Diễn viên Hoàng Phúc: Ngóng hoài một tiếng lá rơi

Thứ Năm, 08/10/2015, 17:55
Mùa lá theo gió đi, Hoàng Phúc ngồi trong thinh lặng, mặc lá tơi bời những vòng xe. Biết bao mùa lá, Phúc ngồi nghe gió rớt qua vai. Nghe lá giòn rụm chạm vào tim, chực vỡ. Một chiếc lá đi lạc, nương theo gió về đậu trên ô gạch hoa văn cũ kỹ. Hoàng Phúc giật mình, thêm một mùa lá nữa đã về. Ngoài kia, lá vẫn tơi bời, níu áo người lại qua…

1. Hoàng Phúc ngồi đó, ánh mai trong vắt còn đọng ở mái hiên, khói lòa xòa vương trên gương mặt thư sinh, mái tóc bồng bềnh lãng tử ngày nào giờ đượm màu sương gió. Dẫu, Phúc trẻ hơn nhiều so với tuổi và vẫn giữ được vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhờ chơi bóng đá và tenis thường xuyên. Phúc kiệm lời, ít cười và thận trọng khi nói về bản thân. “Anh thì có gì đâu để nói. Anh thấy người nói nhiều thường làm không có được”. Phúc, cũng đủ trải nghiệm để tránh những câu hỏi đơn giản nhưng dễ mềm lòng của người đối diện.

Như khi Phúc say sưa kể cho tôi nghe về Hoàng Hải, một nhân vật đa tính cách, vai diễn mới nhất của Phúc trong phim truyền hình Trận đồ bát quái. Trong một cuộc vui, vợ của người đàn ông bị chính bạn của anh hãm hại. Đứa con sinh ra giữa bao hoài nghi, xì xào. Người đàn ông không chịu nổi sức ép của lòng mình, đem thử ADN của đứa trẻ. Sự thật phơi bày. Người vợ đớn đau, cắn răng chôn tủi nhục. Người đàn ông phẫn uất, trở thành một người đàn ông khác. Góc tối bên trong con người trỗi dậy. Người đàn ông nhất quyết không ly dị vợ, tìm đủ mọi cách dằn vặt. Để trong hận thù, người đàn ông nghe trái tim rỉ máu.

Tôi hỏi Phúc, nếu ở vào hoàn cảnh của người đàn ông, anh có thử ADN không? Phúc phản hồi: “Trước khi nhận vai, anh có hỏi đạo diễn và cả tác giả kịch bản, bảy mươi hoặc tám mươi phần trăm cho biết khó lòng từ chối”. “Còn anh thì sao?”. “Anh không biết nữa. Anh tin vào triết lý của nhà Phật. Cuộc đời đỏ hay đen chỉ cần chệch một chút thôi!” - Phúc hồi đáp.

“Biết nhiều mà làm gì, anh nhỉ? Đôi khi, biết ít đi một chút, cuộc sống lại đơn giản hơn. Dẫu sao thì, người đàn ông vẫn yêu vợ mà…” - lời của tôi. “Anh nghĩ, chắc chỉ mỗi thầy tu, mà phải là thầy tu đắc đạo mới bỏ quá được. Còn anh, anh chỉ là một kẻ phàm trần…” - Phúc thành thật.

Tất nhiên, một cuộc trò chuyện chân thành, khiến người ta cảm mến và tin nhau hơn. Dẫu đôi khi, niềm tin là một thứ cảm giác mơ hồ. Rất nhiều lần, Phúc “tự thú”: “Anh thấy mình dở ẹc”. Là khi, Phúc say sưa nói chuyện phim ảnh, nói về những người bạn, người đồng nghiệp tài năng, tinh tế và cực kỳ tình cảm. Trong câu chuyện đó, dĩ nhiên, không thể vắng những bộ phim đặc biệt và khác thường trong sự nghiệp của Hoàng Phúc. Phúc cười, mắt ánh lên khi nhắc đến cái không khí sực nức và đầy cảm hứng đó. Nó đã định hình cho Phúc tinh thần làm việc tràn đầy say mê, hứng khởi, sự nghiêm túc và dung dị. 

