Phình ghế cấp phó

Thứ Ba, 14/11/2017, 13:42
Phình lãnh đạo là hiện trạng khiến bộ máy hành chính cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội cồng kềnh, thậm chí có nơi tăng quá mức làm biến đổi cơ cấu tổ chức, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. 

Nếu như cấp trưởng được mặc định là 1 thì cấp phó thường dễ “nở”. Ai cũng biết hệ lụy của phình bộ máy, phình lãnh đạo nhưng phải mất rất nhiều năm, chúng ta mới “niêm yết” được số lượng cấp phó trong luật.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011-2016 trình Quốc hội đánh giá: “Qua việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thấy, do số lượng đầu mối tổ chức bên trong của các cơ quan này tăng khi biên chế cơ bản giữ ổn định và thực hiện chính sách tinh giản biên chế nên số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phó phòng trở lên trong các tổ chức hành chính cao, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu”. 

Mấy năm qua, việc phình lãnh đạo được báo chí phản ánh dưới nhiều góc nhìn, điển hình là vụ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Hải Dương có 44 lãnh đạo trên tổng số 46 người. Nhưng nhìn rộng ra, nếu như cấp trưởng đã được ấn định là 1 và chỉ 1 thì cấp phó lại là khoảng trống để các cơ quan, đơn vị tìm cách “ấn” thêm người. 

Ở địa phương, nhiều sở, ngành, huyện, thị có số lượng cấp phó dôi dư vượt nhiều lần, trong khi cấp bộ, số lượng thứ trưởng và cấp phó của cục trưởng, vụ trưởng, trưởng phòng cũng vượt định mức ở rất nhiều bộ, ban, ngành.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2016.

Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, Nghị quyết số 39-NQ/TW, trong đó có chỉ đạo: “Quy định rõ số lượng cấp phó phù hợp trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến địa phương” và “đẩy mạnh kiêm nhiệm một số chức danh cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã”; các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành đã quy định rõ số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến địa phương. 

Cụ thể, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã quy định cụ thể số lượng cấp phó của người đứng đầu Bộ, văn phòng, thanh tra, vụ, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ. Luật quy định số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không quá 5; riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. 

Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định số lượng thứ trưởng và tương đương. Đối với cấp vụ, cục, số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Đối với địa phương, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Số lượng phó giám đốc sở không quá 3 người; riêng số lượng phó giám đốc các sở thuộc UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không quá 4 người”. 

Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định: “Số lượng phó trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 3 người”.

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng nở cấp phó, trong khi biên chế không tinh giản được như kỳ vọng.

Khi thảo luận dự án Luật Tổ chức Chính phủ, dự án Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định rõ số lượng Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội vào luật. 

Thực tế, những nhiệm kỳ gần đây, số lượng cấp phó của các chức danh này thường dao động từ 4-5 người. Tuy nhiên, sau khi xem xét, lấy ý kiến, Quốc hội đã chốt phương án không cần thiết quy định cứng. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Khóa XIII) cho rằng, số lượng Phó Thủ tướng của mỗi nhiệm kỳ là do Quốc hội quyết định nên không cần đưa vào luật, tương tự như vậy là số lượng Phó Chủ tịch Quốc hội.

Riêng với cấp thứ trưởng và tương đương, dù Nghị định số 36/2012/NĐ-CP, ngày 18-4-2012 ấn định “số lượng không quá 4” (từ 2015, Luật Tổ chức Chính phủ nâng lên số lượng không quá 5) song suốt thời gian dài (từ 2011), hầu như rất ít Bộ chốt được số lượng trên. 

Đáng chú ý, có Bộ còn để số lượng thứ trưởng cao hơn 2 lần cho phép như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thời điểm tháng 8/2011, mỗi Bộ có 9 thứ trưởng). 

Về thực tế này, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, UBTV Quốc hội (Khóa XIII), cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới số lượng thứ trưởng thời điểm đó tăng mạnh, song nguyên nhân chính được các Bộ, ngành viện dẫn để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ “nới khung” là do hầu hết các Bộ là đa ngành, đa lĩnh vực dẫn đến phải có thêm thứ trưởng để phụ trách một số lĩnh vực, cấp tổng cục, vụ, cục. 

