IS vẫn nuôi giấc mơ “đế chế hồi giáo”?

Thứ Tư, 23/08/2017, 09:35
Sau nhiều tháng giao tranh quyết liệt, chiến dịch giải phóng Mosul của quân đội Iraq đã giành thắng lợi, chấm dứt sự chiếm đóng hơn ba năm qua của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành trì cuối cùng của chúng tại quốc gia Trung Ðông này.

Thắng lợi tại Mosul là bước ngoặt quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ cho quân đội Iraq tiến tới giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi IS, đồng thời "tiếp lửa" cho nỗ lực chống khủng bố quốc tế trong khu vực. Tuy nhiên, chiến thắng này cũng đã tạo ra hàng loạt những thách thức mới. 

Sau khi thất thủ ở Mosul và sắp tới có thể tiếp tục thất thủ tại Raqqa (Syria), IS vẫn có thể duy trì cấu trúc cơ bản và quay về hoạt động bí mật, tự thay đổi bằng cách gác lại giấc mơ về một "Đế chế Hồi giáo" và chuẩn bị chiến trường cho một trận chiến hoàn toàn mới.

Chưa thể vui mừng

Gần chín tháng sau khi chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại thành phố Mosul từ tay phiến quân IS được triển khai dưới sự hỗ trợ của các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, các tay súng IS đã rơi vào thế mắc kẹt giữa một bên là hỏa lực tiến công và một bên là sông Tigris. 

Không còn lối thoát, IS đã kháng cự quyết liệt nhằm cản bước tiến công của quân đội Iraq, cố thủ tại thành trì cuối cùng Mosul.

Sau nhiều tháng giao tranh quyết liệt, chiến dịch giải phóng Mosul của quân đội Iraq đã giành thắng lợi, chấm dứt sự chiếm đóng hơn ba năm qua của tổ chức IS.

Bởi thế, để mất Mosul là thất bại lớn nhất của IS ở Iraq, sau khi tổ chức khủng bố này lần lượt để mất các vùng lãnh thổ kiểm soát kể từ tháng 6-2014. Mặc dù các phần tử IS vẫn còn phân tán rải rác tại nhiều nơi trên đất nước Iraq, song tổ chức này đã bị thiệt hại nặng nề và gần như "tan đàn xẻ nghé" khi thất thủ ở Mosul - nơi thủ lĩnh IS đã tuyên bố thành lập "Đế chế Hồi giáo".

Kể từ năm 2014, IS đã lan tràn như một đại dịch ra khắp các khu vực miền bắc Iraq và Syria. Sự dã man và tàn bạo của chúng, được minh họa bởi những hành động hung ác như chặt đầu người dân vô tội và các nhà báo, phá hủy các di tích lịch sử mang tính biểu tượng, bắt phụ nữ theo các tôn giáo khác làm nô lệ, đã khiến cả thế giới bị sốc nặng. 

Ngay sau khi Iraq tuyên bố thắng lợi ở Mosul, lãnh đạo nhiều nước đã hoan nghênh việc các lực lượng ủng hộ chính phủ Iraq cùng đồng minh đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul từ tay IS. Chiến thắng này được hy vọng sẽ là sự khởi đầu của tiến trình khôi phục hòa bình và ổn định tại Iraq, đồng thời khích lệ các nỗ lực chống khủng bố trong khu vực.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng việc giành lại Mosul không có nghĩa là các mối đe dọa từ IS sẽ biến mất khi tổ chức thánh chiến này vẫn "cắm chân rết" tại các khu vực gần Mosul cũng như ở nhiều vùng rộng lớn khác. 

Cuộc chiến chống khủng bố IS của liên quân do Mỹ đứng đầu đang được tăng cường ở cả chiến trường Iraq và Syria.

Hiện nay, Nhà nước Hồi giáo tự xưng vẫn chiếm giữ nhiều nơi ở Iraq và có thể tiến hành các vụ đánh bom thường xuyên tại các khu vực do chính phủ kiểm soát. Mặc dù đã mất Mosul nhưng IS vẫn tạm thời "nắm trong tay" Raqqa - một thành phố ở Syria có vai trò quan trọng không kém Mosul. 

Còn nữa, sau trận chiến ở Mosul, những tay súng còn sống sót đã tháo chạy về thị trấn Tal Afar cách Mosul 65km về phía tây - một thành trì vững chắc khác của IS và sẽ phải mất nhiều tháng để quân đội IS có thể giải phóng thị trấn này.

Thất thủ ở Mosul, IS có thể sẽ phân tán lực lượng về những vùng xa xôi hẻo lánh hơn. Cách Mosul 290km về phía tây nam, một loạt các thị trấn thuộc tỉnh Anbar, nằm trong phần lãnh thổ của Iraq chạy dọc con sông Euphrates, hiện đang nằm trong tay IS và trở thành nơi trú ngụ của những tay súng chạy trốn.

Những thị trấn này được kết nối chặt chẽ với những thành trì của IS trong thung lũng Euphrates thuộc lãnh thổ Syria. Trừ khi IS không phải hứng chịu những thất bại mang tính hủy diệt thì các cuộc chiến ở Tal Afar và Anbar vẫn kéo dài đến hết năm 2017. 

Thêm vào đó, việc giải phóng Raqqa sẽ phải mất nhiều thời gian hơn dự tính bởi tình hình ở Syria phức tạp hơn rất nhiều với sự các cuộc giao tranh của cả ba phe tham chiến gồm cả quân đội chính phủ Syria, lực lượng phiến quân do Mỹ và phương Tây hỗ trợ lẫn các tay súng IS.

