Thế giới những ngày rối ren và mất ngủ

Thứ Sáu, 17/11/2017, 08:33
Thời gian qua, tình hình thế giới liên tục có biến động. Trong khi châu Âu đau đầu vì vấn đề ly khai tại Tây Ban Nha, hay Trung Đông tiếp tục dậy sóng căng thẳng thì châu Á lại chứng kiến nhiều dấu hiệu về quyết tâm chung tay thay đổi, cùng nhau hợp tác và hội nhập quốc tế. 

Một sự kiện “nóng” chính là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam. Với tinh thần hợp tác đồng thuận, tự nguyện, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, APEC là khuôn khổ thiết thực để các thành viên tăng cường đối thoại, góp phần quan trọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương. 

Có thể thấy, chuyến thăm châu Á của Tổng thống D.Trump mang ý nghĩa lịch sử, không chỉ là cơ hội lớn để củng cố và thúc đẩy các lợi ích của Mỹ trong khu vực, mà còn là nơi để lãnh đạo Nhà Trắng gửi đi những thông điệp, giúp cộng đồng quốc tế nhận diện rõ hơn quan điểm chính sách của chính quyền Mỹ đối với châu Á - điều còn khá mơ hồ kể từ khi ông lên nắm quyền...

Dù nỗ lực của các bên rất đáng ghi nhận, song sóng gió vẫn chưa thực sự lắng dịu, và cộng đồng quốc tế vẫn luôn bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự ổn định và hòa bình của thế giới. Bối cảnh hiện nay cho thấy, các bên vẫn cần có những giải pháp chính trị phù hợp, lâu dài và thiện chí mới có thể giải quyết triệt để những mâu thuẫn, bất đồng vốn tích tụ nhiều năm.

Tây Ban Nha rối ren

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha trở nên vô cùng trầm trọng khi Catalonia tuyên bố độc lập, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương Madrid. 

Trong một diễn biến mới nhất, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha ngày 2-11 đã ra lệnh bắt giữ 8 thành viên của chính quyền bị giải tán ở Catalonia với cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ. 

Trong bối cảnh này, hàng trăm nghìn người tại Catalonia đã đổ ra các đường phố của Barcelona để biểu tình phản đối quyết định của chính quyền trung ương. Trong khi đó, Thủ hiến Carles Puigdemont cùng nhóm chủ trương ly khai đang tiếp tục kêu gọi công chức và viên chức Catalonia không tuân lệnh của chính phủ trung ương và tham gia các hoạt động phản kháng.

Cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của Catalonia đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ sau khi nền dân chủ được tái lập năm 1975. Tây Ban Nha coi tuyên bố độc lập của Catalonia là “tội ác”, tuyên bố giải tán cơ quan lập pháp Catalonia và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21-12 nhằm khôi phục sự điều hành hợp pháp cũng như nguyên tắc pháp trị. 

Đây sẽ là một thách thức với chính quyền trung ương, bởi khả năng những đảng vốn có chủ trương đòi tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha tiếp tục giành ghế, thậm chí có thể lặp lại “kịch bản” cuộc bầu cử năm 2015 khi các đảng ủng hộ Catalonia độc lập giành đa số phiếu bầu và đứng ra thành lập chính quyền. 

Chưa kể những phần tử ly khai cực đoan ở Catalonia sẽ có những hành động phá hoại. Bởi vậy, vẫn còn quá sớm để nói rằng vấn đề Catalonia đã được giải quyết triệt để.

Trung Đông “mất ngủ”

Khu vực Trung Đông vẫn tiếp tục chứng kiến nhiều bất ổn. Căng thẳng chính trị tại miền Bắc Iraq không ngừng leo thang, khiến khoảng 136.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. 

Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi đã bác bỏ đề xuất của chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) về việc “đóng băng” kết quả cuộc trưng cầu ý dân về độc lập để mở đường cho cuộc đối thoại với Baghdad. Đảng đối lập chính tại Khu tự trị người Kurd cũng kêu gọi lãnh đạo chính quyền khu tự trị này từ chức, đồng thời thành lập cái gọi là “chính phủ cứu quốc” để chuẩn bị cho cuộc đối thoại với chính quyền Baghdad và tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Trước tình hình này, Chính phủ Iraq đã triển khai nhiều biện pháp mạnh, bao gồm cả biện pháp quân sự, để trấn áp hoạt động ly khai tại miền Bắc Iraq. Một tòa án ở Baghdad đã phát lệnh bắt giữ Phó Thống đốc Khu tự trị người Kurd ở Iraq Kosrat Rasul với cáo buộc “khiêu khích” chống các lực lượng vũ trang Iraq.

Trong khi đó, Afghanistan ngày càng trở nên rối loạn khi Taliban liên tục gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và cảnh sát nước này để đáp trả chiến lược mới của Mỹ, trong khi các nhóm vũ trang khác cùng với phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) không ngừng gây ra nhiều vụ bạo lực khác nhằm phô trương thế lực. Phần lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát hoặc có thể gây ảnh hưởng tại quốc gia Tây Nam Á cũng đang được mở rộng. 

Trên thực tế, khoảng 43% các quận huyện của Afghanistan hoặc đã bị Taliban kiểm soát, hoặc đang bị tranh giành. Theo ước tính trong 9 tháng đầu năm 2017, hơn 2.640 người thiệt mạng và 5.370 người bị thương trong các vụ việc liên quan đến xung đột.