Từ năm 2007, khi sáp nhập một số Bộ đã dẫn đến chuyện có Bộ có tới 9 thứ trưởng. Một lý do khác là từ năm 2010 trở lại đây, có Bộ đã có 5-6 thứ trưởng nhưng vẫn đề xuất bổ sung 1 thứ trưởng là nữ theo chính sách tạo nguồn cán bộ.

Tổng hợp của Bộ Nội vụ về số lượng thứ trưởng và tương đương cho thấy: Tại thời điểm tháng 8-2011 có 122 người, đến tháng 3-2016 tăng lên 135 và sang tháng 12-2016 giảm xuống còn 106. Sau nhiều năm “quá độ”, số lượng thứ trưởng tính đến thời điểm hiện tại đã trở về “quỹ đạo” với số lượng định khung quy định trong luật: mỗi Bộ không quá 5 thứ trưởng, riêng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao là 6 thứ trưởng. 

Bảng thống kê bình quân số lượng cấp phó trong bộ máy hành chính. Nguồn: Báo cáo của Chính phủ trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Số lượng cục trưởng tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang Bộ đến cuối tháng 12-2016 là 337, trong đó riêng Bộ Tài chính là 181, Bộ Kế hoạch Đầu tư là 63, Bộ Tư pháp là 57... Ngoài ra, số lượng phó cục trưởng là 767, vụ trưởng 218, phó vụ trưởng 593, giám đốc sở và tương đương là 1.200, trưởng phòng và tương đương gần 4.600...

Qua tổng hợp số lượng cấp phó trong các tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp huyện, cho thấy có sự tăng giảm khác nhau ở các giai đoạn từ trước tháng 7-2011 đến hết 2016. 

Đáng chú ý, tính đến thời điểm 31-12-2016, còn một số tổ chức có số lượng cấp phó vượt so với quy định, như: Bộ Giao thông vận tải có Cục Quản lý xây dựng đường bộ (4 phó), Cục Quản lý đường bộ cao tốc (4 phó); Bộ Công thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 phó); Bộ Tài chính có một số vụ, đơn vị thuộc Bộ có số lượng Phó Vụ trưởng vượt quá quy định (Vụ Pháp chế: 5, một số vụ, đơn vị khác: 4). 

Tại địa phương, số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, phó phòng cấp huyện ở một số địa phương vượt quá quy định của Chính phủ, như: Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu... 

Một thống kê khác đáng chú ý là, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là ¾ (cứ 4 công chức thì có 3 lãnh đạo), Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương Binh & Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5...

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng nở cấp phó, trong khi biên chế không tinh giản được như kỳ vọng. Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) viện dẫn những “con số biết nói”: Bộ Tài chính còn dư tới 6.318 trên tổng số 71.714 biên chế, bằng 8,8%; Bộ Nội vụ còn dư 492/872 biên chế, bằng 56%; Bộ Ngoại giao dư 334/1.179 biên chế, bằng 28%...

Đáng quan tâm hơn đây không chỉ là hiện tượng cá biệt mà xu thế phổ biến ở các bộ, ngành, vì chỉ có 1 Bộ và 1 cơ quan ngang Bộ sử dụng đúng biên chế, còn lại có 20 Bộ, cơ quan ngang Bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc. 

Nếu đặt vấn đề này bên cạnh hiện tượng một số bộ, ngành dù dư biên chế chưa thực hiện nhưng vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế như Bộ Xây dựng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... thì theo đại biểu, cần phải suy nghĩ và có giải pháp thiết thực để xử lý triệt để 3 vấn đề. 

Thứ nhất, cơ chế xin cho, mạnh ngành nào thì xin biên chế cho ngành mình, không cần biết thực tế nhu cầu sử dụng đó tạo gánh nặng thế nào đối với ngân sách và quỹ lương. 

Thứ hai, hoàn toàn có dư địa để thực hiện mục tiêu tinh giảm 10% biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW, vấn đề có quyết tâm làm vì lợi ích chung hay không.

Thứ ba, hơn lúc nào hết cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác xác định giao biên chế theo hướng có một cơ quan đầu mối đủ thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quản lý thống nhất và biên chế để khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, thiếu tập trung.

An Nhi
.
.