Nhà văn Pháp Patrick Modiano, giải thưởng Nobel văn học 2014

Viết về một thời cho mọi thời

Thứ Năm, 23/10/2014, 16:22

Giải Nobel Văn học 2014 lại là một sự bất ngờ mới: Tất cả những nhà văn lừng lẫy địa cầu, từng được cá cược ở mức cao nhất (như nhà văn gốc Nhật Haruki Murakami, nữ văn sĩ Belarus, Svetlana Aleksevich, nhà thơ Syria, Adonis...) đều không được hưởng vinh dự này. Thay vào đó là một tác giả Pháp, không được biết tới rộng rãi trên thế giới nhưng vẫn là một cây bút thượng thặng, tác giả của nhiều tác phẩm viết về đời sống Pháp trong những năm bị phát xít Đức chiếm đóng thời Chiến tranh thế giới thứ hai, Patrick Modiano. Modiano là nhà văn Pháp thứ 11 được nhận vinh dự này.

Trong thông báo giải thưởng Nobel Văn học 2014, Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển, Peter Englund, cũng đã công nhận rằng: “Patrick Modiano là tác giả nổi tiếng ở Pháp, nhưng không phải ở các nước khác. Ông viết sách thiếu nhi, kịch bản phim nhưng chủ yếu là tiểu thuyết. Chủ đề của ông là ký ức, danh tính và thời gian...”. Quãng thời gian chính trong các tác phẩm của Modiano là giai đoạn nước Pháp bị quân phát xít Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Thực ra, khi Patrick Modiano cất tiếng khóc chào đời  thì nước Pháp đã thoát khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà văn tương lai chỉ có thể biết về thời kỳ con cháu của gà trống Gaulois phải rên xiết dưới ách chiếm đóng của quân phát xít Hitler thông qua ký ức của những người thân và sách vở. Mặc dầu thế, giai đoạn đó vẫn là chủ đề chính trong các tác phẩm của Modiano, vừa mang lại cho ông giải thưởng văn học hàng năm danh giá nhất hành tinh.

Patrick Modiano sinh ngày 30/7/1945 ở Boulogne - Billancourt, ngoại ô thủ đô Paris, trong một gia đình trung lưu có của ăn của để. Cha ông, Albert Modiano, là thương gia, xuất thân từ dòng họ Do Thái Salonica cổ kính tới từ Italia. Mẹ ông, Louisa Colpijn, là nghệ sĩ hài kịch người Flamand, Bỉ.

Cha mẹ nhà văn tương lai làm quen với nhau mùa thu năm 1942 tại Paris. Và họ đã làm đám cưới vào tháng 2/1944. Là dân Do Thái, nhưng người cha trong thời gian dưới ách quân phát xít vẫn sống được bằng cách đi buôn lậu, sử dụng giấy tờ tùy thân giả nên không phải đeo cái huy hiệu màu vàng dành riêng cho người Do Thái như những đối tượng cần bị theo dõi đặc biệt. Mẹ nhà văn vẫn biểu diễn bình thường ngay cả trước đám khán giả là lực lượng phát xít chiếm đóng...

Patrick Modiano là con trai cả trong gia đình. Ông có một người em trai, sinh năm 1947. Người em này mất sớm, khi mới mười tuổi (1957). Về sau, nhà văn đã dành tặng cho vong linh người em trai tất cả những cuối tiểu thuyết mà ông đã viết cho tới năm 1982.

Cha mẹ nhà văn li dị vào đầu những năm 60...

Patrick Modiano thoạt tiên đã học ở Trường Tung học Henri Đệ tứ  tại Paris. Trong ngôi trường này, thầy dạy môn hình học cho nhà văn tương lai cũng là một nhà văn, thi sĩ, Raymond Queneau (1903-1976), vốn là bạn của mẹ Patrick Modiano. Chính Queneau đã dẫn cậu học trò sáng dạ tới tham gia nhóm sáng tác văn học của nhà xuất bản Gallimard. Rời Trường Henri Đệ Tứ, nhà văn tương lai chuyển sang học tại trường trung học  ở Anneci, một thành phố nằm tại miền Tây nước Pháp. Năm 1968, Modiano đã xuất bản tiểu thuyết đầu tay Quảng trường Ngôi sao và lập tức được chào đón nồng nhiệt. Chính sự kiện này đã tạo ra quyết định sẽ chỉ sống bằng nghề viết văn.

Về sau, trả lời phỏng vấn tạp chí France Today năm 2011, Modiano đã thổ lộ rằng, cả đời ông chẳng muốn làm việc gì khác hơn là viết văn “vì tôi chẳng có bằng cấp nghề ngỗng nào và cũng không có một mục tiêu nào nhất định trong cuộc sống...”. Tuy nhiên, ông cũng  tiết lộ: “Bắt đầu sớm như thế là một việc rất khó khăn đối với một nhà văn trẻ. Chính vì thế về sau tôi rất ít khi đọc lại những tác phẩm đầu tay của mình...”. Ông cũng nói thêm rằng, không phải các tác phẩm ấy tồi hay vì ông không thích chúng mà đơn giản chỉ vì khi về già, ông không còn nhận ra mình trong những tác phẩm đầu tay nữa: “Giống như một nghệ sĩ biểu diễn già lại nhìn thấy mình trẻ trung, sôi nổi...”.

