Nghệ sĩ Phú Quý: Trong nhà ngoài phố một hình dung

Thứ Ba, 17/02/2015, 18:05
Anh Phú Quý ngồi với tôi một sáng tràn nắng. Nói cười rổn rảng đó, rơm rớm nước mắt đó. Đời vui vui buồn buồn. Mấy chốc mà thành. Mấy chốc mà tan.

1.  Tôi rất ít xem tivi, phần không có thời gian, phần do lười. Thi thoảng, có thấy anh Phú Quý trên sóng, đinh ninh, chắc lâu lâu anh nhớ nghề, nhớ khán giả nên tham gia cho vui.

Nguyên cớ là ngày tôi còn nhỏ, lúc chương trình “Trong nhà ngoài phố” của HTV đang làm mưa làm gió, tạo dựng tên tuổi cho rất nhiều nghệ sĩ thành danh hiện nay, trong đó có anh Phú Quý, bà con lối xóm truyền tai nhau rằng: “Ông Phú Quý mở nhà hàng lớn lắm, cùng với một ông anh, ông em sinh đôi gì đấy!”. Câu chuyện của người lớn đóng vào ký ức tôi một dấu chấm kết, chẳng buồn kiểm chứng. Hôm gặp anh, tôi té ngửa, hóa ra anh vẫn túc tắc làm nghề, miệt mài, cần mẫn. Thắc mắc chuyện nhà hàng, anh cười rũ: “Hổng riêng gì em mà nhiều khán giả cũng nghĩ vậy!”.

Khán giả thương Phú Quý lắm. Thấy ở đâu có quán ăn, nhà hàng, làng nướng mang tên anh là kéo vô ủng hộ. Bữa Phú Quý đang ngồi chơi, một khán giả ái mộ gọi điện trách: “Tui vô quán anh, ngồi trông quá trời quá đất mà hổng thấy? Bận gì dữ mà hổng ghé?”. Phú Quý ngớ người mấy giây rồi cất tiếng cười sang sảng, không lẫn đi đâu được.

Anh Phú Quý rất hay cười. Và một khi đã cười thì nhất định thành tiếng. Giọng hào sảng đậm chất Nam Bộ. Bạn bè hay ví anh như mùa xuân, đi tới đâu, “pháo” nổ rộn ràng tới đó. Anh dí dỏm: “Ai đang sầu gặp tui không cười không ăn tiền!”.

Phú Quý khởi nghiệp là một giọng ca cải lương. Run rủi là ca hài, kiểu nghệ sĩ Văn Hường, Văn Chung ngày trước. Quý là con út trong 10 anh chị em. Ba má Quý cặm cụi buôn gánh bán bưng vẫn không đủ nuôi bầy con dại. Miệt sông nước, nghe vọng cổ từ lúc nằm nôi, lẩn vào giấc ngủ, ai mà không thuộc đôi câu ngân nga cho vơi mệt nhọc, buồn khó. 12, 13 tuổi, thằng Quý bé choắt xin theo đoàn hát trong một lần đoàn ghé đất quê.

Sống cảnh gạo chợ nước sông, lang bạt kỳ hồ, cũng ôm ấp giấc mộng công danh, nhưng giang hồ vặt, thấy ráng chiều nhớ nồi cháo vịt má bán hằng ngày, tối nằm khóc rấm rứt. Ít lâu thì trốn về. Dở dang chuyện học. Mà nhà nghèo quá, muốn học chữ cũng chẳng có cơ hội. Ba má gởi Quý lên Sài Gòn, theo nghề thợ bạc. Có ông thầy gần đó thương Quý văn hay chữ đẹp, nuôi cho học tới lớp 12, vừa nối chữ, vừa rèn nghề.
Quý hiền lành, vui vẻ, đi đâu ai cũng mến. Hai mươi tuổi, nghề dần thạo, ba má Quý bàn với gia đình nơi Quý đang trau dồi nghề, kết thành thông gia. Quý lập gia đình, hôn nhân có trước tình yêu. Đáng trọng là hai vợ chồng vẫn bên nhau đến giờ và có tất cả 4 mặt con.

Nghệ sĩ Phú Quý trong một vai diễn cùng diễn viên Việt Hương.

