Võ sư - đạo diễn Lý Huỳnh: Âu lo dẫu lắm, mừng vui vẫn đầy

Thứ Ba, 13/03/2012, 15:10
Tuổi bảy mươi, khi tiền bạc đã đủ, danh tiếng đã đầy, cháu con sung túc, ông hoàn toàn có thể yên tâm nghỉ dưỡng, vui thú tuổi già. Vậy nhưng NSƯT, võ sư, kỷ lục gia Lý Huỳnh vẫn trắc ẩn trong vòng quay số phận. Nhưng dường như khi cuộc sống ở những cung trầm nhất thì những ý tưởng, niềm đam mê nghệ thuật của ông cũng từ đó mà thăng hoa.

Lý Huỳnh mời tôi đến dự tiệc sinh nhật lần thứ bảy mươi của ông. Một bữa tiệc ấm cúng trong một đêm Sài Gòn lất phất mưa bụi. Kể cũng lạ. Sài Gòn đầu Xuân, khi mùa khô ở kỳ cao điểm, hiếm khi có những cơn mưa trong tiết trời hanh khô như vậy. Những cơn mưa của đất trời làm cho lòng người như chùng hẳn lại. Cũng vì thế, bữa tiệc sinh nhật trở thành nơi của những câu chuyện tâm giao về đời, về nghề làm phim và nghiệp võ. Bữa tiệc quy tụ những người thân thích trong gia đình cùng anh chị em nghệ sĩ trong đoàn làm phim Tây Sơn hào kiệt, bộ phim truyện nhựa mới nhất của hãng phim Lý Huỳnh ra mắt năm ngoái. Người duy nhất vắng mặt là diễn viên Lý Hương. Sự thiếu vắng người con gái tài sắc, từng đoạt danh hiệu hoa khôi TP Hồ Chí Minh trong gần 2 năm qua khiến gia đình võ sư - nghệ sĩ Lý Huỳnh nhiều phen lao đao.

Ngày hãng phim Lý Huỳnh dốc tiền làm phim Tây Sơn hào kiệt, vai diễn Bùi Thị Xuân trong phim đã được “đo ni đóng giày” cho Lý Hương. Để chuẩn bị cho vai diễn, Lý Hương đã dành 2 tháng ôn luyện võ thuật với anh trai Lý Hùng. Sau 8 năm vắng bóng trên phim trường, Lý Huỳnh đã dồn hết tâm huyết cho lần trở lại với dự án làm phim lên đến hơn 12 tỷ đồng này. Tất cả đã sẵn sàng. Đến phút bấm máy thì “sao quả tạ” giáng xuống gia đình. Lý Hương vướng vào vòng lao lý khi cô vừa đặt chân đến đất Mỹ để giải quyết dứt điểm việc ly hôn với người chồng cũ. Cô không thể trở về Việt Nam đóng phim. Sự khác biệt giữa luật pháp Việt Nam và Mỹ khiến cô từ một người mẹ hết lòng yêu thương con, “bỗng dưng” bị ghép tội “bắt cóc” chính đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.

Nước mắt. Nỗi buồn. Oan gia... Tình thương, nỗi lo dành cho đứa con gái đã khóc cạn nước mắt nơi đất khách quê người, khiến vợ chồng ông tưởng như không gượng qua nổi. Nhưng với bản lĩnh, sức chịu đựng của một tay đấm lừng danh Sài Gòn những năm trước giải phóng, từng được gọi bằng những danh hiệu “Con báo đen”, “Võ sư Liên hoàn bát cước”…, Lý Huỳnh và vợ ông, cũng là tiểu muội trong lò luyện võ Thiếu Lâm Tự thời niên thiếu, đã phải nén nỗi đau cho nước mắt chảy vào trong để Tây Sơn hào kiệt không lỗi hẹn với khán giả màn bạc. Dù đã thuê và ủy quyền cho luật sư sang Mỹ để bảo vệ quyền lợi cho con gái, nhưng hàng ngày, sau những giờ quay phim, vợ chồng ông lại dành những khoảng thời gian yên ắng về đêm để điện thoại hỏi han, động viên, tiếp sức cho con gái.

Biết chuyện của Lý Hương đã trở thành đề tài “nóng” của truyền thông nhưng Lý Huỳnh không dám đọc báo. Ông sợ nước mắt sẽ rơi nhiều hơn. Nửa năm đổ mồ hôi lăn lộn từ miền Nam ra miền Trung để quay phim và nỗi lo canh cánh cho con gái ở trời Tây đã khiến Lý Huỳnh sút mất 5 ký. Ông gầy rộc đi trông thấy. “Phim có những cảnh quay chiến trận hoành tráng với sự tham gia của hơn 10.000 diễn viên quần chúng nên tôi lúc nào cũng phải căng sức ra. Chỉ mỗi việc phải đảm bảo an toàn cho chừng ấy con người trước các đạo cụ là hàng trăm con voi, ngựa… đã bở hơi tai ra rồi. Cũng may là công việc đạo diễn võ thuật và chỉ đạo diễn xuất đã có Lý Hùng đảm trách, chứ nếu không thì chắc tôi ngã quị” - Lý Huỳnh chia sẻ vậy.