Gần như mọi tiểu thuyết của Modiano đều mang tính tự truyện và đều gắn với chủ đề ách chiếm đóng phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong bài trả lời phỏng vấn tháng 10/1975, Modiano thổ lộ rằng, ông “bị ám ảnh bởi  lịch sử đã qua, bởi quá khứ” mà “quá khứ, đó là thời loạn lạc đáng xấu hổ dưới ách chiếm đóng”. Nhà văn cũng nói rằng, “cốt truyện của tôi, đó là thời gian” (trả lời phỏng vấn báo Le Monde, ngày 24/5/1973). Đồng thời, Modiano cũng lưu ý: “Ách chiếm đóng trong các tiểu thuyết của tôi không có mấy cái chung với những sự việc thực tế của những năm 40. Tôi tạo ra một không gian gợi nhớ tới ách chiếm đóng nhưng rốt cuộc thì nó cũng không mấy giống như trong thực tế... Trong ba cuốn tiểu thuyết đầu của mình, tôi miêu tả không phải là các sự kiện lịch sử mà là ánh sáng không chuẩn xác của cội nguồn tôi...”. Theo nhận xét của nhà phê bình văn học Pháp Jacques Brenner, “ký ức lừng danh của Modiano thực ra chỉ là kết quả từ trí tưởng tượng của ông”.

Các nhân vật của Modiano luôn bận bịu với những tìm kiếm cội nguồn, gốc gác, tìm hiểu quá khứ để tự nhận thức lại đời mình. Đó là thế hệ của những người bất đắc chí, những người “thừa”. Các nhà phê bình văn học thường gắn sáng tác của Modiano với sự lan truyền của mốt hoài cổ và từ chối  những tác động của thời sự chính trị đương thời. Trong các tiểu thuyết của Modiano phảng phất cảm giác siêu thực, quá thoáng, điệp nghĩa và bí ẩn của những sự kiện đang diễn ra. Ông thích tạo nên những nhân vật hay suy tư, đào bới, xem xét lại quá khứ của mình...

Modiano không quan tâm đến tính xác thực hay động cơ trong hành vi của các nhân vật. Đồng thời, ông rất say mê tìm hiểu quá khứ và vai trò của nghệ thuật. Ông luôn bộc lộ một  tình yêu tha thiết đối với thành Paris và sức mạnh trật tự hóa mọi sự của ngôn ngữ cổ điển.

Modiano sử dụng và pha chế trong sáng tác của mình phong cách cũng như thủ pháp của nhiều nhà văn Pháp khác như Chatobrian, Rembau, Russo, “tiểu thuyết mới” và văn học cấu trúc, trước hết là của Marcel Prust và Selina.

Modiano từng là thành viên Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Cannes năm 2000. Các tác phẩm của ông từng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được nhiều họa sĩ lớn minh họa...

Modiano từng nhận giải Goncourt 1978 cho tiểu thuyết Phố những cửa hiệu u tối. Ông cũng từng nhận Giải thưởng Văn học trọn đời Paul - Morand năm 2000. Hai tác phẩm của ông đã được chuyển thành phim.

Trong thông báo của Ủy ban Nobel, Modiano được nhận giải Nobel Văn học năm 2014 vì “nghệ thuật ký ức mà ông đã sử dụng để phát hiện ra những số phận con người khó lý giải nhất và bộc lộ thế giới đời sống của con người trong thời bị chiếm đóng...”. Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng so sánh phong cách sáng tác của Modiano với các tác phẩm của Marcel Prust: “Trong sáng tác của ông điều làm khâm phục là ở chỗ các cuốn sách của ông đều tương đồng với nhau bằng cách này hay cách khác. Tất cả các tác phẩm đó đều âm vọng với nhau và điều này khiến cho các tác phẩm của ông trở nên độc đáo. Ông là Marcel Prust của thời đại chúng ta”...

Khi thông tin về việc Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho Modiano giải thưởng Nobel Văn học 2014 được công bố giữa trưa ngày 9/10, trong vài giờ liền không ai tìm thấy nhà văn đâu cả. Hóa ra lúc đó ông đang đi dạo ở Paris. Mãi tới tối, các nhà báo mới tìm thấy Modiano và trong bài trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi trở thành tâm điểm chú ý vì giải Nobel, Modiano đã thổ lộ: “Tôi cũng thấy rất tò mò là không hiểu vì sao mà người ta lại chọn tôi… Nhất là khi tôi có cảm giác như từ suốt 45 năm nay tôi mới chỉ viết mãi một cuốn sách...”.

Giải Nobel năm nay sẽ được trao tại Stockholm ngày 10/12, đúng vào ngày mất của người đã sáng lập ra giải thưởng này, Alfred Nobel.

Cho tới nay, giải Nobel Văn học đã 6 lần được trao cho các tác giả châu Á, bốn lần được trao cho các tác giả châu Phi và bốn lần - châu Mỹ Latinh. Các tác giả Bắc Mỹ đã 11 lần nhận giải Nobel Văn học. 84 tác giả châu Âu cũng được nhận vinh dự này. Australia chỉ có một nhà văn duy nhất từng được nhận giải Nobel Văn học. Tính theo ngôn ngữ thì trong số những người được nhận giải Nobel Văn học có 24 người viết tiếng Anh, 14 người viết tiếng Pháp, 11 người viết tiếng Đức, 7 người viết tiếng Thụy Điển, 5 người viết tiếng Nga và 1 người viết tiếng Trung Quốc (đó là Mạc Ngôn, còn Cao Hành Kiện, nhà văn Pháp gốc Hoa, viết bằng tiếng Pháp)

Phạm Hạnh
.
.