5 cái tên có thể biến châu Âu thành chảo lửa

Chủ Nhật, 15/02/2015, 14:58
Năm 2015 đã tới, nhưng châu Âu vẫn ngập chìm trong những cơn bão và chưa hề có dấu hiệu tan biến: Lạm phát cao, tăng trưởng thấp kém, thất nghiệp bao trùm và khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ giữa nhiều quốc gia trở nên băng giá.

Trong bối cảnh này, nhiều đảng đối lập - do những chính khách đầy “tinh quái và khác biệt” dẫn đầu - có xu hướng “nổi dậy”, hứa hẹn sẽ kết thúc bức tranh đen tối hiện tại và giúp châu Âu trở lại thời kỳ yên bình. Phải kể tới năm cái tên, vừa quen thuộc vừa xa lạ, hứa hẹn sẽ khiến chính trường châu Âu trở thành “chảo lửa” cực kỳ sôi động và khó dự đoán.

Alexis Tsipras

Hiện là chính khách quan trọng nhất tại Hy Lạp, lãnh đạo đảng đối lập Syriza chống lại những chính sách khắc khổ của châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng, Alexis Tsipras đang biến đảng của mình trở thành “đối trọng” rất lớn ở châu Âu khi vận dụng kinh nghiệm và hiểu biết cùng sự liều lĩnh công khai chỉ trích những thể chế quan trọng nhất ở châu lục này.

Đảng Syriza thu hút truyền thông khắp thế giới không chỉ bởi khuynh hướng cực tả mà còn vì “danh sách Tsipras”. Đây thực chất là một liên minh chính trị cánh tả thành lập vào tháng 3/2014, đã đưa bốn chính khách Italia vào Nghị viện châu Âu (EP) để ủng hộ Alexis Tsipras trong các hoạt động chính trị sắp tới, đặc biệt là chạy đua tranh cử một ghế trong Ủy ban châu Âu (EC).

Alexis Tsipras.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử tại Hy Lạp ngày 25/1, đảng cánh tả Syriza đã giành 36% số phiếu bầu. Nhờ chiến thắng này, đảng Syriza gần như giành 149 trong 300 ghế tại quốc hội, và sẽ tính tới chuyện liên minh với các đảng khác như Bình minh Vàng, Potami hay Đảng Cộng sản để thành lập chính phủ. Khi ấy, Alexis Tsipras sẽ trở thành vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong 150 năm qua của đất nước vùng Địa Trung Hải này.

Đảng Syriza đang có được sự ủng hộ mạnh mẽ khi tuyên bố sẽ phá bỏ mọi cam kết mà Hy Lạp đưa ra nhằm đổi lấy gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU). Trong trường hợp Alexis Tsipras lên nắm quyền, ông sẽ thay đổi lại các điều kiện mà EU và các nhà tài trợ quốc tế đang áp đặt lên Hy Lạp và kết thúc chính sách khắc khổ mà Đức đang áp đặt lên nước này.

Theo đó, Chính phủ Hy Lạp sẽ chấm dứt thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng, hoàn trả lại khoản tiền cắt giảm trong mức lương tối thiểu, ngừng thanh toán lãi suất trái phiếu cũng như phủ nhận mọi khoản nợ của quốc gia. Dù Tsipras đã dịu giọng khi nói rằng vẫn muốn Hy Lạp “ở lại” với EU, nhưng điều này thật khó xảy ra khi đảng Syria đánh bại đảng cầm quyền và ông chính thức kiểm soát Quốc hội.

Nigel Farage

Vừa qua, đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) theo xu hướng chống EU đã giành được ghế thứ hai trong Nghị viện Anh sau cuộc bỏ phiếu bổ sung. Theo nhận định của giới quan sát, dù chỉ mới có 2 ghế trong Nghị viện, song sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng này trong thời gian qua có thể gây khó khăn cho đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2015. Hơn nữa, nếu UKIP nắm được quyền trong tay, cùng với uy tín đang ngày càng gia tăng, thì viễn cảnh Anh rút khỏi EU rất có thể sẽ xảy ra.

Nigel Farage.

