Thiếu tướng Vũ Thành - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng):

Vinh quang, muộn phiền xin gửi lại...

Thứ Tư, 22/09/2010, 15:42
Đã gần 10 năm kể từ ngày căn bệnh tai biến não dai dẳng đưa ông về cõi thiên thu, đồng đội cũ vẫn nhắc về ông như một vị tướng tài ba, mưu lược. Tại căn nhà số 374 đường Trường Chinh (phường 13, quận Tân Bình, TP HCM), bà Lưu Thị Vân - vợ ông - vẫn lặng lẽ sống những ngày tuổi già trong không gian phủ đầy kỉ niệm.

Đi suốt dặm dài trường chinh của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cuộc đời Thiếu tướng Vũ Thành đã gắn với những vinh quang và cả những sóng gió, mất mát có thể gọi thành tên. Số phận một tướng quân, suy cho cùng, cũng lắm nỗi trần ai như bao người...

Niềm tự hào La Tiến

Thiếu tướng Vũ Thành, tên thật là Phạm Quốc Chiền. Ông sinh ngày 1/5/1928, tại thôn La Tiến (Nguyên Hoà - Phù Cừ - Hưng Yên) trong một gia đình có tới 8 anh em. Sinh ra và lớn lên trong đêm đen chiến tranh, với truyền thống cách mạng của quê hương, của gia đình, ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ khi chưa tròn 17 tuổi.

Cách mạng tháng Tám nổ ra, khí thế khắp nơi đồng khởi, với chí khí của một thanh niên trẻ yêu nước, đầy nhiệt huyết, ông đã tham gia phong trào đấu tranh của quân dân Phù Cừ, giành và giữ chính quyền tại quê hương. Dù còn ít tuổi, người thanh niên ấy đã sớm chứng tỏ được bản lĩnh cách mạng, lòng dũng cảm, tinh thần kiên trung với Tổ quốc. Bởi thế, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới tròn 18 tuổi.

Tháng 12/1946, ông lên đường nhập ngũ, được tin tưởng giao trọng trách Trung đội phó huyện đội Phù Cừ. Ngay từ những ngày đầu đứng trong quân ngũ, ông đã là tấm gương kiên trung về hình ảnh người Bộ đội Cụ Hồ, nhiệt tình, hăng hái, tinh thần sẵn sàng hi sinh, quên mình.

Chỉ một năm sau, ông được giao trọng trách Bí thư Huyện uỷ kiêm Chính trị viên huyện đội Phù Cừ. Thời kì miền Bắc tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ thần thánh, kết thúc bằng Hiệp định Geneva, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 58, Tiểu đoàn 54, Tỉnh đội phó Tỉnh đội HưngYên và là sĩ quan liên lạc của Ủy an Hiệp định đình chiến Bắc Bộ.

Kết thúc cuộc chiến tranh chống Pháp, ông trở thành Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hưng Yên, được cử đi học tại Trường Sỹ quan Pháo binh và được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 224 (tháng 10/1960) rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 218 (tháng 6/1961). Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, ông lại có mặt ngoài tiền tuyến với cương vị người sỹ quan chỉ huy đầy mưu lược.

Bà Phạm Thị Hốt - em  gái Thiếu tướng Vũ Thành: "Cuộc đời anh tôi lắm nỗi buồn vui".

Ông lần lượt đảm nhiệm các trọng trách Trung đoàn trưởng Trung đoàn 285, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 263; Cục trưởng Cục Phòng không - Bộ Tư lệnh 559; Tham mưu phó Bộ Tư lệnh 559; Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 4; Tham mưu trưởng, Bộ tham mưu Tổng cục Hậu cần...

Tháng 12/1983, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chỉ một năm sau, ông được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thăng quân hàm Thiếu tướng. Ông trở thành vị tướng đầu tiên ở quê hương Phù Cừ anh hùng.

Cuộc đời ông đi suốt dặm dài trường chinh của 3 cuộc kháng chiến, gắn với những vinh quang có thể gọi tên. Ông vinh dự được nhận Huân chương Quân công hạng Nhì, hai Huân chương Quân công hạng Ba; hai Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Ăng Co hạng Nhất...

