Bà Nguyễn Thị Cúc, vợ nhà văn Tô Hoài:

Yêu anh, em bỏ đời nhung lụa

Thứ Tư, 25/11/2009, 10:36
Cô tiểu thư khuê các sống trong nhung lụa đã đem lòng yêu một người văn sỹ nghèo khổ với niềm tin mãnh liệt rằng, sống với người như vậy, bà sẽ nhận được nhiều tình cảm và hạnh phúc cho đến đầu bạc răng long.

Một ngày cuối thu, đầu đông, trong chút se sắt của cơn gió lạnh đầu mùa thổi về, tôi đến cơ quan trong một tâm trạng của người vừa được chạm vào chớm đông một cảm giác quen nhớ. Đợi tôi ở phòng thường trực là một vị khách. Thường trực cơ quan báo tin vị khách này đã hẹn sẽ đến gặp tôi, đang chờ để kể cho tôi nghe một câu chuyện khó tin nhưng có thực. Tôi lại gần, thật bất ngờ. Vị khách lạ mang trong mình canh cánh bấy lâu nay một câu chuyện khó tin nhưng có thật không phải ai khác chính là bà Nguyễn Thị Cúc, vợ của lão nhà văn nổi tiếng Tô Hoài.

Gặp gỡ bà đôi lần, thoáng chốc ở 21 Đoàn Nhữ Hài không đủ để bà nhận ra tôi nhưng tôi lại đặc biệt ấn tượng bởi phong cách của bà. Ở bà Tô Hoài, có cái lễ, cái nghĩa, cái tinh tế quyền quý, nhưng giản dị chân thành của người Hà Nội gốc. Mới đây, sau lần gặp gỡ đặc biệt ấy, tôi đã ghé qua nhà bà, không phải để tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện của bạn gái bà mà bà Tô Hoài đã kể cho tôi nghe với nguyện vọng được in báo mà tôi đến để thăm bà, để viết chân dung về bà, về một người vợ tảo tần và thầm lặng phía sau cuộc đời của nhà văn nổi tiếng Tô Hoài.

Hôm ấy, nhà bà Tô Hoài có khách. Khách của bà là người bạn gái cũng đã ngoài 80 như bà, lưng đã còng rạp, bước đi đã phải lần hồi chống gậy. Bà Tô Hoài chắp hai tay trước ngực, khẽ khàng nói với tôi: "Cháu ơi, để ngày khác được không, hôm nay cháu đến bất ngờ quá, lại không gọi điện hẹn trước, bà có khách quý là bạn gái thân đến thăm, bà ấy ở Trần Quốc Toản thôi nhưng cũng chẳng gần lắm đâu, phải đi mất 5 ngàn tiền taxi đấy. Bạn thân đến chơi, bà không nỡ để bạn bà ngồi một mình để tiếp chuyện với cháu. Tình bạn là thiêng liêng, là thứ mà bà luôn nâng niu và trân trọng, hẹn cháu lúc khác, cháu có thông cảm cho bà không đấy".

Bà Tô Hoài cầm lấy tay tôi lắc mãi, ý chừng rất tiếc vì không thể tiếp tôi. Bà chỉ vào rổ ốc đen nhánh vừa vớt từ nồi luộc bốc khói thơm lừng. Cả chiều qua, bà phải đi xe ôm ra tận chợ để dặn cô hàng ốc lựa mua giùm mớ ốc tươi thật ngon và phải là ốc Hồ Tây. Bạn đến chơi, bà Tô Hoài thể nào cũng phải vào bếp chế biến một món gì đó để thết đãi bạn. Hôm nay, bà thết bạn bằng món ốc xào.

Nhìn bà Tô Hoài đeo kính lão, tay nhặt ốc  thoắn thoắt, mùi sả và mùi gừng thơm lừng cả ngôi nhà, tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc bình dị bừng lên trên gương mặt hay cười của bà, không ai nghĩ đó là bà cụ đã sắp sửa cận kề tuổi 90. Tôi ngồi lại một lúc với đôi bạn già và nghe họ ríu rít trò chuyện bên nhau, nhìn cái cách mà bà Tô Hoài tiếp đãi bạn, tôi hiểu thêm được phong cách của những người Hà Nội gốc, những người Hà Nội cổ xưa với tất cả những nét quý phái tinh tế trong ứng xử và giao tiếp.

