Vị tướng trấn ải miền Tây Bắc và lão nông vùng Đông Bắc

Thứ Tư, 19/03/2014, 14:30

Những ngày này, vị tướng già 85 tuổi, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trọng Tháp lại bồi hồi nhớ hình ảnh những đoàn người băng rừng mở núi tải đạn dược, lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tròn 60 năm trước, ông đang là Trưởng Công an huyện Tuần Giáo (tỉnh Lai Châu, nay thuộc tỉnh Điện Biên) và trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng gian, bảo mật, trấn áp bọn gián điệp, phản động để góp sức mình vào thắng lợi “chấn động địa cầu”. Ra đi từ mái tranh nghèo, người con của quê hương xứ Đông được cách mạng giác ngộ, trở thành một trong những “thủ lĩnh” trấn ải Tây Bắc trong hàng chục năm trời và gần 20 năm nay, ông trở về với đồng đất, thực thụ là một lão nông tri điền ở vùng Đông Bắc…

Năm nay Tướng Tháp bước vào tuổi 85 (ông sinh năm 1929). Gặp ông, nhìn bề ngoài giản dị, luôn xởi lởi và thân thiện, ít ai hình dung đây là một vị tướng từng trấn ải miền sơn cước Tây Bắc ngút ngàn. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn ngày ngày đi thăm khắp những gốc bưởi, na, cam, nhãn... Hết bắt mấy con sâu, bẻ vài cành mục, ông lại ra thăm ao cá, rồi khu chăn nuôi. Ngắm ông như một lão nông tri điền dáng bộ thảnh thơi, an nhàn giữa khu trang trại đồi Mít (xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Dưới tán lá cây của trang trại là một ngôi nhà sàn giản dị mang đậm nét kiến trúc của bà con người Thái miền Tây Bắc. Đây chính là “đại bản doanh” của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trọng Tháp, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, nguyên Cục trưởng Cục Chống phản động; nguyên Trưởng đoàn chuyên gia Bộ Công an tại Lào.

Trong ngôi nhà sàn mà chủ nhân khéo léo sắp đặt các vật dụng gắn với sinh hoạt thường ngày của đồng bào các dân tộc, như để luôn nhớ về miền biên ải, cuộc trò chuyện với vị tướng già đã cuốn hút chúng tôi. Năm nay, sức khỏe của vị lão tướng thêm phần suy giảm, tai hơi nặng; nhưng ông vẫn còn tinh anh lắm. Từ chuyện chống gián điệp, biệt kích năm xưa tới những kinh nghiệm làm vườn hiện nay... “Cuộc đời tôi dành trọn trái tim cho Đảng, cho cách mạng”, Tướng Nguyễn Trọng Tháp từng gói gọn lẽ sống của mình bằng mấy lời mộc mạc như vậy. Chúng tôi hiểu, thế hệ ông sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước lầm than nên khát vọng độc lập dân tộc, hòa bình và thống nhất đất nước thật là cháy bỏng, lớn lao. Bởi vậy mà ông đã đến với Cách mạng, trở thành người đảng viên chân chính luôn phấn đấu hết mình vì lí tưởng cao cả, đẹp đẽ ấy…

Tướng Nguyễn Trọng Tháp sinh năm 1929 trong một gia đình bần nông ở xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Mới 13 tuổi, ông đã bươn bả vào cuộc mưu sinh, làm thuê làm mướn ở và tự học tại Hải Phòng. Năm 1945, ông tham gia cách mạng, làm liên lạc viên cho Đội Tự vệ Trưng Trắc - Hải Phòng. Giữa những ngày nước sôi lửa bỏng sau Cách mạng Tháng Tám, ông về quê tham gia Ban Chấp hành thanh niên và làm giáo viên bình dân học vụ xã Thất Hùng. Từ năm 1947 đến 1950, ông làm văn thư, thư ký đánh máy tại Tỉnh ủy Quảng Yên. Tháng 11/1948, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam...

