"Lái súng" trên mạng

Thứ Năm, 28/09/2017, 14:34
Hoạt động mua bán vũ khí trực tuyến đang gia tăng và có nguy cơ tiếp tay cho hoạt động khủng bố. 

Theo đó, tình trạng các nhóm vũ trang sử dụng Facebook và các mạng xã hội khác để buôn bán vũ khí đã nở rộ đến mức báo động, với hơn 60% vũ khí được bán từ các chợ đen trực tuyến có xuất xứ từ Mỹ. 

Số liệu trên được thu thập từ 12 "cryptomarket" - một loại chợ đen hội tụ nhiều đối tượng buôn bán và do các quản trị viên của chợ đen điều hành. Chợ đen trực tuyến tạo điều kiện cho các hoạt động buôn bán bất hợp pháp vũ khí cũng như các sản phẩm số hóa cung cấp hướng dẫn liên quan đến vũ khí và chất nổ tự chế.  

Bên cạnh đó, chợ đen trực tuyến đang gia tăng hoạt động khi giới thiệu nhiều loại súng mới hơn hoặc có giá thấp hơn so với nguồn sẵn có trên đường phố hoặc chợ đen thông thường. Kiểu chợ đen này có nguy cơ trở thành nguồn cung cấp vũ khí cho những nhóm nhỏ như các băng đảng tội phạm, hoặc các đối tượng khủng bố hoạt động theo hình thức  "sói đơn độc".

Lái buôn qua mạng

Tình hình bất ổn tại Trung Đông đã hình thành những chợ mua bán vũ khí hoạt động tấp nập. Các tổ chức thánh chiến đã sử dụng Facebook như công cụ rao bán vũ khí hạng nặng đủ chủng loại, thậm chí người mua có thể dễ dàng tậu một khẩu súng máy hạng nặng, tên lửa nhiệt vác vai và các loại vũ khí có sức công phá mạnh. Đây là các loại vũ khí thường được lực lượng phiến quân với lối đánh du kích hay với các lực lượng khủng bố lựa chọn. 

Phần lớn các loại vũ khí được rao trên mạng xã hội không đính kèm theo giá, mà sẽ được người mua tự đề nghị mức giá, dẫn đến việc đấu thầu. Khách hàng chủ yếu trên thị trường chợ đen vũ khí trong độ tuổi 20-30. Khi thấy có mẩu quảng cáo vũ khí phù hợp với mục đích sử dụng, người mua sẽ nhắn tin hay liên lạc bằng số điện thoại cá nhân tới nhà cung cấp để trao đổi giá cả và phương thức giao hàng. 

Tình hình bất ổn tại Trung Đông đã hình thành những chơ mua bán vũ khí hoạt động tấp nập trên facebook.

Một nhóm buôn bán vũ khí trên Facebook có thể thu hút 400-14.000 thành viên gia nhập. Từ đầu năm đến nay, ước tính có khoảng 6.000 vụ mua bán vũ khí trực tuyến ở Trung Đông. 

Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều, bởi nhiều thế lực bên ngoài bị cho là đã cung cấp một lượng rất lớn vũ khí cho các phe phái ở những điểm nóng như Libya, Syria hay Iraq... nhưng lại rất khó kiểm soát luồng di chuyển của chúng.

Theo thống kê, có 1.346 vụ mua bán vũ khí ở Libya vào năm 2016. Đặc biệt, các tay súng ở Libya từng giao dịch cả tên lửa đối không SA-7 vốn được xem là khắc tinh của máy bay trực thăng lẫn máy bay thương mại. Ở một đất nước chìm trong vòng xoáy bạo lực như Libya, tâm lý phòng thân của người dân đã đẩy mức giá súng ngắn lên đến 7.000 USD, gấp 6-7 lần thị trường châu Âu hoặc Mỹ. 

Việc mua bán vũ khí từng được siết chặt dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi nhưng sau khi chính quyền của ông này bị lật đổ vào năm 2011, các kho vũ khí tại Libya trở thành mục tiêu cướp phá của các nhóm vũ trang và chợ đen vũ khí từ đó cũng bắt đầu nở rộ. 

