Vị đại tá an ninh và những biệt danh

Thứ Tư, 12/05/2010, 09:24
Đã xảy ra nhiều ngộ nhận đến kỳ lạ, xuất phát từ những biệt danh của ông. Nó buồn cười và lý thú ở chỗ toàn là biệt danh do chúng tôi đùa vui gọi ông rồi "chết danh" luôn. Nó "phổ cập" trong đơn vị đến nỗi ngay Cục trưởng Dương Thông của chúng tôi nhiều khi quen miệng, cũng gọi vậy.

Này!... có việc gấp, nói anh em Phòng 4 tìm "lang Thượng" giúp tôi…". Lại nữa "Việc này phải nhờ "thầy lang Thượng" thôi" chứ cánh trinh sát chúng tôi không lo được, bởi ngoài tầm tay với…". Rồi, lại nữa - một lần cách đây dễ tới trên ba mươi năm, ngày đó ông đang giữ cương vị Trưởng phòng An ninh khối các cơ quan y tế, thể dục thể thao và thương binh xã hội. Cũng vào dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2), Cục trưởng Dương Thông có chương trình gặp gỡ chúc mừng một số giáo sư, bác sĩ.

Sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị của phòng chủ quản, vì vội đi họp, khi đã ra tới chân cầu thang, ông còn gọi với vào: "Này! Thế các cậu đã hẹn… văn công… chưa? Nhớ tới đúng giờ" - "Dạ!... Đã hẹn. Sẽ về đơn vị trước 7h tối". Không ngờ thông tin đó lại lọt tới tai một số anh em đơn vị bạn. Chả là thời đó ở ngôi nhà cấu tạo theo hình chữ "U", 4 tầng, được xếp loại to nhất, cao nhất ở khu vực 15 Trần Bình Trọng - Hà Nội, có nhiều đơn vị cùng làm việc ở đó: Cục An ninh kinh tế, An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng, Vụ Đào tạo, Vụ Tài vụ…

Thời điểm đó tôi đang công tác ở Phòng Tổ chức, chính trị. Thật là nhiêu khê bởi cái thông tin "có văn công về KE3 (bí số của đơn vị chúng tôi thời đó) biểu diễn". Vì vậy, trước giờ tan tầm, tôi bất ngờ phải "hầu chuyện" mấy vị liền. Tất cả đều là thăm dò và có ý tôi "bảo lãnh" cho được xem. Thời điểm mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cái khoản văn nghệ, văn công, phim ảnh, truyền hình hiếm lắm. Cả năm mới được vài lần xem phim, vài lần xem biểu diễn văn nghệ. Vé được phân chia về các đơn vị theo tỷ lệ quân số. Có tiền cũng không mua được. Còn truyền hình thì quá xa lạ, bởi thời đó ta chưa có, mãi tới năm 1979 mới xây dựng Đài Truyền hình Việt Nam.

Giữa lúc tôi đang lúng túng, chẳng biết thực hư ra sao thì có một cán bộ trinh sát Phòng An ninh y tế… đi tới, sau lời thăm dò của tôi, trầm ngâm giây lát, rồi anh cười ngất: "Thôi chết cha rồi! Tối nay lãnh đạo gặp một số cán bộ ngành Y, hồi chiều Cục trưởng hỏi tụi tôi về việc hẹn văn công… tức là hẹn Trưởng phòng Văn Công Thượng tới để cùng gặp gỡ chứ không phải văn công… văn nghệ".

Còn cái chiêu biệt danh "thầy lang" nó còn rách việc hơn nhiều. Không ít người nghĩ rằng KE3 bảo vệ an ninh nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Y. Chắc chắn phải có trinh sát là bác sĩ giỏi về chuyên môn cả đông và tây y. Vì thế mới có thầy lang lãnh đạo phòng trinh sát. Đã không ít trường hợp còn tìm cách tiếp xúc "thầy lang" để nhờ bắt mạch, kê đơn chữa bệnh cho người thân. Thậm chí có cả những trường hợp mà thầy thuốc tây y đã bó tay, lắc đầu… mà người ta vẫn tìm tới chúng tôi, nhờ giúp đỡ để được gặp "thầy lang Thượng", cứ làm như Văn Công Thượng là hậu duệ của Hải Thượng Lãn Ông - thầy thuốc tài danh nước Việt từ ngàn năm trước!

