Đạo diễn Hoàng Duẩn: Tây cầm một cái cù nèo

Thứ Bảy, 21/03/2015, 09:01
Có lẽ đến bây giờ nhiều người ít nhiều đã quen với cái tên Hoàng Duẩn, anh đã từng đoạt Giải thưởng Cù Nèo Vàng đạo diễn; đoạt huy chương vàng, bạc trong các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, liên hoan truyền hình toàn quốc; đạo diễn các chương trình thuộc dạng “hàng độc” của truyền hình như “Bác Ba Phì thời @” trên HTV9, “Làng trong phố - Phố trong làng” trên HTVC Thuần Việt…

1. Hoàng Duẩn tên thật là Huỳnh Công Duẩn, lớn lên từ làng Sung Tích, Tăng Long, Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Thuở nhỏ cũng chăn bò, cắt cỏ, làm ruộng, cũng chịu những cái nắng gay gắt của miền Trung vào mùa hè và cái lạnh thấu da của mùa đông như bao đứa trẻ khác. Có một lần anh chết trôi, khi chăn bò sang bãi bồi bên kia sông Trà Khúc vào mùa nước lũ, may có người thân phát hiện và tìm được “xác” đem về ủ rơm, gia đình không ai được lại gần, sau 30 phút tỉnh lại và… sống tiếp.

Biết mình bị chết trôi là do không biết bơi, ước gì mình biết bơi thì đâu đến nỗi, Tí Hon (tên của đạo diễn Hoàng Duẩn lúc còn nhỏ) quyết định tự mình tập bơi cũng trên con sông đó, dưới sự huấn luyện của người cha… Mấy tháng sau Tí Hon có thể bơi từ bên này qua bên kia sông. Ước mơ làm nghệ sĩ cũng bắt đầu vào năm lớp 9 khi anh và các bạn đi xem phim Sơn ca trong thành phố.

Sau đêm diễn ấy, nằm trên sân thượng, Tí Hon nhìn lên bầu trời lấp lánh sao mà khóc với ước muốn: “Tại sao mình không trở thành diễn viên nhí như các bạn trong phim”, “Tại sao các bạn diễn hay đến như vậy”?

Thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ người cha, văn thơ từ mẹ và cộng thêm sự liều lĩnh của mình, hai ngày sau trong bữa cơm Duẩn đã tâm sự với ba mẹ: Sau này con sẽ sống ở Sài Gòn! Bố mẹ Hoàng Duẩn tưởng đó là chuyện đùa. Tốt nghiệp lớp 12 xong, chuyến tàu định mệnh đi từ Quảng Ngãi đến TP Hồ Chí Minh đã chở theo một hành khách bất đắc dĩ, Hoàng Duẩn nhảy tàu (vì không đủ tiền mua vé chính thức) để thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II và cuộc đời thay đổi từ đó…

Nhiều nghệ sĩ bây giờ vẫn còn nhắc đến Hoàng Duẩn với sự yêu thương và chút nể phục từ khi còn là sinh viên. Chỉ với 60 ngàn đồng mà gia đình đã đưa, anh lên đường Nam tiến. Để sống và tồn tại được, anh đã phải làm đủ thứ nghề: giữ xe cho bãi xe của nhà trường, làm xe đạp ôm cho má Chín (người bán quán ăn trước cổng trường) để được ăn một bữa miễn phí, gác rạp chiếu phim, rạp hát, bán bong bóng, thợ sơn quạt, sửa toilet của nhà trường và kể cả ý định điên rồ… bán máu để kiếm sống. Có hôm thi hình thể xong vừa xuống sân Hoàng Duẩn ngất xỉu, thì ra 2 ngày rồi mà chỉ ăn nửa ổ bánh mì.

Được cô giáo ở phòng y tế thương nên mỗi tháng xin cho một hộp thuốc bổ để uống thêm. Chen chân vào nghệ thuật sao quá khó, khi đang là sinh viên của trường, Hoàng Duẩn đã bắt đầu đi chỉnh nhạc cho các sân khấu, các nhóm hài, làm hậu đài sân khấu, xách phục trang cho các anh chị nghệ sĩ biểu diễn, tham gia các buổi thi của các lớp, làm quần chúng cho các phim. Có thời gian anh được mệnh danh là “vua quần chúng”, vì hễ có phim nào đến Trường Sân khấu tìm quần chúng là họ tìm đến anh để nhờ anh huy động diễn viên giúp.

Đạo diễn Hoàng Duẩn dự Liên hoan Trẻ em đường phố Đông Nam Á tổ chức tại Campuchia.

