Bất nguyên tắc và vô kỷ luật

Thứ Sáu, 10/11/2017, 09:22
Đây là một loại trạng thái tâm lý mà theo quan sát trong xã hội hiện nay thì hầu như chúng ta đang mắc phải, đó là sống thiếu đi những nguyên tắc để làm chuẩn mực cho cuộc sống và hành xử của mỗi cá nhân.

Vô nguyên tắc với bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào, thời điểm nào và bất cứ lĩnh vực gì

Trong gia đình, có thể có những lễ giáo cổ hủ và quá khuôn thước, gò ép con người thì có thể cần phải được lược bỏ đi. Nhưng có những thứ lại quá dễ dãi giữa những mối quan hệ, có những nguyên tắc và ranh giới như giữa cha mẹ và con cái, giữa cháu chắt và ông bà thì phải giữ gìn, tuân thủ. 

Có những giá trị về đối nhân xử thế đã bị mai một, người trẻ đôi khi không còn kính trọng người lớn tuổi, con cái lắm lúc hỗn hào với cha mẹ. Chúng ta không cần phải cơm bưng nước rót cho cha mẹ như một sự cung phụng hay để đề cao thứ bậc trong mối quan hệ ấy nữa, nhưng chúng ta vẫn còn có nguyên tắc tối thiểu trong hành xử đời thường trong gia đình. 

Con cái đánh chửi cha mẹ già, ngược đãi họ vì họ đã không còn giúp đỡ hay bình thường được như trước. Cha mẹ có khi bỏ mặc con cái, chúng muốn làm gì thì làm và học gì thì học, muốn ra sao thì ra.

Đó chính là những hành vi vô nguyên tắc và cũng là sự vô cảm, dẫn tới hệ luỵ là  đứa trẻ lớn lên gặp  phải những bất ổn về tâm sinh lý, chúng sẽ trở nên cô đơn, rơi vào tự kỷ hoặc trở nên hư hỏng, sa ngã chỉ vì người chăm sóc không quan tâm tới con cái.

Kỷ luật thế nào để trở nên có ý thức tốt, và tự do thế nào để có thể phát triển tư duy của con người.

Nhưng nguyên tắc quá dễ dẫn tới sự cứng nhắc và cưỡng bức, nhưng tự do quá dễ thành sự bỏ mặc, nuông chiều. Nói đến sự nuông chiều, đó chắc chắn cũng là một sự yêu thương sai lầm đối với những người nhận được nó. Nó dễ khiến con người ta ỷ lại, chỉ biết đòi hỏi, ích kỷ và dần dà sẽ biến thành một con người quá quắt, phá vỡ các nguyên tắc, sự kỷ luật của tổ chức và cộng đồng mà người đó tham gia vào. 

Vậy thì sự bất nguyên tắc và thói vô kỷ luật là một thói quen xấu nguy hại đối với việc xây dựng nhân cách con người cũng như huỷ hoại các nền tảng cơ bản của xã hội.

Ở nhà trường, sự vô kỷ luật cũng diễn ra ở nhiều nơi, thầy cô thì đôi khi quá lạm dụng trách nhiệm quản lý và dạy học của mình mà trở nên hà khắc với học trò, khiến họ trở nên thụ động, sợ hãi và mất đi tính tự lập, tự chủ trong việc học cũng như tuân thủ máy móc các quy định của nhà trường. 

Nhiều khi bọn trẻ phải dối trá để được khen ngợi hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành tốt kỷ luật hoặc để tránh bị xử lý về một vấn đề nào đó. Nhưng cũng có nơi thì vô kỷ luật tới mức thầy cô cãi lộn với học sinh, học sinh tay đôi cãi nhau bất nhã với người dạy dỗ mình, thậm chí còn thách thức, đe doạ hoặc đánh cả thầy cô mình. Đây quả là những hành vi không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn phá huỷ đạo đức và nhân cách một con người. 

Và ở đây, chúng ta cũng đang rơi vào mâu thuẫn nội tại giữa hai vấn đề, kỷ luật thế nào để trở nên có ý thức tốt, và tự do thế nào để có thể phát triển tư duy của con người nhưng không bị sự phóng khoáng điều hướng tới những hành vi xấu?

Chúng ta sống bất nguyên tắc và vô kỷ luật thế nào?

Đó là ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi công dân chưa cao. Ví dụ như đi ra đường chúng ta thản nhiên vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lấn sang phần đường dành cho loại xe khác, leo lên vỉa hè, chèn lên phần dành cho người đi bộ, bấm còi inh ỏi. 

Khi bị lực lượng công vụ yêu cầu dừng xe thì hoặc là chống đối, hoặc là xin xỏ, hối lộ để được cho qua hành vi vi phạm của mình. Vậy là chúng ta đang phá hoại luật pháp và kỷ cương chỉ vì tư lợi nhỏ mọn trong sự bất chấp hành vi sai trái của bản thân.

Một xã hội mà được duy trì trong trạng thái đó với những con người như thế thì có thể làm nên trò trống gì hay không, khi mà quốc gia thì phải có luật pháp nhưng công dân của đất nước đó lại cứ thản nhiên xem thường pháp luật, vi phạm xong còn tìm cách sai trái để khoả lấp cho hành vi sai trái trước đó của mình? 

Như vậy thì cũng cần phải trách người quản lý và thực thi công vụ cũng như cái nhà nước đó đã tự mình không duy trì luật pháp và có trách nhiệm trong việc thi hành luật pháp đối với công dân của họ. Vậy là trong việc này, cả nhà nước và công dân đều là những con người bất nguyên tắc và vô kỷ luật, coi thường luật pháp. Vậy nên cả đôi bên đều phải chấn chỉnh lại nhận thức và thay đổi hành vi của mình sao cho chuẩn mực và trở nên hợp pháp.

