Vụ thảm sát Cam Ly và chuyện người mẹ huyền thoại

Thứ Ba, 08/03/2005, 07:56

Chuyện kể về mẹ Nguyễn Thị Lang đã trở thành một huyền thoại. Mẹ vẫn sống hơn 50 năm qua dù tên của mình đã được khắc trang trọng trên bia tưởng niệm những liệt sĩ bất khuất dựng bên dòng thác Cam Ly.

Thác Cam Ly một đêm mưa năm 1951, 20 tử tù trong đó có Nguyễn Thị Lang đã bị kẻ thù đem "xử tử kín" để trả thù cho vụ ám sát tên trùm mật thám Đông Dương Vitor Hazz. Những làn đạn của kẻ thù xé toạc màn đêm, 20 người gục xuống…

4 ngày 5 đêm trốn chạy trong rừng với những vết thương lở loét và đói khát, nhiều ngày sau đó sống trong sự truy cùng, giết tận của kẻ thù, bà vẫn thoát. Sự trở về từ cõi chết của bà đã làm cho kẻ thù kinh sợ và hoảng loạn. Vụ thảm sát Cam Ly ngay sau đó đã gây phẫn nộ trong quần chúng, dấy lên phong trào "Đà Lạt vùng lên" mạnh mẽ trong những năm 50 của thế kỷ XX.

Vụ thảm sát dã man và hèn hạ

Tháng 3/1951, đội cảm tử Phan Như Thạch được thành lập tại chiến khu 300 do đồng chí Nguyễn Tấn Phước, nguyên Đội trưởng Đội vũ trang B'Đao làm đội trưởng. Đội cảm tử gồm 36 người được trang bị một số súng ngắn, tiểu liên, dao găm và lựu đạn, có nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, diệt tề trừ gian, bảo vệ chiến khu và bảo vệ cán bộ đi công tác. Để xây dựng mạng lưới rộng rãi và phối hợp trong ngoài thuận lợi, Thị ủy Đà Lạt đã tổ chức ở nội và ngoại thành 13 tổ cảm tử, chia ra hoạt động ở các khu vực Xuân An, Trại Mát, Tân Lạc, Nam Thiên và Trại Hầm. Sau vài tháng huấn luyện đội cảm tử đã bắt đầu vào nhiệm vụ điều tra phân loại, theo dõi những tên phản động có nhiều nợ máu với nhân dân để xử tội. Một số tên mật thám ác ôn lợi hại và nguy hiểm như No, Hành, Hiếu đã bị trừng trị ngay sau đó.

Được sự đồng ý của Thị ủy, đội cảm tử Phan Như Thạch đã quyết định bắt sống tên Victor Hazz, một tên mật thám đầu sỏ ở Đà Lạt sống tại biệt thự Hoa Hồng (nay là số 17 Huỳnh Thúc Kháng, Tp. Đà Lạt). Mục đích là để khai thác các vấn đề chính trị và để đổi một số anh em tù chính trị của ta đang bị giam cầm. Đội cảm tử được lệnh cố gắng bắt sống tên Hazz, trường hợp bất đắc dĩ mới phải tiêu diệt.

Đêm ngày 10/5/1951, một tổ cảm tử được ém tại nhà cơ sở cách mạng, cách nhà tên Hazz gần 60m. Gần một ngày chờ đợi, tên Hazz không xuất hiện, số hắn vẫn chưa tận. 16 giờ ngày 11/5, cả tổ đột nhập vào biệt thự của tên Hazz, hai mẹ con người bồi bếp thấy anh em đột ngột xuất hiện hốt hoảng xin đừng giết. Anh em giải thích cho bà hiểu rồi nhanh chóng chia thành hai nhóm, một nhóm phá cửa kính vào phòng tên Hazz lục tìm tài liệu và một nhóm đón lõng tên Hazz trở về, yểm trợ cho cả tổ rút lui.