Đôi dòng tiểu sử và gia cảnh

Họ và tên thật của ông là Văn Công Thượng. Tuổi Giáp Tý (1924). Quê quán: Xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cách mạng Tháng 8-1945, tham gia công tác địa phương rồi vào bộ đội chủ lực thuộc đơn vị 310 QK7. Ngày 1-5-1948, chuyển sang lực lượng Công an. Tháng 12/1950 công tác tại đơn vị trinh sát Công an Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai). Năm 1954 tập kết ra Bắc và được điều về Cục 78 (tiền thân của Cục Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng) ngày nay. Tháng 11/1975 tôi về nhận công tác ở đây thì ông đã có 21 thâm niên ở đơn vị này và tiếp tục gắn bó cho tới giữa thập niên 80 mới nghỉ chế độ hưu trí và chuyển gia đình vào TP Hồ Chí Minh.

Với hơn 30 năm gắn bó với đơn vị, được bố trí ở nhiều bộ phận, song cái bến đỗ lâu nhất của ông là lĩnh vực bảo vệ an ninh y tế. Yếu tố thâm niên gắn bó với địa bàn cộng với nhiệt huyết của người con đất Nam Bộ thành đồng đã tạo nên một cán bộ trinh sát mẫu mực đầy kinh nghiệm trong quan hệ, tiếp xúc với địa bàn nhiều trí thức và các nhà khoa học nổi tiếng. Có thể nói ông là "từ điển sống" của đơn vị làm tham mưu. Bằng tình cảm, lòng nhiệt tình và sự gắn bó với địa bàn của ông tới mức nhiều cán bộ ở các đơn vị cơ sở của ngành Y đã coi ông như cán bộ của ngành mình.

Thời đó, Văn Công Thượng đang còn là "lính phòng không" nên nhiều người có ý mai mối để anh cán bộ an ninh lành hiền tử tế ấy "mọc rễ" ở đơn vị mình. Và, tình cảm, sự mong muốn của mọi người dành cho anh đã thành hiện thực. Đúng là tình yêu không nề xa cách Bắc Nam diệu vợi ngàn trùng; không phân biệt tuổi tác, một cô gái nhỏ hơn anh tới gần 20 tuổi công tác tại Khoa Huyết học Bệnh viện Bạch Mai đã đem lòng yêu thương anh, chưa đầy một năm sau thì họ thành vợ chồng. Đó chính là phu nhân của anh bây giờ - bà Lê Thị Sửu - người con gái xứ Thanh mảnh mai, hiền dịu, người bạn đời lý tưởng của huynh trưởng chúng tôi - Đại tá, Trưởng phòng Văn Công Thượng.

Kiến thức chuyên ngành và bài học thực tế tâm đắc

Sau 10 năm gắn bó với chiến trường Nam Bộ, kết thúc chiến tranh, tôi được Cục II (nay là Tổng cục II) Bộ Quốc phòng cho đi an dưỡng mấy tháng. Tháng 11/1975, khoác balô con cóc chuyển ngành sang lực lượng An ninh thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tôi trở thành anh lính tò te về kiến thức an ninh làm công tác bảo vệ nội bộ và văn hóa - tư tưởng. Được bố trí ở bộ phận tổ chức chính trị để chờ đi học nghiệp vụ. Trước mắt là vừa công tác, vừa mày mò tự học bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu và học qua các bậc đàn anh đi trước.

Thời đó KE3 (bí số của đơn vị) thường xuyên mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ cấp phòng ở Cục và lãnh đạo Phòng Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng các địa phương. Dẫu rằng lúc đó tôi chưa có chức sắc gì nhưng được lãnh đạo Cục cho hưởng chế độ đặc cách tham dự các lớp trên.