Tôi có cơ may được trò chuyện với bà Phạm Thị Hốt - em gái Thiếu tướng Vũ Thành, trong một cái quán nước nhỏ ở xóm quê Đình Cao (Phù Cừ) - nơi bà dùng để mưu sinh lúc tuổi già. Bà Hốt kể: "Anh Chiền sống giản dị lắm. Ăn uống thế nào cũng được, không cầu kì. Quần áo cũng ít may mới. Ngày ấy ở làng, ít có người được xe công đưa rước. Có lần anh về quê, gặp đúng lúc đang sửa đường. Thế là anh bảo tài xế gửi xe rồi mượn chiếc xe đạp hì hục đạp về làng. Ai nhìn thấy cũng vừa cười vừa ái ngại". 

Thế hệ cùng sống, chiến đấu với Thiếu tướng Vũ Thành nay đã người còn, người mất. May mắn lắm, theo sự giới thiệu của cán bộ xã Nguyên Hoà, tôi mới tìm gặp được ông Đặng Đình Cự - Đại tá, nguyên Trưởng phòng quân lực Quân khu 1, người đã cùng tham gia phong trào cách mạng những ngày tháng 8/1945 với Thiếu tướng Vũ Thành.

Ông nói: “Anh Chiền lớn hơn tôi một tuổi. Lớn lên cùng làng, chỉ cách nhau vài nóc nhà, rồi lại đi học cùng nhau. Tới khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, tôi và anh Chiền cùng tham gia chiến trường đồng bằng. Lúc bấy giờ tôi là Bí thư Chi bộ xã Tam Nguyên (tức xã Tam Đa, Nguyên Hoà ngày nay), còn anh Chiền là Huyện ủy viên huyện Phù Cừ, phụ trách xã Tam Nguyên.

Anh Chiền trực tiếp tham gia chỉ huy những trận đánh lớn ở địa phương, tổ chức nhân dân chống càn. Anh là người hiền lành, chỉ huy linh hoạt, bám sát cơ sở, dân chủ, có tầm nhìn xa trông rộng, luôn đưa ra những quyết định chính xác".

Vị tướng của những sóng gió

Ông là vị tướng của những vinh quang và cả những sóng gió, mất mát. Cú sốc đầu tiên là cái chết của người vợ đầu. Đó là người phụ nữ cùng quê, giản dị, hồn hậu, hết mực yêu thương lẫn nể phục tài năng của ông.

Những tưởng sau khi sinh được 2 người con trai mặt mũi sáng sủa, thông minh, mái ấm nhỏ ấy sẽ mãi êm đềm, hạnh phúc. Nào ngờ, sự đời vẫn vậy, ngày vui ngắn chẳng tày gang, vợ ông đột ngột qua đời sau một cơn đau ruột thừa cấp tính. Số phận đẩy đưa ông đến với cuộc hôn nhân thứ hai. Đó là một người phụ nữ kém ông tới 15 tuổi.

Tôi đã có một cuộc trò chuyện dài qua điện thoại với bà Vân để tìm hiểu thêm về cuộc đời Thiếu tướng Vũ Thành cũng như mối lương duyên của vợ chồng bà. Tôi chưa gặp bà nhưng qua giọng nói, qua câu chuyện bà kể, tôi hình dung bà là một người phụ nữ hiền lành, chất phác. Bà kể, đã gần 10 năm rồi, bà vẫn chưa quen với thực tế là ông đã ra đi.

Bà vẫn tin, một niềm tin huyễn hoặc, rằng, ông vẫn như đang ở đâu đây, rất gần bà. Từng góc phố, đến từng căn phòng, tới cả cái tủ để quần áo hay cái góc làm việc của ông đều gợi cho bà những kỉ niệm. Có lẽ, ở cái tuổi gần 70, người ta không còn nước mắt để khóc, mặc dù ở trong tim đau lắm. Tôi phải hết sức hạn chế hỏi quá sâu về những năm tháng hạnh phúc của cuộc hôn nhân ấy bởi sợ vô tình sẽ chạm vào nỗi đau sâu kín trong lòng bà.

Bà cũng bảo: "Bà trò chuyện với con cho vui thôi. Lâu lắm rồi không có ai hỏi về ông, không được nói về ông, cũng thấy nhớ". Ngày yêu ông, bà còn là thiếu nữ 20 tuổi, trẻ trung, xinh đẹp, là cô giáo trường làng, biết bao người theo đuổi. Còn ông, lúc ấy là người đàn ông độc thân, vợ chết, nuôi 2 đứa con nhỏ.

