Học giả Phan Khôi:

Yêu tiếng Việt, yêu nước Việt

Thứ Ba, 10/12/2013, 13:19

Cụ Phan Khôi sinh ngày 20/8/1887, mất ngày 16/1/1959, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Cụ là một nhà báo kỳ cựu, một nhà nghiên cứu cổ văn dày dạn kinh nghiệm, từng trải qua một đời sống không bằng phẳng, không phải lúc nào cũng được coi là đúng chuẩn. Thế nhưng, gần nửa thế kỷ sau khi cụ Phan Khôi qua đời, đọc lại những tác phẩm của cụ mới được rải rác tái bản gần đây, không thể không cảm động trước một tình yêu tha thiết và bền lâu của một học giả tính tình ngay thẳng, đến độ có lúc cứ như là gàn dở, đối với những cái đẹp trong văn học và tiếng Việt.

Tiếng Việt còn, nước ta còn

Kể ra, cụ Phan Khôi cũng thuộc dòng dõi con nhà “trâm anh thế phiệt”. Quê gốc của cụ ở Điện Quang, Điện Bàn, thuộc tỉnh “Quảng Nam hay cãi”. Cụ là cháu của Tổng đốc Hoàng Diệu. Cha cụ đã làm tới chức tri phủ... Con đường học vấn của cụ cũng nhiều công phu, kinh sử có thể nói là làu làu! Vốn học ấy, lại có năng khiếu “điều chữ khiến nghĩa” bẩm sinh, bước vào làng báo nước nhà từ những năm 20 của thế kỷ trước, cụ nhanh chóng có được một vị trí vào hàng nổi bật nhờ những bài báo viết đủ các loại chủ đề, với góc nhìn và ý kiến lắm lúc thực bất ngờ.

Những tờ báo mà cụ cộng tác ở cả ba miền: Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Đông Pháp thời báo, Đông Tây, Tràng An, Hà Nội báo, Tao Đàn, Tri tân... Trong những năm 1936-1939, cụ còn tự chủ trương hẳn một tờ báo của riêng mình, tờ Sông Hương...

Không chỉ viết báo, Phan Khôi còn viết cả tiểu thuyết (cuốn Trở vỏ lửa ra, năm 1936) và làm cả thơ. Bài Tình già của cụ, đăng trên tờ Phụ nữ tân văn năm 1932, sáng tác theo quan niệm “đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết”,  ngẫu nhiên được coi như lời thổ lộ đầu tiên của phong trào Thơ mới... Cũng là chuyện không định mà thành!

Phải nói rằng, ngay từ lúc trẻ, cụ Phan Khôi đã phải chịu nhiều tác động khác nhau, đôi khi là trái cực, từ bối cảnh xã hội phức tạp đương thời, dễ khiến đổi thay tâm trạng và góc độ nhìn đời. Nhưng cũng như không ít những trí thức có lương tri cùng thời, cụ Phan Khôi dù làm gì cũng cố gắng dựa vào những vốn liếng “quốc hồn, quốc túy”, lấy đó làm căn bản để tư duy tiếp cho thích ứng với thời đại mới. Cố Giáo sư Hoàng Tuệ, khi viết lời đề tựa cho cuốn sách Việt ngữ nghiên cứu của cụ Phan Khôi (do Nhà xuất bản Đà Nẵng in lại năm 1997), đã nhận xét:

“Tuổi trẻ của Phan Khôi là một thời bi kịch của đất nước. Chủ quyền dân tộc mất dần! Chế độ thống trị của kẻ xâm lược coi như đã an bài! Nhưng bi kịch không chỉ về chính trị mà còn về văn hóa. Dân trí còn quá thấp! Trong dân gian vẫn còn kể lại chuyện không lâu trước đó vua quan, sĩ phu, dân chúng chẳng ai tưởng tượng nổi là ở phương trời kia, có những ngọn đèn không cần cho dầu vào mà vẫn thắp được sáng trưng, lại chúc đầu xuống...

Pháp lớn tiếng rằng sứ mạng cao cả của họ là khai hóa An Nam... Chính sách của họ là dân bản xứ thuộc địa phải Pháp hóa (Franciser). Dân An Nam thì trước hết phải phi Hán hóa (desiniser).

