Y Moan ngày mùa lộng gió

Thứ Năm, 07/04/2011, 15:34
Tây Nguyên bao giờ cũng thế, gió phóng khoáng và nắng cứ chuyên cần. Một nắng mơ mởn, một gió vuốt ve đủ để bàn tay lạnh, đủ để đôi môi khô… Không biết ông nhạc sĩ nhìn như cao bồi miền Texas tế gió Tây Nguyên như thế nào mà để gió cứ miên mải thế… Gió tràn qua buôn nghèo, gió bạt ngàn đồi núi, gió phất phơ trắng muốt hoa cà phê… Gió gõ những nhịp tinh tinh tang tang hắt hiu trên cái phong linh bằng trúc ngà trước căn nhà gỗ của Y Moan trưa nắng đổ…

1.Tây Nguyên không còn Y Moan, gã hát rong cuối cùng của vùng đất bazan tuyền màu đỏ, có khi vẫn vậy. Những con đường  núi đồi thắc thỏm, những căn nhà gỗ phủ màu cũ kỹ, những đôi mắt đen láy, những khuôn mặt đầy nếp nhăn… Vẫn lễ hội, vẫn cồng chiêng, vẫn những chú voi rừng được thuần hóa trở nên ngoan ngoãn như con thú nhồi bông lớn xác được bán đầy trong cửa hàng lưu niệm.

Cái hẹn của tôi với Y Moan cứ kéo dài mãi, dài mãi cho đến khi Y Moan bỏ cuộc chơi tròn về với đất vuông.  Lần đầu gọi điện thoại xin phỏng vấn, con trai của Y Moan nhấc máy, bảo là Y Moan dạo này đang rất mệt, không thể trò chuyện cùng anh được. Lần nữa gọi, Y Moan đang hắt ra hơi thở sau cùng để thực hiện cái liveshow nho nhỏ ở Hà Nội.

Lần nữa gọi, thì Y Moan đang nằm gõ những nhịp đợi chờ cái ngày cạn cùng sắp đến… Lần nữa, chưa kịp gọi thì nhận được tin nhắn của một người anh đang thường trú ở Buôn Ma Thuột "Y Moan không đợi em được nữa rồi"… Có khi mình kém duyên với Y Moan chăng(?!).

Tôi nhớ, ngày gọi điện thoại xin phỏng vấn Y Moan. Con trai của Y Moan nói với tôi rằng đường vào nhà Y Moan dễ tìm lắm. Cứ chạy thẳng đường Lê Thị Hồng Gấm, đến cuối đường là tới. Đường Lê Thị Hồng Gấm nằm gần trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Tôi cũng không biết mang Y Moan từ trong buôn ra phố, Y Moan sẽ sống ra sao. Cứ mang máng với câu hỏi ấy, mấy lần định cất tiếng hỏi ngược, nhưng lại thôi.

Tháng Ba, tháng mà cả Buôn Ma Thuột đang tíu tít với Lễ hội cà phê thì tôi lặng lẽ vào nhà Y Moan, vào như cách để không thất hứa với lời hẹn cho riêng mình, hoàn toàn không có dự tính công việc gì cả. Hóa ra, cuối đường Lê Thị Hồng Gấm là con đường đất nhỏ, đỏ quạch… Nhà Y Moan tiếng là ở ngay thành phố, nhưng vẫn cứ như nhà trong buôn, không khác biệt đi được.

Vợ Y Moan ngồi khóc với tôi. Chị nói những ngày lễ hội, nghe chiêng trống chị lại càng nhớ Y Moan hơn. Y Moan trong chị vẫn cứ vẹn nguyên như cái hôm hai người gặp nhau nhiều năm về trước. Một Y Moan mang đậm dáng dấp của dân tộc mình.

Y Moan ngày gặp chị ở Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk, Y Moan chưa là ca sĩ nổi tiếng. Chị là diễn viên múa, Y Moan là ca sĩ hát lót. Hễ khi nào ca sĩ chính của Đoàn bận việc không đi diễn được, mới đến lượt Y Moan cất tiếng.

Yêu rồi cưới nhau, chị gói ghém toàn bộ cá tính nghệ sĩ của mình để lo cho Y Moan. Y Moan vụt nổi tiếng lúc nào chị cũng không rõ. Bởi cuộc sống của chị vẫn vậy, hai vợ chồng ở nhà tập thể của Đoàn, chị đi buôn bắp, buôn sắn để kiếm thêm thu nhập. Thương vợ đang là diễn viên múa, lại tập tành tất cả ngược xuôi, Y Moan nói chị nghỉ ở nhà.