Thầy giảng là lãnh đạo Cục và các đồng chí Trưởng phòng ở Cục. Toàn những thầy kinh nghiệm nghiệp vụ và thực tế đầy mình. Lĩnh vực tham mưu, nghiên cứu tổng hợp có Trưởng phòng Nguyễn Thanh Sơn; lĩnh vực an ninh văn học nghệ thuật có Trưởng phòng Trần Việt Anh; giáo dục - đào tạo là thầy Nguyễn Văn Lợi… tôi rất mê mảng bài bảo vệ an ninh lĩnh vực y tế do Trưởng phòng Văn Công Thượng đảm nhiệm. Ông trình bày rất lớp lang, bài bản, kiến thức sư phạm rất siêu. Kiến thức chuyên ngành Y tế quá phong phú. Tôi dám chắc rằng nhiều người nghe sẽ lầm tưởng ông là bác sĩ của một bệnh viện nào đó sang giảng. Ông nói về phương pháp chẩn đoán một số bệnh thông thường, phác đồ điều trị (bao gồm sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, chế độ kiêng cữ…). Có lẽ đây chính là cơ sở để anh em sắm cho ông cái biệt danh "thầy lang" như đã nói ở phần trên.

Phần thứ hai ông mới tập trung vào công tác an ninh - "Lời vàng ý ngọc" của ông tập trung vào mấy nội dung sau: Hiểu sơ đẳng kiến thức y học không phải để cho cán bộ trinh sát tham gia chữa bệnh mà là để phục vụ công tác nghiệp vụ an ninh. Hiểu về kiến thức chuyên ngành của người ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ, tiếp xúc; hiểu kiến thức chuyên ngành là thiết thực phục vụ cho công tác trinh sát. Một sự cố xảy ra trong quá trình điều trị liên quan tới tính mạng bệnh nhân, chỉ cần nghiên cứu bệnh án, phác đồ điều trị cũng đã gợi mở rất nhiều điều. Tỷ như người có dấu hiệu bệnh thương hàn "mạch trầm thủy thượng" - mạch tim rất yếu trong khi nhiệt độ rất cao, kéo dài nhiều ngày, phác đồ điều trị của thầy thuốc không hề có chỉ định chế độ ăn uống để đến nỗi bệnh nhân thủng ruột mà chết, cớ sao lại đổ cho số phận?...".

Tôi tâm đắc nhất một dẫn chứng ông nêu về vụ chết người. Bệnh nhân là vợ một bác sĩ, chết bởi căn bệnh bình thường đã gây xôn xao dư luận nên cơ quan chức năng phải khởi tố vụ án để điều tra. Tất nhiên phải tiến hành tất cả các biện pháp, trong đó có giám định pháp y. Với kết luận: "Trong dạ dày bệnh nhân xấu số có chất thạch tín với liều lượng cao". Thủ phạm bị truy tố trước pháp luật.

Với chức năng nhiệm vụ của đơn vị, Trưởng phòng Văn Công Thượng rất quan tâm tới công tác bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ chuyên trách của ngành Y bằng cách tham mưu cho lãnh đạo cơ quan chủ quản định kỳ mở lớp tập huấn cho lực lượng này. Cơ quan chủ quản lo khâu tổ chức, chiêu sinh. Nội dung bài giảng do cơ quan an ninh đảm nhiệm, có sự phối hợp của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an. Với các bài cơ bản như: công tác tuần tra, canh gác; công tác phòng cháy chữa cháy; công tác điều tra ban đầu; công tác bảo vệ hiện trường, chứng cứ… Những bài học trên rất bổ ích, được lãnh đạo cơ quan chủ quản rất hoan nghênh, nó thiết thực góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự an toàn cho cơ quan, đơn vị.

Quan nào, quân ấy

Câu nói cửa miệng quen thuộc này cha ông ta đã đúc kết từ bao đời để nói về sự ảnh hưởng từ mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cha mẹ với con cái… thuộc phạm trù quy luật nhân - quả. Nó được thể hiện rất rõ ở một số đơn vị thuộc Cục Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng mà Phòng Bảo vệ an ninh khối các cơ quan y tế - thể dục thể thao và thương binh xã hội (thời đó gọi là Phòng 4) mà Trưởng phòng Văn Công Thượng lãnh đạo trong nhiều năm là một điển hình. Từ phong cách làm việc; quan hệ tình cảm giữa cấp trên với cấp dưới; tình đồng đội, đồng chí anh em; mối quan hệ gắn bó với địa bàn… từ ông, đã ảnh hưởng, lan tỏa tới anh em.

