Thi tuyển Vụ trưởng

Thứ Ba, 27/06/2017, 09:11
Văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cục, sở nêu cần thi tuyển để thu hút nhân tài và “tránh tình trạng cục bộ, khép kín” trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.


Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng ở 14 bộ và 22 địa phương. Các bộ được chọn áp dụng có Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương...

Các địa phương gồm các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và một số tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bến Tre... Mục đích của việc tổ chức thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng được ghi là “nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước”.

Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ban, ngành, địa phương.

Nội dung thi viết: Kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do hội đồng thi tuyển quy định.

Nội dung thi trình bày đề án gồm: Đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của hội đồng thi tuyển và những người tham dự...

Hưởng ứng quy định trên, Ban Tổ chức Trung ương ban hành kế hoạch thi tuyển chức danh Vụ trưởng các vụ Chính sách cán bộ, Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III. Theo đó, người dự thi vào các chức danh này nằm trong nguồn quy hoạch tại chỗ, hoặc quy hoạch chức danh vụ trưởng và tương đương ở các vụ, đơn vị khác.

Buổi làm việc của hội đồng thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng.

Ngoài điều kiện chung là 5 năm công tác trong ngành hoặc lĩnh vực tương đồng với vị trí tuyển, người dự thi phải đáp ứng các điều kiện khác như: Chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 4 trở lên khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B2 khung năng lực châu Âu; áp dụng được kỹ năng tin học vào quản lý và chuyên môn nghiệp vụ...

Người dự thi sẽ trình bày đề án và chương trình hành động bằng công cụ Power Point trong 45 phút. Thành viên hội đồng thi tuyển sẽ đặt câu hỏi phản biện để người dự thi trả lời. 

Chủ đề xây dựng đề án với chức danh Vụ trưởng Chính sách cán bộ là "giải pháp cụ thể để Vụ có những thay đổi, đột phá thiết thực, hiệu quả"; với chức danh Vụ trưởng cơ sở Đảng là "làm sao để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII và các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương".

Người dự thi chức danh Vụ trưởng địa phương III phải xây dựng đề án "định hướng thực hiện tốt nhất quy chế cán bộ theo dõi địa bàn". Mỗi chức danh cần ít nhất 2 người ứng thí mới đủ điều kiện tổ chức thi tuyển...

Xem ra chủ đề thi tuyển mang tính thời sự cao, gắn với chức trách của vị trí thi tuyển. Hiện chưa thấy Ban Tổ chức Trung ương công bố các ứng viên nộp hồ sơ thi tuyển vào những chức danh này nhưng dư luận kỳ vọng cơ quan này sẽ làm gương cho các nơi khác, địa phương khác noi theo. Sự thành công hay không thành công ở những cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương sẽ tác động nhiều mặt tới việc thực hiện đề án, hướng dẫn của Bộ Nội vụ về thi tuyển lãnh đạo.

Thực tế, việc thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng đã được nói đến từ nhiều năm nay nhưng chỉ là cách làm lẻ tẻ ở một số bộ, ngành, địa phương, tức ở đâu lãnh đạo thấy sốt sắng, muốn đổi mới ngay thì chỉ đạo làm, ngược lại thì vẫn nguyên như cũ.

Mà cũng vì chỉ là cách làm sáng tạo, đổi mới, không có quy chế, chế tài gì nên điều này không khuyến khích và “cởi trói” được cách làm xưa nay. Đa phần lãnh đạo muốn theo nếp cũ, trong khi người muốn thi thố ngay lại không có cơ hội thể hiện. Đó cũng là nguyên do khiến tình trạng bổ nhiệm “thần tốc” xảy ra nhiều khiến dư luận bức xúc.

Trước đó Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp những vướng mắc, đề xuất hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đánh giá công chức, viên chức cho phù hợp với thực tiễn, không để xảy ra tiêu cực, phân cấp quản lý phù hợp.

Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất chính sách khả thi để thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ, lựa chọn các lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù để xác định chính xác người có tài năng, lưu ý thủ tục tiếp tục công nhận người có tài năng sau một thời gian làm việc...