Khi Tây Sơn hào kiệt đóng máy, chuẩn bị đem sang Hồng Kông làm hậu kỳ, Lý Huỳnh đã mời tôi đến nhà riêng xem và góp ý. Nhìn Lý Hùng mồ hôi như tắm, giọng nói đã khản đặc cầm loa tay chỉ đạo từng màn đánh võ, rồi sau đó lại vào vai diễn chính, tôi thực sự nể phục nhiệt huyết, đam mê và cường độ làm việc của anh. Mặc dù sau đó phải mất gần 1 tháng để dưỡng giọng, nhưng khi lồng tiếng cho phim, giọng của Lý Hùng vẫn chưa trở lại bình thường. Vậy nên khi xem phim, khán giả vẫn nghe “Hoàng đế Quang Trung” hét lạc cả giọng. Vai diễn Đô đốc Bùi Thị Xuân do diễn viên khác thay thế cũng phải “cắt gọt” những cảnh giao đấu.

Sự hi sinh vì nghệ thuật của Lý Huỳnh và các thành viên trong gia đình cuối cùng cũng đã được đền đáp. Và đây có lẽ là niềm động viên, an ủi lớn nhất của ông lúc này. Tây Sơn hào kiệt được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Bộ phim được dàn dựng hoành tráng nhất Việt Nam”. Còn giới truyền thông thì ví Tây Sơn hào kiệt như là Đại chiến Xích Bích của Việt Nam.

Và hôm nay, trong không khí thân tình, ấm áp, Lý Huỳnh chia sẻ thêm niềm vui mới đầu Xuân Nhâm Thìn.  Hãng phim mang tên ông tiếp tục xác lập kỷ lục Việt Nam, là “Hãng phim tư nhân sản xuất phim nhiều nhất Việt Nam” với tổng cộng 31 bộ phim tính đến nay.

Sau chuyện phim râm ran, mọi người lại nhớ và nhắc đến Lý Hương. Lý Huỳnh đã bớt tâm trạng hơn. Ông nói: “Chuyện của Lý Hương ở Mỹ đến nay đã cơ bản giải quyết xong, chỉ chờ quyết định nữa thôi. Lý Hương sắp trở về Việt Nam rồi”. Sắp, nghĩa là vẫn chưa. Nhưng dù sao tiếng “sắp” ấy được nói trong lúc này cũng có giá trị như một liều thuốc an thần cho tất cả những ai gần gũi, thân thiết với gia đình võ sư - nghệ sĩ này.

Lý Huỳnh tiết lộ, ông đang bắt tay vào những công đoạn đầu tiên cho bộ phim truyện nhựa về Đô đốc Bùi Thị Xuân. Kịch bản đã xong và đang chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt. Và đương nhiên, người đảm nhiệm vai nữ chính trong phim này sẽ là Lý Hương. Vẫn là dòng phim lịch sử, hành động võ thuật theo sở trường của hãng phim Lý Huỳnh, bộ phim về nữ Đô đốc tài ba của sử Việt sẽ được hợp tác với một hãng phim nổi tiếng ở Hồng Kông. Vậy là cơn “bĩ cực” sắp qua. “Thái lai” sắp tới hồi viên mãn. Âu lo dẫu lắm nhưng mừng vui cũng đầy. Tuổi bảy mươi, Lý Huỳnh tiếp tục dấn bước với nghệ thuật thứ bảy với vốn võ thuật gia truyền và niềm đam mê cháy bỏng.

Lý Huỳnh tâm sự, dù mảng phim về lịch sử hiện nay đang kén khán giả, nhưng ông không muốn thay đổi lý tưởng nghệ thuật mà mình đã theo đuổi gần 40 năm qua. Mục tiêu của ông là sẽ tiếp tục làm ít nhất 10 bộ phim nữa về các anh hùng dân tộc qua các thời đại. “Tôi lựa chọn những anh hùng hào kiệt có tài võ nghệ để phù hợp với sở trường của hãng phim Lý Huỳnh. Thực hiện những bộ phim này rất vất vả, tốn kém, nhất là trong lúc chúng ta chưa có trường quay. Nhưng đang còn sức thì tôi còn làm. Khi tôi không còn làm được nữa thì các con tôi sẽ làm”.

