Đạo diễn Tô Quốc Nam: Đã vào mùa nhớ

Thứ Sáu, 23/01/2015, 17:03
Sài Gòn trở gió, tôi ngồi với Tô Quốc Nam đòi nghe chuyện ngày cũ. Nam bối rối, bởi tính tình mộc mạc ngại san sẻ những riêng tư. 32 tuổi, mà Nam nói: “Đời anh chắc đã đủ buồn”. Đâu có ai đủ được nỗi buồn, chỉ là những chuyện đau thương ngày trước, ngày sau gặp lại sẽ quen cách vượt qua.

1. Tỷ phú chăn vịt mang lại cho Tô Quốc Nam chút tiếng tăm. Bởi tiếng cười trong Tỷ phú chăn vịt có phần chát đắng. Phận số người nông dân trong phim của Nam bức bí, ngây thơ và yếu ớt đến đáng thương. Một người nông dân có thể giàu xổi trong một đêm nhờ trúng vé số, cũng có thể tan gia bại sản vì lậm lô đề.

Vậy đó, chưa bao giờ người nông dân có thể làm chủ vận mệnh của mình. Cứ phải trông trời, trông đất, trông mây. Thiên nhiên thì vô chừng, còn bi kịch cứ quẩn quanh, chực chờ nuốt lấy những kiếp nghèo lam lũ. Quốc Nam nói: Tỷ phú chăn vịt vốn là kịch bản truyền hình dài hơi. Nhưng nhà sản xuất tiếc, bảo anh chuyển thể thành kịch bản điện ảnh để chiếu Tết. Chuyện phim rất buồn, rất nặng mà làm phim Tết thì không ổn, nên anh “bẻ lái” theo hướng hài hước”.

Phim của Nam ra rạp, có khác chút ít với các phim hài cùng thời điểm, bởi thông điệp rõ ràng, kết thúc có hậu và góc nhìn nhân văn. Nhưng nhìn chung vẫn vậy, công thức danh hài, trai xinh, gái đẹp, được gắn vào một câu chuyện lắt léo - có vẻ như khá an toàn với các nhà sản xuất. Hỏi thẳng Nam về vấn đề này, Nam có hơi đăm chiêu, rồi nói: “Lúc phim ra, anh cũng hồi hộp, sản phẩm điện ảnh đầu tay mà. Anh theo dõi tất cả các phản hồi tốt xấu của người xem. Khen cũng nhiều mà chê cũng không ít. Nghệ thuật ngoài tài năng, cần sự rèn luyện và trải nghiệm. Anh theo nghiệp đạo diễn, thời gian sẽ rèn luyện anh. Phim này chưa được tốt, phim sau sẽ tốt hơn, con đường cứ như thế mà mình đi thôi”.

Nam nói chuyện nghề nhẹ tênh, nhưng để trở thành đạo diễn, với Nam cũng trầy trật không biết bao nhiêu mà kể. Nam thật thà: “Anh không hiểu sao anh thích cái nghề này. Dẫu thấy nó mù mịt với anh quá. Lúc mới vào nghề, anh được đóng cái vai hơn quần chúng một chút. Vậy mà anh vui, vui khó diễn tả lắm”.

Có chút sức vóc, ai trong đoàn phim cần giúp đỡ là Nam xông xáo làm ngay. Nam nói mình có “chân đi, vai đi”, tánh tình ngồi không thấy khó chịu, phải làm cái gì đó mới thấy vui. Nhờ vậy mà Nam lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn Nhâm Minh Hiền. Anh Hiền tới vỗ vai Nam hỏi: “Anh có thích làm trợ lý hay không?”. Nam gật đầu, Nhâm Minh Hiền trở thành người thầy của Tô Quốc Nam.

Cho đến nay cũng đã 4 năm, Nam từ trợ lý, lên phó đạo diễn, rồi đạo diễn. Phim Nam làm chưa nhiều, 1 phim điện ảnh, 1 phim truyền hình, khó có thể nói được gì ấn định cho Nam. Nhưng cũng rất khó để không tin tưởng người đàn ông này. Vì ở Nam là sự cần mẫn, kiên trì và cầu thị. Tô Quốc Nam có một niềm tin là mình sẽ làm được. Niềm tin vốn dĩ là thứ lấn át được cơn sợ hãi, nghệ thuật phải dấn thân, Tô Quốc Nam là kiểu người như thế.