Giới trí thức Nho học đông đảo nước nhà đứng vào thế bị động của một sự lựa chọn hết sức khó khăn. Rời bỏ văn hóa Hán, tiếng Hán? Đó là giá trị không còn là ngoại lai mà đã thành cổ truyền của dân mình rồi! Chấp nhận văn hóa Pháp? Đó đích thực là ngoại lai, là vô đạo trước đạo lý truyền thống! Chấp nhận tiếng Pháp, tiếng Tây? Nó xa lạ, kỳ dị!..”.

Và cụ Phan Khôi đã làm một sự lựa chọn riêng. Thuở bé học chữ Nho, đậu tới tú tài Hán ngữ, lớn lên, cụ đã tự học quốc ngữ và tiếng Pháp công phu. Và cụ đã làm mọi cách để mở rộng không gian văn hóa cho xã hội đương thời trên cơ sở bảo tồn những vốn cổ tốt đẹp. Cụ đã bỏ ra nhiều công sức để đấu tranh gìn giữ những thứ hay ho trong tiếng Việt, trong văn hóa Việt.

Hôm nay, nhìn lại những việc cụ đã làm được thời trước trên phương diện một nhà Việt ngữ học (dù có lẽ cụ chưa bao giờ tự nhận cho mình danh hiệu này), có thể nói rằng, cụ xứng đáng được tôn vinh và ca ngợi như một trong những trí thức có tấm lòng ái quốc, yêu dân tộc nồng nàn ngay cả ở những thời điểm xót xa nhất của thời thuộc địa.

Một lòng với kháng chiến

Người như thế tất nhiên sẽ mở lòng đến với cách mạng giải phóng dân tộc. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp, cụ Phan Khôi, dù lúc ấy đã ở tuổi xấp xỉ sáu mươi, vẫn khăn gói lên chiến khu Việt Bắc. Quắc thước, nghiêm nghị, nhiệt thành, tôn trọng kỷ luật - đó là nhận xét của anh em văn nghệ sĩ về cụ Phan Khôi những năm kháng chiến. Và cụ đã tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ kháng chiến, viết báo, dịch văn học, thậm chí còn đi thực tế xuống các đơn vị bộ đội, bình thản chịu đựng mọi gian khổ, hiểm nguy như tất cả.

Năm 1949, khi Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức Đoàn Văn nghệ sĩ Việt Bắc đi tham gia chiến dịch Thu Đông, cụ Phan Khôi, lúc đó là Trưởng ban Văn tự Hội Văn hóa Việt Nam, đã vui vẻ hòa nhập với mọi người. Trong bài ghi chép Văn nghệ sĩ xuất phát đi mặt trận (in trên Tạp chí Văn nghệ số 17-18, năm 1949), tác giả Thao Trường miêu tả cụ Phan Khôi như sau:

“Cái ba lô nằm nghiêng trên lưng, mũ dạ tàng, áo tuýt so lụa cũ, chiếc gậy bịt đồng thẳng như tấm lòng và lời nói của cụ, nhà học giả trên sáu mươi tuổi vững bước đi trên đường rừng. Hỏi, cụ nói: “Biết chiến dịch thì tôi xin đi. Đi để biết cái sự đánh Tây thế nào. Trong khi đánh, được hay không được, cái đó không quan hệ, nhưng đánh Tây là sướng rồi. Bình sanh tôi chỉ muốn có thế”. Có người sợ cụ đeo nặng, cụ chặn lời ngay: “Ba lô tôi nặng đến bốn kí lô. Nặng thì nặng thật nhưng tòng quân không có phép nhờ ai mang hộ”.

Cụ vui lắm. Dọc đường, một đêm trăng đẹp, đoàn xuất phát có dịp họp với vài anh bộ đội. Họ yêu cầu Văn Cao hát, cụ Phan ngâm bài thơ Tình già của cụ. Cụ cười và nói: “Tôi không ngâm bài thơ ấy, nhưng tôi đọc cho các ông nghe một bài thơ của một võ tướng Tàu ngày xưa. Bài thơ nó thế này”. Hai tay đặt trên đầu gậy, cụ đọc từng chữ:

Niên lai trần thổ mãn chinh y

Đắc đắc nhân ngâm thượng thúy vi

Hảo cảnh hảo sơn khàn bất tuyệt

Mã đề thô sấn nguyệt minh quy.

