Vyacheslav Molotov, một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc gia Xô Viết tiết lộ về những bí mật nội bộ trong điện Kremli:

Vượt trên những mâu thuẫn nội tại

Thứ Bảy, 25/02/2012, 15:25
“Lênin đã dẫn tất cả mọi người ra được con đường lớn. Ông là người không bao giờ bi quan, không bao giờ nản chí, biết sử dụng cả người Bolshevik, cả người nửa Bolshevik, thậm chí cả người chỉ có một phần tư phẩm chất Bolshevik, miễn là người đó có tri thức”. – Đó là lời nhận xét của Vyacheslav Mikhailovich Molotov.

Nẻo đường truân chuyên

Vyacheslav Mikhailovich Molotov (9-3-1890 – 8-11-1986) là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc gia Xô viết trong một thời gian dài từ sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917 cho tới giữa thế kỷ trước. Tên họ thật của ông là Vyacheslav Mikhailovich Skriabin. Họ Molotov (Búa) là biệt hiệu của ông được sử dụng từ năm 1915 (cũng giống như biệt hiệu Stalin có nghĩa là Thép).

Trong một bài trả lời phỏng vấn, cháu nội của ông đã lý giải về việc đổi họ như sau: “Molotov, đó là cái họ vang lên rất đúng tinh thần vô sản, tinh thần công nghiệp, hiển nhiên dễ vừa tai của những người công nhân vốn không ưa những đảng viên xuất thân là trí thức. Lý do thứ hai cũng rất đơn giản: cái họ này dễ được ông nội tôi phát âm hơn, chứ còn Skriabin với ba chữ đầu đều là phụ âm khó phát âm lắm đối với ông, nhất là khi xúc động…”.

Vyacheslav Skriabin đã tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ ở thành phố Kazan (đây cũng là nơi mà Lênin từng học đại học). Trong giai đoạn đó, phần lớn lớp trẻ địa phương đều bị lôi cuốn theo các tư tưởng cách mạng tả khuynh. Và Skrirabin cũng đi theo con đường này và năm 1905, đã gia nhập nhóm thành viên Bolshevik rồi trở thành đảng viên Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga năm 1906.

Năm 1909, ông bị bắt vì các hoạt động cách mạng và bị đày tới Vologda. Những khốn khó tù đày không làm ông nhụt ý chí và ông vẫn tiếp tục đi theo con đường đã chọn trong đội ngũ đảng Bolshevik… Năm 1911, ông ghi tên vào Trường Bách khoa St. Peterburg và cũng gia nhập ban biên tập tờ Pravda, tờ báo bí mật của những người Bolshevik, mà Joseph Stalin làm tổng biên tập. Năm 1913, Molotov một lần nữa bị bắt và bị trục xuất tới Irkursk, nhưng vào năm 1915 ông trốn thoát và quay lại thủ đô…

Khi đảng Bolshevik bắt đầu phát hành thẻ đảng, Vyacheslav Molotov được nhận thẻ đảng có số thứ tự là 5…

Năm 1939, trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, ông từng  là người đại diện của Moskva ký vào Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa nước Đức phát xít với Liên Xô năm 1939 (còn được gọi là Hiệp ước Molotov – Ribbentrop) để Moskva có thể tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị lực lượng cho cuộc đối đầu lịch sử trong hoàn cảnh bị phương Tây cô lập và thù địch… Việc này cũng làm ông bị các thế lực phản động vu cáo rất nhiều.

Sau chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, vai trò của Molotov bị suy giảm dần nhưng ông vẫn là một gương mặt nổi bật trong Bộ Chính trị (BCT).  Dẫu vậy, ông cũng đã không thể ngăn cản được việc người vợ Do Thái của ông, bà Polina Zhemchuzhina, bị bắt năm 1948 vì tội “phản bội”(?!). Mãi tới khi Stalin qua đời tháng 3/1953, bà Zhemchuzhina mới được trả lại tự do…

Cuộc đời của Molotov phản ánh nhiều thăng trầm đã diễn ra trong lịch sử đất nước Xô viết. Ông đã bị khai trừ khỏi Đảng vào đầu những năm 60, dưới thời cầm quyền của Nikita Khrusov. Tuy nhiên, tới năm 1984, ông đã được khôi phục lại danh hiệu đảng viên, dưới thời Tổng Bí thư Leonid Brezhnev… Ông mất ở tuổi 96 tại Moskva tháng 11/1986, chỉ 5 năm trước khi Liên bang Xô viết tan rã. Ở thời điểm đó, ông là người cuối cùng còn sống trong số những nhân vật chính tham gia các sự kiện năm 1917 còn sống.