Nhiều người cay cú, bảo Phúc, tưởng đóng phim nước ngoài chút xíu là thành sao, có chừng ấy tiền, ai làm chẳng được. Ghét ai hơn mình, dường như đã trở thành tính xấu khó bỏ của người Việt. Phúc ngỡ ngàng: “Anh thấy cái hay, cái tốt mình phải nói để học chứ. Còn ngôi sao hay không là từ khán giả, từ sự cố gắng của mình chứ thế nào mà bản thân mình quyết được.

“Với anh, danh vọng, ngôi sao là những khái niệm rất xa vời và phù phiếm. Rồi mọi thứ sẽ mất đi, theo tháng ngày. Bản thân mình còn không giữ được nữa mà” - Phúc nói. Phải chăng, lúc ấy, Phúc đang có ý nghĩ “rồi có bao lâu?”.

Lần thứ hai, Phúc cười. Bật thành tiếng mà nghe buồn buồn. Dư âm của tiếng cười mênh mông như nắng chiều tan ngoài bến bãi chật ních người. Đông đúc, nhộn nhịp đó mà lạc lõng, cô đơn đó. Đời Phúc cũng chật vật, lận đận như những bộ phim trở thành điểm nhấn trong sự nghiệp. Đi qua vài đoạn của đời mình, người ta thường chiêm nghiệm, đúc kết. Ướm hỏi: “Anh thấy đời mình nghiêng về phần nào nhiều hơn, đỏ hay đen?”. “Anh không biết nữa! Có lẽ, chỉ đến lúc nằm xuống, người ta mới có thể trả lời trọn vẹn. Vì, được đó mất đó, mất đó mà được đó”. 

Gia tài phim ảnh của Phúc hiện tại cũng khá. Tiếng tăm chưa khi nào rần rần trên mặt báo nhưng các dự án có Phúc góp mặt luôn dành được nhiều quan tâm. Và Hoàng Phúc, là cái tên nhiều sức hút, với các nhà làm phim, những đạo diễn lành nghề. Bất cứ khi nào, Phúc xa phim ảnh thì thôi, còn trở lại, y như rằng, danh vọng chưa bao giờ rời bỏ anh.

Nói với Phúc, rất thật rằng, dạo này anh đóng nhiều phim nhưng không mấy đặc sắc, phải chăng anh đang trở nên dễ dãi trong chọn lựa? Được cởi tấm lòng, Phúc tỏ bày, có chút bất lực: “Anh chọn kịch bản kỹ dữ lắm. Anh ngại những vai một màu. Nhưng lúc dựng phim, cắt đi theo ý định của đạo diễn, của nhà sản xuất mới thành ra sản phẩm. Cũng có khi, một vài đạo diễn trẻ mời “anh giúp giùm em”, anh không từ chối được. Nhưng thiệt, nhiều khi, phim anh đóng mà anh chỉ coi được mười mấy phút là chịu hết nổi”.

2. Thôi chuyện phim, Hoàng Phúc lại chìm vào im lặng. Anh châm tiếp điếu thuốc thứ 5 hay thứ 6 gì đó. Mắt xa xăm nhìn vào khoảng không vô định trước mặt. Như thể, ở đó Phúc thấy được thời gian trôi, từng mớ ký ức lỗ chỗ, lộn xộn, từng gương mặt nửa lạ nửa quen thoáng qua trí nhớ. Chắc là, Phúc nhớ mẹ nhiều lắm, khi tỏ bày: “Mới hôm qua thôi, anh vừa về thăm mộ của mẹ anh. Ngồi kể cho mẹ nghe đủ thứ chuyện…”. Mẹ của Phúc an nghỉ bên cạnh ba anh, tận Châu Thới, Bình Dương. Bà qua đời vào năm 2007, sau 18 năm chống chọi với căn bệnh u não.

Căn bệnh hồi đầu chỉ là những triệu chứng nho nhỏ. Dần dà, nó cướp đi của bà những ký ức tươi đẹp nhất, niềm tự hào về thằng con út tài hoa, lịch lãm. Mấy lúc, mẹ nhìn Phúc trân trân, hỏi: “Mày là đứa nào?”. Phúc nghe lòng nổi gió, qua một vùng hoang vu, lạnh lẽo. Một cách chậm rãi, căn bệnh ăn mòn mẹ từ bên trong bằng những cơn đau khủng khiếp. Phúc nghĩ hay đúng hơn là Phúc hy vọng, mẹ rồi sẽ qua khỏi. Nên, Phúc vẫn mải mê với phim ảnh, với những giấc mơ tươi đẹp của tuổi trẻ. Bệnh mẹ mỗi ngày một nặng, anh chị em của Phúc, người ở nước ngoài cách trở xa xôi, người bận bịu gia đình, không thể trông nom mẹ thường xuyên. 

