Y Garia và những giấc mơ kế nhiệm

Thứ Hai, 17/11/2014, 11:48

Số lạ hiện lên màn hình điện thoại tôi, chiều Sài Gòn mây xám nặng trịch, oi nồng. Mất mấy giây để nhận ra Ri. Tôi hỏi mới đổi số à? Ri bảo vẫn số cũ. Cảm thấy áy náy vô cùng. Do tôi đinh ninh, số điện thoại của Ri đã được “bảo lưu” một cách cẩn thận. Lúc tắt máy, tôi sực nhớ, điện thoại cũ của tôi vừa hư cách đây vài tháng. Vẩn vơ nghĩ, chắc, Ri cũng buồn ít nhiều…

1. Ri là tên gọi thân thuộc bạn bè vẫn hay gọi Y Garia Ênuôl, con trai thứ của cố Nghệ sĩ nhân dân Y Moan. Garia có nghĩa là kỷ niệm một buôn làng nơi nghệ sĩ Y Moan từng vương dấu chân. Ri nước da ngăm ngăm, dáng người hầm hố, phảng phất dáng cha. Ri, giọng cao, trong như tiếng gió, tiếng thác trên ngàn. Luồn qua khe, qua suối, băng rừng vẫn vi va vi vút.

Hồi chập chững biết đi, Ri được cha cõng đến Đoàn ca múa Dân tộc Đắk Lắk. Ngay lập tức, Ri bị tiếng đàn, tiếng hát mê hoặc. Mẹ của Ri, người phụ nữ một đời tần tảo, gác giấc mơ nghệ thuật, hết tất tả buôn gánh bán bưng đến bận rộn con gà con lợn chăm chút gia đình để cha Ri yên lòng. Bà không muốn con theo nghiệp cha. Bà sợ cái buồn quạnh quẽ khi nghĩ đến cảnh con mải miết đi như chồng. Nhưng rồi thấy mắt con hấp háy, lòng con như hoa nở khi nghe tiếng đàn, tiếng hát, bà đành xuôi lòng. Y Moan như mây gió, nay chốn này, mai chốn khác. Ấu thơ của Ri là những ngày thấp thỏm đợi cha về. Nhưng chưa bao giờ Ri có cảm giác thiếu vắng tình thương, sự dạy dỗ của cha. Bao giờ trở về sau những chuyến lưu diễn, ông cũng mang theo một món đồ nào đó mà đôi khi phải vét hết số tiền cát-sê ít ỏi mới mua được. Khi thì cái ché, cái chiêng, khi thì chiếc chén cổ của đồng bào dân tộc, như một sự trân trọng cội nguồn và món quà nho nhỏ cho con trai. Ri kể, ngày Ri còn nhỏ, cha chắt chiu mãi mới mua được chiếc cassette. Mỗi lần đi lưu diễn ở nước ngoài, có chút tiền, cha đều mua băng nhạc mang về. Ri mê nhạc tới độ, giữa trưa mẹ bắt ngủ, vờ nhắm mắt nằm yên. Canh mẹ không để ý lại thò chân bật cassette. Mẹ nhiều lần phải khẽ chân thiệt đau: “Ri hư, có chịu ngủ không?”.

Ri ra Hà Nội học Khoa Khí nhạc - Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), nhiều người mặc định “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Thật ra thì, cho đến lúc đó Ri mới quyết định gắn bó với âm nhạc. Còn lập ban nhạc tập tễnh chơi theo chúng bạn từ niên thiếu chỉ là một cuộc vui, cho thỏa lòng. Y Moan cũng chưa bao giờ ép con phải theo con đường của ông. Âm nhạc cứ tự nhiên chảy rồi ngấm vào tâm hồn của hai cậu con trai. Sau, Ri học thêm thanh nhạc, quyết theo con đường ca sĩ chuyên nghiệp. Khán giả xem truyền hình cả nước biết đến với ca khúc 12 giờ (nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng) trong chương trình Bài hát Việt 2005.

