Vị tướng không đeo quân hàm

Thứ Sáu, 20/11/2009, 14:19
Trong ký ức của PGS-TS- Đại tá bác sỹ Trần Minh Đạo - Giám đốc bệnh viện 19-8 của Bộ Công an, cha anh là một mẫu người lý tưởng để cho các con noi theo. Ông mất năm 2008 khi hưởng thọ 85 tuổi. Cả đời cha cống hiến cho cách mạng, tấm lòng người cộng sản sáng trong, không màng danh lợi.

Trước khi mất, cha tôi chỉ có một tâm nguyện duy nhất, một ước mong lớn nhất với những gì ông đã cống hiến ông xứng đáng được tặng Huân chương Độc lập. Thế nhưng cho đến nay, ông mất đã hơn một năm rồi nhưng ước nguyện đó vẫn chưa đạt được.

Những ngày cầm súng rong ruổi trên khắp các nẻo đường ở chiến trường B, cha và tôi thường viết thư cho nhau để động viên tinh thần và kể chuyện chiến trường cho cha. Ngay cả sau này, đi học, đi làm, trong một điều kiện hoàn cảnh nào, cha con tôi vẫn giữ thói quen này.

Tôi nhớ, có một lần, lúc đó, tôi còn ở quân đội, điều đi công tác ở miền biên giới vô cùng gian nan và vất vả. Trong một bức thư gửi cha, tôi lấy ý của anh hùng Lê Mã Lương để diễn đạt với cha điều tôi muốn nhắn gửi: "Con vẫn tâm niệm rằng, bố luôn là ngôi sao sáng dẫn đường cho con đi tới đích, không là nhịp cầu cho con bước tới sự vinh quang". Lá thư ấy, cha tôi nhận được, ông lấy bút đỏ gạch đi gạch lại mấy dòng ấy và viết một dòng chữ gạch đít đậm: "Ngôi sao sáng dẫn đường cho con là Chủ nghĩa Mác - Lê Nin" và gửi trả lại bức thư ấy cho tôi.

Tuổi thơ côi cút

Đó là một kỷ niệm nhỏ trong vô vàn những ký ức về người cha thân yêu là Trần Thiệu, nguyên Trưởng ty Công an Nghệ Tĩnh, Trưởng đoàn chuyên gia Công an Việt Nam tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, nguyên Cục trưởng Cục Vật tư kỹ thuật, Bộ Công an Việt Nam của PGS - TS - Đại tá bác sỹ Trần Minh Đạo - Giám đốc Bệnh viện 19-8, Bộ Công an.

Cha tôi sinh vào đúng mùa giáp hạt giêng hai năm 1924 ở xóm Đông Phượng, làng Di Luân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Lọt lòng mẹ, cha đã mang một nỗi côi cút bất hạnh vì sinh ra không biết mặt cha. Số phận sớm nỗi đoạn trường bởi cố nội tôi cũng mất sớm khi ông nội tôi tròn 3 tuổi. Giờ đây, ông nội mất sớm, bà nội tôi 25 tuổi, ở vậy, thờ chồng, vượt qua biết bao gian truân, ăn nhờ ở đậu họ hàng để nuôi cha tôi trưởng thành. Phải đến 12 năm sau, tức là cha tôi lên 12 tuổi, bà nội mới mua nổi hai gian nhà cũ, mượn đất trong anh em họ để dựng lên một nếp nhà tranh vách đất. Từ đó bà nội và cha tôi mới có một căn nhà đúng nghĩa để ở.

Năm 1937, cha tôi tròn 13 tuổi, đỗ sơ học yếu lược tại trường huyện Thanh Chương. Bà nội tôi nước mắt hạnh phúc chảy vòng quanh trên gương mặt sạm đen khắc khổ. Dù nghèo cực đến mấy, bà nội tôi không để con trai thất học. Thời gian qua đi, cha tôi sau khi thôi học đã đi chạy chợ cùng mẹ để buôn bán thóc gạo. Có những lúc túng quẫn quá, cha tôi theo anh em bạn bè ngược lên Dừa Lạng làm thuê…

Năm 1943, cha mang về cho bà nội được ít tiền tậu được mảnh vườn rộng rãi dời nhà sang vườn mới ở và cha tôi lập gia đình. Mẹ tôi là cô thôn nữ trong làng, một đời chịu thương, chịu khó hy sinh cho chồng cho con.