Cụ nói: Đây là bài thơ của Nhạc Phi, tôi quên đã lâu, hôm nay bỗng nhiên nhớ ra, vậy tôi đọc cho các ông. Nhạc Phi là một ông tướng mà cũng làm thơ. Cũng như Cụ Hồ của chúng ta làm chính trị mà thỉnh thoảng cũng có thơ xướng họa. Cái đó chứng tỏ người Á Đông chúng ta thật tao nhã...

Sau khi giảng từng câu trong bài thơ của Nhạc Phi, cụ se sẽ ngâm hai câu của Hồ Chủ tịch:

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Trăng lúc ấy càng tỏ. Anh em bộ đội vỗ tay càng giòn. Mặt cụ vẫn nghiêm”. Thẳng thắn vốn là “bản tính gốc” của những trí thức Quảng Nam chân chính. Cụ Phan Khôi rất thẳng tính. Và cũng rất hóm hỉnh, cái trào lộng thâm thúy của những bậc túc nho. Tác giả Thao Trường trong bài báo đã dẫn đã miêu tả cụ Phan Khôi lên phát biểu trong cuộc gặp gỡ với anh em bộ đội lần đi thực tế chiến đấu năm ấy như sau:

“Và đây cụ Phan Khôi nữa. Hội trường đang chờ tiếng nói. Khi cụ bước lên bục, một cán bộ quân sự sợ cụ yếu, đỡ cụ. Cụ đẩy tay anh ra. Trong thâm tâm, cụ không muốn tuổi già được biệt đãi. Mắt cụ hơi ngơ ngác, nhưng trên khuôn mặt nghiêm khắc, hình như thoáng một nét cười: Tôi là một đoàn viên trong đoàn văn nghệ sĩ đi chiến dịch, thế mà tôi được lên nói, là vì tôi nhiều tuổi. Già mà đi thì cũng lạ một chút. Tôi chỉ xin giải thích thế này. Chuyến này tôi đi với ai? Tôi đi với đội viên. Chắc các đội viên sẽ lo ngại cho cái anh già này đi sẽ làm họ vướng víu. vậy xin Bộ Chỉ huy nói với đội viên rằng: Tôi đi được, một ngày tôi đi được ba bốn chục cây số. Và tôi xin hứa rằng, cụ dằn từng tiếng, trong khi đi, tôi sẽ không dám phiền Bộ Chỉ huy, không phiền một ông vệ quốc quân nào đưa tôi về.

Mục đích của tôi đi chiến dịch là thế nào? Là nhìn sự thật mà viết. Tôi thường thấy nói quân đội ta đánh can đảm và tài hoa. Tôi xem thế nào, sẽ viết một cuốn Tòng quân nhật ký, viết đúng sự thật. Còn như nhiệm vụ là một, kỷ luật sắt là hai, tôi chưa biết có chịu được không...

Lời cụ đến đây như từng nhát búa, mắt cụ long lanh: Nhưng tôi muốn chịu.

Cụ vác gậy về chỗ, chống gậy nhìn lên. Tiếng hoan hô như dâng nước. Trăm con mắt châu tuần vào cụ. Nhạc binh tấu bản Lên đường lập chiến công.

Vô hình trung, câu nói sau của cụ Phan Khôi kết tinh cái ý chí quyết liệt của toàn thể đoàn văn nghệ sĩ xuất phát...

Nhớ lại hình ảnh cụ Phan Khôi ngày kháng chiến, chúng ta hôm nay có thể đánh giá cụ với nhiều thể tất và trân trọng hơn, dẫu rằng những năm cuối đời của cụ không hẳn mọi sự đều yên ả và chuẩn mực. Thôi thì, sông có khúc, người có lúc. Mỗi một người cầm bút mang một nỗi niềm với thời đã sống của mình, nhưng quan trọng nhất là đã thực sự có tấm lòng với quê hương, với đồng bào... Cụ Phan Khôi đã sống và đã yêu tiếng Việt, yêu đất Việt. Đấy mới là cái chính yếu còn lại từ cuộc đời cụ sau những biến động thời gian

Nguyễn Trung Tín
.
.