Vyacheslav Molotov là một trong số ít người, nếu không muốn nói là người duy nhất, từng bắt tay với các nhà lãnh đạo Xô viết hàng đầu như  Lênin và Stalin, với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, với trùm phát xít Hitler, với hai Thủ tướng Anh Winston Churchill và Anthony Eden, cũng như các Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Harry Truman và cả Nguyên soái Nam Tư Tito…

“Với tư cách Ủy viên Dự khuyết thứ nhất…”

Đầu những năm 20 của thế kỷ trước, Vyacheslav Molotov đã được lãnh tụ Lênin đưa về Moskva và trở thành Ủy viên BCH Trung ương, rồi Bí thư Trung ương. Chính vì thế ông có thêm điều kiện để hiểu về những chuyện nội bộ trong Đảng Bolshevik và về Lênin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản. Sau này, ở những năm 70-80 của thế kỷ XX, Molotov đã kể với nhà văn Xô viết Feliks Chuyev nhiều trích đoạn hồi ức của ông về Lênin và các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền Xô viết trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng của Liên Xô. Đây là một tài liệu lịch sử rất quý và thú vị.

Trong các cuộc trò chuyện với nhà văn Chuyev vào các ngày 8/1/1974, 27/4/1978 và 10/3/1977, ông Molotov kể:

“Ngày 6/3/1921, tại Đại hội lần thứ X của Đảng Bolshevik, tôi được bầu làm Ủy viên BCH TW, rồi tại Hội nghị BCH TW – được bầu làm Ủy viên Dự khuyết BCT. Khi ấy, BCT bao gồm 5 thành viên chính thức là Lênin, Stalin, Trotsky, Kamenev, Zinoviev và ba Ủy viên dự khuyết là Molotov, Kalinin và Bukharin. Với tư cách là Ủy viên Dự khuyết thứ nhất của BCT, tôi hay được nhận quyền bỏ phiếu quyết định ở BCT mỗi khi có thành viên chính thức nào vì lý do gì đó không thể có mặt trong cuộc họp (do bất ngờ đổ bệnh hay đi nghỉ phép chẳng hạn). Chính ở thời điểm đó, tôi được bầu làm một trong số các Bí thư và vì thế phải nhận không ít những nhiệm vụ thuộc về công tác tổ chức. Vài tuần sau khi về làm việc ở bộ máy BCH TW, tôi đã đề nghị với Lênin cho tôi gặp để xin ý kiến về một số vấn đề. Trong cuộc gặp đã đề cập tới một số vấn đề cán bộ quan trọng (thí dụ như việc củng cố ban lãnh đạo ở Tỉnh ủy Tula, về nhu cầu cấp bách chấm dứt mưu toan của các phần tử Eser - Cách mạng Xã hội - lợi dụng sự bất mãn đang có của nông dân để kích động nổi dậy chống lại chính quyền Xô viết ở tỉnh Tambov…). Lê nin đã nhấn mạnh tới sự phức tạp của tình thế chính trị trong nước. Đồng thời, ông đã lưu ý tới việc để cải thiện công chuyện trong lĩnh vực chính trị, đòi hỏi phải tiến hành những cải cách căn bản trong khu vực tài chính của đất nước, nhưng nếu chuẩn bị không kỹ hoặc vội vã thì sẽ ngay lập tức làm bùng nổ sự bất mãn, đặc biệt là từ phía nông dân, đe dọa phá bỏ chế độ Xô viết còn chưa cứng cáp…”.