Lập nhiều chiến công xuất sắc

Năm 1945, cha tôi bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng. Năm 1947, cha tôi chính thức chuyển sang ngành Công an và kinh qua các chức vụ Đội trưởng Đội Điều tra, Trưởng Công an huyện Anh Sơn lúc bấy giờ. Thời gian những năm 1950-1951, ở các địa bàn Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương là căn cứ địa của Quân khu 4, bọn gián điệp tìm mọi cách để xâm nhập, vì vậy cha tôi suốt ngày bám địa bàn để xây dựng cơ sở, căn cứ, phát động phong trào chống biệt kích. Lúc này, mẹ tôi đã sinh hai người con là anh Khảng và chị Liễu.

Chính thời gian cha bận việc nhất lại là lúc bà nội ốm nặng rồi mất. Ngày bà mất, cha vẫn rong ruổi trên rừng truy đuổi gián điệp, biệt kích, cha không thể có mặt ở nhà, chăm sóc thuốc thang cho bà nội trước khi bà mất, lại càng không ở bên cạnh bà nội phút lâm chung để lo tang chay cho mẹ. Bà nội mất được 10 ngày, cha tôi mới tranh thủ về qua nhà. Mẹ tôi nắm tay cha dắt ra mộ bà nội vừa mới đắp đất, cha khóc ròng rã. Cha nói: "Mẹ mất chồng từ khi còn quá trẻ, mẹ ở vậy thờ chồng nuôi con. Cả đời mẹ chỉ có mình con, vậy mà con chưa báo hiếu cho mẹ được ngày nào. Ngày mẹ mất con cũng không có mặt. Con thật nặng tội với mẹ".

Cha đi hoạt động cách mạng, cả năm có khi ghé qua nhà được đôi lần đủ để thấy mặt các con ra đời. Năm 1957, cha được đề bạt giữ chức Trưởng ban Bảo vệ chính trị Ty Công an Nghệ An. Năm 1961, giữ chức Phó trưởng Ty Công an Nghệ An. Năm 1963, cha được Bộ cử đi học một lớp nghiệp vụ ở Liên Xô cũ. Cuối năm 1971, cha được bổ nhiệm làm Trưởng ty Công an nghệ An, rồi Trưởng ty Công an Nghệ Tĩnh.

Năm 1978, do yêu cầu công tác, cha vinh dự được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động về Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) công tác và nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn chuyên gia của Bộ Nội vụ Việt Nam tại Bộ Nội vụ Lào trong suốt 6 năm liền.

Năm 1984, Bộ điều động cha tôi về giữ chức Cục trưởng Cục Vật tư kỹ thuật H15, mặc dù năm đó cha tôi đã tròn 60 tuổi. Mỗi một giai đoạn, một cương vị công tác, cha tôi đều đóng góp những chiến công xuất sắc, luôn luôn là người lính tiên phong trong mọi nhiệm vụ, sống tận hiến mình cho Đảng, cho cách mạng. Là tấm gương người cộng sản sáng trong. Năm 1988, do sức khoẻ giảm sút, cha tôi nhận quyết định nghỉ hưu khi bước sang tuổi 65 với cấp hàm đại tá hưởng lương tướng.--PageBreak--

Tấm gương người cộng sản sáng trong

Trong ký ức của PGS-TS- Đại tá bác sỹ Trần Minh Đạo - Giám đốc bệnh viện 19-8 của Bộ Công an, cha anh là một mẫu người lý tưởng để cho các con noi theo. Từ bé đến lớn, ông chưa bao giờ thấy cha mình nghỉ phép. Lần đi phép duy nhất trong đời ông là lần ông chuẩn bị sang Liên Xô học tập, tổ chức cho ông nghỉ 10 ngày để sắp xếp gia đình ổn thoả trước lúc đi xa. Đó cũng là những ngày gần gũi cha nhiều nhất của các con. Cha dặn dò các con từng ly từng tí, lo cho mẹ, sắp xếp mọi việc chi ly chu đáo trước khi đi xa.

