Hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời chí sĩ Nguyễn An Ninh

Thứ Tư, 11/10/2017, 08:35
Trong khuôn viên nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh ở ngã ba Tân Chánh, quận 12, có bức ảnh chân dung của bà Trương Thị Ngự. Đó là thân mẫu nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Người phụ nữ trong bức ảnh mặc áo dài đen, tóc búi gọn sau ót. Bức ảnh thôi thúc tôi tìm về cội nguồn của một gia tộc.

Cội nguồn Nguyễn An Ninh

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, tổ tiên ông Nguyễn An Nghi vì chống lại triều đình mà bị xử tội chém rồi trôi dạt vào Bình Định, từ họ Đoàn phải đổi sang họ Nguyễn, khai hoang lập làng định cư, mai danh ẩn tích.

Thời vua Tự Đức, lúc Pháp còn cho phép dân Nam Kỳ lập đồn điền, ông Nghi bỏ vợ con, một mình vào Nam quyết tạo lập sự nghiệp. Ông Nghi giỏi Hán học, biết võ nghệ, giỏi nghề bốc thuốc chữa bệnh. Trên bước đường vào Nam lập nghiệp, ông cưới thêm bà vợ tên là Dương Thị Tiền.

Khi quân Pháp chiếm Nam Kỳ, ông Nghi theo nghĩa quân Trương Định. Khi tướng quân hy sinh, nghĩa binh tan rã, ông về quê vợ sống trong tâm trạng bất đắc chí. Ông mất năm 62 tuổi, có 3 người con là Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư.

Ông Nguyễn An Nghi truyền nghề bốc thuốc cho 2 người con trai, nhưng ông tin tưởng Nguyễn An Khương hơn, nên truyền cả những toa thuốc hiếm, thuốc độc khi cần xử lý. Ông mất khi bà Nguyễn Thị Xuyên, con gái đầu 30 tuổi. Bà Xuyên dù xinh đẹp, giỏi giang nhưng nguyện ở vậy, không lấy chồng, lo cho mẹ và 2 em, sau này kinh doanh Chiêu Nam Lầu ở Sài Gòn...

Cội nguồn của quê ngoại Nguyễn An Ninh ở làng Long Thượng, Cần Giuộc, Long An. Trương Dương Lợi là một người hằng sản, có hơn 200 mẫu ruộng. Ông chọn bãi đất bằng cuối nhánh sông Cần Giuộc cất chợ, xây phố cho mướn, xây dinh cơ là ngôi nhà ngói ba gian hai chái, nền cao có sân gạch phía trước, có vườn cây giáp liền dãy phố và chợ. Khi có chợ, dân đổ về đây sinh sống ngày càng đông.

Vùng đất hoang vắng trở nên phồn vinh, đông vui. Người dân Long Thượng quen gọi ông là Hội đồng Lợi. Lúc còn sống ông đã cho xây ngôi nhà mồ rất đẹp. Hội đồng Lợi có 10 người con. Trong số ấy, cô Trương Thị Ngự là đứa con gái được ông yêu thương nhất vì sự tháo vát, đảm đang. Tài văn chương, đức độ của ông Nguyễn An Khương bay đến dinh cơ ông Hội đồng Lợi. Cũng vì mến mộ, cảm kích người thầy giáo làng tài đức, ông Hội đồng Lợi gả người con gái tên là Trương Thị Ngự cho ông Khương.

Bà Nguyễn Thị Minh, con gái ông Nguyễn An Ninh kể: “Ông nội tôi (Nguyễn An Khương) khi đến nhà ông Hội đồng Lợi chơi, đã cảm khái, viết tặng cho chủ nhà câu đối. Ông Hội đồng Lợi mến tài ông Nguyễn An Khương đã gả cô Trương Thị Ngự (bà con quen gọi cô Bảy Ngự) cho ông”. Mối nhân duyên này đã sinh ra 4 người con nhưng đều mất từ nhỏ, chỉ còn duy nhất Nguyễn An Ninh...

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Ngự (1873 - 1911) và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh thời trẻ.

Cô Bảy Ngự tuy nhan sắc không nổi trội so với số chị em trong nhà nhưng nết na, giỏi giang nổi tiếng xứ Cần Giuộc. Có được cô em dâu như vậy, bà Nguyễn Thị Xuyên rất hài lòng. Khi cha mất, bà Nguyễn Thị Xuyên mới 30 tuổi, nguyện không lấy chồng, ở vậy suốt đời phụng dưỡng mẹ già và lo cho 2 em. Bà Ngự cùng chị chồng không những giúp ông Khương lo cho cả gia đình mà còn lo cho ông trong những hoạt động tham gia phong trào yêu nước thời bấy giờ.