Đúng hẹn, sáng sớm, tôi qua nhà bà Tô Hoài để làm phỏng vấn viết chân dung. Bà Tô Hoài đã chuẩn bị từ tờ mờ sáng món quẩy nóng, sữa đậu nành và cốm xào bà tự tay làm lấy để đãi tôi. Bà bảo, ăn quẩy thì phải uống sữa đậu nành nó mới hợp. Điểm tâm sáng xong thì bà làm món cốm xào để đãi cháu. Đã cuối thu, đầu đông rồi, mỗi lần ra ngõ hương cốm mới lại làm bà nao lòng cháu ạ. Món cốm xào ngon tuyệt, những hạt cốm xanh thẫm, dẻo quyện vào nhau đậm đà hương vị ngọt béo, ăn đến đâu thấm lưỡi đến đấy.

Ngắm tôi ngồi ăn ngon lành, xuýt xoa hít hà cả hương đồng gió nội từ món quà quê, tôi càng thấm thía hơn vì sao nhà văn Tô Hoài có những trang viết về những thú ẩm thực của người Hà Nội giỏi đến thế. Thì ra, ông đã được thưởng thức tất cả sự tinh tế quyến rũ của những món ngon Hà Nội từ đôi bàn tay khéo léo của vợ mình. Thấy tôi ngon miệng, bà cười: Ngày xưa, mẹ của bà dạy bà nữ công gia chánh kỹ lắm. Con gái về nhà chồng là phải biết làm nem công chả phượng, nấu những món ăn vua chúa ngày xưa, không biết đan len, thêu thùa khâu vá thì chồng sẽ chê, nhà chồng cười cho. Vì thế ngay từ bé bà đã thạo việc nội trợ.

Rồi ký ức chợt ùa trở về, bà Tô Hoài say sưa kể cho tôi nghe những chuyện xửa xưa. Bà Tô Hoài tên thật là Nguyễn Thị Cúc, con út trong một gia đình tiểu thương giàu có ở Hà Nội. Bố bà là ông đồ nho Nguyễn Quý Dư, dòng họ dưới của danh nhân Nguyễn Quý Đức, mẹ bà buôn bán tiểu thương. Do làm ăn buôn bán khó khăn, đã có 20 năm trôi dạt về làng Phong Cầm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An sinh sống và lập nghiệp. Bà Cúc được sinh ra ở Phong Cầm, Quỳnh Lưu, lên 10 tuổi, bà theo gia đình trở về Hà Nội.

Sống trong một gia đình phong lưu, bà được nuôi dạy như những tiểu thư khuê các của Hà Nội thời bấy giờ. Năm bà 14 tuổi, mẹ bà mất. Đó là một biến cố lớn trong tâm hồn còn non nớt của bà. Hồi đó, bà Cúc chỉ nghĩ rằng, mất mẹ là mất tất cả, bố thì đã già yếu, các anh chị đã yên bề gia thất, bà con út nên còn lại một mình với cha già. Bà đã sống buồn bã và thấm đẫm một nỗi cô đơn trong quãng đời chớm thiếu nữ. Càng cô đơn, bà càng khát khao tình cảm, càng mơ mộng, càng dễ buồn tủi. Chỉ một cử chỉ ân tình của người khác thôi cũng làm cho bà rung động sâu sắc. Cũng chính vì thế mà cô tiểu thư khuê các sống trong nhung lụa đã đem lòng yêu một người văn sỹ nghèo khổ với niềm tin mãnh liệt rằng, sống với người như vậy, bà sẽ nhận được nhiều tình cảm và hạnh phúc cho đến đầu bạc răng long.

Bà đã dự cảm đúng bởi mối tình đầu, cũng là mối tình duy nhất của bà Cúc với nhà văn Tô Hoài đã cho ông bà một cuộc hôn nhân hạnh phúc với nhau đến đầu bạc răng long. Mối tình lớn của đời mình, bà Cúc đã có câu thơ: "Ôi tình yêu gì mà nặng thế/ Suốt đời đeo đẳng trái tim tôi".