Năm tôi tốt nghiệp phổ thông, và đủ điểm đi nước ngoài học tập. Phải nói là tôi sung sướng đến nhường nào. Thế nhưng cha tôi đã trực tiếp về gặp Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu hủy quyết định đi học nước ngoài của tôi và ngay trong đêm đó cha tạt qua nhà chỉ để nói với tôi rằng; "Con dừng ngay việc đi nước ngoài học tập lại. Chiến tranh đang vào giai đoạn ác liệt, con nên xung phong đi chiến đấu". Tôi khoác ba lô lên đường nhập ngũ, kết thúc khoá huấn luyện 3 tháng, Quân khu 4 định giữ tôi ở lại đào tạo sỹ quan vì biết cha tôi lúc đó là Trưởng ty Công an.

Cha tôi đã đến đơn vị trực tiếp can thiệp cho tôi được đi chiến đấu ở chiến trường B". Mẹ tôi nước mắt ngắn dài, chỉ dám khóc thầm. Vậy là tôi theo quyết định của cha lên đường nhập ngũ vào chiến trường B. Trước lúc đi B, tôi viết một bức thư cho cha báo tin, cha tôi đã gửi thư lại và bảo rằng: "Cha có thể vì bận công việc không đến tiễn con đi B được, đừng chờ, con đi mạnh giỏi, cha chờ tin chiến thắng của con". Tối hôm đó, đã 9 giờ đêm, tôi buộc gọn ba lô sẵn sàng ngày mai lên đường thì bất ngờ cha tôi xuất hiện. Cha con gặp nhau được mấy phút, tôi mừng đến phát khóc.

Ngồi yên lặng bên nhau, cha đọc cho tôi nghe bài thơ ông làm tặng tôi: "Tiễn con đi chiến trường B" cho tôi nghe: "10 năm đèn sách đã thành công/ đáp lời Đảng gọi giữ non sông/ Xếp bút mau, con ra tuyến lửa/ Diệt thù xâm lược khỏi trời đông/ Trời đông trong sáng rực cờ hồng/ Bố đón con về kể chiến công/ Trung hiếu nghĩa tình con làm trọn/ Xứng trai quê Bác bố vui lòng".

Những năm tháng ấy, cha con mỗi người một chiến trường, cùng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các con của cha liên lạc với cha qua thư từ, và dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cha cũng viết thư gửi lại kịp thời cho 5 đứa con, theo sát mỗi bước trưởng thành của các con và luôn động viên khích lệ tinh thần các con một cách quyết liệt nhất.

Chúng tôi trưởng thành và lớn lên trong tình cha bao bọc bằng những bức thư tôi luyện ý chí tiến thủ và phấn đấu hết mình trong công việc. Tôi nhớ có lần chiến đấu ở miền Tây biên giới Việt Lào, tôi bị sốt rét ác tính. Tôi viết thư báo tin cho cha kể rõ sự tình, trong bức thư tôi có viết: "Con rất muốn tiếp tục cầm súng chiến đấu, không phụ lòng cha, và nhân dân nhưng bệnh con nặng lắm, e không qua khỏi, nếu may mắn mà sống sót, con sợ phải về tuyến sau vì không còn sức để chiến đấu. Con mong cha đừng thất vọng". Cha tôi nhận được tin, tức tốc nhờ bác Đạt lúc đó là Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Bình lên đơn vị xem tình hình sức khỏe của tôi và nhờ giúp đỡ. Khi bác Đạt lên đến nơi thì tôi đã phục hồi sức khỏe và đã hành quân sang đất Lào.

Kết thúc 3 năm trong quân ngũ, tôi bị thương, là thương binh loại 4, tôi được ra quân và thi vào Đại học Quân y đạt 24 điểm suýt được đi nước ngoài. Khi tôi tốt nghiệp đại học, nguyện vọng của tôi được đi theo cha vào ngành Công an nhưng cha tôi không đồng ý. Cha tôi yêu cầu tôi tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, và động viên tôi lên công tác ở vùng núi, vùng sâu vùng xa ở phía Bắc.