Bà chủ Chiêu Nam Lầu

Năm 1899, ông Nguyễn An Khương đưa gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đầu, họ mướn 2 căn nhà liền nhau, trên đường Kinh Lấp (nay là đường Nguyễn Huệ). Họ mở một tiệm may, vì bà Xuyên và “cô Bảy Ngự” vợ ông Khương may rất khéo.

Họ đặt tên tiệm may là Chiêu Nam Lầu, với ý tứ sâu xa là nơi chiêu hiền đãi sĩ của người Việt Nam, nơi gặp gỡ anh hùng hào kiệt 3 miền, nơi tá túc của những nhà ái quốc Bắc, Trung lưu lạc vào Nam, nơi giúp đỡ phương tiện, tiền bạc cho những thanh niên yêu nước xuất dương trong phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục...

Thấy nhiều điền chủ, thương gia từ lục tỉnh lên Sài Gòn có nhu cầu nghỉ đêm, chủ nhân Chiêu Nam Lầu cho sửa chữa các phòng tầng trên làm khách sạn. Công việc kinh doanh Chiêu Nam Lầu ngày càng phát đạt nhờ tài tháo vát, nội trợ của cô Bảy Ngự - mẹ Nguyễn An Ninh - người phụ nữ gần một thế kỷ sau được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và tài ngoại giao của bà Nguyễn Thị Xuyên.

Bà Nguyễn Thị Minh - con gái ông Nguyễn An Ninh kể: “Năm sinh ba tôi, bà nội bận làm ăn ở Sài Gòn. Vừa cứng cáp, bà nội gởi con cho 2 bà cố (2 bà vợ của ông Hội đồng Lợi). Dù sống xa cha mẹ nhưng ba tôi được các bà cố thương yêu, lớn lên cùng bầu sữa với dì và cậu. Tuổi thơ của ba tôi sẽ bình lặng trôi qua, nếu như...”.

Khách sạn Chiêu Nam Lầu là cơ sở cho phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân. Ông Nguyễn An Khương - chồng cô Bảy Ngự rất thân với các ông Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt (phong trào Đông Du).

Ông Khương cộng tác làm Báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, là bạn thân của Cường Để, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Huy, cùng nhiều thương gia, điền chủ lúc bấy giờ. Ông Khương tích cực tuyên truyền cho phong trào Duy Tân, cổ vũ truyền bá tài liệu cho Đông Kinh Nghĩa Thục. Những ai lui lới Chiêu Nam Lầu - những người yêu nước chống Pháp đều là bạn của ông Nguyễn An Khương.

Cô Bảy Ngự lặng lẽ cùng chị dâu Nguyễn Thị Xuyên kinh doanh khách sạn. Để thu hút khách, bà Bảy Ngự thuê thợ bếp người Mãn Thanh vào nấu ăn cho người Trung Quốc. Những món Việt, bà đảm trách. Chiêu Nam Lầu bên ngoài phát triển rầm rộ, nhưng bên trong là đường dây yêu nước. Sau vụ “Hà Thành đầu độc”, ông Nguyễn An Khương chứa nhiều người yêu nước bị truy nã tại Chiêu Nam Lầu...

Bà Bảy Ngự phải thức khuya, dậy sớm lo việc kinh doanh, quản lý, quán xuyến Chiêu Nam Lầu. Bà lặng lẽ gánh lấy công việc nặng nhọc, sống cần kiệm, lo cho chí lớn của chồng. Tiền kinh doanh được từ Chiêu Nam Lầu, bà dành cho việc in sách, in tài liệu tuyên truyền phong trào Đông Du, tổ chức xuất dương.

Lo kinh doanh khách sạn Chiêu Nam Lầu để có tiền đóng góp cho hoạt động của các phong trào yêu nước, bà Trương Thị Ngự không thể trực tiếp nuôi dạy đứa con trai duy nhất là Nguyễn An Ninh. Mỗi khi con trai được ông ngoại đưa lên Sài Gòn, bà Ngự rất chăm chút cho con. Cũng như bao cậu bé khác, Nguyễn An Ninh rất hạnh phúc khi được ở với mẹ, được mẹ âu yếm, khâu lại chiếc nút áo cho ông. Được nghe chuyện thế sự từ những nhà yêu nước ở Chiêu Nam Lầu, cậu bé Nguyễn An Ninh rất ấn tượng...