Trong trò chuyện, Molotov rất hãnh diện với vai trò “Ủy viên Dự khuyết thứ nhất của BCT”, vì đấy là vị thế mà chính Lênin đã xác định cho ông, để nêu bật sự khác biệt với hai Ủy viên Dự khuyết khác là Kalinin và Bukharin. Ông kể:

- Tháng 3/1921, tôi được đưa làm Ủy viên Dự khuyết thứ nhất của BCT để tôi có thể thay thế Ủy viên chính thức nào không may bị ốm, còn Kalinin thì được đưa làm Ủy viên Dự khuyết thứ hai; Ủy viên Dự khuyết thứ ba là Bukharin. Và vì rằng BCT chỉ có 5 Ủy viên chính thức nên Bukharin trong thực tế không bao giờ được thay thế ai cả. Đó là cách sắp xếp của chính Lênin…”.

Cũng cần phải nói rằng, những nhân vật trong BCT Đảng Bolshevik lúc đó đều là những tên tuổi lớn dù có thể theo những khuynh hướng cánh tả khác nhau. Thế nhưng, một số người về sau đã trở thành những nhân vật đối lập nên đã phải chịu những hình phạt nặng nề. Thí dụ như Leon Trotsky (1879 – 1940), người gốc Do Thái.

Trong thời gian diễn ra Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Trotsky đã là nhân vật đứng thứ hai trong đội hình lãnh đạo cao cấp nhất của những người Bolshevik, chỉ sau Lênin. Khi Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công, Trotsky đã làm Dân ủy Ngoại giao, rồi được giao phụ trách Hồng quân và làm Dân ủy Chiến tranh. Tuy nhiên, Trotsky về sau lại đi theo một khuynh hướng tư tưởng khác và trở thành kẻ thù của chế độ Xô viết nên buộc phải sang châu Mỹ La tinh cư trú… Trotsky đã bị ám sát ngày 20/8/1940 ở Mexico trong những tình huống rất bi thảm…

Lev Kamenev sinh ngày 6/7/1883 trong một gia đình Nga gốc Do Thái, đã sớm tham gia hoạt động tả khuynh và từng bắt đầu làm quen với Lênin từ mùa thu năm 1902, khi bắt buộc phải ra nước ngoài lưu vong để tránh sự đàn áp của cơ quan an ninh Sa hoàng. Trong hoạt động cách mạng, Kamenev đã nhiều lần công khai bộc lộ những quan điểm khác với Lênin về hàng loạt vấn đề quan trọng, thí dụ như quan niệm về cách mạng và vai trò của nước Nga trong chiến tranh thế giới thứ nhất… Với tâm thế đàn anh trong các hoạt động cách mạng, Lênin đã luôn luôn phê phán nghiêm khắc những quan điểm sai trái của Kamenev, nhưng lại cho rằng, tranh luận với ông này cũng là một việc có ích cho sự phát triển…

Sau khi Lênin qua đời, Kamenev đã cùng với Zinoviev và Stalin tạo nên bộ ba chống lại những sai trái trong tư tưởng của Trotsky. Tuy nhiên, tới năm 1936, chính Kamenev cũng bị xử bắn vì những sai trái tư tưởng, cùng với Zinoviev…

Grigory Zinoviev (1883-1936), cũng sinh ra trong một gia đình Nga gốc Do Thái, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1901. Ông từng được coi là một trong những người làm công tác tuyên truyền rất mạnh mẽ của đảng Bolshevik… Sống và làm việc trong một giai đoạn cực kỳ khắc nghiệt của lịch sử Nga, Zinoviev đã bị giằng xé bởi những mâu thuẫn nội tại giữa các tín điều sách vở và một thực tại khốc liệt và đẫm máu.

Nhà văn hóa, nhà hoạt động cách mạng Nga Anatoly Lunacharsky (1875-1933) từng nhận xét về ông: “Bản thân Zinoviev là một người cực kỳ nhân văn và đặc biệt tốt bụng, một trí thức bậc cao, nhưng ông hình như lại cảm thấy xấu hổ vì những phẩm chất đó và sẵn sàng khoác lên mình bộ giáp sắt cách mạng, đôi khi, thậm chí lại như hơi quá đà…”. Lênin lúc còn sống đã có thái độ mềm mại đối với ông. Tiếc thay, sau khi Lênin qua đời, Zinoviev đã phạm phải những sai lầm chí tử và trong một bầu không khí quyết chiến giữa các lực lượng chính trị đương thời nên đã phải gặp một kết cục không tốt đẹp…