Nhiều người đã trưởng thành từ Phòng 4 (nay là Phòng 6) đều thể hiện rất rõ tư chất Văn Công Thượng: Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Thu Nga, Nguyễn Quang Hùng, Lê Vân và cả Văn Công Minh (con trai ông), mà trong đó có tới 2 người là Nguyễn Thu Nga và Nguyễn Quang Hùng sau này được đề bạt chức vụ Phó Cục trưởng, Lê Vân - đương kim chức vụ Trưởng phòng, họ đều là những cán bộ an ninh tận tụy với công việc, gắn bó mật thiết với địa bàn, được tuyệt đại đa số cán bộ, công nhân viên chức ngành Y tin yêu, mến phục.

Nghị lực

Nhiều lúc tôi lẩn thẩn suy nghĩ rồi tự lục vấn mình rằng, tại sao cuộc đời này có nhiều điều phi lý và bất công như vậy? Nhiều người quá lành hiền, tử tế lại luôn gặp những tai ương, đau khổ, như trường hợp huynh trưởng của chúng tôi - gia đình Đại tá Văn Công Thượng. Nếu bảo đó là mệnh trời thì quả là trời cũng quá bất công, phi lý!

Khoảng hơn 10 năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai vợ chồng ông nghỉ chế độ hưu trí và chuyển cả gia đình vào TP Hồ Chí Minh sinh sống cho gần quê hương bản quán vì lúc đó vợ chồng người con gái cả đang công tác trong đó và người con trai là Văn Công Minh tốt nghiệp Đại học An ninh, nối nghiệp cha cũng đã xin về đơn vị và được bố trí vào công tác ở bộ phận thường trú của Cục tại TP Hồ Chí Minh. Người con dâu cũng đã xin chuyển vùng công tác vào trong đó.

Sự đời chẳng ai nghĩ tới chữ ngờ - niềm vui đoàn tụ đại gia đình chưa được bao lâu thì tai họa ập tới. Nguời con gái cả lâm bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, bỏ lại 2 đứa con nhỏ. Đứa lớn cha nuôi, còn đứa nhỏ phải nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Cú sốc bất ngờ ấy đã đẩy Đại tá Văn Công Thượng rơi và hiểm họa bằng một cơn tai biến não bán thân bất toại, liệt nửa người, không đi lại, không nói được. Tất cả gánh nặng gia đình đè lên đôi vai mềm yếu của bà Sửu. Thật cám cảnh! Tôi tới thăm về lòng trĩu nặng xót thương.

Thời điểm ấy, người khỏe mạnh bình thường, đang công tác, cuộc sống đã quá chật vật, huống hồ hai vợ chồng ông. Anh em, đồng đội, người thân có đỡ đần cũng chỉ là mức độ. Kể cũng lạ, với những người có nghị lực thì trong hoàn cảnh như thế người ta vẫn có thể vượt qua. Lần thứ hai tôi tới thăm ông cách đó chừng 6 tháng, nhân một chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh. Bước vào nhà đã thấy ông ngồi trên giường và toan đứng dậy. Tôi vội chạy lại đỡ ông. Nhưng ông cố gượng đứng dậy và ôm chầm lấy tôi, reo lên, dù đó là những lời ngọng nghịu: "A!.. Chào… Chào… ồng chí Không Min… (Khi còn khỏe ông vẫn gọi tôi như thế! Gọi là Khổng Minh chứ không gọi tên) trước kia… Mìn… Mìn… có lỗi với… ồng chí…).