Cũng chính ở Bài hát Việt, 3 năm sau, tên của Ri vang lên cùng 4 giải thưởng liên tiếp với ca khúc Phố chiều của nhạc sĩ Thành Vương. Hạnh phúc ấy sẽ trọn vẹn nếu như, cha Ri không lâm bệnh nặng. “Anh nhớ, mấy lúc không đi diễn, cha anh lại lụi cụi xuống bếp làm những món anh thích, nhất là món cà đắng. Cha anh nấu ăn ngon lắm! Món nào cũng đậm đà” - Ri mắt xa xăm theo những vòng thuốc lá cuộn bay. Rồi bất giác nói: “Mỗi lần hai cha con nói chuyện nhạc, khói bay mù trời như đám cháy nhà. Mẹ anh quen tính còn chịu không nổi…”. Dường như, trong câu nói đó, Ri không chỉ nhớ cha mà còn lưu luyến một người bạn vong niên tâm đầu ý hợp.

Ngày cây đại thụ của núi rừng nằm xuống, thương mẹ quạnh quẽ, Ri xin chuyển công tác vào phía Nam. Mấy lúc bớt việc, Ri lại tranh thủ ngược về mảnh đất thơm nồng cà phê, dịu dàng đất đỏ, ngồi dưới mái nhà sàn quen thuộc của cha. Nghe suối chảy, chim ca, nghe gió luồn qua khe nứa, phần phật thổi trên tán cây giữa đại ngàn, như để tiếp thêm sức lực cho những chuyến đi kế tiếp, như để lưu giữ hương vị núi rừng trong món canh cà đắng của cha ngày nào, như thể cuộc chơi với phố là sự hòa nhịp tất yếu nhưng chẳng thể nào làm nhạt đi cốt cách hoang sơ của núi rừng. Ri, cũng như mẹ, yêu cha lắm. Thứ tình yêu nguyên sơ và mộc mạc như đất và người Tây Nguyên. Trên cánh tay Ri, tôi thoáng thấy hình xăm gương mặt nghệ sĩ Y Moan.

Trong Suối nguồn - ca khúc anh viết tặng riêng cha - tôi nghe được tình yêu, sự tự hào và cả quyết tâm thực hiện lời hứa với cha: “Rock Tây Nguyên là cội nguồn”. Câu hỏi thường thức nhất Ri gặp, là con của một nghệ sĩ tên tuổi, có khi nào Ri cảm thấy áp lực trước cái bóng quá lớn của cha không? Ri cười hiền: “Trên con đường âm nhạc, trong mắt anh, cha luôn là một nghệ sĩ lớn, một tiền bối chưa bao giờ anh nghĩ sẽ vượt qua. Có chăng, anh chỉ biết cố gắng từng ngày để tiếp nối ý tưởng, khơi lại những khúc hát nhiều màu sắc, làm mới những ca khúc đã cũ của quê hương”.

2. Có lẽ, sau thời gian làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, Ri đang bắt đầu hiện thực hóa ấp ủ đó. Mở đầu là show ca nhạc tại Hà Nội vào ngày 6/9, có đánh tiếng với truyền thông… sát nút ngày diễn. Cú điện thoại chiều nay vội cũng như cuộc gặp của tôi với Ri cách đây một năm. Trời vừa sập tối, mưa tầm tã trút nước, phố bỗng chốc hóa sông. Ri như nhiều anh bạn lơ ngơ Sài Gòn, ở một chỗ cho địa chỉ một chỗ. Khúc đường ngắn cũn, tôi đảo xe mấy lần. Cả người phỏng vấn và nhân vật được phỏng vấn, quần ướt tới gối. Cuộc gặp chẳng đủ dung lượng cho một bài viết. Bởi tối đó, Ri có tiết mục biểu diễn trong chương trình Bài hát Việt, một bài hát do chính Ri sáng tác, dành tặng riêng cha - con đại bàng một thuở vẫy vùng giữa núi rừng Tây Nguyên.