Tại Hội nghị Trung ương 9, Khóa X đã xác định tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, trong đó, khẳng định phải đổi mới cách tuyển chọn cán bộ. Theo đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt, có rất nhiều điểm mới, trước hết là quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. 

Người đứng đầu được giao thẩm quyền đề xuất, giới thiệu nhân sự tham gia dự tuyển và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về nhân sự nếu được bổ nhiệm. Thứ hai là phạm vi, đối tượng được mở rộng không bị giới hạn trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cả cán bộ, công chức, viên chức. Viên chức được quy hoạch các chức vụ, chức danh tương đương ở trong từng bộ, ngành, địa phương nếu đảm bảo, tiêu chuẩn điều kiện thì cũng được tham gia dự tuyển. 

Bộ GTVT thi tuyển Cục trưởng Cục Đường sắt.

Trường hợp những người tham gia dự tuyển không nằm trong diện quy hoạch phải được cấp ủy đảng có thẩm quyền đồng ý. Thứ ba, bổ sung vào quy trình là người tham gia dự tuyển phải thực hiện một bài thi viết, môn điều kiện nếu đạt 50 điểm trở lên, thang điểm 100 thì ứng cử viên này tiếp tục được trình bày và bảo vệ chương trình hành động trước khi lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ công chức, viên chức của từng cơ quan từng tổ chức, từng đơn vị. Thứ tư, thay đổi nội dung và kết cấu phiếu tín nhiệm, đảm bảo thực chất là phiếu giới thiệu.

Đề án đã có nhưng thời gian qua chủ yếu là... thí điểm, thăm dò. Phải nói rằng, nhiều người tỏ ra quan ngại với chuyện thi thố thường tìm cách phản ứng, thậm chí có người phản ứng gay gắt tại hội nghị, hội thảo. Nhưng một xã hội tiến bộ, muốn xây dựng bộ máy nhân sự đủ tầm mà bỏ đi chuyện thi tuyển thì lấy gì để đánh giá công minh?

Ngay từ năm 2007, Nghị quyết Trung ương 5, Khóa X về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước” đã xác định: “Thực hiện việc thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo gắn với chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp”.

Theo dõi cho thấy, việc thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp... dù chỉ rải rác song đã có kết quả tích cực, tạo ra một cách làm mới trong lựa chọn lãnh đạo so với cách làm truyền thống và quan trọng hơn là được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, việc triển khai cho thấy nhiều cái vướng. Điểm vướng đầu tiên chính là đụng chạm đến vấn đề quy hoạch cán bộ lãnh đạo. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện bài bản từ rất lâu, có thể chế rõ ràng. Không có thi tuyển thì khi có nhu cầu chỉ cần lấy người trong quy hoạch ra xem xét là “ok” ngay.

Nay có thi tuyển, người ngoài quy hoạch cũng có thể tham gia, thế là đùng cái, người trong quy hoạch dài cổ chờ 5 năm, 10 năm, nay bị “lính nhảy dù” đến thi thố tranh ngôi. Vướng này xem ra không hề nhẹ, thậm chí bị đụng chạm gay gắt. Thứ hai là làm ở phạm vi nào? Nếu có thể chế nhưng lại quy định tùy bộ, tỉnh xem xét quyết định áp dụng dẫn tới sẽ có bộ, tỉnh làm, nhưng cũng có bộ, tỉnh không làm.

Mà trong một bộ, tỉnh chỉ thi lãnh đạo vụ, cục, sở này, vụ, cục, sở kia thì không. Thế nên nơi làm nơi không cũng tạo ra sự “gồ ghề” so bì hơn thiệt. Điểm nữa là vấn đề tiêu chuẩn. Thi tuyển lãnh đạo buộc phải xem xét lại các tiêu chuẩn đã được ban hành về công chức lãnh đạo.

Qua thi, sẽ có được công chức trẻ, có năng lực với trọng trách lãnh đạo song lại đụng ngay tiêu chuẩn. Chẳng hạn, tiêu chuẩn vụ trưởng, giám đốc sở cơ bản phải là chuyên viên chính, có lý luận chính trị cao cấp, có quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, 5 năm công tác trong ngành, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.

An Nhi
.
.