Tôi đỡ ông ngồi xuống và chột dạ nghĩ tới mấy lời ông vừa nói. Nặn óc mãi mới nhớ ra cái chuyện cách mười mấy năm về trước khi ông đương kim Trưởng phòng 4, còn tôi là trợ lý chính trị. Trong đợt thi đua lập thành tích kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, các phòng đã nộp bản báo cáo thành tích, chỉ còn thiếu P4. Buổi chiều hôm đó họp Hội đồng thi đua nên giữa buổi sáng tôi sang đôn đốc nộp báo cáo. Rất có thể lời nhắc nhở của tôi là "nhiễm cái máu quan" trong người mà như nhận xét của người ngoại quốc - "Cái máu quan trong con người Việt Nam trở thành đặc trưng, nó thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, từ anh thường trực, bảo vệ cơ quan, chị thủ kho, thủ quỹ, anh hoặc cô thư ký, trợ lý cho lãnh đạo… huống hồ tôi là một trợ lý chính trị, thi đua khen thưởng… Tất cả đều "mít tơ oai", tất cả đều là cửa mà người muốn qua phải nhún nhường, tranh thủ. Tôi nghe nói ở cơ quan anh bạn tôi có một anh thư ký cho thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị cơ sở đều sợ anh ta còn hơn sợ thủ trưởng.

Chuyện đó đến tai cấp trên, một hôm thủ trưởng gọi lên xạc cho một trận: "Tôi hỏi cậu tại sao xí nghiệp A, Ban B, Công ty C…. gửi báo cáo cho tôi mà hơn một tuần nay tôi chưa nhận được? Cậu nên nhớ rằng, cậu là người trông đền chứ không phải từ đền, nghe chửa?...". Hôm đó, tôi có nhắc một cậu đại loại: "Các phòng người ta đã nộp báo cáo thi đua từ mấy hôm nay, không hiểu tại sao đến giờ mà P4 chưa có? Vậy, chiều nay, chúng tôi lấy gì để báo cáo hội đồng”? Thực tình, nói vậy là hơi sóc óc, là nhiễm máu quan rồi. Đụng phải "máu Nam Kỳ khởi nghĩa", ông đỏ mặt, tía tai phản ứng: "Người ta trăm công nghìn việc, sao không đôn đốc từ mấy hôm trước. Làm phách vừa thôi. Nếu cần, cứ nói là P4 không có báo cáo. Vậy thôi!...".

Tôi bỏ ra về. Cả buổi trưa tức nghẹn đến cổ

Đầu giờ chiều, ông sang phòng làm việc của tôi, mới mở cửa phòng, đã nghe giọng ông vang vang: "Chào Khổng Minh! Mình sang nộp báo cáo thi đua. Thông cảm nghen. P4 đang làm án, bê bối lắm, làm ăn dở ẹc… Hồi sáng, có gì không phải, xin lượng thứ!...". Tôi lặng người, chả tin vào tai mình. Nhận tập tài liệu của ông, chỉ nói được mỗi một câu: "Dạ… xin anh". Cái cục nghẹn trong cổ họng tự dưng trôi tuột đi hết.

Chuyện là như thế, vậy mà bao nhiêu năm ông còn nhớ, nhớ trong bối cảnh đang trong vòng của cơn bạo bệnh. Hôm đó tôi hầu chuyện ông cả tiếng đồng hồ. Nghe câu rõ, câu không, song, tập trung vào nội dung ông hỏi nhiều chuyện về đơn vị, về đồng đội trang lứa với ông, cả lớp cán bộ bậc con cháu về sau, như trường hợp con trai ông: "Thằng cháu Minh nó làm được không? Nó làm ăn không ra gì thì phải xử lý. Con em trong nhà lại càng phải nghiêm. Đã là cán bộ thì ở cấp nào cũng phải công bằng, dân chủ, nghiêm minh. Đừng vì nể cha mẹ mà bao che cho nó…".

Những người bị tai biến nặng mà tiến triển như vậy là kết hợp giữa 2 yếu tố: Chế độ thuốc men và tập luyện - tập nói, tập ngồi, tập đứng, tập đi…, phải có nghị lực mới tập được. Gần hai chục năm qua, ông đã thể hiện một con người đầy nghị lực để vượt qua bao nỗi đau buồn. Mãi mãi ông là tấm gương để cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nội bộ và văn hóa - tư tưởng noi theo

K.M.D.
.
.