Biến tướng của NATO

Chủ Nhật, 06/08/2017, 08:31
Thế giới đang chứng kiến xu thế xuất hiện "biến tướng" của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Mới đây, Hội nghị thượng đỉnh Ả rập - Hồi giáo - Mỹ đã thông qua quyết định trọng tâm là thành lập một lực lượng chống khủng bố với nòng cốt là các quốc gia Trung Đông, được gọi là "NATO Ảrập" do Ảrập Saudi dẫn đầu.

Giới chức lãnh đạo cho rằng, đây là cơ hội để mở rộng quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và các quốc gia Ả rập trong một cuộc chiến tranh tổng lực chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy vậy, bất chấp mục đích là gì đi chăng nữa thì "biến tướng" của NATO đều cho thấy sự lỗi thời của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và sự bất lực của tổ chức này trong việc giải quyết các sự vụ quốc tế. 

Bên cạnh đó, nhiều quan điểm cho rằng phiên bản NATO mang tính khu vực được thành lập tạm thời chỉ để giải quyết các sự vụ mang tính cấp bách và chuyên đối phó với những quốc gia không theo định hướng của phương Tây như Iran hay Syria.

Tham vọng có thật

Quá trình thành lập liên minh quân sự mới "NATO Ảrập" hiện đang trong giai đoạn bắt đầu nên còn khá ít thông tin. Theo giới truyền thông, phiên bản "NATO Ảrập" được thành lập sau Hội nghị thượng đỉnh Ả rập - Hồi giáo - Mỹ tại Riyadh, nhằm mục tiêu xây dựng một liên minh chống khủng bố với nòng cốt là các quốc gia ở Trung Đông. 

Theo đó, một trung tâm chống khủng bố tại Riyadh đã được thành lập nhằm giám sát và chỉ huy chiến đấu chống khủng bố IS và cực đoan trong khu vực. Liên minh sẽ quy tụ số lượng ban đầu là khoảng 34 nghìn binh sĩ. 

Nét khác biệt lớn nhất của liên minh này là nó sẽ do Ảrập Saudi lãnh đạo với thành viên chủ chốt là các quốc gia Ảrập, cùng "một lực lượng quân sự cụ thể" để sẵn sàng tung vào cuộc chiến chống khủng bố, không phụ thuộc vào các lực lượng quân sự sở tại.

Không dễ gì để có thể cô lập được Iran khi sức bền của liên minh Iran - Syria là khó có thể phá vỡ trong nay mai.

Trên thực tế, "NATO Ảrập" là khái niệm được Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng để đặt tên cho tập hợp lực lượng mà ông đang gắng công gây dựng ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Cốt lõi của nó là liên minh quân sự đa quốc gia như NATO, nhưng không chỉ là một liên minh quân sự thuần tuý. 

Mỹ là thành viên trụ cột nhưng lại không đảm nhận vai trò quân sự chủ chốt. Mức độ tham gia trực tiếp các hoạt động quân sự được Mỹ chủ ý hạn chế ngay từ đầu. Đây là kết quả của những bài học mà Mỹ đã rút ra được từ những cuộc chiến tranh tiến hành ở khu vực Trung Đông và ở Afghanistan, với kết quả là thắng ít bại nhiều, giải quyết được một vấn đề thì gây ra nhiều vấn đề khác. 

Với "NATO Ảrập", Mỹ không tham chiến trực tiếp mà chỉ đứng đằng sau hỗ trợ bằng vũ khí và hậu cần quân sự, thông qua không kích từ xa và thông tin tình báo để tránh thiệt hại về người.

Tuy nhiên, giới bình luận cho rằng, mọi chuyện không đơn giản như thế. Mục đích chính khiến "NATO Ảrập" ra đời là tạo điều kiện cho Ảrập Saudi chặn phạm vi ảnh hưởng của "đối thủ lớn nhất" Iran ở Trung Đông. 

Mặc dù chiến tranh trực tiếp giữa Iran với Ảrập Saudi chưa xảy ra nhưng hai bên đang cạnh tranh hết sức gay gắt trên một vài "mặt trận" khác nhau dưới các hình thức khác nhau. Syria và Yemen trở thành các chiến trường chính trong quá trình cạnh tranh ảnh hưởng giữa Ảrập Saudi và Iran. 

Trên thực tế, Riyadh đang thúc đẩy các chiến dịch quân sự để chống lại các lực lượng được Iran ủng hộ ở hai chiến trường này. 

Chưa hết, Ảrập Saudi còn toan tính lôi kéo Israel đứng về phía mình khi cho rằng Israel cũng không hề "ưa" Iran. Lý do được đưa ra là Israel "bực tức" về việc Nhóm P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức) đã đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran.

Do đó, Ảrập Saudi sẵn sàng tăng cường quan hệ với quốc gia Do thái này để chống lại "kẻ thù chung" Iran. Nhiều ý kiến cho rằng, giới ngoại giao Israel và Ảrập Saudi đã bí mật gặp gỡ và thảo luận cùng nhau các bước đi để "kiềm chế" Iran.

Chưa hết, "NATO Ảrập" ra đời được cho là cơ hội để lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Liên minh này bao gồm nòng cốt là các quốc gia Ảrập không thân thiện với Iran, Syria và các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni sẽ làm tất cả để khiến hai chính quyền dòng Shiite (chính quyền Syria do người Alawite lãnh đạo, là một nhánh của dòng Shiite) sụp đổ. 