Nhớ lại những năm tháng hào hùng ấy, ông kể: Cán bộ khi đó còn ít, trình độ dân trí rất thấp. Đầu những năm 1950, tôi là Trưởng Công an huyện Tuần Giáo, kiêm chính trị viên huyện đội và là ủy viên kháng chiến huyện. Tôi đã chủ động đề xuất và được cấp trên giao tổ chức đưa cán bộ công an, bộ đội về các bản làng vận động quần chúng, vận động người có uy tín động viên bà con ủng hộ cách mạng, tham gia dân quân, du kích và bộ đội địa phương. Tôi đã trực tiếp tổ chức, huấn luyện và chỉ huy một trung đội đánh chìm 3 thuyền của địch trên sông Đà (đoạn qua xã Nậm Cà Hàng, giáp Tuần Giáo). Chiến công nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn, vì nó đã động viên, khích lệ sự phấn chấn, tự giác và niềm tin chiến thắng của bà con nơi đây với sự nghiệp kháng chiến.

Thiếu tướng, Anh hùng Nguyễn Trọng Tháp.

Vị tướng già tỏ ra bồi hồi xúc động khi nhắc tới Điện Biên Phủ: “Những hình ảnh 60 năm trước vẫn tươi mới, chộn rộn trong tôi. Khắp các ngả đường ra chiến dịch, râm ran tiếng cười nói, tiếng hò tiếng hát lảnh lót như ngày hội. Thâu đêm suốt sáng trong những bản làng là tiếng giã gạo thậm thịch của các mế, của đám thanh niên để cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Có những chị lưng địu con, chân giã gạo, rồi lại sàng saíy. Mọi người làm việc với tinh thần hăng say, tự giác dù bụng đói nhưng vẫn luôn vui vẻ, lạc quan… Với anh em công an, ngoài nhiệm vụ phòng gian bảo mật, góp phần cung cấp lương thực cho tiền tuyến là yêu cầu hết sức quan trọng. Chúng tôi đã tổ chức xây dựng hệ thống kho tàng cất giấu lương thực. Bây giờ ít ai hình dung được, nhưng tôi khi đó đã trực tiếp đến các xã Mường Hươi, Mường Quài, Mường Ẳng chỉ đạo khâu xay và giã gạo, phát động nhân dân hưởng ứng “Ngày hội Sen Mường” thành ngày hội giã gạo nuôi quân. Nhờ có lòng dân tin tưởng cách mạng mà khi đó, toàn tỉnh Lai Châu đã phục vụ chiến dịch 2.666 tấn gạo, vượt chỉ tiêu 64 tấn. Số liệu là như thế, nhưng từng ấy gạo mà chỉ giã, sàng sảy bằng sức người… thì càng thấy nhiệt huyết, nhiệt tình cách mạng của  đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (gồm cả Điện Biên và Lai Châu hiện nay)…

Một trong những chiến công nổi bật của Công an tỉnh Lai Châu thời kì này là bảo vệ bí mật chiến dịch lịch sử và tiễu phỉ. Tướng Tháp nhớ lại: Với sự tiếp sức của giặc Pháp, hoạt động phỉ diễn ra khá phức tạp, có nguy cơ gây bất ổn vùng Tây Bắc. Chúng âm mưu đẩy mạnh hoạt động ở vùng biên giới Việt – Lào, Việt - Trung và từng bước tiến sâu vào nội địa nhằm khống chế, chiếm toàn bộ tỉnh Lai Châu, sau đó phối hợp với quân Pháp ở Điện Biên Phủ tiêu diệt bộ đội chủ lực… Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ, lực lượng Công an đã đẩy lùi nguy cơ này. Tại Lai Châu, chúng tôi đã tiêu diệt nhiều toán phỉ nguy hiểm, đồng thời trấn áp bọn phản cách mạng định “đục nước béo cò”… Trong thời gian này, Công an tỉnh Lai Châu đã đấu tranh, khám phá 13 vụ án phản động, xưng vua, nổi phỉ…