Khoảng 17 giờ, tên mật thám trở về nhà. Cửa bật mở, tên Hazz vừa thò đầu vào thì bị một đồng chí trong đội cảm tử chĩa súng về phía hắn hét lớn “hôlê manh” (giơ tay lên!). Hắn cuống cuồng tháo chạy ra xe, một tràng tiểu liên đã nhanh chóng kết liễu cuộc đời của tên mật thám. Sau khi thu dọn giấy tờ tài liệu của tên Hazz, toàn tổ cảm tử lên chiếc xe của hắn, rút lui. Đi được một đoạn, do không quen với chiếc xe, khi đến dốc Cam Ly xe lên không nổi phải dừng lại. Cùng lúc đó, ba chiếc GMC chở bọn lính đi tuần từ hướng sân bay Cam Ly chạy xuống. Địch nổ súng bắn xối xả, anh em đội cảm tử thấy cứ tiếp tục đọ súng không có lợi liền rút lui nhanh qua suối Cam Ly.

Tên Hazz bị giết, đội cảm tử biến mất, bọn địch lồng lộn và đi đến một nước cờ dã man và hèn nhát.

19 giờ ngày 11/5/1951, 20 tù chính trị mà chúng cho rằng hết sức nguy hiểm đã bị đẩy lên một chiếc xe bít bùng đỗ trước cổng nhà giam. 20 giờ cùng ngày, địch đưa 20 người tù chính trị đến khu rừng gần sân bay Cam Ly. Họ còn rất trẻ, một nửa trong số 20 người là nữ, các cô Huỳnh Mộng Hoa, Trương Việt Hoa, Phạm Thị Bộ tuổi mới 20, chị Trần Thị Huệ khi ở tù mới có thai hai tháng bị địch đánh trụy thai. 20 người tù gục xuống, máu nhuộm đỏ suối Cam Ly, hòa vào đất...

Có những sự sống trở thành bất tử

Tôi đứng lặng hồi lâu nghe anh Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Tp. Đà Lạt, kể về vụ thảm sát Cam Ly. Trong vô vàn hồi ức cuồn cuộn chảy như những cuốn phim bi tráng mà tôi đã từng được xem, chưa phim nào khắc sâu hình ảnh bất khuất của những người chiến sĩ như chuyện kể của anh. Tôi đưa mắt đếm từng dòng chữ khắc trang trọng trên bia tưởng niệm và dừng lại ở dòng chữ cuối cùng trên bia đá: “Nguyễn Thị Lang - người duy nhất còn sống sót trong vụ thảm sát”. Anh Dũng nói với tôi: “Bà chính là người mẹ huyền thoại đó”.--PageBreak--

Mẹ còn nhớ mãi cái ngày 11/5 ấy, cái ngày mẹ và 19 đồng đội bị thực dân đẩy lên chiếc xe bít bùng. Lúc đầu mọi người cứ nghĩ đây là cuộc chuyển lao bình thường. Trời tối dần, chiếc xe bít bùng cứ chạy mãi, mọi người vẫn không tỏ ra một chút lo lắng, một chút sợ hãi. Có người còn cười đùa. Khi xe chạy đến gần Cam Ly, bọn địch mới lớn giọng tức tối: “Chúng mày giết một mạng thì phải đổi 20 mạng”. Lúc bấy giờ 20 người tử tù mới biết mình sắp bị đem xử tử. Không run sợ, họ cùng phẫn nộ mà hét lên rằng: “Chúng bay có bắn thì bắn, có giết thì giết, làm gì thì làm. Chúng tao không xin, không khóc!”.

Chiếc xe dừng lại dưới chân một ngọn đồi, 2 người một bị đẩy xuống. Tiếng súng nổ, tiếng đạn xé gió xen vào tiếng ào ào gào thét của thác Cam Ly. Không một lời tuyên án, không một lời trăng trối, từng người, từng người gục xuống. Máu loang một góc rừng... Tiếng gió, tiếng cây rì rào như bản kinh cầu siêu cho những người con về với đất mẹ.

Nửa đêm hôm đó, mẹ tỉnh dậy, bốn bề là xác các đồng đội, máu và máu quyện vào cỏ, vào sương đêm. Nằm một lúc mẹ mới biết chắc là mình còn sống, mẹ trở mình quờ tay tìm đồng đội, coi có còn người nào sống sót. Không một tiếng người đáp lại, chỉ có tiếng gió lạnh rít buốt lòng. Và một lúc sau mẹ mới nhận ra trên thân thể mình cũng toàn là máu, máu từ những vết thương đã đông cứng lại, trời lạnh căm càng làm vết thương tê buốt... Mẹ cố bò qua thân thể các đồng đội, lết theo hướng có tiếng nước chảy, đôi chân và bàn tay trái hoàn toàn tê dại.