Phải lăn lộn ở biên giới phía Bắc tới gần chục năm, cha mới cho phép tôi về công tác ở Hà Nội, Viện Quân y 108, và đến lúc này, sau bao nhiêu thử thách, ông mới đồng ý cho tôi chuyển sang ngành Công an và về công tác ở Bệnh viện 19-8 như niềm mong mỏi của tôi. Anh trai tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, cha tôi động viên anh, tổ chức phân công đâu thì con cứ đi. Vậy là anh trai tôi có 10 năm dạy học ở Móng Cái, Quảng Ninh nơi địa đầu của Tổ quốc. Chỉ đến khi mẹ già yếu, cha lại ra Bắc công tác, anh Khảng mới được cha đồng ý cho trở về quê Thanh Chương để công tác, và chăm sóc mẹ già. Chị Liễu tốt nghiệp cấp 3 xuất sắc được cử đi học ở Tiệp Khắc, cha kiên quyết không đồng ý. Cha chỉ nói với chị: "Nước ngoài sinh ra để chúng mình đi cả à, Tổ quốc cần, các con phải ở lại để cống hiến".

Tôi còn nhớ như in, ngày tôi từ chiến trường ra, anh Khảng cũng ở Móng Cái trở về quê ăn Tết. Chúng tôi đi trên một chuyến tàu, đến Vinh, cha cho ôtô ra đón. Cha nói với anh Khảng: "Con phải tự đạp xe về quê (gần 100km), còn anh Đạo tôi cho phép lên xe ôtô về vì anh Đạo vừa ở chiến trường ra, lại là thương binh. Các con phải biết bao nhiêu người lính đổ xương máu cho Tổ quốc, không trở về. Các con còn sống trở về hãy biết công lao của người khác. Cả nhà mình cùng đi ôtô về quê thì mặt mũi nào mà nhìn xóm làng".

Khi cha đang đương chức Cục trưởng, cả nhà ở trong 18m2 ở khu tập thể Trung Tự. Cấp trên thấy chỗ ở của cha tôi quá ẩm thấp, tồi tàn, đã phân nhà cho cha ở Ngọc Khánh và Hoàng Cầu. Cha kiên quyết không nhận ở đâu cả. Tôi sốt ruột quá, nói với cha: "Cha ơi, cha không ở thì nhận cho con, cho cháu ở, cha từ chối thế mất cơ hội". Cha tôi nghiêm mặt mắng tôi: "Đó là tiêu chuẩn của cha, cha có rồi, cha không nhận, còn con về Bệnh viện 19-8 của con mà ở nhé".

Khi cha tôi về hưu, Công an tỉnh Nghệ An có nhã ý xây cho cha một căn nhà ở thành phố Vinh để đền đáp công lao mà cha tôi đã một đời cống hiến cho quê hương. Nhưng khi mời cha đến nhận nhà, cha đã một mực từ chối: "Nếu mà tôi chưa nhận nhà ở Hà Nội, thì tôi sẽ nhận. Nhưng tôi đã có căn hộ tập thể 18m2 ở đây rồi. Đừng nên tạo tiền lệ cho những người khác. Về hưu, tôi sẽ về quê cha đất tổ ở Thanh Chương ở".

Năm cha tôi 79 tuổi, ông bị tai nạn gãy cổ xương đùi, phải mổ thay toàn bộ khớp háng. Đau đớn đến thế, ông vẫn bình tĩnh nằm trên bàn mổ, cắn răng chịu đựng không ca thán một lời. Ông mất năm 2008 khi hưởng thọ 85 tuổi. Cả đời cha cống hiến cho cách mạng, tấm lòng người cộng sản sáng trong. Ông không có ham hố gì, không màng danh lợi.

Trước khi mất, cha tôi chỉ có một tâm nguyện duy nhất, một ước mong lớn nhất với những gì ông đã cống hiến ông xứng đáng được tặng Huân chương Độc lập. Thế nhưng cho đến nay, ông mất đã hơn một năm rồi nhưng ước nguyện đó vẫn chưa đạt được

L.T.T.B.
.
.