Tương tự, chợ vũ khí online ở Iraq không kém phần nhộn nhịp khi giới thiệu hàng loạt món hàng hấp dẫn có nguồn gốc từ quân đội Mỹ, bao gồm súng M4, súng trường tấn công M16, súng máy tự động M249, súng tiểu liên MP5 và súng ngắn. Trong khi đó, Syria còn ghi nhận cả việc có người chào bán đầy đủ hệ thống tên lửa dẫn đường chống xe tăng, vốn là nỗi ám ảnh của lực lượng phương Tây.

Ngoài Trung Đông, châu Âu cũng đang dần trở thành "miền đất hứa" của các chợ đen vũ khí. Vũ khí hạng nặng trên thị trường chợ đen tăng chủ yếu do nhập lậu từ các nước vùng Balkan. 

Sau chiến tranh vùng Balkan những năm 1990, hàng trăm nghìn vũ khí quân đội đã rơi vào tay dân thường. Những vũ khí này sau đó được tuồn vào Đông Âu thông qua các hoạt động buôn lậu như cất giấu ở khoang sau ô tô.  

Sau khi đã vượt qua biên giới, các vũ khí này có thể dễ dàng chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác trong khu vực tự do di chuyển Schengen. Một khi đã xâm nhập trót lọt, gần như chẳng còn gì có thể ngăn cản chúng tìm tới những nơi như Tây Âu và các vùng khác. Vũ khí có thể di chuyển theo các mạng lưới tội phạm nằm trong châu Âu, trước khi rơi vào tay những tên tội phạm hoặc các mạng lưới khủng bố.

Năm nay, súng đạn "nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực" của các quốc gia ở vùng Balkan, với Tây Âu là thị trường tiêu thụ chủ chốt. Bên cạnh đó, vũ khí phục vụ cho các vụ khủng bố ở châu Âu thời gian qua có thể đã được mua từ nước Bỉ láng giềng, quốc gia đang dần trở thành một "cổng vũ khí trái phép" của khu vực. 

Nhiều thế kỷ qua, Bỉ là quốc gia sản xuất và xuất khẩu súng lớn. Hơn nữa, pháp luật Bỉ vẫn chưa nghiêm cấm việc sử dụng súng. Điều này khiến Bỉ trở thành một trong những điểm nóng của châu Âu về buôn bán vũ khí, trong đó có cả những người vì mục đích xấu. 

Theo tiết lộ, chỉ sau nửa giờ người ta có thể sắm một món vũ khí quân dụng tại đất Bỉ, với giá từ 500-1.000 euro.

Facebook dỡ bỏ các bài đăng liên quan đến buôn bán vũ khí khi nhận được báo cáo từ phía người sử dụng.

Hiểm họa khôn lường

Có một thực trạng đáng báo động rằng Mỹ là điểm xuất hàng ưa thích của các tay buôn vũ khí đến các nước trên toàn thế giới. Chính sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát vũ khí ở Mỹ đã tạo thêm thuận lợi cho hoạt động mua bán trên các chợ đen trực tuyến. 

Tuồn vũ khí ra khỏi Mỹ vốn không phải chuyện đơn giản, nhưng các tay buôn lọc lõi đã sử dụng nhiều hình thức tinh vi như tháo rời thành nhiều phần, sau đó gửi đi trong các kiện hàng khác nhau. 

Một số bộ phận được nhét vào trong các vật dụng ít bị chú ý hơn để tránh phát hiện. Trong quá trình giao dịch, bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào chợ đen trực tuyến và chỉ trong vài phút có thể tiếp cận với nhiều người bán hàng, trong đó chủ yếu hoạt động phi pháp.

Chợ đen trực tuyến cho phép giao dịch bất hợp pháp ở mức độ toàn cầu, xóa bỏ khoảng cách địa lý giữa người bán và người mua, trong khi lại bảo mật thông tin cá nhân cho những đối tượng ẩn danh. Những đặc điểm này khiến chợ đen trực tuyến trở nên hấp dẫn đối với nhiều người buôn bán các mặt hàng bất hợp pháp. 

