Vị linh mục với bộ sưu tập đèn cổ và sách cổ lớn nhất Việt Nam

Thứ Tư, 16/03/2005, 10:17

Nép mình sau lưng nhà thờ Tân Sa Châu, gian phòng nhỏ của linh mục Nguyễn Hữu Triết là một thế giới u tịch của các loại đồ cổ: bên cạnh gần 400 chiếc đèn cổ còn có khoảng 1.000 cuốn sách cổ, mấy bộ bàn ghế ở tuổi bách niên, một chiếc xe ngựa cổ và một chiếc xe bò của... "muôn năm cũ".

Lý giải về niềm đam mê những giá trị cổ xưa này, linh mục Nguyễn Hữu Triết cho rằng, có lẽ đó là do ảnh hưởng của truyền thống gia đình. Bố ông là một thầy đồ, vừa dạy học vừa bốc thuốc ở làng Ngọc Lý, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Nhà nghèo, chẳng có nhiều vật dụng đáng giá nhưng có hai món đồ mà lúc nào ông cụ cũng gìn giữ, nâng niu như bảo vật. Đó là bộ ấm chén men lam và chiếc điếu cày đời Đạo Quang (Trung Quốc). Năm thì mười họa có khách quý đến thăm, ông cụ mới mang ra dùng. Xong việc lại gói đem cất rất kỹ, không cho bất kỳ ai được đụng đến.

Một số chiếc đèn quý trong bộ sưu tập đèn cổ của Linh mục Triết.

Thái độ cẩn trọng đó để lại bao thắc mắc trong cậu con trai nhỏ,và lâu dần thành một nỗi ám ảnh không dứt. Chính vì lẽ đó, linh mục Triết cho rằng, ý thức về giá trị những món đồ cổ và nỗi đam mê sưu tập cổ vật của ông có một ít căn nguyên được hình thành từ những “ám ảnh tuổi thơ” như vậy.

Hành trình đi tìm những chiếc đèn cổ bị tuyệt tích

Ông bắt đầu “chơi” đèn từ khoảng 10 năm nay. Căn phòng ông đang dùng để chứa 400 chiếc đèn cổ vốn là nơi ở của một vị linh mục già trong giáo xứ. Một điểm rất lạ là các bức tường của căn phòng đều được vị linh mục già trang trí bằng hình những chiếc đèn. Khi mất đi, vị linh mục ấy để lại cho linh mục Nguyễn Hữu Triết “tài sản” là căn phòng, vài ba bức tượng, những tấm ảnh cũ cùng khoảng chục chiếc đèn xưa. Từ những chiếc đèn “gợi ý” ban đầu ấy, ông bắt đầu bỏ công sưu tập. Qua 10 năm, nay ông đã có bộ sưu tập đèn cổ lớn nhất nước.

Trong thế giới những người chơi đồ cổ ở Việt Nam, linh mục Nguyễn Hữu Triết và bộ sưu tập đèn cổ của ông mặc nhiên có 3 cái nhất - người chơi đèn cổ duy nhất, (kéo theo) số lượng đèn nhiều nhất và những chiếc đèn xưa nhất. Ở đây, cùng với số lượng đồ sộ, chất liệu cấu tạo các loại đèn cũng đa dạng và phong phú vô cùng. Cái thì được làm bằng đất nung, cái thì làm bằng kim loại (chủ yếu là đồng). Có cái bằng thủy tinh, lại có cái bằng gốm, sứ. Xưa nhất là chiếc đèn Đông Sơn có niên đại từ 2.000 - 2.500 năm trước, tiếp đó là những chiếc đèn Chăm có từ thế kỷ X-XII, kế đến là các loại đèn xuất hiện trong các thời đại nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Còn những chiếc gần nhất cũng đã cách đây khoảng... 30-40 năm, với rất nhiều tiêu bản.

Xét về phạm vi sử dụng, ngoài những chiếc đốt sáng cho mục đích “trang trí nột thất”, còn có các loại đèn bão sử dụng trên tàu thủy, xe lửa, xe hơi, xe ngựa, xe đạp...  nhưng không chiếc nào giống chiếc nào. Cây đèn cao nhất đến 1,5 mét của Ấn Độ có từ đầu thế kỷ XX và thắp được thành 5 ngọn lửa lớn. Cây đèn to nhất xuất xứ từ Pháp sản xuất năm 1914, dung tích chứa được đến... (chính xác) 7,5 lít dầu. Còn có giá trị “về mặt tài chính” nhất là chiếc đèn sứ thời Đạo Quang (Trung Quốc) ông mua với giá 10 triệu đồng. Tất cả những chiếc đèn trong bộ sưu tập này, theo linh mục Triết cho biết, đều đốt bằng các loại nhiên liệu lỏng như dầu lạc, dầu hỏa, mỡ động vật, xăng...