Anh còn tham gia Câu lạc bộ Cascarder của Hội Điện ảnh TP HCM với các đàn anh lúc bấy giờ là Dũng Lì, Hoàng Triều, Lê Công Thế… trong các phim võ thuật như Tây Sơn Hiệp khách trong vai trò ninja… vì mặc áo quần toàn màu đen và còn bịt mặt nữa, sau đó tham gia rất nhiều phim khác. Vai có thoại đầu tiên là khi nghệ sĩ Quyền Linh kêu đi quay phim Khát vọng sống vai một anh lính ngáp ngủ và có được 2 câu thoại, sau đó là các phim được diễn đường hoàng mặc dù vẫn là quần chúng.

2. Sau một thời gian đi làm ca sĩ, làm trợ lý đạo diễn, làm MC các chương trình đại nhạc hội và hội chợ, anh còn có thêm nhiều vai trò mới và vai trò nào cũng để lại dấu ấn. Khi còn là sinh viên anh đã từng viết truyện ngắn đăng báo để kiếm sống, sau khi được đạo diễn Xuân Phước động viên viết kịch bản, anh tham gia viết những kịch bản cho chương trình “Trong nhà ngoài phố” như Đám cưới thời mở cửa, Tứ hành xung, Đổi đời... các chập hài, và nay anh trở thành một nhà biên kịch ở tất cả các thể loại đều có thể viết một cách say mê.

Với phim truyện anh có Đẻ mướn (kịch nói được chuyển thể thành phim ), đồng tác giả các phim: Bão (35 tập), Sóng đời (35 tập)… Với kịch nói trên sân khấu chuyên nghiệp anh có: Đám cưới thời @, Nữ tỷ phú tìm cha, Thần tượng... tượng thần, Mẹ là tất cả, Con là mùa xuân của mẹ, Chim nói tiếng người…

Cải lương thiếu nhi có: Chú cuội và cây đa thần (viết chung với Tô Thiên Kiều), Kịch xiếc Bầy quỷ và viên ngọc thần… Hàng trăm tác phẩm trên truyền hình, sân khấu thiếu nhi. Và hiện nay các chương trình truyền hình do anh thực hiện phần lớn anh đảm bảo phần tác giả chính. Tính đến nay số lượng tác phẩm anh viết ra cho các thể loại cũng đã trên vài trăm tác phẩm.

Anh làm đạo diễn nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau, từ múa rối cạn, múa rối nước, kịch nói, xiếc, cải lương. Anh đã từng làm tổng đạo diễn nhiều chương trình khai mạc các lễ hội “Sắc màu Đồng Tháp”, “Đám cưới hoa - Đà Lạt”, các chương trình khai mạc Hội Hoa xuân ở TP HCM như: Huyền Thoại đường Trường Sơn, Sắc hoa dâng Bác dâng Đảng, Bài ca xuân 68, Vang mãi bản hùng ca…

Những phần thưởng cao quý mà anh nhận được trong sự nghiệp đã phần nào đánh giá cho sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của anh: Huy chương vàng, huy chương bạc Liên hoan sân khấu Múa rối chuyên nghiệp 1994, Huy chương bạc vở cải lương Đường mòn trên biển của BTV trong liên hoan truyền hình toàn quốc 2010, Giải thưởng Cù Nèo Vàng đạo diễn vở Đám cưới thời @ 2011, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, Huy chương Vì thế hệ trẻ…

Trong 10 năm qua, anh là đạo diễn những vở diễn ăn khách của sân khấu Nhà hát Kịch TP HCM, đạo diễn các liveshow của Kiều Oanh, là người được phân công thay mặt đạo diễn Doãn Hoàng Giang tập lại vở Tả quân Lê Văn Duyệt trong những năm qua… Nhiều người đã cho rằng anh là linh hồn của sân khấu này quả không sai!

Từ đạo diễn sân khấu cho thiếu nhi, anh đã trở thành đạo diễn sân khấu cho người lớn, từ đạo diễn sân khấu anh đã mày mò và học tập không ngừng nghỉ để trở thành một đạo diễn hình. Các chương trình “Bác Ba Phì thời @”, “Làng trong phố - Phố trong làng”… anh là đạo diễn hai trong một: đạo diễn sân khấu và hình ảnh. Anh tâm sự: “Mình là đạo diễn hình khi đã biết làm đạo diễn sân khấu thì khi diễn viên chuẩn bị diễn gì là mình đã biết, mình sẽ lấy hình đẹp và đúng ý hơn. Đạo diễn sân khấu sẽ biết cách phân tích tâm lý và thị phạm để cho diễn viên diễn tốt hơn, mình là người may mắn!”…

Anh luôn cho mình chỉ là người may mắn nhưng tôi thấy với việc học hỏi và trân trọng nghề như vậy thì việc anh đạt được như hôm nay đó là phần thưởng xứng đáng mà cuộc đời và tổ nghiệp đã mang lại cho anh.