Bà Cúc có người anh trai tên là Nguyễn Quý Khôi tham gia hoạt động truyền bá chữ quốc ngữ cùng nhà văn Tô Hoài lúc đó đang làm việc ở báo Quốc ngữ. Nhà văn Tô Hoài thường theo bạn về nhà chơi, ở đó, hai người gặp gỡ nhau. Thời đó, bà Cúc mới là thiếu nữ độ tuổi trăng tròn, bà đọc sách nhiều, ham văn chương chữ nghĩa nên sống rất lãng mạn và mơ mộng. Bà nói, chính sự mơ mộng và lãng mạn của bà mà bà đã đem lòng yêu ông Tô Hoài dù gia đình ông lúc ấy nghèo rớt mồng tơi, không hề môn đăng hộ đối với gia đình bà.

Nếu xét về phương diện phong kiến thời đó, thì ông Tô Hoài không thể xứng đôi vừa lứa với bà, vì bà là người thiếu nữ đẹp nhất nhì làng, gia đình phong lưu, bà sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, sống một đời tiểu thư khuê các. Chính vì những tình cảm chân thành, say đắm của ông Tô Hoài đối với mình mà bà Cúc đã vượt qua những rào cản phong kiến, về môn đăng hộ đối để yêu ông. Lúc ấy bà Cúc chỉ nghĩ rằng, mẹ mất rồi, các anh chị em kiến giả nhất phận, bà luôn khao khát tình cảm nên nghĩ rằng, nếu làm vợ ông Tô Hoài, làm vợ một người thanh niên nghèo khổ mà có chí, có nghị lực như vậy, tất sẽ nhận được nhiều tình cảm từ ông mà sống với nhau rất hạnh phúc.

Kháng chiến bùng nổ, cơ quan ông Tô Hoài đi kháng chiến, bà Cúc cũng theo gia đình tản cư lên Phú Thọ. Đó là những ngày tháng vô cùng gian khổ, từ một tiểu thư con nhà khuê các sống trong nhung lụa, lần đầu tiên bà Cúc nếm trải cuộc sống của một người nông dân thực sự, sống trong thời chiến, vừa chạy giặc, vừa phải tự canh tác, trồng khoai, trồng ngô để nuôi sống mình.

Yêu nhau nhưng không được gặp nhau, nhưng hai người đã hứa hẹn chờ đợi và thủy chung với nhau trọn đời. Trong trí nhớ của bà Cúc thì đầu năm 1949, ông Tô Hoài báo cáo tổ chức và xin phép cưới bà Cúc. Đám cưới được tổ chức ngay trong Lô Đại Phạm - Phú Thọ, nơi bà Cúc đang tham gia nông hội ở Phú Thọ. Tiền để tổ chức đám cưới là do bà Cúc dành dụm được 20 đồng, đủ lo một mâm cỗ. Cưới nhau xong, ông Tô Hoài theo về đơn vị ngay trong ngày hôm đó.

Sau này, bà Cúc vẫn nhắc lại kỷ niệm ngày cưới với ông Tô Hoài rằng: "Yêu anh em bỏ đời nhung lụa, và đời em chưa bao giờ biết tới một lần lên xe hoa, hay đêm tân hôn là gì". Mỗi lần bà trêu ông vậy, ông Tô Hoài chỉ cười trừ. Cưới nhau xong, ông Tô Hoài theo kháng chiến đi biền biệt. Bà nói, năm đứa con lần lượt ra đời sau mỗi lần ông về thăm nhà và ông bà được gần nhau. Chị Đan Hà và chị Đan Thanh sinh ở Phú Thọ, còn Xuân Đán, Sông Thao sinh ở Hòa Bình, Phương Vũ sinh ở ngay Đoàn Nhữ Hài, Hà Nội (Lời bà Tô Hoài).