Biết người biết ta

Vyacheslav Molotov từng bắt đầu có những mối quan hệ (từ xa) với Lênin năm 1912, qua những trao đổi thư từ, khi ông vào làm việc tại tòa soạn báo Pravda và chuẩn bị cho các số đầu tiên phát hành. Ở thời điểm đó, Lênin đang sống trong cảnh lưu vong ở nước ngoài và chỉ đạo tờ báo này từ xa và ngày nào cũng gửi về địa chỉ của Molotov các bài viết cũng như các trao đổi thư tín. Molotov kể:

- Lắm khi xảy ra tình huống là: trong lúc bưu kiện từ Lênin và Zinoviev vẫn đang trên đường chuyển về từ hải ngoại thì tình hình ở nước Nga đã thay đổi và chúng tôi hoặc là phải điều chỉnh lại bài viết của Lênin, hoặc tự mình viết những bài báo khác. Một số bài báo của ông đã không thể sử dụng được. Cũng có những lúc Lênin phê bình những bài viết của tôi nhưng biết phải làm sao vì không có những bài viết tốt hơn để kịp in. Trong khoảng thời gian các số báo in ở  St. Peterburg của chúng tôi tới được nước Áo, nơi họ đang tá túc, ở khu vực biên giới Áo và trong lúc họ gửi từ đó các bài viết của họ thì phải trôi qua khá nhiều thời gian. Mà chúng tôi thì luôn cần có bài để in. Thế là ở tòa soạn chúng tôi phải còng lưng ra mà viết bài này bài nọ… Mà trên một tờ báo nhỏ lại in liên tục hai bài viết về cùng một chủ đề thì không tiện lắm. Khi đó, Pravda chỉ mới là một tờ báo nhỏ.

Ở thời điểm năm 1921, chúng tôi tất nhiên là đã gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 1941, khi chúng ta đã có một nhà nước xã hội chủ nghĩa đoàn kết thống nhất rồi. Trong nội chiến, đã có thời điểm Denikin đã tới được gần Moskva, nhưng Makhno (thủ lĩnh người Côdắc Ucraina theo tư tưởng cộng sản nhưng lại tôn thờ chủ nghĩa vô chính phủ, anh hùng nội chiến – TG) bất ngờ đã giải nguy: ông ấy tấn công Denikin từ bên cánh và Denikin buộc phải rút nhóm quân đang nhằm vào Moskva về để tự vệ trước Makhno. Đấy, ngay cả một người như Makhno cũng có lúc có ích. Đấy là thời điểm nguy kịch tới mức Lênin đã triệu tập chúng tôi lại nói: “Thôi, xong rồi, chính quyền Xô viết không còn tồn tại nữa. Đảng phải rút vào hoạt động bí mật”. Người ta đã chuẩn bị giấy tờ cho chúng tôi, chuẩn bị các địa điểm cư trú bí mật…”.

Thời điểm mà ông Molotov đề cập tới là đầu năm 1919. Khi ấy, tướng Côdắc Anton Denikin đã liên kết được các lực lượng phản cách mạng thành Lực lượng vũ trang miền Nam nước Nga (VSYuR). Và tới tháng 6-1919, quy thuận chính phủ Bạch vệ do Đô đốc Kolchak cầm đầu, Denikin tiếp tục khởi binh chống lại Hồng quân và gây nên nhiều thiệt hại cho chính quyền Xô viết. Tới ngày 3/7/1919, Denikin tuyên bố mở đợt tấn công nhằm về hướng Moskva. Tới tháng 9/1919, VSYuR đã chiếm được khu vực Donbass, Krym và một vùng lãnh thổ rộng lớn phía nam nước Nga, bao gồm cả các thành phố Kharkov, Tsatsyn, Kiev, Odessa… Đỉnh điểm những thắng lợi của lực lượng phản động Bạch vệ đã đạt được ở tháng 9 và nửa đầu tháng 10-1919. Mặt trận miền Nam của quân đội Bolshevik đã bị phá vỡ. Chính ở thời điểm này, Lênin và ban lãnh đạo Bolshevik quyết định chuẩn bị rút vào hoạt động bí mật… Ủy ban hoạt động bí mật Moskva đã được thành lập. Các cơ quan chính phủ đã bắt đầu sơ tán khỏi thủ đô… Tuy nhiên, nhờ tình huống mà ông Molotov đã nói ở trên, cục diện thế và lực ở chiến trường Nga đã thay đổi. Tới giữa tháng 10-1919, quân đội của thủ lĩnh Côdắc Makhno đã phá hủy  được hậu phương của lực lượng Denikin. Trong lúc đó, Hồng quân cũng đã đạt được hòa ước với một số nhóm đối kháng khác và nhờ thế, dồn quân về một hướng để chiến đấu với VSYuR, dần dà giành lại thế thượng phong. Cuối tháng 10-1919, Hồng quân chuyển sang phản công và đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác…

