tận cùng ý chí của con người nhưng cũng rất công bằng để con người là chính con người. Biết yêu thương. Biết sinh sôi. Đặc biệt biết đặt ngôi nước vào tay người hiền đức.

Khi thấy được vua Trần - người học trò của mình đã trưởng thành, đặc biệt tầm nắm giữ triều cương, người thầy Phùng Tá Chu đã bắt đầu muốn tiêu dao, muốn lánh dần triều chính. 

Năm 1239, vua Trần Thái Tông ban cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó, giao về hương Tức Mặc xây dựng hành cung. Tiếp đó Phùng Tá Chu vào Thanh Hoá xây dựng năm hành cung; vào Nghệ An, đến Trường Yên, Đông Triều khảo sát và xây dựng các hành cung đã cho thấy sự truyền tâm của hai thầy - trò là vô cùng uyển chuyển.

Phùng Tá Chu được phân công công việc liên tiếp, miên man không dứt cũng chính là kế sách giữ cho người thầy được an toàn. Ở nơi triều đình bên cạnh Trần Thủ Độ, việc giữ được sinh mạng chắc chắn là khó hơn nhiều.

Phùng Tá Chu rất giỏi về triều chính, đặc biệt vấn đề nội trị. Chính ông chủ trương ngay từ đầu triều cương phải được xác lập, văn hiến - cái gốc của nước phải được đắp bồi. Ngọn lửa này đã được quan Thái phó truyền cho Trần Cảnh - vị vua sáng đầu triều Trần và các vua Trần sau này đều theo gương phát hiện và trọng dụng nhân tài bất kể xuất thân của họ. Đó cũng là điểm sáng trong trị quốc của vương triều Trần.

Trong các khoa thi Thái học sinh đầu triều Trần ở các năm 1232 và 1239, vua Trần Thái Tông đều chuẩn tấu cho phép Phùng Tá Chu ra đề và trực tiếp chấm bài cho các sĩ tử. Việc lựa chọn tầng lớp tinh hoa thông qua con đường thi cử đã cho phép quan Thái phó lựa chọn được những người giỏi, có đạo đức và năng lực để khuông phò nhà Trần.

Chính tầng lớp này đã góp phần quyết định trong các cuộc đánh thắng giặc Nguyên - Mông sau này. Điều đó càng khẳng định tầm nhìn chiến lược, nhãn quan quân sự trong tài năng chính trị Phùng Tá Chu.

Năm 1241, Phùng Tá Chu trở về thế giới của người hiền.

Ông mất khi đang ở độ chín về tài năng khi tuổi mới năm mươi đã để lại sự tiếc thương lớn của triều đình nhà Trần, đặc biệt là người học trò, nay đã là một vị vua anh minh. Trần Thái Tông thân đến viếng, liệt ông vào hạng đệ nhất công thần, cho tìm nơi đất tốt để an áng, lại cho tổ chức tang lễ trọng thể. 

Đặc biệt sau đó, vua Trần luôn cho tiến hành các sách lược mà Phùng Tá Chu đã vạch ra, thực hiện triệt để, càng cho thấy sự nhớ tiếc hiếm có của vua Trần đối với vị Thái phó lưỡng triều vậy.

Phùng Văn Khai
.
.