1 tỉ USD để vào Nhà Trắng

Thứ Ba, 16/01/2007, 15:00

Ngày 20/12/2006, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Liên bang Hoa Kỳ (FEC) Michael Toner đã đưa ra dự báo: Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008 lần đầu tiên có thể đòi hỏi các chi phí lên tới 1 tỉ USD. "Đó sẽ là cuộc bầu cử dài lâu và tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ" - ông Toner nhấn mạnh.

Và khoản tiền  500 triệu USD mà mỗi ứng cử viên của từng chính đảng cần phải có để đủ sức cạnh tranh với các đối thủ sẽ làm giảm đáng kể danh sách những người có tham vọng làm chủ nhân Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới.

Câu hỏi bỏ ngỏ

Viện Gallup mới đây nhất đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận về việc các cử tri Mỹ muốn nhìn thấy ai trong vai trò chủ nhân Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008. Kết quả là, có tới 38% số người Mỹ được hỏi ý kiến hiện vẫn chưa xác định được rành rẽ thái độ của mình trong vấn đề này.

Tuy nhiên cũng có thể thấy rằng, trong số những chính khách đang có tỉ lệ tín nhiệm cao nhất nhìn từ góc độ ứng cử viên Tổng thống có Thượng nghị sĩ bang New York, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton (15%  số người Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ); Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, cựu chiến binh John McCain (11%), Thượng nghị sĩ da đen thuộc đảng Dân chủ Barack Obama (6%), cựu Thị trưởng New York, Rudolph Giuliani thuộc đảng Cộng hòa (5%)... Nữ Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Newt Gingrich, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore và Thượng nghị sĩ John Edwards (cả hai đều của đảng Dân chủ) được  2% số người Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ trên vai trò chủ nhân Nhà Trắng trong tương lai.

Đầu tiên vẫn là tiền đâu

Theo tờ "Washington Post", tới năm 2008, có lẽ lần đầu tiên các ứng cử viên của hai chính đảng lớn ở Mỹ sẽ chối bỏ quy chế nhà nước trợ cấp bầu cử. Năm 2004, Thượng nghị sĩ John Kerry và Tổng thống George Bush cũng đã phân vân suy tính tới khả năng từ bỏ trợ cấp nhà nước cho bầu cử. Cuối cùng họ đã quyết định nhận 75 triệu USD và đồng ý hạn chế mức chi phí tranh cử tối đa vì lo ngại nảy sinh một cuộc chạy đua trong quyên góp tiền tài trợ mà kết cục không ai có thể đoan chắc được là sẽ ra sao. Tuy nhiên, trong vòng bỏ phiếu đầu tiên để chọn ứng cử viên duy nhất đại diện cho từng đảng, cả hai nhân vật này đều đã không nhận tài trợ của nhà nước.

Trong cuộc bầu cử sắp tới, theo nhận định của ông Toner, các ứng cử viên sẽ cố gắng quyên góp được tối đa là 500 triệu USD và tới cuối năm 2007, mức quyên góp của từng ứng cử viên có ý định tranh cử một cách nghiêm túc sẽ phải ở con số 100 triệu USD. Những ứng cử viên nào tới thời điểm đó mà chưa có trong túi 100 triệu USD chắc chắn sẽ không lọt vào mắt xanh của các nhà tài trợ tiềm năng lớn và giới báo chí.

Hiện nay, trong số các ứng cử viên nặng ký của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, có hai người được coi là ngoại lệ vì họ có đủ khả năng để không cần tới tài trợ nhà nước. Về phía đảng Cộng hòa, đó là Thượng nghị sĩ từ bang Arizona, John McCain, người được các chiến lược gia của cả hai đảng đánh giá là đã được chuẩn bị tốt nhất cho đảng của mình. Ông McCain có những năng lực nhà nghề đã được chứng minh trong việc quyên góp tiền tài trợ vận động tranh cử và hiện nay đủ sức để không cần trợ cấp liên bang.

Trong đội ngũ đảng Dân chủ, người được coi là được chuẩn bị tốt nhất trong quyên góp tiền tranh cử là bà Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ từ bang New York. Một viên chức đã tiết lộ cho các nhà báo rằng bà Hillary có đủ khả năng quyên góp 350 triệu USD cho bầu cử vòng đầu (trong nội bộ đảng mình) và thêm 250 triệu USD cho vòng bầu cử toàn liên bang.

Theo đánh giá của các cử tri trong cuộc thăm dò vòng đầu, bà Hillary hiện đang đứng ở vị trí số một trong đảng Dân chủ, còn trong đảng Cộng hòa, ông McCain lại chỉ ở vị trí thứ hai, sau cựu Thị trưởng New York, Giuliani. Ông Giuliani có lẽ cũng sẽ không gặp mấy khó khăn trong việc quyên góp tiền vận động tranh cử trong đảng Cộng hoà, vì ở đó số lượng những người bảo thủ trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng đông hơn hẳn số những người bảo thủ sùng đạo và giàu có. Ông Giuliani còn có thể tìm kiếm được sự ủng hộ vật chất không nhỏ giữa những người Dân chủ gốc Do Thái, vốn rất thích quan điểm của ông về vấn đề Israel.

Tối 21/12 tại New York, ông Giuliani đã tổ chức dạ hội đầu tiên để quyên góp tiền vận động tranh cử tại khách sạn Marriott với thành phần tham dự chủ yếu là họ hàng và bằng hữu. Ước tính đêm đó ông Giuliani có thể thu được không dưới 500 nghìn USD. Mức tối đa mà một người đã đóng góp ủng hộ cho cuộc vận động tranh cử Tổng thống của ông Giuliani tại dạ hội đêm 21/12 là 2.100 USD. Đây cũng là mức tối đa cho phép quyên góp từ một cá nhân trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 2008.