Mẹ chỉ cho tôi thấy vết tích của 9 viên đạn ở đầu, bụng, tay, chân. Một phần lõm sâu trên đôi chân, mẹ bảo “do dòi ăn đó”.

Mẹ nhớ sau khi bò về hướng con suối, lết tiếp qua những cánh rừng, những bụi gai, rễ cây chà sát vào thân thể, máu lại chảy. Sáng hôm sau, khi bóng mặt trời chếch trên ngọn cây, mẹ tỉnh dậy. Đói, khát... mẹ bứt đại lá cây rừng mà nhai, vốc nước suối mà uống. Mẹ nghĩ: “Có thể mọi người sẽ không biết về vụ thảm sát này. Mình là người duy nhất còn sống và mình phải sống để trở về tố cáo tội ác dã man của kẻ thù... Mình phải sống, phải trở về”.

5 ngày 4 đêm mẹ im lặng bò, trốn trong rừng. Mẹ sợ nếu kêu gọi người cứu không gặp phe ta mà gặp phe địch thì chết chắc mà khi đó tội lỗi của kẻ thù vẫn không có người đưa ra ánh sáng. Bấy giờ, những vết thương đã không còn làm mẹ đau đớn nữa nhưng chúng bắt đầu lở loét và sinh dòi.

Cho tới bây giờ, mẹ cũng không hiểu một sức mạnh nào đã khiến một con người vốn yếu đuối lại có thể sống sót sau khi đã trúng 9 viên đạn và bị đói khát trong rừng 5 ngày 4 đêm với những vết thương đầy mình!?

Sau đêm thứ 5 trong rừng mẹ lần ra được tới bờ suối Cam Ly, mẹ núp dưới một cái hố chờ người tới cứu, bởi, khi ấy mẹ cũng không còn sức để có thể bò tiếp. May mắn thay, khi mẹ thấy mình không còn sức để đi tiếp thì gặp được một người tiều phu cùng xóm. Ông đã đưa mẹ đến nấp một nơi an toàn rồi nhanh chóng mật báo về nhà cho gia đình của mẹ.

Mẹ được đưa vào bệnh viện. Để trừ hậu họa, bọn Pháp tiếp tục thuê người ám sát mẹ. Một lần, có một gã thanh niên vạm vỡ lẻn được vào phòng bệnh chèn đôi tay hộ pháp vào cổ mẹ, mẹ ú ớ giãy giụa kêu không thành tiếng. Nghe tiếng động, người bên ngoài phòng chạy ùa vào gỡ tên ám sát ra khỏi mẹ. Lúc ấy mẹ đã ngất đi không còn biết gì nữa...

Phải mất sáu tháng nằm bệnh viện mẹ mới khỏi hẳn. Trước hành động dã man của địch, Thị ủy Đà Lạt chủ trương phát động quần chúng đấu tranh. Hàng ngàn người dân Đà Lạt xuống đường biểu tình lên án hành động dã man và hèn hạ của địch, đòi trừng trị những tên gây tội ác. Địch không dám đàn áp bắt bớ, chúng phải chấp nhận xoa dịu dư luận bằng cách đưa những tên tham gia vào vụ thảm sát đi Buôn Ma Thuột. Vụ thảm sát ngay sau đó cũng gây chấn động ở cả nước Pháp, Đảng Cộng sản Pháp đã đưa vụ này ra chất vấn tại Quốc hội và đòi chấm dứt ngay tội ác đối với các nước thuộc địa. Khí thế cách mạng của nhân dân Đà Lạt sau vụ Cam Ly đã không như những suy tính của địch, chúng muốn dùng vụ Cam Ly như là một đòn trấn áp tinh thần các chiến sĩ của ta nhưng chúng đã sai. Chính hành động dã man của chúng cộng với tinh thần bất khuất của bà Lang và đồng đội đã dấy lên phong trào cách mạng sâu rộng trong quần chúng.--PageBreak--

Hạnh phúc giữa đời thường

Trong ngôi nhà cổ mộc mạc giữa phố thị, mẹ vẫn khuya sớm đi về tảo tần cho miếng cơm manh áo cùng gia đình người con trai độc nhất, chiều mẹ về với mảnh vườn, luống rau, sáng sáng gánh rau ra chợ đắp đổi cân gạo, miếng mắm khô. Cuộc sống của mẹ vẫn cứ trôi qua dù đôi khi những vết thương năm cũ ấy vẫn thường xuyên hành hạ mỗi khi người mẹ yếu đi hay mỗi khi trời trở gió.