Gần 400 hiện vật, một bộ phận là các loại đèn của dân tộc Việt Nam, còn lại xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, châu Âu (Pháp, Đức, Anh...) và châu Mỹ. Song, hầu hết đều được ông lùng mua tại Việt Nam. Khi thì ông mua ở những phố, những tiệm bán đồ cổ, khi thì từ những người chuyên sưu tầm cổ vật, lúc thì ông mua được từ những người gánh... ve chai. Duy nhất có một chiếc đèn sứ cổ được mua từ Mỹ. Nhưng đấy lại là quà của một người bạn - nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân - mua tặng ông. Còn lại, tự thân linh mục Triết đã bỏ công tìm mua ở nhiều nơi, nhiều chỗ.

Có những chiếc được ông phát hiện tình cờ. Như trường hợp một chiếc đèn gốm có hình tượng con ếch từ thời Đông Sơn, ông tình cờ mua được trong lần “săn” tìm một chiếc đèn khác. Rồi có những chiếc ông phải theo đuổi suốt 3-4 năm trời, vừa dành dụm tiền vừa nơm nớp lo người ta bán mất cho người khác.

Ông đặt tên cho bộ sưu tập đèn của mình là “Ánh sáng muôn dân”. Đèn là ánh sáng. Thời đại dẫu có tân tiến đến đâu thì ngọn lửa vẫn mãi là biểu tượng ánh sáng của nhân loại - ông nói.

Một chút “đời” trong không gian “đạo”

Ngoài đèn cổ, linh mục Triết còn là người chơi sách cổ có tiếng. Tại cuộc thi “Những cuốn sách vàng” lần thứ hai tổ chức tại Tp.HCM năm 2004, những người yêu sách thật sự ấn tượng về bộ sách 55 cuốn của ông. Trong số 65 người tham dự, ông là người gửi nhiều sách nhất đến hội thi và trong lần đầu tiên tham dự, ông đã đĩnh đạc chiếm 4 trong tổng số 15 giải thưởng.

Ông cho biết, do đi tu từ nhỏ, được giáo dục cẩn thận trong hệ thống trường dòng nên ngay từ lúc ấy, mọi hoạt động của ông đã gắn liền với sách. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến những năm gần đây ông mới thật sự trở thành một người chơi sách cổ. Nhưng chỉ ngần ấy năm, ông đã có khoảng 1.000 cuốn sách có “tuổi đời” từ 50 năm trở lên. Ông thừa nhận mình là người rất say mê văn hóa, nhất là văn hóa dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy cuốn sách cổ nhất có được là "Dịch Kinh Đại Toàn Hội Giải" (in năm Khang Hy - Tân Dậu 1681) ông lại không thích mấy mà thích cuốn "Ấu Học Chỉ Nam" của Đặng Công Toàn (in năm Vĩnh Thịnh thứ 14 - Lê Dụ Tông 1718) hơn vì cuốn sách này của... Việt Nam, vừa là một bản sách cổ rất hiếm, vừa là cuốn giáo khoa vỡ lòng cho trẻ em đồng ấu, quý hơn nữa là do người Việt soạn (trên sách có ghi Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Quy Ninh phủ, Phù Ly huyện). Linh mục Triết cho biết, đây có thể được xem là một cuốn “từ điển” Hán - Nôm đầu tiên của Việt Nam vì sách dạy chữ Hán, giải thích bằng chữ Nôm (Đại xá: nhà lớn, tiểu xá: nhà nhỏ, địa long: con giun v.v...).

Ông bảo, đối với ông, những cuốn sách cổ là một quyển lịch sử sống, giữ gìn nó chính là góp phần bảo tồn kho tàng văn hóa dân tộc mà không nhiều thì ít, do thiên tai, do chiến cuộc, do ngoại nhân và cả sự thờ ơ của người đời, mà kho tàng này bị hao hụt theo thời gian. Giữ gìn nó còn là hành động tôn vinh, tri ân các bậc tiền bối. Ở một khía cạnh khác, nó có tác dụng khuyến khích các nhà văn đương đại viết những cuốn sách “để đời”.

Năm nay 60 tuổi, đã 33 năm làm linh mục kể từ lúc được thụ phong, hằng ngày ngoài công việc của một vị chánh giáo xứ với hơn 5.000 giáo dân của nhà thờ Tân Sa Châu (387, Lê Văn Sĩ, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM) tốn khá nhiều thời giờ, nhưng khi nhàn rỗi là ông lại cất công đi tìm để bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình những món đồ cổ, những cuốn sách hay, những chiếc đèn cổ mới. Một niềm say mê dù rất đời thường nhưng cũng rất mực thanh cao, giúp ông có những niềm vui nho nhỏ để sống, tốt đời, đẹp đạo

Tăng Bá Sên
.
.