Vượng Râu: Lý trưởng thời nay...

Thứ Năm, 08/10/2015, 15:25
“Hắn” đấy, chả lẫn đi đâu được, cái dung mạo vừa khiêm nhường vừa ngạo mạn, vừa thị thành lại vương bóng dáng thôn quê. Ở thời đại nào rồi mà quần dài áo the khăn xếp tậu thêm đôi guốc mộc, đôi khi là dép tông, tóc dài buộc túm đằng sau, râu dài để chỏm, đấy là lúc hắn về làng khi có hội hè đình đám. Còn không thì nguyên bộ lụa cổ tầu, cung cách cứ hệt như ông xã, ông huyện thời phong kiến.

Khi tiếp chuyện, hắn cười, nói, hoa chân múa tay, đôi khi cứ cực đoan khăng khăng cho mình là đúng, cãi bằng sống bằng chết, ôm nguyên cái bảo thủ của mình và cục tức của người khác. Phải thừa nhận cái tôi của hắn lớn lắm. Nhiều người tiếp chuyện với hắn bảo hắn trông thật giống với ông lý trưởng thời xưa. Nhưng nay là thời hiện đại, nhà chung cư tầng cao đến sát tận mây xanh và ôtô thì nườm mượp phố phường, hắn hì hụi “cày” sớm hôm, ngày nắng đêm mưa rồi sắm sanh cho mình một không gian riêng để thỏa thuê chí tang bồng mây gió.

Hắn yêu da diết văn hóa cổ truyền, nói đến chuyện gì cũng không thoát được giếng nước, gốc đa, sân đình, như thể tất cả đã ăn vào máu thịt hắn. 

Quê hắn ở Ước Lễ, Thanh Oai, Hà Tây, vùng địa danh với nhiều di tích văn hóa từ lâu đã đi vào tiềm thức của người Việt. Gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng từ nhỏ nhà gần ngay chùa, một tháng đôi lần, mồng 1 hôm rằm, hắn lũn cũn theo chân bà, chân mẹ đi lễ chùa. Ở đó mùi hoa mẫu đơn, hoa lan, hoa huệ sực nức, cây đại già trổ bông hoa trắng cánh vàng rơi rớt khắp sân, tiếng chuông chùa ngân vang trong nơi thờ tự thanh tịnh mà trầm lắng hòa quện với mùi trầm hương nhang khói vương vít bay la đà trong không gian tâm linh, thi thoảng ở bên chùa tiếng hát văn ở ngôi đền cổ vang vọng sang, ca ngợi những vị anh hùng có công với đất nước, lời hát văn véo von với tiếng đàn nguyệt, tất cả tạo nên một sức quyến rũ, lôi kéo mê mệt hắn tự bao giờ.

Rồi hắn hết tuổi là chàng thanh niên lộc ngộc chốn thôn quê, ra thủ đô, hắn học lớp diễn viên chèo, khoa Kịch hát dân tộc trong Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Vượng là học trò của thầy Đình Bảng, một trong những cây đại thụ của làng chèo. Hắn tự hào về điều đó, luôn vỗ ngực xưng danh mình là học trò của NSND Đình Bảng. Ra trường, với tính cách... “gàn dở”, hắn khó có thể trụ tại nhà hát nào. Mà hắn thì không chịu trói chân, trói tay cột lại ở một chỗ, hắn tự mở công ty riêng. 

Hắn làm giám đốc, nhân viên của công ty bao gồm vợ hắn và thêm hai người bạn học cùng trường sân khấu. Ngôi nhà riêng vỏn vẹn chưa đầy 20m vừa làm nhà ở vừa làm văn phòng công ty tại con phố Nguyễn Thượng Hiền. Gọi là công ty, mỗi năm thu hoạch làm video hài bán vào mùa vụ Tết. Hắn mát tay, ra đĩa, đắt khách, bán vèo vèo.

Nói hắn gàn, chắc chắn hắn sẽ nổi xung mà tự ái, nhưng quả thực hắn có tật xấu mà hắn không biết đấy thôi. Nhưng, thây kệ, có tài thì cũng có tật, chuyện đó là chuyện thường ngày ở huyện. Đấy, một hồi một dạo ầm ĩ hết cả trên các trang báo mạng, chỉ vì lỡ mồm dại miệng, chỉ vì cái tôi cao quá, chỉ vì chả biết nhường trước ngó sau hắn phát ngôn, “diễn hài tôi là số 1”, để rồi người ta đặt ra hàng đống câu hỏi: “Ơ hay thế cả một loạt danh sách cây hài khác vị thế cao thấp ở đâu?”, để rồi hắn nhận tới tấp gạch đá, xô chậu của người đời.

Tưởng sau đợt đấy,  bị “trọng thương”, hắn sẽ đi đứng nói năng khẽ khàng e dè hơn, thấm hơn cái cung cách nói năng tưng tửng, hung hăng theo kiểu “ngựa non háu đá” của mình. Nào ngờ chưa đến hai năm sau, dịp giáp tết, hắn cho ra đĩa hài, quảng cáo trên đĩa, họp báo hắn tuyên bố xanh rờn: Đây là đĩa hài hay nhất, ấn tượng nhất, hấp dẫn nhất, độc đáo nhất, triết lí nhất… và vô số cái nhất khác. 

Nói chung cái gì của hắn cũng là nhất. Nghĩa là hắn không chịu về nhì, mà chỉ thích đứng đầu. Người nào không biết, thấy hắn hùng hồn tuyên ngôn thế sẽ nghĩ hắn khoác lác nhưng với những ai biết và hiểu hắn thì hắn đích thị là một tâm hồn của đứa trẻ trong veo trong hình hài nghệ sĩ. Mà đã là đứa trẻ thì đứa trẻ nào lại chẳng ngây thơ, hồn nhiên, hay đòi quà, và đôi khi làm trò để được chú ý.