Lãnh đạo UKIP Nigel Farage tuyên bố sẽ quyết tâm giành nhiều ghế hơn trong Nghị viện, tiếp tục lôi kéo những cử tri nào cảm thấy thất vọng đối với ba chính đảng truyền thống: Đảng Bảo thủ, Công đảng và đảng Tự do. Nhân vật này gây nên mối đe dọa không chỉ trong nước khi có thể tác động lên các quyết định của Chính phủ David Cameron, mà còn phủ bóng khắp châu Âu. Chính ông Nigel Farage đã thẳng thừng tố cáo rằng, tay của Liên minh châu Âu đã dính máu sau khi can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và điều đó phơi bày tham vọng đế quốc của liên minh.

“Chúng ta nên cúi đầu xấu hổ vì điều đó”, ông Farage nhận xét, nói thêm rằng bản thân Chính phủ Anh đã khuyến khích Liên minh châu Âu theo đuổi các tham vọng “đế quốc và bành trướng” ở Ukraine.

Theo nhà lãnh đạo đảng Độc lập, người Anh đã quá chán ngán với việc bị lôi vào các cuộc xung đột ở những nơi mà lợi ích quốc gia của mình không bị đe dọa. Những phát biểu hết sức đanh thép của vị chính khách Anh đã dội một gáo nước lạnh vào lập trường của phương Tây trong việc chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập Crimea vào Nga.

Pablo Iglesias

Tờ báo Le Monde (Pháp) rất chú ý đến sự nổi lên mạnh mẽ của đảng cực tả Podemos (Tây Ban Nha) - vốn đang nhận được sự ủng hộ của cử tri nhiều nhất nước nhà. Podemos (có nghĩa là “Chúng ta có thể”), bắt nguồn từ phong trào “Những người phẫn nộ”, chỉ mới xuất hiện đầu năm 2014.

Pablo Iglesias.

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, đảng Podemos đã giành chiến thắng bất ngờ, giành được 5 ghế với 1,2 triệu phiếu. Theo một số điều tra dư luận, có tới hơn 24% cử tri Tây Ban Nha lựa chọn ủng hộ đảng, bao gồm cả các cử tri cánh hữu. Hiện tượng đảng Podemos cho thấy sự kiệt sức về ý thức hệ của các đảng phái truyền thống, tả cũng như hữu. 

Một trong những điều khiến đảng Podemos thu được nhiều ảnh hưởng là do nhà lãnh đạo Pablo Iglesias, 36 tuổi, cựu giáo viên khoa học chính trị. Thành công của Pablo Iglesias một phần quan trọng xuất phát từ một chương trình giao lưu với công chúng hàng tuần trên mạng, được ông duy trì đều đặn từ 5 năm nay.

Chính ông đã kêu gọi đảng cùng những thành phần ủng hộ kịch liệt phản đối các chương trình thắt lưng buộc bụng của Tây Ban Nha, từ đó biến đảng Podemos trở thành “đối trọng” ảnh hưởng nhất tới quốc gia châu Âu này. Nhân vật này đi theo đường lối của ông Alexis Tsipras, và đang có ý định “kết nối” với lãnh đạo đảng Syriza nhằm tạo nên những thay đổi căn bản ở châu Âu khi không còn niềm tin vào EU.

Trong năm 2015, nếu đảng Podemos giành thắng lợi ở kỳ bầu cử Quốc hội, hiện tượng Pablo Iglesias sẽ gây ra một “cơn địa chấn chính trị” lớn tại Tây Ban Nha. Từ đây, ông sẽ tiến xa hơn trên con đường “khuấy động” châu Âu, thực hiện nhiều hơn những sách lược mà ông cho rằng “đầy tiềm năng đẩy lùi khủng hoảng”.

Marine Le Pen

Lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc Pháp (FN) Marine Le Pen là đại diện tiêu biểu nhất của khuynh hướng cực hữu ở châu Âu. Tuy quyền lực vẫn còn hạn chế nhưng nhân vật này có ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng ở chính trường Pháp. Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Euronews, bà Le Pen đã gọi Tổng thống Francois Hollande là “người lù đù dối trá”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker là “kẻ đạo đức giả” và Tổng thống Mỹ Barack Obama là “một sự thất vọng”, chỉ có Thủ tướng Đức Angela Merkel được bà Le Pen đánh giá tích cực với tên gọi “Người đàn bà thép”. 

Marine Le Pen.

