Đối thoại với cử tri

Thứ Năm, 25/05/2017, 14:29
Đối thoại với cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội) trước thềm kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng vừa qua mới chỉ bước đầu, còn nhiều việc phải làm vì đây là cuộc đấu tranh gian khổ và phải kiên trì.

“Mong muốn làm nghiêm nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Pháp luật của chúng ta cũng nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Nhưng nói như vậy không có nghĩa để vin cớ xử nhẹ” - Tổng Bí thư chỉ rõ.

Đã thành thông lệ, những chuyện nổi cộm “trong nhà ngoài ngõ”, những vấn đề đặt ra ở địa phương, ở Trung ương... được cử tri chuyển đến các vị đại biểu dân cử ngay trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Và với những gì đã diễn ra trên mặt trận chống tham nhũng thời gian gần đây, những “chất vấn nóng” được cử tri hỏi trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV.

Tổng Bí thư cho rằng, gần đây công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều tiến bộ, nhất là từ năm 2016 tới nay, nhiều vụ việc được đưa ra xét xử. Nhiều vụ việc được công bố, có vụ việc Trung ương làm, có vụ việc địa phương làm, trong đó đã kết luận điều tra 11 vụ, xét xử sơ thẩm nhiều bị cáo, tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý các vụ án nổi cộm như Phạm Công Danh, Giang Kim Đạt, Hà Văn Thắm. Hiện, vụ Trịnh Xuân Thanh và một loạt đồng phạm tại dầu khí cũng đang được làm rõ. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, còn rất nhiều việc phải làm vì đây là cuộc đấu tranh gian khổ và phải kiên trì.

“Mong muốn phải nghiêm nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Pháp luật của chúng ta cũng nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Nhưng nói như vậy không có nghĩa để vin cớ xử nhẹ” - Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Vừa qua, nhiều cán bộ cấp Ủy viên Trung ương đã bị xử lý như ông Vũ Huy Hoàng, Huỳnh Minh Chắc, Trần Lưu Hải, Võ Kim Cự... Theo Tổng Bí thư, Trung ương xem xét tỉnh táo, tính toán nhiều mặt và sắp tới chúng ta còn làm tiếp. Còn làm thế nào chưa thể nói trước nhưng sẽ làm đúng luật pháp, trách nhiệm, lương tâm. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV.

Nêu kiến nghị với Quốc hội và Trung ương, ông Trần Viết Hoàn (Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, người dân rất hoan nghênh quyết tâm của Tổng Bí thư song việc có quá nhiều cán bộ được bổ nhiệm tràn lan như lãnh đạo ở Hải Dương, vụ Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, rồi các vụ bổ nhiệm cấp tốc, “con ông cháu cha”, “cả họ làm quan”... khiến dư luận hết sức bất bình.

Gần đây, dư luận nêu khối tài sản lớn của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cử tri mong muốn vụ việc này sớm được làm rõ, xử lý nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.

“Người dân đùm bọc yêu thương nhau như qua những chương trình “Lục lạc vàng”, “Vì bạn xứng đáng”, “Cặp lá yêu thương” để chia sẻ với nhau từng miếng cơm manh áo, dìu nhau qua khó khăn. Thế nhưng nhiều kẻ lại tham nhũng vô cùng lớn, hàng nghìn tỷ đồng. Tham nhũng là giặc, Đảng và Nhà nước đánh đổ giặc tham nhũng sẽ cứu được muôn dân” -  ông Trần Viết Hoàn bày tỏ.

Không chỉ nóng về chống tham nhũng qua các vụ việc nổi cộm gần đây, cử tri cũng kiến nghị trực tiếp hàng loạt vấn đề dân sinh với các vị đại biểu Quốc hội là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

Thân tình trao đổi với cử tri quận 1, quận 3, quận 4, TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đại biểu Quốc hội không nhất thiết chỉ tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử của mình mà có thể tiếp xúc cử tri ở các đơn vị bầu cử khác, tiếp xúc cử tri ở nơi công tác, nơi cư trú, tiếp xúc chuyên đề...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV.

Sau vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội) đặt ra nhiều vấn đề lớn về giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đất đai. Chủ tịch nước nhấn mạnh, điều quan trọng là phải nắm chắc tình hình, hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp thì mới có thể có những giải pháp hiệu quả, thấu tình, đạt lý.

Cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời cần giải thích để người dân hiểu rõ những chủ trương, chính sách, quyết định của Nhà nước, địa phương.

“Phải làm sao vừa giữ nghiêm kỷ cương, phép nước nhưng đồng thời phải mở rộng dân chủ, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến dân, thông qua trao đổi mang tính xây dựng để tạo sự đồng thuận thì chắc chắn sẽ không xảy ra các vụ việc phức tạp” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trong khi đó, cử tri vùng sông nước Cần Thơ chuyển tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân những vấn đề bức thiết như: giải quyết lối ra cho nông sản, chăn nuôi, về việc làm cho thanh niên... Về việc làm cho thanh niên sau ra trường, hiện có khoảng 200.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học chưa tìm được việc làm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng không thể giữ mãi suy nghĩ phải vào Nhà nước mới gọi là “có việc làm ổn định”.

Thay vì đó, có thể làm cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các làng nghề, hộ hợp tác. Việc giá thịt lợn rớt thảm khiến cử tri rất lo ngại. 

Chủ tịch Quốc hội cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc, chỉ đạo, đưa ra biện pháp tích cực nhằm giảm bớt những khó khăn hiện tại đối với ngành chăn nuôi. Sắp tới, công tác dự báo cần phải chấn chỉnh lại và khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào.

Tại Hải Phòng, cử tri Lưu Đình Lộc thay mặt cho Ban liên lạc Đoàn tàu không số đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng bến tàu không số (bến Nghiêng) từ di tích lịch sử thành khu di tích lịch sử cấp quốc gia loại đặc biệt xứng tầm với con đường huyền thoại mang tên Bác để làm nơi giáo dục lịch sử, nuôi dưỡng cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, tiếp nối truyền thống cha ông...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kiến nghị này cùng những vấn đề khác và cho biết: “Những kiến nghị của bà con cử tri hôm nay, tôi thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp thu, lắng nghe và sẽ có chương trình làm việc cụ thể với Thành ủy, UBND thành phố để xử lý, giải quyết các bước đi cụ thể, để những kiến nghị của bà con cử tri Hải Phòng đi vào cuộc sống trong thời gian tới”. 

Nhiều vấn đề cũng được cử tri phản ánh trực tiếp với các vị bộ trưởng - đại biểu Quốc hội. Tiếp xúc trước kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Tô Lâm và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh báo cáo các vấn đề cử tri quan tâm về lĩnh vực an ninh, trật tự; về quản lí đất đai, giải quyết khiếu kiện về đất đai; bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, an toàn thực phẩm và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an.

Liên quan vấn đề nổi lên trong thời gian qua là khai thác cát sỏi trái phép, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an đã chấn chỉnh hoạt động này, tiếp tục lập lại trật tự, không để các đối tượng hình sự lợi dụng hoạt động. Bộ đã chỉ đạo điều tra, xử lý, đặc biệt làm rõ có hay không hiện tượng “bảo kê” như dư luận phản ánh để xử lý nghiêm.

Tiếp xúc cử tri là nội dung được luật định. Theo định kỳ, đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc cử tri trước và ngay sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Như vậy, bình quân mỗi năm 2 kỳ họp Quốc hội thì đại biểu cần tiếp xúc 4 lần. Tuy nhiên, số lượng lần tiếp xúc mới chỉ phản ánh con số, điều cốt yếu là chất lượng các cuộc tiếp xúc.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri.

Tuy nhiên, có hiện tượng các Bộ quá chú trọng tới việc trả lời kiến nghị cử tri (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết hoặc xây dựng lộ trình cụ thể để giải quyết các kiến nghị cử tri dẫn đến mặc dù số kiến nghị được trả lời rất lớn (3.119 kiến nghị) nhưng chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao. 

Có đến 68% kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin, có văn bản trả lời cho xong trách nhiệm nên nội dung trả lời còn chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu, chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Chẳng hạn cử tri hỏi về việc chi trả chế độ bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách được giao nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp xã thì trả lời của Thanh tra Chính phủ lại nêu về chế độ chi trả bồi dưỡng đối với công chức kiêm nhiệm (không phải chi trả cho đối tượng hoạt động không chuyên trách) là không đúng với nội dung kiến nghị mà cử tri nêu.

An Nhi
.
.