Các trang web đen mua bán vũ khí vốn không thuộc danh mục cho phép của các nước sở tại. Cũng khó có thể tìm kiếm chúng trên Google hay các công cụ tìm kiếm khác. Nếu muốn sở hữu vũ khí, khách hàng phải tải những phần mềm giúp đăng nhập cũng như dễ dàng "vượt tường" để tham gia trên các trang web đen. 

Để tránh bị lần theo dấu vết, giao dịch trên các trang web đen có mua bán vũ khí thường sử dụng tiền ảo Bitcoin không thuộc sự phát hành của bất cứ tổ chức tín dụng hay ngân hàng nhà nước nước nào.

Sự ra đời của các loại vũ khí phi pháp có liên hệ chặt chẽ với những tội ác nghiêm trọng. Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi một số thủ phạm của các vụ tấn công có tiền sử về bạo lực. Do thị trường vũ khí chợ đen thường có liên hệ chặt chẽ với các mạng lưới tội phạm nghiêm trọng, những mối liên hệ từ trước dựa trên sự tin tưởng đã giúp chúng có thể mua vũ khí một cách bí mật. Thực tế là một khẩu AK hoặc một khẩu súng phóng lựu chống tăng có thể được mua với giá rẻ chỉ từ 300-700 euro tại một số khu vực ở châu Âu cho thấy chúng rất sẵn để các nhóm tội phạm và khủng bố mang về rồi thực hiện các vụ tấn công có tổ chức, gây con số thương vong cực lớn.

Mối nguy hiểm từ các chợ đen buộc Facebook phải đưa ra một lệnh cấm các tổ chức buôn bán vũ khí trái phép trên mạng trá hình thành các nhóm xã hội để thực hiện giao dịch. 

Phía Facebook tuyên bố dỡ bỏ các bài đăng liên quan đến buôn bán vũ khí nếu như nhận được báo cáo từ phía người sử dụng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nghi ngại về hiệu quả của phương pháp này vì nhiều nhóm buôn vũ khí lớn mạnh với hàng ngàn thành viên đã hoạt động trước khi Facebook ban hành lệnh cấm, đặc biệt là các nhóm có sự tham gia của nhiều lực lượng như Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda. 

Lệnh cấm sẽ không phát huy được hiệu quả bởi nếu xóa được các trang web đen trên Facebook cũng không thể ngăn chặn việc các nhóm tội phạm, các tay súng thánh chiến tạo nhóm và rao hàng trực tiếp trên ứng dụng Messenger. Hơn nữa, một số trang bán các vật dụng như áo chống đạn không vi phạm chính sách của Facebook, nhưng tiềm ẩn nguy cơ buôn thêm các loại vũ khí khác.

Giới chức trách Mỹ và châu Âu đã bắt tay triển khai một chiến dịch truy quét lớn nhắm vào hoạt động buôn bán hàng cấm (ví dụ như ma túy, vũ khí và thông tin cá nhân nhạy cảm) đang bùng nổ trên các trang mạng trực tuyến. Bộ Tư pháp Mỹ và Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) đã đóng cửa AlphaBay và Hansa - hai thị trường bất hợp pháp khổng lồ trên web đen. 

Chỉ tính riêng AlphaBay đã có 200.000 khách hàng cùng hơn 40.000 người bán các mặt hàng cấm, khiến nó trở thành web chợ đen lớn nhất từng bị triệt hạ từ trước tới nay. 

Tại châu Âu, sau những vụ tấn công khủng bố và xả súng hàng loạt, người dân giờ đây phải qua kiểm tra y tế mới được cấp phép mua vũ khí. Việc mua bán trên mạng cũng sẽ bị khống chế. Các nước châu Âu buộc phải chia sẻ thêm thông tin về việc mua bán vũ khí nhằm đảm bảo những người chưa thực hiện các cuộc kiểm tra tại một nước thành viên sẽ không thể mua súng ở nơi khác trong EU...

Hồng Hạnh
.
.