Thoạt đầu, Phúc tìm người giúp chăm mẹ. Ở những khoảng giữa của phim ảnh, Phúc len lén ngồi nhìn mẹ ngủ, đút mẹ ăn muỗng cháo, thoáng thấy tay chân mẹ đầy những vết bầm tím. Vết bầm ngày càng nhiều, mẹ u u ơ ơ không nói được thành lời, Phúc nhìn mẹ, mắt ầng ậng nước, hiểu ra sự việc, quyết ngày đêm chăm sóc mẹ.

Hoàng Phúc trong phim “Bẫy rồng”.

Nếu bạn chứng kiến người không may mắc bệnh hiểm nghèo, nằm im một chỗ, bạn sẽ hiểu được vất vả và nỗi đau của người chăm bệnh, về cả thể xác lẫn tinh thần. Thời điểm đó, Phúc đang ở cái tuổi nhiều lý tưởng, ấp ủ, danh vọng đương hồi rực rỡ. Thi thoảng, có lời mời phim, Phúc gợn lòng, giằng xé. Nhiều đêm, trong căn nhà đều đều tiếng quạt máy, Phúc nghe giấc mơ tan tành theo nước mắt. Cuộc sống, bao giờ cũng tồn tại hai điều song song: những điều nên làm và những điều cần phải làm. Những điều nên làm, ở khía cạnh đạo đức, luôn luôn được ngợi ca. Còn những điều cần phải làm là thứ axit khủng khiếp, ăn mòn bản thân ngày qua ngày, tháng qua tháng. Có cá nhân nào không muốn được sống một cuộc đời của chính mình, thay vì ràng buộc dằng dịt với trách nhiệm, quên đi bản thân. 

Giá mà trốn chạy được, để lưu giữ những ký ức tươi đẹp nhất về mẹ, gương mặt đẹp, dáng điệu khoan thai, từ tốn. Nhưng, ông Trời nhiều khi chơi ác, bắt con người ta nhìn thẳng vào hiện tại, xuyên qua nỗi buồn, bắt người ta lựa chọn, hoặc hạnh phúc cá nhân, hoặc trở thành một người tốt. Tiếng mẹ u u ơ ơ giữa đêm khuya thanh vắng, Phúc bừng tỉnh, lật đật nhỏm dậy xem mẹ cần gì.

18 năm nhìn vào mắt mẹ để chu toàn, Phúc thấy danh vọng phù hoa, đời người như gió bay. Chưa bao giờ Phúc trách mẹ, trách người, than hạnh phúc lưng chừng, dang dở. Nhiều đêm, Phúc thắp nhang nguyện cắt bớt tuổi thọ của bản thân, để được mẹ ở bên cạnh. Chỉ cần mẹ ở đó thì lòng Phúc bình yên và Phúc có thể vượt qua tất cả. 

Những ngày cuối đời, mẹ Phúc ở viện. Phúc khước từ lời khuyên chọn giờ lành đặng tốt cho con cháu. Đời mẹ, đớn đau, lỡ dở nhiều rồi, Phúc muốn mẹ được trọn vẹn những hơi thở cuối cùng. Mẹ đi, miệng như đang mỉm cười. Lòng Phúc thanh thản mà cũng trống trải vô cùng. Nhắc đến mẹ, đôi lần nước dâng lên thành dòng trong mắt Phúc. Tôi vội vã tránh ánh mắt của Phúc như một đứa trẻ trót phạm lỗi bị người lớn bắt gặp. Lỡ như nước mắt rơi thành giọt, tôi biết lấy gì ủi an. Còn Phúc, biết quay mặt, giấu vào đâu bây giờ?

Ngoài kia, lá rụng bời bời. Phúc trở về gian nhà thinh lặng, không còn tiếng rè rè quạt máy. Nằm nghe lá rụng bên hè. Nghe văng vẳng tiếng u u ơ ơ của mẹ…

Hoàng Hoài Hương
.
.