Chờ thời cơ trỗi dậy

Cuộc chiến chống khủng bố của liên quân do Mỹ đứng đầu đang được tăng cường ở cả chiến trường Iraq và Syria. Tiên liệu được những khó khăn trên mặt trận chống IS ở Iraq, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất khoản ngân sách 1,269 tỷ USD trong năm 2018 để hỗ trợ các lực lượng Iraq.

Tuy nhiên, chiến thắng của quân đội Iraq ở Mosul đã tạo ra hàng loạt những thách thức to lớn trong cuộc chiến chống khủng bố, cả ở Iraq, Syria lẫn ở các nơi khác trên thế giới. 

Việc IS để mất các vùng lãnh thổ chiến lược ở Iraq có thể sẽ dẫn tới những tính toán thay đổi chiến thuật của tổ chức cực đoan này ở Syria. Thành trì tại Raqqa của IS cũng đang lung lay sau khi lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại Syria đã giành hơn một phần tư thành phố Raqqa. 

Tuy nhiên, với sự hiện diện của IS ở khắp mọi nơi, từ Iraq, Syria, tới các quốc gia ở Bắc Phi, rồi lan sang châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới, mối đe dọa từ tổ chức khủng bố này vẫn hiện hữu, và cuộc chiến vẫn là hành trình vô cùng gian nan.

Trong thời gian sắp tới, Iraq sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trước những kế hoạch mới, tinh vi và phức tạp hơn. Hiện nay Iraq đang phải chuẩn bị đối phó với kiểu phá hoại giống kiểu mạng lưới khủng bố Al Qaeda đã từng làm sau cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, đẩy Iraq vào một cuộc nội chiến với đỉnh điểm là giữa các năm 2006 - 2007. 

Mối đe dọa từ tổ chức khủng bố IS vẫn hiện hữu khi chúng có mặt ở khắp mọi nơi, từ Iraq, Syria, tới các quốc gia ở Bắc Phi, rồi lan sang châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới.

Theo một số nguồn tin tình báo, nhiều chỉ huy và tay súng IS trốn ra khỏi thành phố tới vùng núi Hamrin ở đông bắc Iraq, nơi có nhiều địa điểm có thể ẩn náu và có cửa ngõ nối với bốn tỉnh của Iraq. 

Một số đã bị chặn lại, nhưng nhiều tên khác đã lẩn tránh lực lượng an ninh và bắt đầu thiết lập các căn cứ cho các hoạt động mới của chúng. Tàn dư IS rõ ràng đang tìm cách ẩn náu để rồi dễ dàng lẩn trốn vào thủ đô nhằm tìm cách "trả thù".

Thay vì cố tìm cách thiết lập "Đế chế Hồi giáo" - một khái niệm từng rất thu hút những thanh niên Hồi giáo dòng Sunni bất mãn, lãnh đạo IS sẽ tập trung vào một cuộc chiến du kích khó dự đoán hơn. Các sa mạc giờ đây đã trở thành một thiên đường an toàn cho các tay súng IS và cho rằng các chiến dịch an ninh sẽ trở nên vô dụng trừ khi lực lượng an ninh kiểm soát được sa mạc.

IS sẽ tiến hành các cuộc tấn công lẻ tẻ thay vì cả đoàn quân như trong các thành phố: đó sẽ là những kẻ đánh bom tự sát. Câu hỏi đặt ra là liệu liên quân do Mỹ đứng đầu có phản ứng "đủ nhanh" với những đơn vị nhỏ có thể đột nhiên xuất hiện trên sa mạc và đồi núi, tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng rồi biến mất hay không?

Chưa hết, đội quân thánh chiến đã lên kế hoạch sẵn sàng đối phó với tình cảnh bị suy yếu. Trong khoảng thời gian hoành hành trên một vùng lãnh thổ rộng lớn, IS đã tìm cách gieo tầm ảnh hưởng sâu đến tận gốc rễ ở nhiều khu vực có người Sunni sinh sống ở Iraq. 

Trong thập kỷ qua, tổ chức này đã phát triển nhiều mạng lưới chuyên huy động nguồn vốn, vũ khí và các tổ chức bí mật ở những khu vực trải rộng từ Diyala cho tới biên giới Jordan. 

Thậm chí ngay cả khi mất quyền kiểm soát ở Mosul và Raqqa, IS vẫn chưa thể bị xóa khỏi danh sách những tổ chức khủng bố khi chúng sẽ rút vào hoạt động bí mật, tổ chức các vụ tấn công khủng bố gieo rắc sợ hãi, cũng như tìm cách tập hợp lại sau một khoảng thời gian nhất định để chờ thời cơ trỗi dậy.

Khi mà IS dần mất đi sức mạnh, một số tay súng của tổ chức này có thể quay sang đầu quân cho các nhóm phiến quân khác. Ngoài ra, chúng có thể tới một số vùng đất thánh chiến mới. 

Điểm đến lý tưởng là Libya, Bắc Kavkaz hay Nigeria - những nơi IS đã từng có mặt. Hành trang của đội quân này sẽ là các kỹ năng chiến đấu trên thực địa ở Syria và Iraq. Chúng có thể ẩn náu trong rừng rậm nhưng cũng có thể sở hữu phương tiện hiện đại, có tiền bạc và mối liên hệ chặt chẽ với tổng hành dinh IS. Các đơn vị chiến đấu của chúng sẽ nhỏ hơn, thay vì các đại đội và trung đội. 

Trong bối cảnh tìm cách thích ứng từ những thất bại và giấc mơ về một "Đế chế Hồi giáo" đang bị trì hoãn, IS sẽ quay lại sử dụng các chiến thuật tấn công rồi bỏ chạy trước đây của mình, và để những phiến quân cựu binh tiếp tục chiến đấu vì một lý tưởng vô cùng xa vời...

Lê Nam
.
.