Theo các viên chức Hoa Kỳ, nguyên nhân khiến các ứng cử viên sẽ từ chối nhận tài trợ của nhà nước trong vận động tranh cử là tổng số tiền một cá nhân đóng góp cao hơn (4.200 USD cho vòng bầu cử đầu tiên và cuối cùng) cũng như vòng tiền bầu cử dài hơn mà trong đó, danh sách các ứng cử viên không có cả đương kim Tổng thống lẫn Phó Tổng thống. Và đây sẽ là cuộc đua rộng rãi nhất kể từ năm 1952 tới nay.--PageBreak--

Vận may sẽ mỉm cười với ai?

Trong lịch sử nước Mỹ chưa bao giờ Nhà Trắng bị chinh phục bởi một ứng cử viên phái yếu. Hiện nay, không ít nhà phân tích tình hình ở Mỹ dự đoán, rất có thể năm 2008 tới, lần đầu tiên Hoa Kỳ sẽ có một vị Tổng thống mặc váy. Và "người được chọn" là cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Hillary Clinton, mặc dù danh chính ngôn thuận nữ Thượng nghị sĩ bang New York chưa hề tuyên bố chính thức về dự định sẽ tham gia  cuộc chạy đua mới vào Nhà Trắng.

Hiện giờ, như các trợ lý thân cận tiết lộ, bà Hillary đang tiến hành những cuộc tư vấn với các thành viên đảng Dân chủ ở New York để tranh thủ sự ủng hộ trong trường hợp bà đồng ý ra tranh cử Tổng thống năm 2008. Tháng 11/2006, bà Hillary đã giành được thắng lợi khá dễ dàng trước đối thủ là ứng cử viên của đảng Cộng hòa, John Spencer, trong cuộc tỉ thí để giành ghế Thượng nghị sĩ đại diện cho New York (67% số phiếu ủng hộ bà Hillary, còn ông Spencer chỉ nhận được 31% số phiếu ủng hộ). Các cuộc thăm dò dư luận đều xếp cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ ở vị trí đầu tiên trong danh sách những nhân vật có thể đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008.

Với nhiều ứng cử viên, việc công khai ý định tham gia tranh cử bị trì hoãn thường là do những nguyên nhân tài chính. Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Hillary, tiền không phải là vấn đề lớn khiến bà chưa đưa ra quyết định tham gia tranh cử vào Nhà Trắng.  Hơn 10 triệu USD còn thừa từ quỹ vận động tranh cử ghế Thượng nghị sĩ vừa rồi, theo luật pháp Hoa Kỳ, có thể được đầu tư một cách hợp pháp vào quỹ vận động tranh cử Tổng thống. Tất nhiên, con số này là nhỏ nhưng chỉ cần bà Hillary gật đầu là ngay tức khắc sẽ có rất nhiều nguồn tài trợ cho bà.

Những người ủng hộ bà Hillary ngồi vào ghế chủ nhân Nhà Trắng lập luận rằng, với một nữ Tổng thống như bà, đây hoàn toàn không phải là nơi lạ lẫm. Bà Hillary từng ở trong đó hai nhiệm kỳ với tư cách đệ nhất phu nhân. Mà đôi khi, đệ nhất phu nhân thường có vai trò chính yếu hơn đức ông chồng, tức là tinh tường hơn, ngoại giao hơn và khôn ngoan hơn. Và bà thấu hiểu hậu trường chính trị ở Washington không kém gì quý ông Bill của mình.

Một số nguồn tin cho biết, bà Hillary đang xây dựng bộ tổng tham mưu cho cuộc vận động tranh cử Tổng thống sắp tới của mình. Có thể cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ là cố vấn vận động tranh cử cho vợ mình. Tại sao lại không? Hơn ai hết, ông Bill hiểu rõ mọi đường ngang ngõ tắt trên chính trường Mỹ và hiểu vợ mình trên mọi phương diện.

Tất nhiên, không hẳn mọi sự đã hoàn toàn suôn sẻ đối với bà Hillary, đặc biệt là trong vòng bầu cử đầu tiên trong nội bộ đảng Dân chủ. Thứ nhất, gia đình Clinton có vẻ như có ít "chiến hữu" trong nội bộ đảng Dân chủ hơn so với cựu Phó Tổng thống Al Gore hay Thượng nghị sĩ da đen trẻ trung Barack Obama từ bang Illinois - cả hai người này đang gia tăng nhanh chóng chỉ số tín nhiệm trong đảng Dân chủ.

Thứ hai, các cuộc bầu cử chọn ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống thường được bắt đầu từ bang Iowa, nơi cư trú của những phần tử "trọng nam" sâu sắc nhất, nơi đây chưa bao giờ chọn phụ nữ là Thượng nghị sĩ, cũng chưa bao giờ bầu phụ nữ làm Thống đốc

 Thứ ba, quan điểm của bà Hillary về vấn đề Iraq gần với phái "diều hâu" hơn là phái "bồ câu" và điều này có thể làm phật ý một bộ phận không nhỏ các cử tri Mỹ vốn đã quá ngán cuộc chiến tranh dai dẳng và đẫm máu này.

Thứ tư, trong hơn hai mươi năm qua nước Mỹ đã phải sống dưới quyền cai trị của hai dòng họ Bush (cha và con) và Clinton. Bây giờ lại có một Tổng thống nữa mang họ Clinton thì liệu có gì hay ho hơn nữa không? Chẳng lẽ một quốc gia có hơn 300 triệu dân lại không còn dòng họ nào xứng đáng làm Tổng thống nữa ư?

Phạm Huy Dũng
.
.