Ông Molotov kể tiếp:

“Tôi từng được nhiều lần tiếp xúc với Lênin cả ở trong khung cảnh không chính thức. Một tối, sau giờ làm việc, Lênin bảo: “Đồng chí Molotov, tới chỗ tôi đi!”. Chúng tôi cùng uống nước trà với mứt phúc bồn tử đen. Lênin nói: “Dân mình tính khí vốn là, để đưa được một điều gì đó vào cuộc sống thì trước hết phải bẻ cong hẳn về một phía, rồi sau đó mới từ từ điều chỉnh. Chứ còn để làm đúng ngay thì chúng ta còn lâu mới học được cách. Nhưng nếu như chúng ta thay thế đảng Bolshevik bằng một chính đảng nào khác, thí dụ như đảng của Liev Nikolayevich Tolstoi chẳng hạn thì chúng ta chắc chắn sẽ bị chậm tới hàng thế kỷ”.

Vào cuối năm 1919 hay đầu năm 1920, tôi đã đến căn hộ của Lênin.  Khi ấy, ông sống trong Điện Kremli. Còn tôi lên đó từ tỉnh Nizhny Novgorod (lúc đó, Molotov là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương này – TG). Trước đó, ông đã nói chuyện với tôi qua điện thoại và có gửi cho tôi một lá thư. Khi đó tôi là Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nizhny Novgorod. Lúc ấy tại đó diễn ra đại hội, đại hội đầu tiên của tỉnh dành cho các kỹ sư radio. Nhân vật chính khi đó là Bonch – Bruevich, một người nhà của vị quản trị trưởng mà tôi đã biết có lẽ từ năm 1917. Vị quản trị trưởng ấy là một người giàu có, một ông chủ nhà xuất bản. Ông ấy có những cuốn sách về các giáo phái. Ông ấy hiểu rất rõ vấn đề này. Đó là một người rất có văn hóa, từng giúp đỡ Lênin. Chính vị quản trị trưởng ấy có một người bà con là kỹ sư radio chính ở Nizhny Novgorod. Lênin nói: Cần phải ủng hộ các thí nghiệm, các công trình của người đó. Cần phải giúp đỡ.

Rồi đến công việc khai thác gỗ. Tôi đã báo cáo với Lênin về việc khai thác gỗ.

Tôi hôm đó ngồi ở căn hộ của Lê nin với mình ông. Cùng trò chuyện có lẽ cả tiếng. Tôi không nhớ rõ chi tiết nữa. Chúng tôi đã uống nước trà cùng nhau…”.

Nhà văn Chuyev hỏi:

- Lênin có thích uống trà không?

- Biết nói thế nào nhỉ…

- Thế ông ấy có thích uống rượu không?

- Chỉ uống ít thôi. Ông ấy không hay uống rượu đâu. Ông ấy là người rất bặt thiệp.

- Thế Lênin đã nói gì với ông?

- Cũng không có gì quá đặc biệt trong cuộc trò chuyện hôm đó của chúng tôi. Lênin quan tâm nhất hôm đó là tâm trạng của những người dân sở tại, ở tỉnh Nizhny Novgorod. Ông muốn biết các cán bộ địa phương tâm thế ra sao.

Trong cuộc trò chuyện hôm đó, Lênin đã dần dà chuyển sự chú ý của Molotov tới các công chuyện quốc tế. Vyacheslav Molotov nhớ lại:

- Chicherin (Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Xô viết từ năm 1018 tới năm 1930– TG) là một trong những nhà quý tộc cổ, từng sống lâu ở nước ngoài, biết ngoại ngữ và tất nhiên đã là rất cần thiết cho Lênin. Sau một số năm, tôi mới phải làm Bộ trưởng Ngoại giao suốt một thời gian dài.

(Từ trái sang): Kalinin, Stalin và Molotov.