Chúng ta còn mắc vào sự vô nguyên tắc nào khác nữa?

Đó là thường phá vỡ các cam kết, lời hứa, xem nhẹ thoả thuận trong làm ăn hoặc công việc với đối tác. Không coi trọng hợp đồng đã ký kết, thích thì làm, không thích thì phá bỏ, nếu xảy ra hậu quả thì tìm cách trốn tránh trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho người khác hoặc sự kiện khác. Đây là một thói quen phổ biến trong con người ở đất nước chúng ta, nó gây ra biết bao nhiêu hệ luỵ nguy hại cho quốc gia và xã hội. 

Vì trong giao thương quốc tế, các quốc gia tôn trọng luật pháp sẽ tẩy chay và cô lập những con người làm ăn không trọng chữ tín, không hiểu biết và tuân thủ luật pháp. Và như vậy thì những cơ hội mở mang, giao lưu với các nền văn minh, kinh tế và chính trị phát triển khác sẽ bị đóng lại và bị từ chối. Vậy người dân chúng ta sẽ chỉ biết quanh quẩn xó nhà và tự cung tự cấp, hoặc cũng sẽ chỉ làm ăn được với những kẻ vô pháp, bất nguyên tắc như chúng ta.

Ăn to, nói lớn nơi công cộng, trong tập thể và bất chấp giờ giấc, sự vô nguyên tắc quả là một thứ gây hại cho con người và xã hội.

Các công dân của chúng ta còn có những căn bệnh nào nữa về sự vô kỷ luật của mình?

Đó là sự lười biếng, thích ăn nhậu, thường trễ hẹn, muộn giờ làm, thường sinh hoạt không có kế hoạch và sự khoa học, ăn uống không để tâm tới tính an toàn của thực phẩm, nơi ăn chốn ở cũng bừa bộn, bẩn thỉu. Chúng ta cũng lại hay bỏ dở giữa chừng việc đang làm để làm những việc không liên quan khác. 

Không tuân thủ quy chế, quy định của tổ chức, công ty, cộng đồng. Ăn to, nói lớn nơi công cộng, trong tập thể và bất chấp giờ giấc. Xả rác bừa bãi ở mọi nơi. Không thích người khác nói đến mình nhưng thường gây phiền hà cho người khác. 

Với một loạt các tố chất nguy hại như thế thì thử hỏi rằng chúng ta sẽ hoàn thành công việc, tôn trọng người đối diện và có thể đi đến kết quả hay giá trị tốt đẹp nào đó được không? Vậy thì sự vô nguyên tắc quả là một thứ gây hại cho con người và xã hội, lớn hơn là cho việc xây dựng các giá trị nền tảng của quốc gia.

Xử lý mâu thuẫn giữa vấn đề tự do và kỷ luật bằng cách nào cho ổn thoả?

Luật pháp là công cụ hữu hiệu tạo ra kỷ cương và trật tự. Luật pháp có văn minh thì con người cũng sẽ có chuẩn mực văn minh mà hành xử trong đời thường. 

Và yêu cầu cao hơn nữa, đó là nhà nước phải tổ chức thực thi luật pháp đó một cách rõ ràng và nghiêm minh nhất, không xuê xoa cho bất kỳ ai khi vi phạm, cương quyết xử lý đến cùng hành vi sai trái của người khác và cũng nghiêm khắc với chính bản thân mình trong việc tuân thủ cũng như thực thi luật pháp. Lúc đó chúng ta sẽ tạo ra được những nguyên tắc chuẩn mực cốt yếu để con người trong xã hội từ đó mà nương theo.

Luật pháp văn minh là luật pháp không có sự đặc quyền hay ưu ái, đặc biệt không được khẳng định vị thế độc quyền cho bất kỳ cá nhân, đảng phái hay tổ chức nào trong bộ máy nhà nước được toàn quyền nắm trọn quyền lực. Chúng ta chỉ quy định rõ các quyền tự do của cá nhân, nhưng không được xâm hại tới tự do của người khác. 

Từ các nguyên tắc luật pháp tối cao này, chúng ta sẽ tạo ra những nguyên tắc mang tính dân sự và đạo đức để điều chỉnh mang tính hoàn thiện hơn hành vi và nhận thức của con người, nhưng dựa trên nền tảng luật pháp khoa học, văn minh như vừa nêu trên. Con người có kỷ luật và nguyên tắc thì mới có thể đảm bảo sự nghiêm túc trong hành động, sự đúng đắn trong nhận định, sự tôn trọng nguyên tắc và lợi ích của người khác trong xã hội.

Nếu gia đình, nhà trường hay đất nước mà vô tổ chức thì sẽ dẫn đến hỗn loạn. Nhưng nếu những kết cấu xã hội này của một quốc gia mà đề ra quá nhiều nguyên tắc và kỷ luật thì lại dẫn đến nó trở thành một gánh nặng, thậm chí gây ra sự nhiễu loạn trong nhận thức và hành vi của con người, có khi xâm hại vào các quyền tự do (hiến định, luật định) của cá nhân mà không hề biết. 

Vậy nên, điều quan trọng là chúng ta vẫn cần phải có trước hết là một hệ thống luật pháp rõ ràng, khoa học và chuẩn mực, trong đó đề cao tính kỷ luật của nhà nước, chính quyền và đại diện là người thực thi công vụ trước hết. Sau đó là đến đòi hỏi với các công dân trong xã hội đó cùng tuân theo mà hành xử.

Như thế, đất nước chúng ta sẽ sớm có những con người văn minh để mà xây dựng được một quốc gia tử tế và vững mạnh.

Tôn Minh
.
.