Những bộ mặt của tham nhũng

Những quy mô cộng đồng của tham nhũng

Thứ Năm, 01/06/2017, 06:27
Tham nhũng cá nhân thường dễ nhận thấy và cũng thường bị lên án nhất. 

Nhưng, như trên đã nói, cả tham nhũng vật chất và tham nhũng tinh thần, dưới hình thức hợp pháp hay phi pháp, đều có thể ở tất cả các quy mô cộng đồng: gia đình, tập thể, giới tính, giai cấp, chủng tộc, quốc gia hay một nhóm các quốc gia - điều này đã diễn ra trong quá khứ và vẫn không hề giảm bớt trong thế giới hiện đại.

Tham nhũng giới tính thể hiện tập trung ở xã hội phụ quyền đã được chúng ta nghiên cứu ở phần trên; tham nhũng giai cấp, đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản, đã bị Marx và những người ủng hộ ông lên án mạnh mẽ thông qua khái niệm bóc lột; tham nhũng sắc tộc với hiện thân là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang được thanh toán trên phạm vi toàn cầu. Dưới đây, chúng ta hãy thử khảo sát tham nhũng cấp độ diện quốc tế: tham nhũng giữa các quốc gia và nhóm quốc gia. 

Tham nhũng quốc tế, nếu ta áp dụng cách hiểu định nghĩa của World Bank như đã nói ở trên, là hành vi của một hay một nhóm các quốc gia, sử dụng các quyền lực của cộng đồng quốc tế, ở mọi quy mô, bất kể trong lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, hành chính hay đời sống tinh thần, để chiếm các giá trị vật chất và tinh thần nhiều hơn những gì họ xứng đáng được hưởng.

Cũng giống như tham nhũng nói chung, tham nhũng quốc tế là một hiện tượng lâu đời, mặc dù có quy mô và tính chất khác nhau ở mỗi thời đại lịch sử khác nhau, dưới tác động của những nhân tố kinh tế, chính trị và xã hội khác nhau. Những hình thức phổ biến nhất trong quá khứ là chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân.

Trong cả hai hình thức này, sự bất bình đẳng về cả vật chất lẫn tinh thần được tạo nên nhờ một trật tự thế giới, cũng tức là một cơ chế quyền lực quốc tế mà các quốc gia yếu bắt buộc phải chấp nhận, để đảm bảo quyền lợi cho một hay một vài trung tâm.

Trong phần lớn trường hợp, nếu những quyền lợi ấy bị đe dọa, chiến tranh được coi là một biện pháp trừng phạt hữu hiệu. Những ví dụ cho thực tế này nhiều đến mức không cần thiết phải đưa ra, nhưng tôi cũng xin dẫn sự cống nạp của các nước chư hầu với các triều đại phong kiến Trung Quốc và sự bóc lột thuộc địa mà hàng chục quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ từng nếm trải. 

Người ta có thể phản bác rằng chủ nghĩa đế quốc dựa trên sức mạnh, cái được tạo ra từ những thành tựu tri thức, đặc biệt là công nghệ và trình độ tổ chức xã hội, vì thế không có sự lạm dụng quyền lực và không thể coi là tham nhũng. Nhưng nếu xem xét thật kỹ vấn đề, chúng ta thấy không phải vậy.

Những thành tựu về tri thức nói chung, về công nghệ và trình độ quản lý xã hội nói riêng, không phải một sớm một chiều mà có được. Bất kỳ thành tựu tri thức nào cũng bao hàm trong nó tinh hoa trí tuệ của nhân loại từ hàng ngàn năm trước. Vì thế, tri thức cần phải hiểu là một thứ quyền lực, thậm chí là thứ quyền lực quan trọng nhất: quyền lực tri thức. 

Do luôn luôn kết tinh trong nó các trí thức của cộng đồng, từ bản chất của nó, quyền lực tri thức đã là một quyền lực công cộng, và việc quyền lực công cộng này nằm trong sự kiểm soát của một trung tâm này hay trung tâm khác là do nhiều yếu tố khác nhau.