Khẩu khí cậu bé Nguyễn An Ninh

Về Cần Giuộc, cậu bé Nguyễn An Ninh tập họp lũ bạn cùng lứa ở khu nhà mồ của ông ngoại, bàn kế hạ 4 chữ mạ vàng “Phụ mẫu chi dân” được ông ngoại (Hội đồng Lợi) treo giữa nhà. Một buổi trưa vắng lặng, Nguyễn An Ninh bắc thang, nhờ đám trẻ giữ chặt, tự tay cậu bé chặt dây xích. Bức hoành phi rơi xuống đất, gãy đôi. Đám trẻ bỏ chạy. Ninh bị ông ngoại bắt trói.

Ông Hội đồng buồn rầu ngẫm ngợi, thương cho con gái: “Tội nghiệp cha mẹ nó lo việc lớn, đâu còn thời giờ lo cho con cái. Thằng nhỏ bướng bỉnh, lớn lên rồi sẽ ra sao. Trong 10 đứa con thì mẹ nó nhan sắc tuy không bằng chị em nhưng giỏi giang nhất nhà. Lúc chưa lấy chồng thì nó lo hầu hạ cha mẹ, lo cho các em hết mực, bà con chòm xóm ai cũng thương. Khi lấy chồng, nó gánh vác việc khó khăn, lo toan cuộc sống nên mẹ chồng, chị chồng đều quý. Tội nghiệp, có 4 đứa con nhưng nó chỉ còn lại duy nhứt Nguyễn An Ninh. Thằng nhỏ tuy thông minh nhưng nghịch ngợm, liệu lớn lên có làm được việc gì không?!”.

Ông Hội đồng Lợi còn đang miên man suy nghĩ thì nghe giọng trẻ ngâm nga: “Xiềng xích rèn đúc tự bên Tây,/ Cớ sao đem tới nước Nam này/ Để ta phải chịu chân cùm trói,/ Chừng nào tháo được xích xiềng đây”. Khẩu khí của cậu bé Nguyễn An Ninh khiến ông Hội đồng Lợi xúc động rơi nước mắt. Ông tháo xích cho đứa trẻ.

Bà Nguyễn Thị Minh kể: “Năm ba tôi 10 tuổi, đã thông thạo chữ Nho, đã nhuần nhuyễn tứ thư, ngũ kinh, ông cố mới chịu cho cháu lên ở với cha mẹ tại Chiêu Nam Lầu để chuẩn bị đi học trường Taberd Sài Gòn”.

Sớm mồ côi mẹ

Công việc kinh doanh Chiêu Nam Lầu đang phát đạt thì tai họa liên tiếp đổ xuống gia đình bà Trương Thị Ngự. Con trai đầu của bà là Nguyễn An Thái, đang học năm thứ hai trường Trung học Mỹ Tho chết vì bệnh tiêu chảy, khi mới 13 tuổi. Vài tháng sau, mẹ chồng cô Bảy Ngự là bà Dương Thị Tiền mất.

Một năm 2 cái tang ập xuống, ông Nguyễn An Khương bị tai biến nhẹ. Ông tự bốc thuốc, chữa bệnh nhưng đi phải chống gậy. Sức khỏe cô Bảy Ngự bị suy giảm dữ dội, do làm lụng, chống đỡ cho công việc kinh doanh Chiêu Nam Lầu. Sợ chồng lo lắng, cô Bảy Ngự giấu chồng về bệnh tình của mình, cố gắng gượng để giữ nhịp độ đang lên của khách sạn.

Năm 1908, Nhật bắt tay Pháp, đuổi những người Việt Nam yêu nước và du học sinh Việt về nước. Ông Nguyễn An Khương bị bắt cùng một số nhà yêu nước khác. Chiêu Nam Lầu bị nhà nước Pháp đặt nghi vấn vì là cơ sở giúp các phong trào yêu nước đầu thế kỷ. Thấy ông Nguyễn An Khương quá yếu, nhà nước Pháp cho thả ông, với lời răn đe, cấm đoán. Sức khỏe cô Bảy Ngự ngày càng cùng kiệt. Công việc kinh doanh, quán xuyến Chiêu Nam Lầu chỉ còn bà Nguyễn Thị Xuyên làm trụ cột...

