Diễn viên hài Anh Đức: Bàn tay nâng một điệu cười

Thứ Sáu, 15/05/2015, 17:26
1. Tôi đã nghĩ rất lâu, xem nên phác họa chân dung Anh Đức như thế nào. Bởi, ngồi nói chuyện với Đức, có cảm giác Đức không thoải mái với truyền thông. 

Phỏng vấn Đức cũng lâu, tình cờ có xem Anh Đức dẫn chương trình, rồi làm khách mời trong một chương trình khác. Vỡ lẽ, cái tính Đức như vậy. Cái mặt lúc nào ngó cũng rầu rầu, quạo đeo lẫn chút gì đó nghiêm nghị, khiến người khác khó gần. Mà Đức cười thì sáng sân khấu hết sức.

Làng hài, nụ cười có cái răng khểnh duyên vô cùng, chắc mỗi Anh Đức. Đức kể, cũng tại cái mặt vậy lại đen thui, gầy gầy, hồi xưa thi vô trường sân khấu, thầy giáo chấm thi “ngán nhan sắc” của Đức lắm. May sao, tài năng bù nhan sắc, Đức vô trường nhẹ tênh. Nhắc con điểm 10 vòng năng khiếu, mắt Đức hấp háy niềm vui.

Hỏi Đức, cười đẹp vậy sao kiệm nụ cười? Đức gãi gãi đầu: “Dạ, chắc tại cái tính!”. Đức lễ phép vô cùng, mở miệng một câu dạ, hai câu thưa, nhưng trong cách nói chuyện, Đức dứt khoác và thẳng thắn lắm. Kiểu, đúng thì làm, không đúng thì không làm. Nhất quyết không quỵ lụy, van xin. Có lẽ vậy nên, theo nghề mười mấy năm mà hai, ba năm nay, độ phủ sóng của Anh Đức mới bắt đầu lan tỏa. Cái tính ấy tôi đoán, phần nào được rèn từ nếp nhà có truyền thống binh nghiệp.

Cũng tại vẻ mặt rầu rầu ấy nên Đức cực kỳ hợp những vai lơ ngơ hoặc “bị bắt nạt”. Anh Đức thích vai Ba Đù có tạo hình mái tóc úp gáo dừa lắm, nhờ vai diễn đó, Đức được khán giả biết nhiều. Tôi xem nhiều vai Anh Đức hóa thân, từ thằng con trời thần dẫn bạn gái về ra mắt cha để được chia tài sản, rồi té ngửa hóa ra người cha thử lòng hai thằng con trai, cho đến vai cô con gái “đẹp lạ” của bà Việt kiều rởm Lê Khánh bán bánh mì bên hông tòa nhà Bitexco. Vai nào cũng duyên, cũng lạ, cũng ấn tượng.

Lâu trước, xem Đức diễn hài tình huống không được báo trước cùng danh hài Việt Hương, Đức được hóa trang thành Chí Phèo, chị Hương nhập vai bà vợ Ba Bá Kiến trong Ơn giời, Cậu đây rồi!. Thấy bà Ba lấn lướt, Chí Phèo né, thương vô cùng. Vai đó, ngẫu nhĩ nhưng Đức phản ứng và nhập tâm thiệt hết sức. Danh hài Hoài Linh ngồi dưới gật gù hài lòng. Mấy đận, coi Đức diễn hài cùng Trấn Thành, toàn thấy Đức hé ra câu nào, Trấn Thành đốp hết câu đó. Mà thực ra thì, Đức rất biết cách làm nền cho bạn diễn.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng cái cách tung câu nào, hứng và xử lý câu đó của Anh Đức và Trấn Thành khiến tôi liên tưởng đến bộ đôi danh hài cực kỳ ăn ý Hoài Linh - Chí Tài. Nhiều khi, trong một sự việc, Đức và Thành thường hay nói cùng một câu trong một thời điểm. Đức và Thành hay nói vui vui: “Ê, ê, đầu hai đứa mình như có bắn bluetooth vậy mậy?”.