Dân chơi chim ở hồ Thiền Quang chả ai lạ gì hắn. Từ nhà hắn đi bộ ra đây dăm bước chân. Một dạo, người Hà Nội rộ lên thú chơi chim, cứ hàng tuần hàng tháng ở khu vực hồ tổ chức cuộc thi chim, người ta lại thấy hắn ung dung tay cầm lồng có chú khuyên xanh ra thi thố.

Hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại bao tháng ngày, người ta bảo thôi thì đổi tên cho Vượng từ “Vượng râu” thành “Vượng chim”. Hắn mê cái giống chim lắm. Ở nhà hắn nuôi đến hơn chục chú khuyên xanh, thêm giống chào mào, cu gáy, gật gù, chích chòe, chim gỉ chim gì hắn nuôi tất. Nhưng hắn quý nhất là giống chim khuyên. 

Lần nào sang nhà chơi, cũng thấy hắn thay dọn lót lồng tắm rửa cho những chú chim con. Nhìn bộ dạng hắn hì hụi, cần mẫn, tỉ mỉ với mấy chú chim mới thấy hắn say chim đến thế nào. Cậu nhân viên dưới quyền nháy mắt bảo: “Có khi hắn mê chim còn hơn mê vợ”. Vợ hắn, là diễn viên khoa chèo học chung trường nhưng ở khóa dưới. Vợ hắn có nhan sắc mong manh, khi đứng cạnh hắn trông rất hợp với cái tướng giương giương tự đắc của hắn. Vợ hắn chiều hắn lắm, biết hắn mê chim không có phàn nàn gì, tự nhủ dù sao mê chim còn hơn là mê gái. 

Suốt ngày, chỉ trừ những hôm bận lịch diễn tíu tít, còn không thì Vượng ta chỉ ở nhà quanh quẩn với những chú chim xanh, mà đi đâu cũng lo cho chim nên cũng khó mà đi đâu lâu được. Hắn có hai cô con gái rượu. Bé đầu lên 5 tuổi. Bé thứ hai lên 3 tuổi. Cả hai đứa trẻ đều quấn cha, Vượng cũng vì thế mà thêm hưng phấn trong cuộc sống đôi khi lắm áp lực, nhiều âu lo.

Nghệ sĩ Vượng râu cùng vợ và con gái.

Vì lập công ty riêng, không làm ở nhà hát nào nên hắn phải vừa phải tự kí kết hợp đồng, vừa làm người tổ chức sản xuất, kiêm nhiệm luôn diễn viên. Mấy con người trong một con người, rồi lại tự biên tự diễn. Phải công nhận, trong tất cả các vai diễn sân khấu hắn lại hợp nhất với đóng hài. Nhìn thấy hắn đã thấy hài rồi. Kể cả khi diễn dạng vai nghiêm túc, chỉn chu, thấy điệu bộ và đường nét trên khuôn mặt hắn người ta lại buồn cười. 

Kể cả có nghiêm túc tới mấy, vào vai anh hùng áo vải, mũ mão quan trường bệ vệ oai phong thì khán giả đôi lúc không nhịn được, cười phá lên. Hắn diễn hài mà thành danh, từ phố thị cho đến làng xã đều biết mặt thuộc tên thế cũng là hắn được Tổ đãi cho ăn lộc nghề. Hắn sống có trước có sau, tin vào điều tâm linh, và “nghiện” mùi nhang khói. 

Sau khi tích cóp nhiều năm, hắn tậu cho mình một chốn bồng lai tiên cảnh, để thỏa thuê chí lãng đãng gió mây. Đó là khu đất rộng dưới quê đoạn đường Láng Hòa Lạc xây thành phủ của Vượng. Ở khu phủ đấy, nhà gỗ mái ngói cổ, sân lát đá đỏ, cây cối hoa lá xanh tươi khắp bốn mùa, sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối, tràng kỉ, chim oanh ca hót líu lo… Nhìn hắn sống trong không gian như thế mới thấy hắn thật biết ăn, biết chơi, biết hưởng thụ tường tận cuộc sống.

Hắn thích hội hè đình đám. Đầu Xuân, vào mùa lễ hội cũng là lúc hắn đi khắp các cung đường để “diễu võ dương oai”, lúc đóng hài, lúc hầu đồng diễn xướng, bà con kéo đến đứng chật đường tắc lối, chỉ trỏ, vỗ tay râm ran. Vượng sau lúc quay cuồng công việc đôi khi lại thích trầm ngâm một mình đốt trầm, ngâm thơ rồi tự làm thơ. Đôi khi bắt gặp khuôn mặt ấy thừ người ra ngẩn ngơ suy ngẫm về nhân tình thế thái, định duyên, nghiệp duyên nhân quả ở đời. 

Những ngày vào thu, ngồi ở sân cây trái lúc lỉu, hương hoa thơm man mác, nắng thu nhẹ rơi, Vượng thốt lên mấy lời vừa để cho mình hay để cho ai: “Ai mà chả có lúc buồn/ Ai mà chả chẳng có bất thần không vui/ Tôi buồn nhất là khi tôi/ Thấy cảnh xã hội những mảnh đời éo le/ Số phận từ kiếp trước rồi/ Ai muốn thay đổi thì thời năng tu// Tu Tâm, Tu Chợ, Tu Đường/ Làm nhiều việc tốt kệ phường hại ta/ Yêu thì như thể dại khờ/ Ghét thì lẳng lặng thờ ơ thôi mà/ Bởi khi giác ngộ chính là/ Yêu nhiều hơn hận mới là nhân tâm”.

Trần Mỹ Hiền
.
.