Tôi nói với Ri cứ gởi thông tin qua email, giúp được gì tôi sẽ giúp. Nhận mail của Ri, cái e-mail đơn giản, không hoa hòe, trau chuốt bóng bẩy. Ngẫm cú điện thoại, tôi chợt nhớ đến cuộc gặp với Ploong Thiết - chàng ca sĩ người dân tộc Pa-cô cách đây một tháng. Cũng vội vã, cũng cuống cuồng theo kiểu nước dâng tới mũi mới tìm cách nhảy. Như một người anh của tôi từng nói: “Thiết chỉ biết hát thôi!”. Y Garia như Thiết mê hát đến mức hồn nhiên, còn chuyện giới thiệu, làm hiệu ứng truyền thông, quảng bá đến công chúng gần như chào thua. Phố trong mắt họ là cái gì đó dẫu đã cố gắng hòa nhập vẫn lạc loài. Hay bởi, làng giải trí vốn đỗi quá nhiều phù phiếm này “dị ứng” với cái chất hoang sơ núi rừng trong họ?

Nếu tôi nói, Y Garia và Ploong Thiết hát hay, có lẽ không có sự thừa thãi nào hơn. Nhưng, phải khẳng định rằng, tôi trọng tinh thần, sự dũng cảm và tình yêu họ dành cho âm nhạc. Hồn nhiên đến vô cùng tận. Tôi đã từng chứng kiến và ái ngại, rất nhiều lần, các ca sĩ mới nổi làm truyền thông rầm rộ trong khi chiếc đĩa cầm trên tay cắt không được tròn vành, in lem luốc. Giọng chênh và phô, ai nghe cũng lắc đầu ngao ngán. Vậy mà cả đám người xúm xít tung hô. Không đến mức khen cho chết mà là để… giữ mối quan hệ, khỏi phải mất lòng. Rồi vừa ra khỏi nơi họp báo, vội vã ném đi cho khỏi vướng tay. Tôi cũng đã từng thấy không ít nhạc sĩ, ca sĩ thở dài theo vòng khói thuốc, gác lại giấc mơ thực hiện album. Bởi họ yêu nghề, trọng nghề. Không làm thì thôi, còn đã thực hiện thì phải ra tấm ra món chỉn chu, đàng hoàng. Mà làm thì lấy gì để bù vào khoảng đó? Trong khi nhạc online không tiền bản quyền, làm đĩa thì hôm trước hôm sau đã đầy trên các trang nhạc trực tuyến. Thành ra cứ phải chắt chiu, dành dụm. Phát hành một album nhạc bây giờ chẳng khác một một cuộc chơi. Vì vui, vì hứng khởi được vẫy vùng trong đam mê.

Tháng 7 năm vừa rồi, Y Garia trình làng album đầu tay, trẻ trung, yêu đời mang tên Thời gian. Nếu nghe album này và nuôi hy vọng tìm lại một Y Moan đã mất, hẳn thính giả sẽ ít nhiều hẫng hụt. Tuy nhiên, nhìn lại quãng đường Ri đã đi, người nghe sẽ thấy một Y Garia càng ngày càng trưởng thành và đầy bản lĩnh trên con đường có bóng dáng cha mà vẫn giữ được cái chất của riêng anh, rất riêng. Y Garia như một ly nâu, ly café sữa đá, không sóng sánh như ly đen của cha, nhưng vẫn đậm đà. Và quan trọng là, không lẫn với bất kỳ một ly nâu nào khác.

Cảm giác bùi ngùi chợt xâm chiếm tâm hồn tôi. Bởi Y Garia, Ploong Thiết và có lẽ còn nhiều ca sĩ Tây Nguyên khác nữa tôi chưa được gặp đều ôm giấc mơ đại ngàn xuống phố. Cứ đi, cứ đàn, cứ hát, rồi mọi người sẽ yêu mến mình, sẽ biết đến mình. Kiểu như: “Hãy đeo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Trong khi gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn đang thử thách họ hằng ngày… Tôi tin rằng, bất cứ ai chọn nghệ thuật làm con đường nghiệp dĩ, khát khao lớn nhất của họ là được hát, được sống với nghề. Có hạnh phúc nào bằng một ngày nào đó bước ra đường, vạn người biết, triệu người thương? Và giấc mơ ấy trở thành ngôi sao dẫn đường. Có người vươn tới, có người không. Nhưng họ vẫn mải miết và cần mẫn đi dưới ánh sáng ấy. Như hành trình của Đăm-San đi tìm nữ thần Mặt trời...

Lê Phan
.
.