3. Trước đây anh đã từng là giáo viên kịch - rối cho các nhà thiếu nhi, các trung tâm văn hóa, các mái ấm nhà mở xã hội, nay thì phần việc này anh nhường lại cho các học trò đã trưởng thành của mình. Hiện nay, ngoài núi công việc mà anh phải làm hàng ngày, có khi đến 3 giờ sáng mới ngủ nhưng anh vẫn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa TP HCM, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (CN phía Nam), lớp đào tạo diễn viên Kịch - Điện ảnh của Hãng phim Xuân Phước…

Khi hỏi anh thời gian đâu mà đi dạy, anh trả lời: “Đi dạy là để trả ơn cho những ngôi trường mà mình đã được đào tạo tại đây, có khi là để trả ơn các thầy cô của mình và quan trọng hơn, đi dạy tức là đi học!”.

Hoàng Duẩn cho rằng không chỉ học ở thầy cô, sách vở, bạn bè, anh em… mà còn học cả ở những đứa trẻ, học cả ở học trò của mình… Học ở đây là học vốn sống của họ, những thứ mà mình khó có thể có được nếu không quan sát, muốn thanh xuân với nghề mãi mãi thì phải học tất cả từ cuộc sống. Đối thoại với giới trẻ cũng là một cách học hiệu quả, bởi không phải lúc nào người lớn cũng đúng! Và hiện nay Hoàng Duẩn cũng đang trong giai đoạn hoàn thành luận văn thạc sĩ, dự kiến sẽ bảo vệ vào cuối năm nay.

Khi đặt vấn đề làm nhiều việc như thế thì làm sao cân bằng được cuộc sống của mình vì lúc nào cũng thấy anh ngập đầu trong công việc? Anh trả lời đó là công tác cộng đồng và từ thiện. Anh là người làm nhiều chương trình sân khấu dành cho cộng đồng như chương trình dành cho công nhân, cho học sinh, sinh viên, cho cộng đồng dân cư.

Khi có điều kiện thì anh lại xin tiền tài trợ để thực hiện các dự án sân khấu cộng đồng của mình với các chủ đề nóng như: An toàn giao thông, Bạo lực học đường, Sức khỏe sinh sản và tình yêu hôn nhân cho sinh viên, công nhân, các trung tâm cai nghiện… Anh đã tổ chức và kêu gọi anh em nghệ sĩ tham gia những chương trình biểu diễn từ thiện cho chùa, và các tổ chức xã hội. Anh cũng là một trong những người đóng góp thường xuyên cho các chương trình phát quà cho con em nghệ sĩ nghèo, ủng hộ nghệ sĩ nghèo của Báo Sân khấu TP HCM. Anh còn đưa cả vợ con đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi để cùng hiểu về cuộc sống của các em, cho các con học được những điều từ thực tế.

Tham gia chương trình “Ước mơ của Thúy” đã nhiều năm nay, tuy bận rộn nhưng anh luôn dành thời gian đến với các em mỗi khi có điều kiện. Khó có thể hình dung rằng một đạo diễn la hét dữ tợn ngoài phim trường lại có thể hóa trang thành chú hề vui tính để chọc cười các em . Anh tâm sự: “Khi đến với các em thiếu nhi bị bệnh hiểm nghèo, mình có cảm giác lạ lắm, mình sẽ như thế nào khi chơi với các em mà có thể ngày mai các em không còn nữa?”.

Câu chuyện bị chậm lại khi anh kể về một cậu học trò trong một mái ấm đã chết vì AIDS tuy trước đó vài ngày anh còn dạy em diễn múa rối, và từ đó anh luôn mong muốn đem đến những gì tốt nhất có thể cho thiếu nhi. Ngày nay cho dù bận rộn thế nào đi nữa nhưng anh vẫn dành thời gian và sáng tạo đặc biệt dành cho sân khấu thiếu nhi. “Làm sân khấu thiếu nhi cũng là để tìm lại chính mình ngày xưa vì ngày đó mình không có điều kiện” cái thời mà theo anh “muốn hát thì phải lấy cùi bắp treo lên làm micro” vẫn còn mãi trong tâm trí của người đạo diễn tài hoa này.

Trần Hoàng Nhân
.
.