2. Cuộc đời tưởng cứ thế mà trôi thì bất ngờ có ngã rẽ. Quý thôi nghề mài bạc, vô Xa Cảng làm công nhân. Đúng lúc phong trào văn nghệ thi đua giữa các cơ quan cực kỳ phát triển. Phú Quý hăng hái tham gia và đoạt giải cao nhất.

Được cơ quan cử ra Hà Nội thi liên hoan cả nước, tiếp tục được huy chương vàng, Đài Truyền hình Thành phố mời ghi hình vở diễn, phát sóng trên toàn quốc. Ngày ấy, tivi trắng đen thôi cũng đã là cả một gia tài nên khán giả chưa biết Phú Quý nhiều. Mà biết rồi thì rất oách. Bởi đâu phải ai muốn lên truyền hình cũng được.

Tình cờ, kỳ nữ Kim Cương nghe Phú Quý ca, nhận ra tiềm năng, bèn đánh tiếng mời anh về đoàn. Lần đầu diễn kịch, tay chân Phú Quý luýnh quýnh. Nghệ sĩ Túy Hoa vừa làm mặt vừa ủi an: “Tao làm mặt đứa nào, đứa đó nhất định nổi tiếng!”. Lời tiên đoán quả không sai.

Tài năng Phú Quý phát lộ khi được mời về Sài Gòn 2 làm dàn bao đóng thế, lúc thì nghệ sĩ Văn Chung, lúc thì nghệ sĩ Diệp Lang. Những đêm không diễn, Phú Quý thường ngồi nép sau cánh gà, ngó tiền bối diễn đặng học kinh nghiệm. Ca sao cho có hồn hơn, giữ hơi sao cho đằm, ngân mà không chói, điệu bộ cho vững, cười thế nào thì hợp từng tâm trạng.

Thấy Quý diễn có thần, ông Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ngỏ ý rước về đoàn. Quý bắt vai và tỏa sáng. Lúc là cậu Gioóc trong Hòn đảo Thần Vệ nữ, lúc là tên trộm “trung ngôn nghịch nhĩ” trong Nàng Xê-đa, khi khác là trung tướng Mẫn trong Tình yêu và lời đáp,... Đa phần là những vai phụ, song sự hóa thân độc đáo có một không hai của Phú Quý khiến công chúng ấn tượng. Quý lên đài phát thanh, ca cổ, thính giả nằm võng vừa đưa vừa gật gù. Thư về đài đọc không xuể.

Giai đoạn kịch truyền hình phát triển, Phú Quý đã có danh trong làng hài. Nhờ truyền hình và “Trong nhà ngoài phố”, tên tuổi Phú Quý lan rộng khắp. Anh đóng đa dạng, từ luật sư, gã quan quan liêu, tên khoan giếng cho tới Táo Quân. Song có lẽ, khán giả nhớ nhất Phú Quý vóc dáng đường bệ, veston đóng thùng, kính trắng và có giọng cười đểu đểu.

Trên đỉnh cao danh vọng, Phú Quý còn làm bầu show, tổ chức chương trình biểu diễn, đầu tư làm phim video. Kinh doanh, dù là nghệ thuật vẫn cần tính toán hết sức chặt chẽ, kỹ lưỡng, bởi nó liên quan đến đời sống của rất nhiều con người. Phú Quý vơi dần sự hồn nhiên. Và cả những vấp đổ. Người thương Phú Quý nhiều mà người ghét cũng không ít. Khơi chuyện xưa, Phú Quý xua tay: “Đời anh lăn lộn nhiều, chuyện buồn cũng đủ rồi! Mọi thứ giờ chỉ là thoáng qua…”.

Đọng lại trong Phú Quý ở tuổi này, có lẽ là những vai diễn. Nhắc tới đâu, nhớ tới đó, không sót chi tiết nào. Hình ảnh của những vở diễn, với anh em đồng nghiệp, Phú Quý đều lưu giữ cẩn thận. Lâu lâu lần giở, mắt hấp háy, như sống lại không khí của một thời sôi nổi.

Nỗi nhớ nhung khác. Chuyện của người xưa.