Cuộc “thoát vai” từ một cậu chàng đi theo con đường đã được định sẵn và tâm trí đinh ninh sẽ nối nghiệp gia đình, trở thành một chiến sĩ công an đến một anh chàng rày đây mai đó theo những chuyến lưu diễn của Anh Đức có sự “góp sức” lẫn “dụ dỗ” rất lớn của Trấn Thành. Đức kể, Trấn Thành và Anh Đức học chung từ thời cấp 2. Trừ một, hai năm không học cùng, còn thì đều cùng lớp, ngồi cùng bàn. Cộng thêm một cậu bạn nữa, cái xóm nhà lá chuyên bày trò và huyên thuyên suốt ngày khiến cô giáo chủ nhiệm đau đầu than trời.

Cách được cho là hữu hiệu nhất và thường được các thầy cô áp dụng là tách ba đứa ra 3 góc khác nhau. Kết quả là, lớp vẫn ồn như chợ vỡ. Hết cách, cô mời phụ huynh của mấy đứa trò siêu quậy vào trao đổi. Phụ huynh của Trấn Thành và Anh Đức ngồi rầu rầu hai thằng con, hỏi thăm nhau, riết thành thân. Mối thâm tình càng thắt chặt khi lên cấp 3, trời xui đất khiến, hai thằng siêu quậy lại vào cùng một lớp và trở thành những cây gây hài với những chiêu cười té xỉu ở lớp và ở trường.

2. Ngả rẽ xuất hiện lúc kết thúc phổ thông. Trấn Thành thi đậu gọn hơ vô Trường Sân khấu, bạn phụ diễn với Trấn Thành không ai khác là Anh Đức. Còn cậu chàng trượt nguyện vọng theo ngành của ba, tiếp tục luyện thi lại, chờ năm sau. Ngày thi gần kề, Trấn Thành lại rủ rỉ, tỉ tê: “Ê, tao thấy mày có khiếu lắm nha! Hay thi thử đi mậy!”. Vậy là thi! Bạn phụ diễn đương nhiên là Trấn Thành. Nghe con quyết theo học sân khấu, ba má của Anh Đức không cản. Chỉ nhẹ nhàng bảo, đã chọn thì phải theo tới cùng. Đừng để bản thân sau này phải khổ. Đức nói: “Em theo nghề tại em nghĩ với số điểm đó, có lẽ mình cũng hông tệ đâu ha. Mà cho tới bây giờ em vẫn xem đó là một nghề như bao nghề khác trong xã hội này, chứ không nghĩ mình làm để được nổi tiếng gì đâu”.

Trấn Thành sôi nổi, náo nhiệt bấy nhiêu thì Anh Đức bù trừ cho bạn chừng ấy. Trấn Thành trên sân khấu rần rần thế nào, bước ra ngoài rộn ràng, vui tươi, hoạt ngôn y vậy. Còn Anh Đức, có cảm giác, trên sân khấu, Anh Đức sống một phần đời khác. Có lẽ, chính cái suy nghĩ làm nghề cần mẫn như bao nghề khác nên Anh Đức cứ thầm lặng làm nghề như con kiến tha mồi về tổ. Cứ ngày này qua ngày khác, tích lũy dần tích lũy dần. Giờ thì, Anh Đức ngoài diễn viên, còn có thể tổ chức vở diễn, viết kịch bản, sản xuất chương trình.

Diễn viên hài Anh Đức và nghệ sĩ Việt Hương trong một tiểu phẩm.

“Làm nghề này, ai chẳng mong được nổi tiếng hả chị? Nhưng mà em thấy có nhiều cô chú đi trước, giỏi nghề lắm mà mãi vẫn lụi hụi đi diễn. Em nghĩ, cái máu nghề nó ăn sâu thì khó dứt được. Thành ra, mình cứ làm hết sức thôi, nếu mà Tổ thương Tổ đãi thì mình mừng, còn nếu như Tổ không đãi thì mình vẫn tiếp tục làm. Vì đó là con đường mình đã chọn mà!”.