IS đe dọa Đông Nam Á

Việc tổ chức IS “vươn vòi bạch tuộc” sang Đông Nam Á sau khi bị thu hẹp khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria đang đe dọa hòa bình và ổn định của toàn khu vực. 

Điều nguy hiểm hơn là tổ chức khủng bố này có xu hướng thay đổi phương thức hoạt động khi tập trung tấn công theo kiểu “sói đơn độc”. Hàng loạt vụ tấn công bạo lực xảy ra trong thời gian gần đây, đặc biệt là hai vụ nổ lớn được cho là đánh bom liều chết tại thủ đô Jakarta (Indonesia) và nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute cắm cờ đen IS lên thành phố Marawi (miền Nam Philippines), cho thấy lực lượng này không còn đứng ngoài “gõ cửa” mà đã đặt được chân rết của mình vào khu vực Đông Nam Á. 

IS thực sự đã “tuyên chiến” với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh nhóm khủng bố này đang suy yếu ở Trung Đông và cần có một địa bàn mới thay thế.

Đông Nam Á là khu vực có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan và ly khai hoạt động mạnh tại những vùng hẻo lánh khó quản lý. Lợi dụng một biên giới mở nhờ sự gắn kết trong ASEAN, IS đã mở rộng địa bàn hoạt động tại đây, thiết lập quan hệ với hơn 60 tổ chức cực đoan địa phương.

IS đã có một chiến lược khá bài bản để hiện thực hóa âm mưu bành trướng sang Đông Nam Á, từ việc bắt tay với các nhóm phiến quân trong khu vực đến việc tạo ra một “lữ đoàn di dân”. Bên cạnh đó, IS tiến hành nhiều chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn hòng gieo rắc tư tưởng cực đoan bằng những hình thức khác nhau, cũng như ý tưởng thành lập “quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á”, hòng lôi kéo ngày càng nhiều công dân các nước Đông Nam Á gia nhập IS.

Một châu Á đoàn kết

Trong nỗ lực nhằm duy trì ổn định trong khu vực, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM+) lần thứ 11 đã ra tuyên bố chung, tái khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. 

Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hội nghị cũng nhấn mạnh nhu cầu tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tránh các hành động có thể gây phức tạp tình hình, theo đuổi các giải pháp giúp giải quyết tranh chấp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tại “điểm nóng” Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo đã tới Panmunjom (Bàn Môn Điếm), thuộc khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Hoạt động này thể hiện cam kết của Mỹ đối với đồng minh. 

Mỹ khẳng định luôn sẵn sàng các biện pháp quân sự nếu Bình Nhưỡng không dừng tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời sẽ sát cánh với Hàn Quốc đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, mục tiêu của Mỹ không phải là chiến tranh với Triều Tiên, mà là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên.

Châu Á tiếp tục chứng kiến sự tích cực trong quan hệ ngoại giao khi Hàn Quốc và Trung Quốc đang có những dấu hiệu “hàn gắn” kể từ sau khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai một khẩu đội thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này. Trung Quốc luôn phản đối động thái trên với lý do hệ thống vũ khí này có thể gây phương hại lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc. 

Mới đây, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí “nhanh chóng” đưa các hoạt động hợp tác và giao lưu trở lại bình thường. Ngoài ra, hai nước còn nhất trí tăng cường liên lạc, hợp tác chiến lược đối phó với các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. 

Phía Trung Quốc bày tỏ hy vọng Hàn Quốc sẽ thực hiện nghiêm túc cam kết và giải quyết các vấn đề liên quan để đưa quan hệ Trung - Hàn sớm trở lại quỹ đạo ổn định.

Một sự kiện “nóng” khác chính là Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng (Việt Nam). Với tinh thần hợp tác đồng thuận, tự nguyện, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, APEC là khuôn khổ thiết thực để các thành viên tăng cường đối thoại, góp phần quan trọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương. 

Các nền kinh tế thành viên, dù phát triển hay đang phát triển, luôn coi khu vực và diễn đàn này là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu. Trải qua những thăng trầm của kinh tế thế giới, APEC đã không ngừng chứng tỏ sức sống mạnh mẽ và tính tự cường, cũng như vai trò là động lực then chốt của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Sức sống đó bắt nguồn từ quyết tâm chính trị và nỗ lực tự thân của các thành viên trong thúc đẩy đổi mới và cải cách.

APEC 2017 là dịp để các thành viên làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ hợp tác, hướng tới xây dựng một quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21 trên tinh thần xây dựng, hợp tác cùng có lợi và với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. 

Chưa hết, APEC 2017 đánh dấu chuyến thăm châu Á lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có thể thấy, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Trump mang ý nghĩa lịch sử, không chỉ là cơ hội lớn để củng cố và thúc đẩy các lợi ích của Mỹ trong khu vực, mà còn là nơi để lãnh đạo Nhà Trắng gửi đi những thông điệp, giúp cộng đồng quốc tế nhận diện rõ hơn quan điểm chính sách của chính quyền Mỹ đối với châu Á - điều còn khá mơ hồ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền...

Nam Hồng
.
.