2. Vui chuyện, Nam kể: “Ngó anh đi phim, viết kịch bản này nọ luôn tay, chứ anh không có đủ sống đâu nha. Anh phải kinh doanh thêm bên ngoài, buôn bán lẻ tẻ thôi. Em biết không, ai sống được bằng cái nghề mình đam mê là hạnh phúc đó. Năm nay anh kinh doanh bèo lắm, không biết năm sau sao. Lạy trời cho làm ăn đỡ đỡ để chuyên tâm mà lo cho phim. Anh thích cái nghề này quá”.

Nam nói ít, nói cái gì cũng thật, thật như đếm. Bảo Nam vậy chứ thật thà quá, sao viết được kịch bản. Nam cười: “Nói chuyện khác, viết khác mà. Khi mình nói chuyện với một người, cảm giác thân thuộc lấn át đi sự đề phòng. Còn làm việc thì khác, ví dụ anh mộc mạc thì đưa cái mộc mạc của mình vô phim. Nhưng mà điều anh trăn trở là đôi lúc nhân vật của mình khổ quá, mình thấy thương”. Nói với Nam, thương nhân vật thì sai lầm rồi, đời thật có nhiều người khổ lắm, khổ đến mức buộc phải sống thôi đã là cực hình. Nhưng sống là bản năng.

Vậy mà dạo này, phim Thái, phim Philippines tràn ngập sóng truyền hình Việt. Trong phim thấy người ta giết nhau dễ ợt. Người yêu giết người yêu, người trong gia đình giết người trong gia đình, vì những mâu thuẫn cỏn con, ghen hờn vụn vặt. Nhớ có  phim, anh chàng nọ vì ganh tỵ tình thương, giết luôn cả con chó rồi chôn xác, …

Vậy mà người ta vẫn mua về chiếu, khán giả vẫn coi, chắc vì thấy lạ. Nghe vậy Nam cười: “Bụt chùa nhà không linh đó em. Nhưng phim Việt đến giờ này là đỡ lắm rồi, cũng có chút đất sống. Anh có bộ phim Khung trời mơ ước đang lên sóng. Phim này anh chuốt dữ lắm, hôm nào coi thử hen”. Nam cười, hồn nhiên. Khắc nghiệt của nghề chưa đắp lên Tô Quốc Nam những ánh nhìn đắng đót. Hay vì những người mạnh mẽ họ có cách riêng để trải qua những cay đắng mà không để lại những vết hằn, nếp gấp?

Bởi Nam hồn hậu vậy đó, mà đời buồn hiu hắt. Như cây sào cặm liêu xiêu xuống lòng sông, lỡ ngó thôi cũng thấy chông chênh, nghiêng ngả. Nam sống với mẹ, cha mẹ thôi nhau từ hồi Nam 10 tuổi. Nhà cửa trống trơn, Nam, chị gái và mẹ.

Nam trưởng thành sớm, 10 tuổi biết nấu cơm, biết giặt đồ, dọn chén. Biết đẩy phụ xe bánh mỳ ra đường giúp mẹ buổi sáng sớm, biết thấy ngon khi ăn bánh ế trừ cơm mỗi buổi trưa, và biết giả vờ không thấy mỗi khi mẹ Nam len lén khóc. Nam nói: “Mẹ khóc nhiều, khóc nhiều lắm, nhà nghèo quá mà. Phải chi lúc đó anh chạy tới ôm mẹ. Nhưng mà thôi, mẹ buồn đến khóc là đủ rồi. Tận tường nỗi buồn của mẹ, chắc rồi mẹ sẽ nghĩ mình lây sang cho con cái. Mẹ không vui”. Cứ như vậy, Nam sống với những nỉ non trong lòng, với cảnh nghèo như chẳng bao giờ thoát nổi.

Đạo diễn  Tô Quốc Nam và diễn viên phim “Tỷ phú chăn vịt”.

Nam trưởng thành sớm, ít nói, hay cười. Cười không phải vì vui, cười đôi khi để khỏi phải trả lời. Như lúc người ta hỏi: “Cha mày đâu”, Nam cười … Vậy đó, cười vì chẳng biết trả lời làm sao.