Khi ta đọc các nhà kinh tế học hiện đại, các triết gia của chúng ta thì thấy ngay là ông ấy cũng đã đọc tất cả họ, nhưng người ta lại bịa tạc ra nhiều điều không thể tưởng tượng được! Và tất nhiên sai lầm chính yếu là ở chỗ họ đã không hiểu được cái gọi là căn cốt của phương pháp tiếp cận theo kiểu Lênin. Lênin lúc nào cũng bóc trần chủ nghĩa tư bản, hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa từ đủ các góc độ khía cạnh khác nhau và với một hình thức cực kỳ đích đáng. Hãy cứ thử đọc Lênin đi – trong tác phẩm của ông từng dòng từng chữ đều là những quả bom công phá chủ nghĩa tư bản. Đó là điều chính yếu ở Lênin.

Còn người ta bây giờ lại trích dẫn rồi bịa tạc ra đủ thứ. May ra chỉ có lớp trẻ mới “ngốn” được những thứ như thế.

Tôi tất nhiên là cũng đã quên một số việc. Bây giờ các anh thích gì thì nói nấy về giai đoạn đó nhưng dù sao tôi vẫn ở gần giai đoạn đó hơn các anh, dù có lẽ các anh đang cho rằng tôi đã quên hết mọi chuyện…

Lênin đã đưa mọi người ra đường lớn

Trong cuộc trò chuyện ngày 15-8-1975, ông Molotov nói với nhà văn Chuyev:

- Một khi còn chủ nghĩa đế quốc, một khi còn tồn tại giai cấp, thì họ sẽ không tiếc tiền của nhằm phá hoại xã hội Xô viết của chúng ta. Nhưng không phải ai cũng là người có thể mua chuộc được. Ở thời trước Cách mạng (Tháng Mười năm 1917- TG) đã có vụ việc vạch trần bộ mặt thật của kẻ khiêu khích Malinovsky, một đại biểu Duma quốc gia, một đảng viên Bolshevik, Ủy viên BCH TW Đảng Xã hội Dân chủ Công nhân Nga, diễn giả số 1 của những người Bolshevik. Lênin thoạt đầu đã không tin đó là sự thật. Đó là một nhân vật rất sống động, khéo léo, biết tiến thoái hợp lý. Một người từng là công nhân ngành luyện kim, đại diện cho khu vực Moskva. Tôi biết rất rõ người này, từng gặp nhiều lần. Trông bên ngoài Malinovsky có vẻ hơi giống Tito (lãnh tụ của LB Nam Tư một thuở – TG). Một người đàn ông ngoại hình đẹp, rất dễ gây cảm tình, đặc biệt là khi ta quý ông ấy. Trông thế thì làm sao mà biết được đó là một kẻ đốn mạt, một kẻ rất tồi tệ. Những người Menshevik báo cho chúng tôi biết rằng đó là một kẻ khiêu khích. Chúng tôi thoạt tiên đã không tin, cho rằng bọn họ định bôi xấu những người Bolshevik. Lênin về sau có nói: “Ngay cả nếu như ông ấy là kẻ khiêu khích thì ông ấy vẫn làm cho chúng ta nhiều hơn là cho cảnh sát, vì nói cho cùng ông ấy đã bị bắt buộc làm những gì mà chúng ra lệnh cho ông ấy”. Malinovsky đã không chỉ phát biểu tại Duma mà ông ta còn được đưa xuống gặp các tổ chức công nhân. Tại đó mà không diễn thuyết thì công nhân la ó ngay. Và ông ta đã thực hiện hết mọi nhiệm vụ mà những người Bolshevik giao cho nhưng đồng thời lại là đặc tình của cơ quan an ninh Sa hoàng, phá hoại các cơ sở đảng, chỉ điểm các đảng viên Bolshevik cho cảnh sát bắt. Theo tôi thì năm 1918, sau cách mạng, Malinovsky đã bị bắn chết…

Đã từng có một đại biểu Duma, một người tên là Shurkanov (hoặc Shingariov gì đó), đại diện cho Petrograd, cũng là một kẻ khiêu khích. Tên này đã làm lộ về hội nghị chống chiến tranh năm 1914. Các đại biểu của chúng ta, 5 người cả thảy, đã bị đưa đi tù khổ sai, còn Kamenev thì bị đi đày vì khi ra tòa đã khai rằng ông ấy không đồng quan điểm với  những người Bolshevik mà chỉ tham gia vào hội nghị thôi.