Gần 80 tuổi rồi, trải qua hai cuộc chiến ác liệt, mang trong  mình 9 vết tích của 9 viên đạn mà trông mẹ vẫn mạnh lắm, đôi chân với 4 vết thương vẫn thoăn thoắt đi đây đi đó tham gia trong hội đền ơn đáp nghĩa của phường. “Cực nhưng mà vui” - Mẹ bảo thế. “Đôi chân quen đi, quen hoạt động rồi, bây giờ nghỉ dám nó đổ bệnh ra lắm”.

Mẹ kể: “Cha mẹ tôi gốc người Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông bà lên đây từ những năm đầu tiên của thế kỷ trước khi mới chừng 13, 14 tuổi, làm phu cho chủ người Pháp trong những cánh rừng. Cùng làng, cùng quê nên hai ông bà mới biết rồi cưới nhau, sinh ra 10 anh chị em chúng tôi. Mẹ ngước mắt lên chỉ về phía hai tấm bằng liệt sĩ, Nguyễn Du Minh và Nguyễn Văn Trung, một người là anh và một người là em của mẹ.

Ông Minh là anh kế của mẹ, ông theo Việt Minh từ rất sớm, từ những ngày mẹ Lang còn bé tí vẫn lẽo đẽo theo anh Minh vô trong rừng đưa cơm cho cách mạng. Chính ông Minh là người lúc đó đã gieo vào mẹ lòng yêu nước và tinh thần bất khuất. Những năm 40, ông Minh đã trở thành một trong những trụ cột phong trào cứu quốc ở Đà Lạt, bọn giặc đã treo giá cái đầu ông Minh những 500 ngàn đồng Đông Dương, khoản tiền khi ấy là cả một gia tài, cho ai cung cấp thông tin về ông... và có kẻ ham tiền đã bán máu đồng đội. Ông Minh bị bắt trong một lần đi công tác, bị địch thủ tiêu và thả xác trôi sông... Còn ông Nguyễn Văn Trung, người em trai kế của mẹ một thời gian trong chống Mỹ, đã giữ chức Chánh văn phòng Thị ủy Đà Lạt.

Mẹ nghe lời anh Minh, tự nguyện đến với cách mạng khi mới 17 tuổi. Mẹ là cơ sở cách mạng, hoạt động nội thành, tham gia hết tổ chức thanh niên rồi hội phụ nữ, nắm giữ tình hình địch trong nội thành và nuôi giấu cán bộ. Địch bắt mẹ khi mẹ đang tiếp tế lương thực cho anh em. Lần đầu tiên bị bắt, chúng tra tấn mẹ bằng roi da, những nhát roi vun vút xiết vào thân thể mỏng manh, mẹ cắn răng chịu đựng. Bọn chúng cũng biết rất rõ ông Minh đang nằm trong rừng nhưng không làm sao cạy miệng mẹ nói được. Đuối lý, chúng phải thả mẹ ra.

Mẹ đã phải ba lần vào lao ra khám, phải hàng chục lần cắn răng hứng chịu những trận đòn nát thịt da. Đầu năm 1951, mẹ bị bắt lần thứ 3, khi ấy mẹ đã trở thành một trong những cán bộ hoạt động tích cực nhất trong nội thành, địch ghép mẹ vào loại tù đặc biệt nguy hiểm cùng với những tên tuổi khác trong hàng ngũ Việt Minh đang hoạt động ngay trong lòng địch...

Mẹ mân mê tấm kỷ niệm chương của Thủ tướng Chính phủ “Đã nêu cao tinh thần bất khuất góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Mẹ bảo, nếu những người đồng đội của mẹ năm xưa còn sống chắc họ sẽ vui lắm, đất nước đã qua thời bom đạn, cuộc sống của con em đã hạnh phúc và không còn khổ đau... nói rồi mẹ cười hiền hậu, một nụ cười chứa đầy niềm tin và sự lạc quan. Không biết có phải chính nụ cười ấy đã giúp thêm sức mạnh để mẹ viết nên câu chuyện về người phụ nữ bất tử bên dòng thác Cam Ly!?

P. Thuận Thiên
.
.