3. Sài Gòn năm nay lạnh muộn mà se sắt hơn mọi năm. Gió lẻ ở đâu kéo về, lẩn khuất đâu đó, rồi lâu lâu một lần, từng con gió thình lình sà xuống, cắt da, cắt thịt. Sài Gòn thấy gió là thấy Tết. Thành phố 1 năm, 6 tháng nắng, 3 tháng nắng mưa bất chợt, có vài ngày gió nên lụm cụm không biết làm sao để đối xử với cái lạnh. Nên đèn hoa vẫn tưng bừng, gió có buồn mấy cũng đành lạc lõng giữa người đông, phố chật. Nam cũng lạc lõng, đã vào mùa nhớ. Vui buồn gì theo gió về lồng lộng, Tết nhất, mùa lễ hội, việc quấn lấy chân. Nam một chân chạy việc, một chân chạy về với mẹ.

Mẹ Nam có một khối máu bầm trong não, chuyện ngày xưa, ngày nay, nhớ nhớ quên quên. Gió về ngập đầu, mẹ ngẩn ngơ vì đau nhức. Nam kể chuyện, lấy hai ngón tay đè lên sóng mũi, là cách để kìm nước mắt, nhiều người cũng làm vậy. Nam nói rất chậm và nhỏ dần: “Lâu hồi, hồi anh còn nhỏ. Mẹ đang đi làm thì té xe. Mẹ giấu, không cho chị em anh biết.

Đến hồi có tuổi, mẹ đau nhức quá, đưa đi khám thì ra nông nỗi ấy. Anh lúc đó chỉ biết nhìn mẹ thôi. Mẹ cười cười nói “hổng có sao”, mà nói đó rồi quên đó”. Mỗi lần gió về, là không sao quên nổi cảnh nghèo ngày xưa, không sao quên nỗi cảnh mẹ rấm rứt vì vết thương cuộn mình theo gió. Nam cười: “May mà mùa gió ngắn, chứ dài, nhớ quên lớp lớp, chịu sao nổi”.

Hỏi Nam Tết năm nào làm Nam nhớ nhất, Nam nói Tết năm anh lên lớp năm. Năm đó, nhà chỉ còn lại 3 mẹ con. Năm đó, Nam không có áo mới. Nỗi vui trẻ thơ là đầu năm được đôi ba bộ quần áo mới, Nam kìm lại nỗi vui. Ngó mẹ ngồi khóc một mình, Nam ước mình không là trẻ con nữa. Nồi thịt kho trứng cũng lưng lưng, bánh trái chừng mực, cơ hàn nằm quắt queo trong xó bếp, ông táo cũng lạnh lùng. Thằng nhỏ lớp năm đứng dựa cột, lỡ thấy mẹ khóc rồi, khó mà vui.

Nam buồn hiu hiu, rồi bật cười: “Nói vậy chứ anh cũng chờ Tết. Tết bây giờ vui hơn, sung túc hơn. Anh hơi bận một chút, nhưng mẹ thấy anh bận rộn, mẹ vui. Mẹ biết anh được việc nên mới vắng nhà. Mẹ anh vĩ đại lắm, mẹ chưa bao giờ giận ai, gặp chuyện gì khó mẹ cũng nghĩ theo hướng tích cực nhất, anh học theo mẹ hoài, mà học không được. Tết năm nay, anh có Tỷ phú chăn vịt mẹ cũng mừng như thành tỷ phú”.

Tối muộn, chuyện vơi, Nam tiễn tôi ra cửa, tần ngần: “Phải chi mai anh không đi quay suốt, anh mời em coi phim của anh”. Tôi cười, vì cái vẻ áy náy như kiểu nếu tôi bỏ tiền ra xem phim của Nam thì tội lỗi cho anh quá. Nam là vậy, nghĩ cho người khác, nên rồi rước áy náy cho mình. Như cách Nam thương nhân vật, khó lòng để người ta khổ lâu. Tô Quốc Nam năm nay 32 tuổi, đường còn dài, anh cứ thế mà đi thôi…

Hồ Ngọc Giàu
.
.