Tôi vẫn nghĩ, khi người ta được sống trọn với công việc mình yêu, dẫu cũng có đôi lúc phiền lòng, rệu rã, nhưng niềm hạnh phúc bao giờ cũng lớn hơn. Có thể, chúng ta không giàu có như những cá nhân khác, không nổi tiếng như họ nhưng ta vẫn sống được, vẫn hạnh phúc được với nghề mình chọn. Chẳng phải đã đủ đầy lắm sao? Lâu trước, diễn viên hài Trường Giang có nói với tôi một ý rất hay rằng: “Đừng bao giờ chê nghề diễn bạc. Mình đi diễn một đêm có khi bằng người ta kiếm cả tuần, vậy là hạnh phúc lắm rồi!”. Trường Giang, từng sống những ngày khốn khó nhất nơi vỉa hè Sài Gòn, từng tủi thân “mình là một đứa cùi bắp”, tôi tin anh hiểu và thấm thía những vinh nhục từng nếm trải khi nói như vậy.

3. Anh Đức ra trường, cặm cụi đi diễn. Trong khi Trấn Thành, sau giải 3 cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình do HTV tổ chức, vụt sáng thành sao. Hỏi Anh Đức, lúc ấy có buồn không. Đức cười nhẹ nhõm vô cùng: “Mình làm nghề là làm lâu dài mà. Bạn được Tổ đãi, phải mừng cho bạn chứ!”. Đức thuộc típ người ít bộc lộ cảm xúc hoặc cũng có thể, Đức ngại biểu lộ điều đó. Nhưng, tôi tin, câu nói ấy của Đức toát ra từ tận đáy lòng. Đức có kể tôi nghe hồi nhóm hài Trấn Thành mới thành lập, gồm Anh Đức, Trấn Thành và một cô bạn nữa.

Đêm đầu diễn ở phòng trà mà có hai người khách. Ngó qua ngó lại toàn nhân viên. Đức và Thành nhìn nhau, rầu thúi ruột. Ông chủ phòng trà thương hai thằng sinh viên mới ra trường, ngồi xem động viên rồi ứng trả thù lao. Mối giao hảo ấy duy trì đến tận bây giờ, khi Anh Đức và Trấn Thành đều đã nổi danh.

Có câu cửa miệng, người ta thường hay nói với nhau, nghe riết thành ra sáo mòn. Tôi chỉ nhớ đại ý, có được bạn hiểu mình đã khó, giữ được bạn càng khó hơn. Ở bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng vậy. Thuở cơ hàn, gắn bó với nhau như hình với bóng. Một tiếng cũng bạn, hai tiếng cũng bạn. Vậy mà, lúc bắt đầu có chút danh vọng, chỉ cần người này có trước, người kia có sau, hoặc lụi hụi mãi không bằng bạn, thì đâm ra ganh tỵ, ghen ghét, thậm chí quay lưng, chẳng thèm nhìn mặt. Thiếu điều không dỡ được cái nhà, không rạch được chiếc xe bạn mới mua cho hả dạ.

Có người, vì quý bạn, sợ bạn tủi thân nên mỗi lần bạn đến thăm đều giả nghèo, giả khổ cho bạn yên lòng! Trong làng giải trí, sự ghen ăn tức ở càng rõ mồn một. Người ta tối hôm nay có thể đi với nhau, mai trở cờ lên báo oang oang mắng như hát vào mặt nhau. Kẻ chung chăn gối, cùng nhau đi một đoạn đường, chẳng may hết duyên còn kéo nhau ra chì chiết, khoe ảnh tung tăng cùng người mới trên báo thì còn điều gì không thể xảy ra?

Anh Đức và Trấn Thành, mỗi người giờ đã có một vị trí riêng, bận rộn riêng, nỗi lo riêng. Nhưng, khi Thành nhấc máy: “Tao buồn quá mậy!” là có Đức ở bên. Mà thật ra thì, đã là bằng hữu, đôi khi không cần lời vẫn có thể hiểu nhau. Trấn Thành ngó Đức dẫn chương trình, xong kéo lại bảo: “Chỗ này, chỗ này chưa ổn, nên như vầy, như vầy!”. Tôi có thử hỏi Anh Đức vài tin đồn không hay về Trấn Thành. Đức trước sau như một, đều bảo vệ bạn. Có được một bằng hữu như thế, sá gì núi cao, sông rộng và lời đồn lan như cỏ dại. Và, cũng có lẽ, Anh Đức sẽ không phiền khi chân dung về mình hiện hữu bóng dáng người bạn từ thuở thiếu thời.

Hoàng Hoài Hương
.
.