Nguyễn An Ninh được đưa lên Sài Gòn, ông Nguyễn An Khương đưa cậu bé vào học trường Taberd. Cậu bé giỏi tiếng Pháp, thuộc làu kinh Thánh. Mỗi khi được về Chiêu Nam Lầu, cậu bé mê mẩn tủ sách của cha. Nguyễn An Ninh rất mê đọc sách. Không chỉ đọc kinh Thánh, 10 tuổi dù chưa hiểu hết nhưng cậu bé còn đọc kinh Phật, đọc những bộ sách cha dịch như Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, Phong thần...

 Năm 1911, khi Nguyễn An Ninh lên Sài Gòn sống được 1 năm thì bà Trương Thị Ngự phát bệnh nặng, nằm liệt giường rồi mất. Năm ấy, bà mới 38 tuổi. (Bà sinh năm 1873, nhỏ hơn chồng - ông Nguyễn An Khương 13 tuổi). Ông Hội đồng Lợi đưa con gái về an táng tại khu nhà mồ đã xây sẵn ở Long Thượng, Cần Giuộc. Ông cho đứa con gái hết mực yêu thương nằm cạnh bà vợ thứ ba trong khu nhà mồ.

Vợ mất, ông Nguyễn An Khương không muốn ở lại Chiêu Nam Lầu nữa. Ông giao việc kinh doanh Chiêu Nam Lầu cho người chị là bà Nguyễn Thị Xuyên, về Hóc Môn mua đất cất nhà, sống một mình, dịch sách và dạy học cho dân quanh vùng. Bà con Hóc Môn gọi ông Nguyễn An Khương là Thầy Sáu...

Nguyễn An Ninh mồ côi mẹ khi mới 11 tuổi. Bà Xuyên thay bà Ngự nuôi cháu lớn khôn. Hết tiểu học ở trường Taberd, Nguyễn An Ninh vào trường Chasseloup Laubat. Đậu tú tài, Nguyễn An Ninh ra Hà Nội học ngành luật. Rồi ông bày tỏ với gia đình ý nguyện được xuất dương sang Pháp: “Con cần học luật của chính đất nước đã sinh ra luật lệ đó.

Nếu có điều kiện, con muốn học cao hơn nữa, muốn sang một số nước châu Âu để xem cách cai trị nước họ ra sao, dân chúng sống như thế nào, có phong trào cách mạng gì và cung cách hoạt động của họ ra sao”.

Ông Nguyễn An Khương và và Nguyễn Thị Xuyên ủng hộ ý nguyện xuất dương của Nguyễn An Ninh. Nhưng Nguyễn An Ninh phải đi Pháp bí mật, bởi cha ông là Nguyễn An Khương từng bị tình nghi vì đã tham gia phong trào Đông Du. Để con trai thỏa ý nguyện sang Pháp học luật, ông Nguyễn An Khương bán ruộng, cộng với tiền lời khách sạn khoảng 5.000 đồng, mượn thêm 2.000 đồng bên ngoại mới tạm đủ.

Với chiếc vali nhỏ gồm 2 bộ complet, 2 áo len và 2 bộ đồ nhẹ trong nhà, Nguyễn An Ninh trốn xuống tàu sang Pháp... Bà Nguyễn Thị Xuyên cũng góp số tiền lớn giúp cháu du học, sau này mua máy in giúp cháu làm báo. Suốt cuộc đời, bà Nguyễn Thị Xuyên là người cộng tác đắc lực cho anh và cháu làm cách mạng...

Dẫu không còn trên dương thế nhưng bà Trương Thị Ngự vẫn đồng hành cùng đứa con trai độc nhất của mình, trên lộ trình dài dằng dặc xuất dương sang Pháp, học luật của nước cai trị đất nước mình, để đi làm cách mạng giành độc lập, tự do.

Trong những đồng tiền bán ruộng, tiền lãi ở Chiêu Nam Lầu được gia đình gom góp cho Nguyễn An Ninh sang Pháp, có cả giọt mồ hôi đảm đang, tần tảo của bà Trương Thị Ngự - người mẹ vì dốc hết sức lực cho việc kinh doanh Chiêu Nam Lầu mà kiệt sức, ra đi ở tuổi còn rất trẻ.

Nơi thế giới bên kia, bà Trương Thị Ngự, mẹ ông chắc mỉm cười tự hào, hãnh diện về 3 chữ NGUYỄN AN NINH tỏa sáng, dù khi bà dốc hết sức lực cho Chiêu Nam Lầu, góp phần thầm lặng cho các phong trào yêu nước đầu thế kỷ, bà không bao giờ nghĩ cuối thế kỷ 20, vào một ngày mùa thu năm 1994, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trầm Hương
.
.