Khi mà lương của hai vợ chồng nghệ sĩ trẻ ấy cộng lại chỉ được khoảng 60 đến 70 nghìn, cát-sê cho một buổi diễn chỉ là tô bún hoặc phở bò thì ngưng buôn bán đồng nghĩa với khốn khó... Y Moan mải miết với giọng ca của đại ngàn, chị ở nhà tập thể, chắt chiu với đàn gà, con lợn. Chị làm mọi thứ, chỉ mong Y Moan yên tâm với những chuyến đi dài.

2. Tôi hỏi chị là, không lẽ Y Moan cứ đi biền biệt, chị ở nhà kiếm tiền lẻ mãi mà không buột miệng nhắc đến tiền cát-sê của Y Moan. Chị trả lời, nhiều khi nghĩ cũng tủi phận mình, chị có hỏi khéo Y Moan là anh đi diễn hoài mà sao không thấy tiền đi hết.

Nghe vậy, Y Moan gạt ngang, Y Moan bảo không có so bì Y Moan với những ca sĩ khác được. Y Moan hát là để phục vụ đồng bào, giờ bắt Y Moan hát vì cát-sê thì ai chấp nhận Y Moan nữa, ai còn coi Y Moan là anh em nữa... Thế nên, số tiền lớn nhất mà Y Moan mang về cho chị vẫn là 3 triệu 760 nghìn, tiền lương của Y Moan được lĩnh từ Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk.

Mà chắc là cho đến giờ, người ta cũng không hiểu vì sao một nghệ sĩ nổi danh như Y Moan lại mãi đến năm 2005 mới cất được căn nhà tường cho riêng mình.

Năm 1999, lãnh đạo Đoàn quyết định phá bỏ dãy nhà tập thể của các nhân viên trong Đoàn để quy hoạch lại cấu trúc tổng thể. Không còn chỗ ở, người có tiền thì mua đất cất nhà. Người ít tiền thì vay mượn để ra ngoài sinh sống. Vợ chồng Y Moan dắt díu 3 người con vào cái gara để xe của Đoàn, nơi chưa bị tháo dỡ để ở tạm. Gara cũ, mỗi lần mưa là mỗi lần nước táp vào mặt. Vợ Y Moan cứ nằm sụt sùi cả đêm... Hẳn là, Y Moan rít thuốc đến lặng người nhưng chính anh cũng không biết giải quyết mọi chuyện như thế nào.

Cái năm ấy buồn lắm. Nơi cả nhà tạm trú thì mưa nhiễu suốt đêm, bố Y Moan lại mất do bệnh ung thư, anh là con trai đầu nên phải lo lắng nhiều thứ. Gom góp được ít tiền mua cho anh chiếc xe môtô để anh có phương tiện đi diễn thì lại bị mất cắp, vợ của Y Moan kể.

6 năm khốn khó tưởng chừng là vô tận, mãi cho đến một đêm Y Moan lay vợ dậy nói nhanh là, thôi mình làm nhà đi, chứ không lẽ để con và em ở nơi này hoài.

Ngày vợ chồng Y Moan quyết định làm nhà, chị kể thiệt là toàn bộ của nả để dành chỉ có đúng 80 triệu. Chị trả lời Y Moan rằng 80 triệu thì không hiểu sẽ làm nhà như thế nào. Y Moan đáp, anh nói được là được.

Y Moan rong chơi nhiều năm liền, thứ anh để dành cho riêng mình được nhiều nhất chính là tình cảm của bạn bè. Ai cũng ủng hộ Y Moan chuyện cái nhà cái cửa. Mỗi người một tay mà vun vào. Cuối cùng, Y Moan cũng có nhà. Căn nhà được xây cất từ mảnh đất mà mẹ Y Moan cho đứa con trai đầu của mình.

Trong khuôn viên căn nhà mình, Y Moan để dành phía trước làm nơi lưu trữ những hiện vật đồi núi mà anh sưu tầm được. Nhiều năm rồi, đồng bào vùng cao ít khi luyến tiếc những cái trống làm bằng da trâu, dùi gõ bằng dương vật của bò rừng, rồi ché, rồi chiêng... Họ bán đi tất cả để đổi về những cái máy cát xét, cái tivi màu, đầu đĩa xem DVD... Y Moan đau đáu trước sự thay đổi nhanh khiến người ta choáng ngợp. Vậy là, cứ lưu diễn trong buôn, Y Moan lại lần mò mua lại, mỗi lần một ít...