Mang thai con, rồi sinh nở, rồi cặm cụi nuôi con một mình, bởi ông Tô Hoài đi công tác suốt năm suốt tháng. Yêu chồng, trọng tài của chồng, hy sinh vì chồng, bà Cúc như bất kỳ một người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam thời chiến, thắt lưng buộc bụng, chắt chiu nuôi con để chồng rảnh rang công tác, lo việc lớn. Làm vợ nhà văn, xưa nay có mấy ai mà đủ ăn đủ mặc, mà không rơi vào cảnh nghèo cảnh khổ, bần hàn, nói chi đến sung sướng. Cho đến lúc này, nhớ lại những đoạn trường đã trải, bà Cúc chỉ cười mà nói rằng: "Cháu ạ, bà cũng không thể hiểu được làm sao mà bà vẫn sống được cho đến tận bây giờ".

Giờ đây, nhớ lại tất cả, bà Tô Hoài không thể nào kể xiết những ngày gian khổ ấy. Ông bà sống với nhau thật hạnh phúc bởi tình yêu của hai ông bà đối với nhau như trời biển. Chỉ mới mấy năm lại đây, ông Tô Hoài bị tiểu đường nặng, bệnh tình thất thường, vợ chồng chị cả Đan Hà làm nghề y, đã đón bố lên ở cùng để tiện bề chăm sóc.

Bà tâm sự rằng, vẫn biết, con cái chăm sóc bố mẹ những năm tháng cuối đời đau ốm bệnh tật như vậy là tấm lòng đạo hiếu của con đối với cha mẹ. Thế nhưng bà vẫn không thể nào quen được cảm giác xa ông vì từ lâu, từ ngày ông nghỉ hưu, từ ngày sức khỏe ông kém nhiều, không còn đi xa được nữa, ông bà đã quen có nhau, quen sống rủ rỉ bên nhau, quen hơi nhau rồi, dứt ra để xa nhau là một điều quá khó khăn cho bà.

Bà tâm sự, giờ già rồi, vợ chồng sống với nhau là để chia sẻ với nhau mọi thứ trong cuộc đời từ trước đến nay, để nói chuyện, tâm sự, ôn lại ký ức xưa với nhau. Tình cảm của vợ chồng già càng theo thời gian càng thắm thiết. Vắng ông, bà buồn lắm, buồn rũ ra, buồn héo hon, sầu muộn. Bà nhớ ông, bà thèm được nghe tiếng ông trong nhà, thèm được chăm sóc cho ông từng viên thuốc đến lưng cơm, bát cháo. Bà là người sống tình cảm, trọng nghĩa tình, bởi vậy, khát khao tình cảm, khát khao vợ chồng sớm tối sum vầy bên nhau là lẽ thường tình. Bà cũng tâm sự rằng, càng già con người càng cô đơn, càng khó chia sẻ, bởi vậy bà lại càng cần ông hơn, càng khát khao được sớm tối vui vầy ở bên nhau. Mỗi lần thương nhớ ông, bà lại đi xe ôm lên nhà con gái thăm ông, nhưng một thoáng chốc làm sao lấp đầy tình vợ chồng được.

Bà Tô Hoài kể, vừa rồi, trong năm 2009, ông Tô Hoài bị bệnh nặng phải cấp cứu ở Bệnh  viện Việt Xô. Bà cùng các con túc trực chăm sóc cho ông mấy tháng trời trong viện trong nỗi lo lắng tuyệt cùng. Bà kể, bà quy Phật đã mấy chục năm nay, những ngày ông ốm, đêm nào chừng 4 giờ sáng là bà lại dậy tụng kinh, niệm phật cầu xin cho ông Tô Hoài mau chóng lành bệnh. Những ngày ông bệnh nặng, và những ngày vợ chồng sống xa nhau bà đã viết bài thơ "Chỉ vì" để tặng ông:

"Yêu anh em bỏ đời nhung lụa
Đến với anh mãi tận bây giờ
Ôi tình yêu gì mà nặng thế
Suốt một đời đeo đẳng trái tim tôi

Anh không hiểu, nỗi buồn người vợ
Em da diết buồn đành im lặng
Nói với ai nỗi bất hạnh của mình
Còn anh ôm lòng chờ kiếp khác
Chuyện tình xưa nghĩa nọ hãy quên đi.

                     (Viết đêm 26/6/2009)

Lan Tường
.
.