Giới bình luận cho rằng "NATO Ảrập" ra đời nhằm tạo điều kiện cho Ảrập Saudi ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng của "đối thủ lớn nhất" Iran ở Trung Đông

Washington và đồng minh Trung Đông, trong đó chủ chốt là Ảrập Saudi, đã âm thầm vạch ra một chiến lược kinh hoàng nhằm xé tan đất nước Syria. Trong thời gian tới, liên minh này có thể can thiệp trực tiếp vào Syria thông qua việc tăng cường hỗ trợ các nhóm phiến quân đối lập đánh chiếm thêm các vùng lãnh thổ ở Syria, để lật đổ chính quyền Bashar al-Assad, buộc Iran phải rút các lực lượng vũ trang được họ hỗ trợ về nước. 

Thậm chí, các nước này có thể tung quân vào Syria để bảo vệ các khu vực kiểm soát của lực lượng đối lập, để chúng yên tâm đánh chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ của Syria, tạo điều kiện ép ông Assad phải từ chức, khiến Iran mất đi đồng minh cuối cùng ở Trung Đông.

Chặng đường gian nan

Giới quan sát nhận định, cho dù ý tưởng "NATO Ả rập" ra đời với sự dẫn đầu của Ả Rập Saudi nhằm mục đích chống lại Iran nhưng không dễ gì để có thể cô lập được Iran. 

Trước hết, sức bền của liên minh Iran - Syria là khó thể phá vỡ trong nay mai. Liên minh giữa Iran và Syria đã trải qua nhiều thử thách và thời gian, và thực tế đã chứng minh rằng mối liên minh Iran - Syria chưa bao giờ tan vỡ, ngay cả khi Syria rơi vào vòng xoáy xung đột khủng hoảng. 

Syria và Iran xem nhau là đối tác duy nhất trong "cuộc kháng chiến" chống Israel, và cùng xem mình là cộng đồng thiểu số và sắc tộc trong một khu vực bị chủ nghĩa cực đoan Salafi bao trùm. Hơn thế nữa, Damascus và Tehran đều coi khối Ảrập và mối quan hệ tốt đẹp giữa khối này với Israel là mối đe dọa đối với sự tồn vong của chính mình.

Sau đó, những gì diễn ra trong cuộc chiến Iran - Iraq cho thấy việc cô lập Tehran là điều hết sức khó khăn. Trên thực tế, Iran đã từng bị cô lập trong cuộc chiến mà Iraq tiến hành. Cuộc chiến này từng ngăn cản Iran thực hiện tham vọng của mình là truyền bá các tư tưởng và cuộc cách mạng của mình ra bên ngoài. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, Iran đã nỗ lực thúc đẩy các liên minh chiến lược và phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự của mình. 

Bất chấp những áp lực cả về kinh tế và quân sự, mọi chiến lược cô lập Tehran càng khiến quốc gia này trở nên quyết tâm hơn, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với các đồng minh thân cận để vượt qua mọi khó khăn.

Dù đã liên kết được với một số đối thủ chính của Iran để thực hiện các nỗ lực thành lập "NATO Ảrập" nhưng ý tưởng này sẽ còn gặp nhiều khó khăn để có thể thực hiện được. 

Trước hết, hiện Washington vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể khi quan hệ giữa Mỹ và Ảrập Saudi không còn "mặn nồng" như một vài năm trước, nhất là khi Ả Rập Saudi rất không hài lòng vì đồng minh Mỹ đã ký kết thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran. 

Hơn nữa, Riyadh còn rất "bực tức" trước việc cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối không kích các kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria vào năm 2014, cũng như việc Mỹ từ chối cung cấp một số loại vũ khí nhất định cho phe đối lập Syria.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng phiên bản "NATO Ảrập" vẫn mang bản chất của NATO, là một tổ chức quân sự cấp thấp hơn NATO và được thành lập vẫn để phục vụ cho lợi ích của Mỹ. 

Họ đặt dấu hỏi về khả năng lãnh đạo của Ảrập Saudi sau khi xuất hiện nhiều thông tin cho rằng liên minh chống khủng bố của các quốc gia Hồi giáo (gồm 34 quốc gia) do Ảrập Saudi thành lập từ năm 2015 đang có dấu hiệu rạn nứt, và bản thân Ảrập Saudi chưa thể đoàn kết các lực lượng chính trị về cách tiếp cận và giải quyết nguy cơ khủng bố. 

Trong khi đó, hai cường quốc ngày càng chiếm vị thế quan trọng trên bản đồ thế giới là Nga và Trung Quốc có rất nhiều lý do để xích lại gần hơn với Iran. Tehran sẽ tận dụng những rạn nứt trong nội bộ liên minh mà Ảrập Saudi dẫn đầu, đồng thời tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc bên ngoài Syria. 

Như vậy có thể thấy rằng, để thành lập một "NATO Ảrập" dưới sự dẫn dắt của Ảrập Saudi và đạt được các mục đích đề ra là một điều hết sức khó khăn trong bối cảnh hiện nay... 

Nam Hồng
.
.