Trong lịch sử, chúng ta đã được chứng kiến nhiều lần sự thay đổi trung tâm như thế. Việc lạm dụng thứ quyền lực tri thức để chiếm đoạt các lợi ích về vật chất và tinh thần, không nghi ngờ gì nữa, là một thứ tham nhũng.

Những lý lẽ lấy trình độ công nghệ và quản lý xã hội để bào chữa cho thứ tham nhũng này thật ra chỉ là một thứ tàn dư của những xã hội dã man, trong đó cá lớn có thể nuốt cá bé mà không hề phải ăn năn về tính hợp lý của nó.

Người ta đã dùng thứ lý lẽ ấy để bào chữa cho chế độ nô lệ, cho nạn phân biệt chủng tộc, cho tình trạng bất bình đẳng giới tính, cho sự bóc lột giai cấp (một sự thật hiển nhiên nhưng từ khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, dường như đang bị các nhà nghiên cứu a dua coi như một khái niệm giả tạo).    

Thế kỷ XX chứng kiến sự sụp đổ của những đế quốc hùng mạnh và hệ thống thuộc địa thế giới. Nhưng cả chủ nghĩa đế quốc lẫn chủ nghĩa thực dân đều không chết. Chúng chỉ chuyển hóa thành dạng khác, và sự tham nhũng quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại.

Luật pháp quốc tế, trong nhiều trường hợp, chỉ là cách thức để các cường quốc áp đặt ý chí của mình lên các nước nhỏ. Biết bình luận thế nào khác được về chuyện Hoa Kỳ - nước duy nhất từng có (hai) lần dùng vũ khí nguyên tử để sát hại hàng trăm ngàn thường dân vô tội - có thể tiến hành hàng ngàn vụ nổ hạt nhân mà hoàn toàn hợp pháp, trong khi Ấn Độ và Pakistan từng bị trừng phạt khi mới tiến hành vài vụ nổ hạt nhân, còn Iraq thì thậm chí bị tấn công bằng vũ lực một cách ồ ạt chỉ vì "có khả năng sản xuất vũ khí giết người hàng loạt" - theo lời của Tổng thống Bush trong một cuộc điều trần.

Biết bình luận thế nào khác được trước sự phân biệt đối xử của Hoa Kỳ với Palestine và Israel. Và nóng hổi nhất là ngay trong tháng 4 năm 2017, trong khi nước Mỹ của ông Trump đang hầm hè đe dọa tấn công quân sự nếu Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa thì Hoa Kỳ tuyên bố thử thành công bom hạt nhân thông minh thế hệ mới B61-12 và ngày 26 tháng 4 tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III. 

Điều đáng nói là hầu như không có ai lên án 2 vụ thử của Mỹ, bởi một số quy ước nào đó được một số nước thống nhất từ trước.

Việc chống tham nhũng giữa các quốc gia trở nên khó khăn hơn kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Trật tự thế giới hiện đại đang hậu thuẫn cho tham nhũng. Giống như các thể chế độc tài tạo điều kiện cho tham nhũng ở các quốc gia, thế giới đơn cực hậu thuẫn cho tham nhũng quốc tế. 

Vì thế, chống tham nhũng, dù ở quy mô gia đình, công ty, quốc gia hay quốc tế, đều đồng nghĩa với việc đảm bảo để mọi thành viên gia đình, xã hội, và đời sống quốc tế đều có quyền phát biểu và được lắng nghe.

Chống tham nhũng, vì thế, không thể chỉ là những hoạt động riêng lẻ mang tính chất đối phó. Nó phải bắt đầu từ một sự thay đổi sâu sắc về quan niệm bình đẳng xã hội, về vai trò của nhà nước và về quan hệ quốc tế. Chống tham nhũng, dù trong một công ty, trong một quốc gia hay trên thế giới, suy cho cùng, chính là dân chủ hóa.

Ngô Tự Lập
.
.