Hai người cùng quê, thuở nhỏ, bà vẫn thường sang nhà ông chơi. Thế nhưng, ngày đó bà chỉ là một cô bé hồn nhiên, ham chơi. Cuộc gặp gỡ được coi là định mệnh cho duyên phận của hai người là khi ông đi học ở Trung Quốc về. Gặp nhau rồi yêu nhau. Ngày ấy, việc yêu một người đàn ông từng có một đời vợ là điều dễ bị thiên hạ đồn thổi.

Bà đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều để đi tới quyết định sẽ gắn bó cuộc đời với ông. Đám cưới được tổ chức đúng ngày 29 Tết (năm 1964) tranh thủ lúc ông vừa từ Trung Quốc về. Khi ấy bà 22 tuổi, còn ông 37 tuổi. Mùng 8 Tết, ông lại khăn gói trở lại Trung Quốc. 3 người con, 1 gái, 2 trai là kết quả của cuộc hôn nhân thứ hai.

Cuộc đời ông chưa hết sóng gió. Năm 1980, ông làm Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 4. Để tiện công tác, năm 1984, ông đưa vợ con chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Rồi một bi kịch mới xảy đến. Một buổi trưa định mệnh ngày 14/10/1987, người con trai thứ hai của ông, khi ấy mới 13 tuổi đã bị bắn chết bởi viên đạn của chính kẻ thân cận, đã từng giúp việc cho ông.

Theo lời kể của bà Vân, kẻ sát nhân vốn là người được vợ chồng bà coi như con cháu trong nhà, luôn tận tình giúp đỡ. Y bị kỉ luật, đuổi ra khỏi ngành do phạm một trọng tội. Hắn chạy tới nhà nhờ ông xin cho quay trở lại quân đội, nhưng tính ông cương trực, thẳng thắn nên dứt khoát từ chối.

Buổi trưa ngày 14/10/1987, Bằng lại tới nhà trong khi bà Vân đi làm ở cơ quan chưa về, còn ông đang đi dự hội nghị ở ngoài Hà Nội. Nhà chỉ có 3 đứa trẻ chơi với nhau. Vốn là người quen cũ nên hắn ở lại ăn cơm với gia đình. Sau khi ăn trưa xong, đang trò chuyện vui vẻ, bất ngờ hắn rút súng uy hiếp.

Viên đạn oan nghiệt đã cướp đi tính mạng của người con trai thứ hai. Cô con gái lớn bị thương. Cậu con trai út vì trốn trong gầm cầu thang nên thoát chết. Sau khi gây án, tên sát nhân đã nổ súng tự sát. Nhận được tin dữ, ông bỏ hội nghị, tức tốc trở lại TP HCM. Quá đột ngột với cái chết của con trai, ông ngã bệnh. Căn bệnh tai biến não kéo dài 14 năm khiến ông đau đớn thể xác.

Đơn vị cho ông nghỉ dưỡng bệnh. 14 năm chăm sóc chồng trên giường bệnh, bà Vân thấu hiểu hơn ai hết thế nào là nghĩa tình vợ chồng. "Ông ấy không bao giờ kêu đau, sợ vợ con lo lắng. Kì thực, tôi biết, ông ấy đau lắm. Nhiều lúc thấy ông ấy nằm bất động trên giường, trí nhớ bị rối loạn, tôi chỉ biết khóc thầm. Thương lắm mà chỉ biết đứng nhìn, bất lực" - bà Vân xúc động.

Buổi sáng ngày 10/7/2001, Thiếu tướng Vũ Thành đột ngột ra đi trong một ngày Sài Gòn đầy nắng. "Hôm đó, ông ấy không hề có dấu hiệu ốm mệt. Ông ấy vẫn nằm trò chuyện với tôi và 2 đứa cháu ngoại, vẫn cười sảng khoái. Được một lát thì thấy hơi thở của ông ấy yếu dần rồi không nói gì nữa. Thế là ông ấy đi, nhẹ nhàng, thanh thản lắm" - bà Vân kể.

Trở về cát bụi ở cái tuổi 73, mọi vinh quang, muộn phiền trong cuộc đời một vị tướng đành xin gửi lại. Nói về người chồng của mình, bà Vân luôn bảo: "Tôi không bao giờ hối hận vì đã yêu và làm vợ ông ấy". Giờ, trong căn nhà số 374 Trường Chinh, dù sống đuề huề với con cháu, bà Vân vẫn cảm thấy một sự trống vắng dội về tự đáy sâu cõi lòng

Hà Ly
.
.