Vị Giáo hoàng thứ 265

Thứ Năm, 28/04/2005, 09:19

Một trong những vấn đề khiến một số người quan ngại là lý do sức khỏe của tân Giáo hoàng. Theo cuốn “Hồng y Ratzinger” xuất bản năm 2000 của phóng viên Vatican John Allen thì Benedict XVI từng phải nhập viện vì bị xuất huyết não (tháng 9/1991) và đến tháng 8/1992, ngài lại phải nhập viện vì bị trượt chân trong lúc tắm khi đi nghỉ tại dãy Alps, Italia.

Vậy là Hồng y Joseph Ratzinger, người nói được 10 thứ tiếng, thích nhạc Beethoven và chơi piano khá điêu luyện đã chính thức trở thành Giáo hoàng ngày 23/4/2005. Ông là vị Giáo hoàng thứ 8 người Đức kể từ trước đến nay.

Giáo hoàng Joseph Ratzinger trở thành người kế vị cao tuổi nhất trong hơn một thế kỷ qua. Trước đó, năm 1730, Giáo hoàng Clement XII cũng nhậm chức khi đang ở tuổi 78. Việc này tuy có hơi khác so với ước nguyện của Giáo hoàng John Paul II khi còn sống (người kế nhiệm phải ở độ tuổi từ 62 đến 72 tuổi), nhưng đáp ứng được hầu hết mong ước của người tiền nhiệm, đó là uyên bác, có tầm nhìn bao quát, biết nhiều ngoại ngữ, thông thạo luật lệ và có kinh nghiệm trong việc diễn thuyết trước đám đông. Tiếng Latin, Benedict có nghĩa là “Ban phúc”. Theo thống kê, kể từ Benedict 1 từ năm 575 đến nay, Giáo hoàng đều là người Italia (14 người), duy nhất có Benedict 12 là người Pháp (1334-1342) và nay là Benedict XVI, người Đức.

Gia đình và Giáo hoàng khi còn ở tuổi thiếu niên (bìa trái).

Nhiều người cho rằng, sau khi tân Giáo hoàng lên ngôi, vai trò của nữ giới trong Giáo hội Thiên Chúa giáo sẽ gia tăng, nhất là trong việc hành lễ. Còn Giáo hoàng Joseph Ratzinger là người chống thuyết thần học tự do, phản đối tình dục đồng giới, cương quyết với những bất đồng chính kiến trong Giáo hội bởi ngài từng giữ cương vị “chấp pháp” - giữ kỷ luật trong Giáo hội hơn 20 năm.

Theo Đức cha Thomas Reese, một chuyên gia về các vấn đề Vatican thì tình hình sức khỏe của tân Giáo hoàng không được tốt trong năm qua. Nhưng Thomas Frauenlob, Hiệu trưởng Trường dòng St. Michael's, Traunstein, nơi tân Giáo hoàng từng theo học thuở nhỏ (vừa vinh dự đón tiếp khi ngài tới thăm năm 2004), lại cho rằng ngài khỏe và ăn uống bất cứ thứ gì mình muốn.

Trước mắt Giáo hoàng Benedict XVI là những thách thức khá nặng nề và vất vả. Đó là giải quyết ổn thỏa sự phân bố quyền lực trong Giáo hội bởi đây là vấn đề được lãnh đạo nhà thờ trên thế giới rất quan tâm và những vấn đề cụ thể của giáo dân.

Tân Giáo hoàng Joseph Ratzinger sinh ngày 16/4/1927 tại Marktl Am Inn, Bavaria, Đức, trong một gia đình làm nghề nông lâu đời, có cha là một cảnh sát địa phương. Trước khi được tấn phong làm linh mục (29/6/1951), ông Joseph Ratzinger từng theo học tại Trường dòng Traunstein, sau đó bị bắt đi lính, phục vụ trong một đơn vị chống máy bay của Đức Quốc xã tại Munich, rồi bị quân Đồng minh (Mỹ) bắt làm tù binh. Sau khi ra tù, ông theo học thần học và triết học tại Trường đại học Munich. Nhận bằng tiến sĩ về thần học (1953), ông được mời làm giáo viên (1957). Chỉ sau 12 năm đứng trên bục giảng (1957-1969), ông Joseph Ratzinger đã được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng và nhận hàm giáo sư về thần học và lịch sử giáo lý tại Trường đại học Regensburg.

Joseph Ratzinger (người thứ nhất từ phải sang) cùng các hồng y.

Khi đó giáo sư Joseph Ratzinger nổi tiếng trong giới linh mục bởi học thức uyên bác của mình, và chính vì vậy nên ông đã được mời làm cố vấn tại Tòa Tổng giám mục Cologne của đức Hồng y giáo chủ Joseph Frings. Ngoài ra, giáo sư Joseph Ratzinger còn được giới chuyên môn đánh giá cao qua những tác phẩm của mình kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước đến nay. Nhờ tiếng tăm của mình nên chỉ sau 2 tháng được Giáo hoàng Paul VI tấn phong làm Tổng giám mục địa phận Munich và Freising, ngày 28/5/1977, linh mục Joseph Ratzinger lại được phong (linh mục đầu tiên sau 80 năm) là người phụ trách một khu vực giáo dân rộng lớn Bavaria. Một tháng sau, ngày 27/6, linh mục Joseph Ratzinger được bổ nhiệm làm Hồng y, tham gia Hội đồng Hồng y giáo chủ. Và hơn 4 năm sau, ngày 25/11/1981, Hồng y Joseph Ratzinger được Giáo hoàng John Paul II tấn phong làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, sau đó là một loạt các chức vụ quan trọng khác như Chủ tịch Ủy ban Tòa thánh về thánh kinh, Chủ tịch Ủy ban Thần học quốc tế, Phó chủ tịch Hội đồng Hồng y (6/11/1998), Chủ tịch Hội đồng Hồng y giáo chủ (30/11/2002). Trước khi được bầu làm Giáo hoàng, Hồng y Joseph Ratzinger đã được cử làm chủ tế trong lễ tang của Giáo hoàng John Paul II

Độc Hành (tổng hợp)
.
.