3. Phú Quý kể, anh có mối tình 8 năm sâu đậm, cũng là tình đầu. Chẳng phải Quý đổi thay. Chỉ là, có những tần số gặp nhau thì bắt sóng. San sẻ và đồng cảm suốt một quãng đường, sao mà không luyến, không lưu. Người con gái đó biết Phú Quý khi mới bắt đầu nổi tiếng, cảm mến cái tính thẳng thắn, không luồn cúi, thượng đội hạ đạp để thăng tiến mà thành thương. Tình nguyện chăm cho Phú Quý từng miếng ăn, ủi từng cái áo, cái quần, trang điểm, dọn bàn phấn, theo sát anh trong từng đêm diễn. Cái nghĩa đó, trả sao cho hết. Tất nhiên, thương mà không nên danh phận thì ai không đớn, không đau?

Người con gái mở lối thoát bằng cách đi định cư nước ngoài cùng gia đình. Sát ngày bay, người con gái ngồi tỉ mỉ lau từng cây chì kẻ mắt, chùi bàn phấn, giặt ủi hết mớ quần áo cho người thương. Tối, người con gái ngồi xem Phú Quý diễn như thường. Đợi kéo màn, mới quay lưng từ biệt. Phú Quý ngồi như chôn chân, lòng ngổn ngang. Đêm sau, ra diễn, Phú Quý bị Tổ trác. Cũng vai bi đó mà khán giả cười rần rần. “Đời anh, ngay cả giây phút đau đớn nhất cũng tréo ngoe như những vai hề anh từng đảm nhận”. – Phú Quý nói vậy. Cuộc đời vui đó, buồn đó, biết đâu mà lần!

Đàn ông hài hước lại khéo ăn khéo nói, thường rất được lòng phái đẹp. Huống chi, lại từng trải và có tâm hồn nghệ sĩ. Từ mấy ông anh của tôi luận suy thì thành vậy.

May mắn, Phú Quý có người vợ hiểu chồng và đủ bao dung nên không hờn ghen, trách giận. Anh xuất hiện trên truyền hình, đóng những vai có địa vị, chị chắt chiu, ngược xuôi mua từng thước vải, đem cắt may cho anh những bộ đồ đẹp nhất ở hiệu có tiếng nhất. “Chớ đóng ông luật sư mặc đồ cùi quá, xấu quá, coi sao đặng!”. Anh càng nổi tiếng, càng xa nhà nhiều hơn, có người chăm sóc, chị lặng lẽ lùi về chăm con, lo chuyện nhà chuyện cửa. Phú Quý vì vậy càng thương và nể vợ. Đi diễn tỉnh hay đi nước ngoài thì thôi, hễ trong nội ô, sớm muộn cũng phải về nhà ngủ với vợ với con. Ăn một bữa cơm vợ nấu. Ngó coi vợ con có cần gì, thiếu thốn gì không.

Một lần, nghe người ta xì xào về Phú Quý, cố nghệ sĩ Kim Ngọc lên tiếng: “Cái thằng, coi ở ngoài lả lướt, đào hoa vậy mà có trách nhiệm với gia đình, không hắt hủi vợ con. Tui thương nó ở chỗ đó”.

Nhắc chuyện gia đình, Phú Quý cười, 3 người con đầu của anh nghề nghiệp ổn định, đã yên bề gia thất. Thương nhất là cậu con trai út Phú Vinh, 14, 15 tuổi đang đi học nơi xứ người. Phú Quý tính: “Giờ anh còn khỏe, khán giả còn thương thì cứ diễn, xoay sở cuộc sống trong nhà và để dành cho con. Nhiều lúc nhớ con lắm nhưng vì tương lai của con, mình phải cố!”. Giọng Phú Quý có vẻ chùng xuống. Anh tính, lúc nào dư dả chút, sẽ bay sang thăm con.

Tiễn tôi ra nhà xe, Phú Quý kể, ngày nào anh cũng dậy sớm đi bộ vài vòng quanh công viên cực lớn sau nhà, rồi café. Có chương trình thì quay, không lại gặp gỡ bạn bè. Chiều tiếp tục đánh cầu lông. Nhìn Phú Quý tràn đầy năng lượng, nếu không nói, ai có thể đoán anh đã gần 70? Và cũng ít ai ngờ, lòng anh còn nỗi lo trĩu nặng.

Thì có ai, trong cuộc đời là được toàn vẹn đâu? Có lẽ vậy mà đáng sống chăng?

Hoàng Dung
.
.