Kỷ niệm 105 năm ngày sinh của đồng chí Trường Chinh (9-2-1907 - 9-2-2012)

“Xin gọi tôi là Thận”

Thứ Tư, 25/01/2012, 09:00
Trong lịch sử hơn 80 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chính Trường Chinh thực sự là một nhà lãnh đạo kiệt xuất đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong những giai đoạn nước sôi lửa bỏng nhất của cách mạng nước ta. Đồng chí từng hai lần làm Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1940 tới năm 1956 và năm 1986, khi chúng ta bắt đầu công cuộc Đổi mới.

Một trí tuệ uyên thâm

Giữa năm 1986, sau khi đồng chí Lê Duẩn qua đời, tại Hội nghị đặc biệt BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trường Chinh được BCH TW Đảng bầu làm Tổng Bí thư và bắt tay chuẩn bị Đại hội VI. Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng chính phủ nhớ lại:

“Phải nói rằng, vào thời điểm đó, chỉ có đồng chí Trường Chinh với hiểu biết sâu sắc về lý luận, và hình ảnh một đồng chí hết sức nguyên tắc, có phần cứng theo kiểu chính thống mới có thể chỉ đạo thành công Đại hội VI - Đại hội của Đổi Mới. Điều tôi thấy hết sức thú vị là “tác giả” – nói chính xác hơn là “chủ biên” của Đổi Mới lại là một người vốn được coi là hết sức “cứng” như đồng chí Trường Chinh.

Tôi hiểu rằng, đồng chí đã chú ý nghe từ nhiều phía và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Đồng chí là người rất kiên quyết đấu tranh với mọi ý tưởng mà theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, đủ cơ sở...”.

Những bài học từ Đại hội VI cho tới bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên BCT, nguyên Bí thư BCH TW Đảng, đánh giá về sự cống hiến xuất sắc của đồng chí Trường Chinh trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội VI: “Anh đã nêu lên những nguyên nhân sai lầm và những nhiệm vụ cơ bản của một Đảng cầm quyền là: “Đảng là của dân”.

Dân trao quyền lãnh đạo cho Đảng. Đảng không được tiếm quyền dân trao. Chính quyền phải là của dân, do dân và vì dân, phải thực hiện dân chủ và công khai trước dân, để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra...”.

Trí tuệ xuất chúng của đồng chí Trường Chinh đã khiến tất cả đều phải khâm phục. Đồng chí Võ Văn Kiệt tâm sự: “Trong ký ức tôi, đồng chí Trường Chinh luôn là một nhà lãnh đạo uyên thâm, đáng kính. Đồng chí là tấm gương lớn về nghị lực, nguyên tắc. Đồng chí chẳng những là người có công lớn trong việc khởi xướng Đổi Mới mà còn có đóng góp lớn cho việc gìn giữ kỷ cương trong Đảng...”.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên BCT, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng có mối quan hệ dài lâu và sâu sắc với đồng chí Trường Chinh từ những ngày hoạt động cách mạng bí mật trước năm 1945 đã có những lời tri ân cảm động đối với đồng chí Trường Chinh: “Đối với tôi, anh Trường Chinh là một người thầy tinh thần, hướng dẫn dìu dắt tôi trên con đường cách mạng, một người anh luôn luôn quan tâm, chăm lo đến sự trưởng thành và tiến bộ của tôi, đến hạnh phúc cá nhân của tôi. Anh là người mà ngoài Bác ra, đã có ảnh hưởng sâu đậm nhất đến sự nghiệp của bản thân tôi, để lại trong lòng tôi những tình cảm, lòng kính phục sâu sắc. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến anh, tôi vẫn tâm niệm phải noi theo tấm gương về phong cách và đạo đức mẫu mực của anh...”.

Con người của nhân văn

Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh (tháng 1/1955). Ảnh: T.L.

Cũng theo lời của Đại tướng Văn Tiến Dũng, là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn về tư duy, đồng chí Trường Chinh còn cảm hóa mọi người bằng đức độ và nhân cách cao đẹp: “Anh luôn quan tâm đến sự tiến bộ, trưởng thành của cán bộ, chân thành với mọi người, chan hòa thân mật, không quan cách, thông cảm với khó khăn, nâng đỡ khi vấp ngã. Anh rất sâu sắc trong tư duy, nghiêm túc trong hành động, biết lắng nghe mọi ý kiến dù trái với mình.

Một con người rất mực đạo đức, cẩn trọng và tỉ mỉ đúng với những bí danh mà anh đã lấy: “Toàn”, “Nhân” và “Thận”. Một đức tính cực kỳ quý mà anh học được ở Bác là lấy đoàn kết làm trọng, luôn bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng như “bảo vệ con ngươi của mắt mình”...”.

Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư nhớ lại về giai đoạn từng làm thư ký cho đồng chí Trường Chinh:

“Bác Thận bắt tay tôi rất chặt, ánh mắt rất vui, vừa hỏi tôi nhiều điều, vừa dẫn tôi đi về nhà bác, lên phòng khách ở tầng hai. Bác chỉ cho tôi chỗ ngồi đối diện, chậm rãi mở cuốn sổ tay đặt sẵn ở trên bàn lấy ra một tờ giấy đưa cho tôi: Đây là quyết định của Văn phòng Trung ương tiếp nhận anh về làm thư ký cho tôi, anh đọc đi. Đợi tôi đọc xong, bác Thận nói cho tôi biết nội dung nhiệm vụ của tôi và dặn tôi những điều cần lưu ý khi làm việc với bác. Tôi nhớ nhất là ba điều: Phải có tinh thần trách nhiệm cao, tuyệt đối trung thực và giữ bí mật. Về yêu cầu trung thực, bác Thận dặn: Khi tôi hỏi, cái gì anh biết rõ thì trả lời, cái gì chưa biết thì cứ nói chưa biết, tìm hiểu rõ rồi thì cho tôi biết sau, nhất thiết không được nói bừa vì như thế tôi tưởng thật, nghe theo các anh sẽ làm hỏng việc...”.

Nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư BCH TW Đảng nhận xét:

“Xuất thân từ một gia đình văn hóa, làng văn hóa có nền nếp, Trường Chinh là hiện thân của phong cách văn hóa đó.

Ông có phong thái, cốt cách thư sinh, nho nhã, lịch thiệp, thư thái như ta thường gặp ở người trí thức. Vì phong thái, cốt cách ấy, trong những năm hoạt động bí mật ở các vùng nông thôn, ông phải đóng vai nhà giáo, chính ông cũng đã là một nhà giáo. Đóng vai nông dân  thì lộ ngay vì nước da trắng trẻo, dáng người thanh tú. Vào thành phố, ông là người thành thị. Về nông thôn, cởi áo, mặc quần nâu sồng, cuốc đất làm vườn. Ông thâm nhập quần chúng rất dễ dàng. Nói tiếng nói của họ, trao đổi với họ về cuộc sống của người lao động mà ông hiểu biết rất sâu sắc. Ông lẩn tránh bọn mật thám rất tài, vượt qua những cuộc vây bắt của địch rất giỏi...”.

Cũng theo lời nhà báo Hoàng Tùng, đồng chí Trường Chinh ngay cả khi đã là người lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, “vẫn giữ nếp sống thanh bạch, hưởng theo đúng những tiêu chuẩn được cung cấp như những người cùng cấp với ông. Gọi là phiếu A, song cũng chẳng hơn người khác bao nhiêu...”.

Một phong cách mẫu mực

Đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư BCH TW Đảng, nguyên Phó Thủ tướng chính phủ, người từng nhiều năm làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nhớ lại:

“Anh Thận là một nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta về tính nghiêm túc, thái độ tôn trọng nguyên tắc làm việc, từ việc lớn đến việc nhỏ. Không gì có thể lay chuyển, ảnh hưởng đến phong cách ấy, ngay cả khi có những công việc đột xuất, khẩn cấp...”.

“Cách thức anh Thận tham gia các cuộc họp của Bộ Chính trị là mẫu mực vè sự nghiêm túc, về ý thức trách nhiệm. Bao giờ anh cũng đến sớm khoảng năm phút trước giờ bắt đầu họp theo giấy mời. Anh ngồi họp rất nghiêm chỉnh từ đầu đến cuối buổi họp, rất ít khi đứng dậy đi ra đi vào. Lúc nào anh cũng cầm bút ghi chép các ý kiến phát biểu trong cuộc họp hoặc ghi thêm ý kiến vào bản thảo bài phát biểu của anh. Rất ít khi anh ngắt lời đồng chí đang phát biểu. Thường là anh phát biểu cuối buổi họp nếu anh chủ trì cuộc họp, hoặc trước khi đồng chí Tổng Bí thư phát biểu kết thúc cuộc họp. Bao giờ anh cũng có một bản đề cương phát biểu ý kiến đã chuẩn bị sẵn, được đánh máy hoặc viết tay cẩn thận. Ý kiến phát biểu của anh bao giờ cũng được trình bày có hệ thống, thành các điểm 1,2,3... theo sát các chương, mục của bản đề án được trình bày tại cuộc họp.

Khi anh Thận phát biểu, bao giờ các đồng chí dự họp cũng lắng nghe nghiêm chỉnh, không ai nói chuyện riêng. Có lần đồng chí Tổng Bí thư ngắt lời khi anh đang phát biểu, anh nói ngay với nét mặt nghiêm: “Xin để tôi nói hết đã!”. Anh chị em cán bộ của Văn phòng Trung ương có nhiệm vụ ghi biên bản hội nghị rất yên tâm ghi lại một cách dễ dàng và chính xác các ý kiến của anh Thận, nhất là khi anh chủ trì, kết luận cuộc họp...”.

Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Khánh, sau ngày giải phóng miền Nam, một số đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư gọi đồng chí Trường Chinh là anh Năm. Và trong một cuộc họp BCT, khi có đồng chí khi phát biểu ý kiến đã nói: “Tôi rất đồng ý với anh Năm...”, thì đồng chí Trường Chinh đã cười vui vẻ nói ngay: “Xin gọi tôi là Thận”.

Nhà báo Hoàng Tùng nhận xét về phong cách làm việc của đồng chí Trường Chinh:

“Người ta ai cũng có phong cách riêng. Phong cách của Trường Chinh là kín đáo, nói năng cân nhắc, từ tốn, lắng nghe người khác rồi mới nói. Với Bác Hồ, bao giờ ông cũng nhường lời, khi có ý kiến khác, ông trình bày đầy đủ, lễ phép.

Phong cách tiếp cận chân lý mỗi người mỗi khác, song trong Ban lãnh đạo không bao giờ xảy ra những cuộc đấu khẩu. Mọi người biết chờ đợi nhau. Điều gì chưa nhất trí, thì để tiếp tục suy nghĩ. Bác Hồ rất khéo cư xử. Khi thấy xuất hiện những ý kiến khác nhau, qua thảo luận không đi đến nhất trí, Người khuyên tạm dừng rồi tự mình gặp riêng từng người phân giải...”. Là một trong những người học trò xuất sắc nhất của Bác Hồ, hẳn đồng chí Trường Chinh đã tiếp thu được từ Người rất nhiều điều trong nghệ thuật “đắc nhân tâm” để làm cách mạng

Chính Nhân
.
.