Cũng có một đại biểu Duma nữa từ phía những người Bolshevik, tên là Badayev, nhưng đây là một nhân vật cũng tầm thường thôi. Khi ấy phần lớn các đại biểu Duma đều đại diện cho phe tư sản và địa chủ, mà dù thế nào cũng cần phải có một đại diện cho giai cấp công nhân cho “đẹp cỗ”, thế nên họ mới tìm xem ai là người vô hại nhất, ai ít tham gia vào các trận chiến cách mạng nhất. Và họ tìm ra Badayev để đưa vào Duma. Ông ấy cũng là một người trung thực nhưng không tích cực lắm và cũng không phát triển lắm. Tuy nhiên, cũng chịu khó làm việc. Khi ông ấy được bầu, ông ấy đã tới chỗ chúng tôi trong tòa soạn báo Pravda và nói: “Tôi còn kém phát triển lắm, tôi sẽ gặp nhiều khó khăn ở Duma, liệu các đồng chí có cho tôi được cuốn sách nào không để đọc cho biết những việc mà tôi cần phải làm, biết thế nào là chủ nghĩa Bolshevik? Nếu có được một quyển sách như thế thì tôi sẽ đọc bằng hết rồi nhập tâm và tôi sẽ dựa vào đó để hành động”.

Và sau này ông ấy cũng trưởng thành

Nhưng Lênin thì đã chẳng thấy có ai để mà “kén cá chọn canh”. Bởi lẽ tất cả những người Bolshevik sáng giá đều đã bị thiêu hủy ở các nhà tù và các chốn đi đày. Ngay cả tôi đây, khi tôi xuất bản báo Pravda thì tôi cũng chỉ mới 22 tuổi, tôi nào có được chuẩn bị gì nhiều đâu? Tất nhiên, cũng đã được đào tạo một cách được chăng hay chớ, theo kiểu thanh niên. Lúc ấy thì tôi đâu đã hiểu được gì nhiều? Dù tôi đã hai lần bị đi đày. Đành phải cố gắng làm việc thôi. Thế còn các đảng viên Bolshevik lớn tuổi thì ở đâu lúc đó? Lúc đó không ai muốn quá mạo hiểm. Kryzhi zhanovsky lúc đó đang là viên chức, Krasin cũng thế, cả hai đều là những kỹ sư vô tuyến điện giỏi. Tsiurupa khi đó đang làm quản lý cho một trang trại (cả ba người này sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917 đều trở thành Bộ trưởng trong chính quyền Xô viết). Kirov khi đó thì làm phóng viên cho một tờ báo tỉnh lẻ và không tham gia công việc với chúng tôi. Đấy là tôi còn chưa nói tới những người như Khrusov. Đấy là một nhân vật luôn luôn năng nổ nhưng chỉ tới năm 1918 mới gia nhập Đảng, khi mọi sự ngô đã ra ngô, khoai đã ra khoai rồi.

Tuy nhiên, khi cần quản lý quốc gia thì Lênin đã dẫn tất cả mọi người ra được con đường lớn. Ông là người không bao giờ bi quan, không bao giờ nản chí, biết sử dụng cả người Bolshevik, cả người nửa Bolshevik, thậm chí cả người chỉ có một phần tư phẩm chất Bolshevik, miễn là người đó có tri thức. Khi ấy những người có tri thức không đông. Trong BCT thì lần nào cũng có 3 trong số 5 Ủy viên phát biểu chống lại Lênin. Nhưng ông vẫn cần phải phối hợp công việc với họ. Họ đều là những diễn giả giỏi, có thể viết báo tốt, có thể phát biểu hay, toàn là những người tầm  cỡ và có cảm tình với chủ nghĩa xã hội, nhưng họ vẫn còn có những dao động nhất định. Tuy nhiên, ngoài họ ra thì cũng chẳng còn nhân sự nào khác. Vì thế nên phải lựa nhau mà làm việc thôi…

(Đọc phần tiếp theo trên Chuyên đề ANTG CT số 126, phát hành ngày 27/2/2012).

Trung Tín - Huỳnh Phương
.
.