Bà Marine Le Pen tuyên bố: EU bây giờ giống như một nhà tù không thể thoát ra được, và người Pháp nên ủng hộ giải pháp đất nước của họ rời bỏ Liên minh châu Âu. Bà Marine Le Pen cũng lên tiếng đổ lỗi cho EU vì đã tạo nên một cuộc “chiến tranh lạnh mới” với Nga, khiến hai bên đều bị thiệt hại. Bà Le Pen cùng nhiều lãnh đạo cực hữu và dân tộc chủ nghĩa khác tin rằng lỗi ban đầu thuộc về EU khi đã có mối quan hệ gần gũi với Ukraine - một động thái khiến Nga tức giận.

Điều này hoàn toàn không phù hợp với truyền thống, quan hệ hữu nghị và cũng không hề có lợi với kinh tế của EU và Nga, đồng thời làm tổn hại đến các mối quan hệ trong tương lai.

Giữ vai trò lãnh đạo đảng FN, bà Marine Le Pen nhanh chóng tạo dựng hình ảnh mềm mại và gần gũi hơn cho đảng Mặt trận dân tộc. Bà phá kỷ lục của đảng FN về tỷ lệ ủng hộ, và sự ủng hộ đến từ những vùng trước đây không mấy mặn mà với trào lưu cực hữu.

Giữa năm 2014, với 25,41% số phiếu bầu, đảng cực hữu FN thắng cử trước các đảng cầm quyền UMP và đảng Xã hội trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. “Cơn địa chấn” này chính là thắng lợi cá nhân của Marine Le Pen. Từ giờ, bà có thể công bố rằng Mặt trận dân tộc là số 1 tại Pháp, tiến thêm một bước trên con đường đưa FN thay thế vị trí của đảng cầm quyền UMP.

Berndt Lucke

Lãnh đạo phong trào bãi bỏ đồng tiền chung châu Âu (euro), được coi là một ngôi sao đang lên tại chính trường Đức. Nhân vật ít tiếng tăm này xây dựng đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD), công khai kêu gọi “sự giải thể có trật tự của đồng euro”. Đồng thời, AfD cũng yêu cầu EU trả lại chủ quyền cho một số nước thành viên và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở cấp liên bang.

Berndt Lucke.

Trong một tuyên bố cuối tháng 12/2014, ông Berndt Lucke khẳng định đồng tiền chung euro “đã chết”, và những gì EU đang thực hiện nhằm cứu vãn nó chỉ là vô vọng. Ông cũng chỉ trích Thủ tướng Angela Merkel “phí công sức” lấy lòng Hy Lạp, Italia và Pháp để những nước này ủng hộ vị thế của Đức một cách vụng về. Theo đó, nếu Lucke cùng đảng AfD không hành động mà chỉ giương mắt đứng nhìn, mối quan hệ của khối EU sẽ chỉ tiến tới những bất đồng và Đức sẽ mất dần ảnh hưởng.

Tại cuộc bầu cử nghị viện bang Sachsen vào tháng 8/2014, đảng AfD đã bất ngờ giành được 9,7% số phiếu ủng hộ, trở thành lực lượng chính trị lớn thứ 4 ở bang và lần đầu tiên chính thức có chân trong Nghị viện một bang ở Đức.

Với việc hiện diện ở 3/16 bang của Đức cho tới thời điểm này, lãnh đạo Berndt Lucke khẳng định AfD hiện là lực lượng làm mới bản đồ chính trị ở Đức, sẽ có tiếng nói lớn hơn trong việc thúc đẩy chủ trương bãi bỏ đồng euro để trở lại đồng DM trước đây, phản đối các gói cứu trợ ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và đối đầu với chính sách của Thủ tướng Angela Merkel.

Bên cạnh đó, chính trị gia này sẽ không lôi kéo các cử tri cánh hữu theo đường lối cứng rắn mà vận động tranh cử với những ý tưởng thu hút sự quan tâm của cử tri như luật pháp, trật tự, nhập cư và các giá trị xã hội truyền thống. Ông muốn xóa bỏ những bất mãn ngày càng lan rộng và những cuộc biểu tình rầm rộ tại mỗi nơi Thủ tướng đương nhiệm đi qua trên nước Đức…

Lâm Anh - Hồng Hạnh
.
.