Gần 40 năm (từ 1951 đến 1988) sống, chiến đấu tại địa bàn Tây Bắc, trải qua nhiều cương vị như: Ủy viên Ban cán sự huyện Tuần Giáo - Lai Châu; Chính trị viên Huyện đội; Trưởng Công an huyện Tuần Giáo; Phó Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Sở Công an khu Tây Bắc; Phó trưởng Ty Công an Lai Châu; Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu... dù ở vị trí nào, Tướng Nguyễn Trọng Tháp cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập được nhiều chiến công. Chính thời gian này, ông đã tự học tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Dao... giao tiếp thành thạo với bà con dân tộc, tìm hiểu và hoà nhập phong tục, tập quán, làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng và củng cố các cơ sở cách mạng ở vùng sâu, vùng xa.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Tướng Nguyễn Trọng Tháp đã trực tiếp tham gia đấu tranh góp phần làm thất bại âm mưu và hoạt động gián điệp, biệt kích của Mỹ - Ngụy; trong đó có những chuyên án nổi tiếng đã đi vào giáo trình của các trường Công an, thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của lực lượng An ninh nhân dân.  Trong 10 năm (1961-1971), Sơn La và Lai Châu là địa bàn trọng điểm mà Mỹ - Ngụy đã tung nhiều toán gián điệp với hàng trăm tên cùng nhiều vũ khí, khí tài, điện đài, chất nổ. Chúng âm mưu dùng lực lượng này làm hạt nhân để tiến hành các hoạt động bạo loạn, phá hoại, gây mất an ninh trật tự của hậu phương lớn miền Bắc. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Tướng Nguyễn Trọng Tháp đã trực tiếp tham gia, chỉ đạo các phương án, lập kế hoạch và tổ chức đấu tranh, truy lùng, vây bắt được hầu hết các toán gián điệp biệt kích, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn Tây Bắc.

Trong chuyên án nổi tiếng chống gián điệp biệt kích PY27 ở địa bàn tỉnh Sơn La, ông đã trực tiếp hỏi cung 4 tên biệt kích đầu tiên bị bắt để khai thác nóng những thông tin quan trọng. Từ những thông tin ban đầu này, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và sự phối hợp của các đơn vị chức năng thuộc Bộ, một kế hoạch tài tình và hoàn hảo được tiến hành. Các cơ quan tình báo đặc biệt  của Mỹ - Ngụy không mảy may nghi ngờ “Trò chơi nghiệp vụ” của Công an Việt Nam, tiếp tục thả các toán biệt kích và vũ khí, phương tiện hoạt động và đều bị ta tóm gọn với hàng trăm tên cùng hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, điện đài… Những kết quả và thành công trong công tác chống gián điệp, biệt kích này đã được đúc rút thành bài học kinh nghiệm và bổ sung vào lí luận của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Một trong những điều hạnh phúc của Tướng Nguyễn Trọng Tháp là sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người trai với đất nước, ông được trở về với đồng đất quê hương làm một lão nông tri điền, trở lại những công việc đồng áng của người nông phu. Sau ngày nghỉ hưu, trong một chuyến đi tình cờ, Tướng Nguyễn Trọng Tháp bỗng “phải lòng” vùng đất Đông Triều, Quảng Ninh. Ông bàn bạc cùng gia đình, rồi ở vào tuổi gần thất thập lại “dựng nghiệp” tại đồi Mít, cơ ngơi hiện nay của ông. Vợ chồng ông cùng gia đình người con trai út cải tạo đất hoang hoá, quy hoạch làm trang trại, trồng nhiều cây ăn quả, đào ao, thả cá, chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Mô hình kinh tế trang trại của ông được nhiều người đến nghiên cứu, tham quan, học tập. Nhiều năm qua, Anh hùng Nguyễn Trọng Tháp được tín nhiệm giữ chức Hội trưởng Hội làm vườn tại địa phương. Ông đã có nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế trang trại, giúp nhiều hội viên có thêm cách làm hay, tăng thêm thu nhập. Chính vì vậy, người dân nơi đây đặt cho ông cái tên trìu mến: “Vị tướng nhà nông” hay “Ông tướng làm vườn”.

Gần bốn thập kỉ gắn bó với đồng bào Tây Bắc, trong đó có nhiều năm giữ vai trò “thủ lĩnh trấn ải”, đến nay Thiếu tướng, Anh hùng Nguyễn Trọng Tháp lại có thêm 20 năm gắn bó cùng bà con vùng Đông Bắc với vị trí của một lão nông tri điền. Chắc hẳn đó là hạnh phúc và niềm vinh dự mà nhiều trượng phu mong muốn.

Hà Nội, tháng 3/2014

Duy Hiển - Anh Hiếu
.
.