Chị kể cho tôi nghe về những ngày trước khi Y Moan ra Hà Nội biểu diễn trong liveshow duy nhất của đời mình. Những ngày ấy, Y Moan không ăn được gì cả. Nước đổ vào miệng, Y Moan còn nôn hết ra. Thấy cảnh ấy, chị khóc ngất.

Chị nói, hay thôi anh ở nhà đi, sức khỏe như thế này thì sao mà diễn. Em cứ yên tâm, anh còn hát được. Trời cho anh hát lần cuối mà, giờ mà không hát thì đợi đến khi nào... Căn bệnh ung thư dạ dày có thể cướp đi của Y Moan sức khỏe, nhưng không thể cướp đi của Y Moan giọng hát mang hơi thở của rừng xanh đất đỏ.

Mỗi ngày, Y Moan duy trì sức khỏe bằng một chai dịch truyền trực tiếp vào cơ thể. Vậy mà, liveshow vẫn diễn ra cuồng nhiệt, vẫn đúng chất của gã trai lớn lên trong buôn làng, da ngăm, mắt sáng, trán cao, tóc xoăn... Để rồi sau cái liveshow mong đợi ấy, Y Moan đã ngã quị. Cuộc chơi đã không còn dấu chân của Y Moan nữa..

3. Trong ký ức của vợ, bao giờ Y Moan cũng là người nhỏ nhẹ. Chị nói rằng bao nhiêu năm chung sống với nhau, chưa bao giờ Y Moan gọi chị là bà, xưng tôi hoặc gì gì đó. Bất cứ khi nào vui buồn sướng khổ, Y Moan vẫn cứ em em anh anh. Nói rồi chị cười... Có lẽ, đó là nụ cười duy nhất tôi bắt gặp trên khuôn mặt chị trong suốt buổi trò chuyện.

Thương gia đình, từ ngày có nhà, đi đâu Y Moan cũng mang về một ít vật dụng để trang trí cho căn nhà nhỏ ấy. Lúc thì cây đàn, khi thì ấm chén, hôm khác lại chăn bông... Y Moan cứ như con kiến, hiểu phận mình khốn khó, nên biết cách để dành.

Có điều ít người để ý, những người con của Y Moan luôn có những cái tên vướng vít với đời sống của cha mình. Anh con trai đầu tên Y Vôn, là tình cảm Y Moan dành cho người bạn thân đã yên nghỉ với đất. Bạn Y Moan thích cái tên Vôn lắm, khi còn sống, suốt ngày bảo Y Moan rằng, mày có con, mày đặt tên con mày là Y Vôn, Y Moan nhé. Vôn, đọc trại đi có nghĩa là buôn. Mà buôn, theo lời chị nói với tôi nghĩa là nghèo...

Cậu con trai thứ hiện là trung úy, công tác tại Nhà hát Quân đội phía Nam. Tướng người hầm hố, theo nghiệp hát solo như bố có tên là Y Garia Emual. Garia là kỷ niệm một buôn làng nơi Y Moan từng đặt dấu chân qua.

Cô con gái tên Dresden, là cách để Y Moan nhớ đến một thành phố của Đức, những ngày Y Moan sang bên đất ấy rong ca...

Mà cô con gái út của Y Moan thương lắm, ngày cô trúng tuyển vào Đại học cũng là ngày Y Moan mất. Xót mẹ cứ khóc ngần ngật vì nhớ bố, cô bỏ học để ở nhà chăm sóc mẹ.

Trên bàn thờ của Y Moan, là những mẩu thuốc của bạn bè đến thắp hương cho Y Moan châm lên. Y Moan ngày đó không uống rượu, chỉ có hút thuốc. Y Moan hút khiếp lắm, mỗi ngày đốt hết 2 gói Jet. Khi nào tập trung cho công việc, điếu thuốc đỏ lửa chẳng rời môi.

Vợ cằn nhằn, Y Moan cười hiền, nói nửa đùa nửa thật. Rượu không uống rồi, giờ bắt bỏ thuốc lá thì thà... bỏ vợ luôn cho xong. Nghe Y Moan bảo thế, vợ chỉ biết cười trừ.

Vợ Y Moan tên Nguyễn Thị Minh Ngẫu. Cái tên nghe ngồ ngộ... Trước khi chào nhau ra về, chị nói với tôi rằng, cái Y Moan để lại cho gia đình chính là tình cảm của bạn bè dành cho Y Moan.

Một đời hát rong không toan tính thiệt hơn, của nả để lại của Y Moan chỉ có vậy.

Với tôi thì, chỉ cần bấy nhiêu thôi là đã quá đủ đầy

Ngô Kinh
.
.