Lý Huỳnh là thế. Con người ông là sự hòa hợp giữa một nghệ sĩ đích thực và một võ sư từng giữ ngôi vị là tay đấm số một Sài Gòn những năm cuối thập niên sáu mươi, thế kỷ hai mươi. Ông đã thượng đài 12 trận, thắng 8 (trong đó có 4 trận thắng nốc - ao), hòa 3, thua 1 vì bị trọng tài xử ép. Sau ngày giải phóng, Lý Huỳnh được coi là người mở đường cho dòng phim hành động võ thuật của điện ảnh phía Nam từ những năm tám mươi. Bắt đầu bằng bộ phim gây nên cơn sốt vé trên toàn quốc Người không mang họ, Lý Huỳnh đã cho ra lò hàng loạt bộ phim, tạo nên một hiện tượng điện ảnh lúc bấy giờ. Những diễn viên như Lý Hùng, Tuấn Anh, Diễm Hương, Công Hậu… cũng từ những bộ phim của Lý Huỳnh mà thành sao.

Tôi đã nghe chuyện Lý Huỳnh từng thách đấu với ngôi sao võ thuật Hồng Kông Lý Tiểu Long, nhưng cứ thấy hoài nghi. Đã đành hơn bốn mươi năm trước, Lý Huỳnh là tay đấm số một của Sài Gòn. Nhưng sẽ vẫn là khập khiễng nếu so sánh với Lý Tiểu Long, ngôi sao võ thuật của cả thế giới.

Hỏi ông về chuyện đó, Lý Huỳnh xác nhận và bảo, sẽ cho tôi xem bằng chứng. Ngôi nhà và cũng là trụ sở của hãng phim Lý Huỳnh nằm ở mặt tiền đường 3-2, quận 10 giống như một “bảo tàng” về điện ảnh thu nhỏ. Ngoài những hiện vật, hình ảnh, tư liệu khá phong phú về điện ảnh Việt Nam và quốc tế, cùng những tài liệu quý giá về võ thuật, Lý Huỳnh có một không gian riêng để hồi tưởng về “một thời vang bóng” của mình. Tôi đã được ông cho xem những trang báo viết về sự kiện được cho là “động trời” ấy. Đó là năm 1970, đoàn làm phim của điện ảnh Hồng Kông sang Việt Nam chọn cảnh quay cho phim Long hổ sát đấu.

Đạo diễn võ thuật, võ sư Hàn Anh Kiệt đã tìm đến võ đường Lý Huỳnh nhờ hợp tác và mời Lý Huỳnh vào vai một cao thủ võ lâm trong phim. Cảnh giao đấu đòi hỏi nhân vật phải thực hiện đòn liên hoàn bát cước (tung 8 đòn cước liên hoàn). Nhập vai, Lý Huỳnh phi thân tung liên hoàn bát cước lẹ làng và đầy sức mạnh. Đạo diễn, võ sư Hàn Anh Kiệt bắt tay Lý Huỳnh: “Tuyệt vời! Ở Hồng Kông, chỉ có ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long mới thực hiện đòn liên hoàn bát cước một cách hoàn hảo như vậy. Anh thực sự là “Lý Tiểu Long” của Việt Nam đấy”. Sau lời khen, võ sư Kiệt đột ngột hỏi Lý Huỳnh: “Nếu có một trận đấu giữa Lý Tiểu Long và Lý Huỳnh, anh có dám thượng đài không?”. Lý Huỳnh suy nghĩ rồi đáp chắc nịch: “Tôi đồng ý thách đấu Lý Tiểu Long”.

Thế là báo giới Sài Gòn, và sau đó là báo chí Hồng Kông đồng loạt đưa tin, bài về sự kiện này. Nhưng rồi trận đấu trong mơ ấy với Lý Huỳnh mãi mãi không thành hiện thực. Trong lúc ông đang miệt mài tập luyện cho một trận thượng đài được dư luận chờ đợi thì Lý Tiểu Long đột ngột qua đời. Lý Huỳnh đã giữ lại những bài báo ngày ấy như một kỷ niệm.

Cũng nhờ sớm có mối lương duyên với điện ảnh Hồng Kông từ thời kỳ đó nên sau này, hãng phim Lý Huỳnh đã hợp tác với điện ảnh Hồng Kông sản xuất nhiều bộ phim hành động võ thuật gây tiếng vang như: Truy nã tội phạm quốc tế, Hồng hải tặc, Kế hoạch J.96…

Sự trở lại của Lý Huỳnh với Tây Sơn hào kiệt trong một bối cảnh thực sự khó khăn, niềm vui xen lẫn nỗi buồn, nụ cười hòa cùng nước mắt. Khi trái tim của đạo diễn rung lên những cung bậc cảm xúc trong từng vai diễn, trong mỗi cảnh quay, thì cũng là lúc tấm lòng của người cha quặn thắt vì thương con. Nhưng ông đã chiêm nghiệm, chẳng có thành công nào không phải trả giá. Quan trọng là cái tâm mình sáng, cái dạ mình trong. Nâng li rượu xuân mừng thọ Lý Huỳnh, tôi hỏi ông, nếu có một điều ước lúc này? Lý Huỳnh trầm ngâm rồi chậm rãi, đó là được đón con gái trở về, chiếu phim Tây Sơn hào kiệt cho con xem và nói với con rằng, sóng gió đã qua…

TP Hồ Chí Minh, tháng 2/2012

Phan Tùng Sơn
.
.