Về một cụ trưởng tộc

Thứ Hai, 01/04/2013, 10:30

Dong dỏng vóc hạc. Mới thanh thản về với tổ tiên ở tuổi 93. Vẫn mẫn tiệp cho đến lúc lâm chung. Người quê tôi ít khi nhắc đến chức danh thuở sinh thời những Phó Bí thư Tỉnh ủy, những Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa và nhiều năm phụ trách công tác Đảng của Đoàn chuyên gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia mà chỉ thân mật cái tên Cụ trưởng tộc họ Trịnh...

Thực ra từng ngồi chiếu nhất trong họ nhiều năm, chức danh chính của cụ Trịnh Ngọc Bích là Chủ tịch danh dự họ Trịnh Việt Nam. Có lẽ cũng mơi mới thôi, từ sau Đổi Mới thì phải, với những yên hàn cùng tăng trưởng này khác, việc kiếm miếng ăn nó đỡ chật vật xo xúi thì nước Nam mình mới nảy sinh thứ tâm linh xôm tụ hoạt động của các họ tộc.

Họ Trịnh có lắm chi phái này khác nên bây giờ dẫu nối mạng cả nước rồi cũng là đương tàm tạm thôi chứ chắc gì đã đủ đầy? Hằng năm cứ lấy ngày 18-2 âm lịch làm ngày họp họ. Đó cũng là ngày mất của vị tiên khởi 12 vị  chúa Trịnh là Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm có công giúp rập các vua Lê giữ yên bờ cõi xã tắc suốt 249 năm trong lịch sử Đại Việt.

Công ấy đã được ghi nhận với hình thức Di tích Lịch sử Quốc gia (thứ sắc phong của chế độ mới) cho nhiều đình đền miếu mạo, trong đó có Di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt. Khu Mộ chúa Trịnh Tùng ở làng Biện Thượng quê chúa Trịnh Kiểm (nay là xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Biện Thượng cũng là địa điểm tụ hội tụ họp hằng năm vào dịp 18-2 âm lịch của dòng họ Trịnh Việt Nam.

Chọn một vị cao niên từng là cán bộ tiền khởi nghĩa, lại đảm nhiều chức trọng (Chủ tịch các huyện rồi Phó chủ tịch, Phó bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh nhiều năm...) mau mắn mẫn tiệp lại cùng huyện gần làng Sóc Sơn, Biện Thượng nơi phát tích của các chúa Trịnh như cụ Bích làm vị tộc trưởng họ Trịnh, nghe chừng phải quá đi còn gì?

Nhớ lần cận ngày họp họ Trịnh, đêm ấy nghỉ lại ở huyện gần như trắng cả đêm, mấy anh em viết lách chúng tôi được hầu chuyện cụ Bích. Do công việc từng ăn cùng mâm ngủ gần giường không ít các quan chức thời nay, trong đó có nhiều vị là bí thư chủ tịch hàng huyện hàng tỉnh, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng cái thời cụ Bích làm quan với thời nay, ai vất vả hơn ai nhỉ?

Cụ Trịnh Ngọc Bích trong lần khởi công khu lăng mộ Thành Tổ triết vương Trịnh Tùng . Ảnh: X.B.

Cái thời túng đói bao cấp, thảng hoặc đi cơ sở, bữa ăn thân tình dọn ra có đĩa thịt gà cầm đũa cứ thấy chờn chợn? Sợ gì? Chả biết! Nhưng cái mùi sắn khô hấp trên những hạt cơm cõng lổn nhổn những củ dong riềng trong những bữa ăn của dân nó cứ ám cái lứa cán bộ xứ Thanh thời ấy hằng bao năm như thế mất rồi! Chài chãi chai đít đạp xe đi cơ sở. Họp hành thâu đêm.

Triển khai dằng dặc ráo tiết các nghị quyết. Những sợi dây kinh nghiệm rút hết năm này sang năm khác mà vẫn chưa tìm ra bí quyết để dân no? Sáng hôm sau, cụ Bích chỉ cho chúng tôi anh cán bộ huyện cùng đi đương dùng điện thoại di động điều hành công việc với một ông chủ tịch xã. Lại ngồi chuyện cà kê với mấy chị thanh nữ bít bùng khăn khố tránh nắng đi làm đồng bằng xe máy...

Chưa dư dả hay sung túc gì, tóm lại là miếng ăn không còn là thúc bách khốn khổ như ngày trước. Đã yên hàn, bặt vắng đạn bom nhưng sao lòng người bây giờ vẫn thiếu vắng đi cái thanh thản bình tĩnh? Đó là câu hỏi và cũng là vấn đề mà cụ Bích bộc bạch với các hội viên trong một lần sinh hoạt Câu lạc bộ Hàm Rồng của Thanh Hóa mà cụ làm Chủ nhiệm. CLB Hàm Rồng tuyền những cán bộ trung cao cấp về hưu của xứ Thanh như CLB Thăng Long ở Hà Nội.

Trở lại đêm ngủ ở huyện, cụ Bích bộc bạch thời điểm cụ ở cương vị phụ trách công tác Đảng của Đoàn Chuyên gia Việt Nam ở Campuchia. Với phương châm “Giúp bạn là giúp mình”, “Ta giúp bạn làm, ta cùng bạn làm và bạn làm ta giúp”. Phương châm là thế nhưng tất phải bắt đầu từ con số không mà bọn Ponpot diệt chủng đã tàn phá tan hoang. Cán bộ chuyên gia đã nỗ lực hết mình.

Từ việc rà phá bom mìn đến củng cố cán bộ cơ sở. Về nông nghiệp, nghe chuyện cụ Bích, tôi mang máng hình như chuyên gia ta không máy móc bê nguyên xi những kinh nghiệm lỗi thời? Nhất là khi ấy bài học về khoán hộ về những tín hiệu khởi sắc của Chỉ thị 100 đương lấp ló ở các vùng nông thôn miền Bắc? Một chuyện lạ nữa của cụ Bích mà tôi chưa nghe thấy ở đâu.

Đó là thời gian cụ Bích làm Chủ tịch Thanh Hóa, ở một vùng quê thuộc huyện Yên Định, Thanh Hóa cấp trên đã giao cho Thanh Hóa tổ chức một trường đào tạo cán bộ cho nước bạn Campuchia. Gọi tắt là Trường C. Nhiều cơ quan, cán bộ trong tỉnh về nhiều lĩnh vực đã bỏ nhiều công sức phối hợp với Trung ương tổ chức trường cũng như thời gian huấn luyện. Rất nhiều cán bộ CPC từ trường này đã lần lượt trở về nước sau thời điểm 7/1/1979. Nhiều học viên của Trường C, sau này là những cán bộ cao cấp và chủ chốt của đất nước chùa Tháp.

Gánh trách nhiệm trưởng tộc họ Trịnh Việt Nam, danh dự nhưng cụ thực việc. Cụ chia lòng chia trí ở cả việc hữu hình và vô hình. Cụ rất biết cách khơi dậy nguyên lý: Trăm nhà họp nên họ, trăm họ góp nên nước. Sự độc đáo niềm tự hào của mỗi dòng họ là bản sắc chung của nước Nam ta! 

Lần ấy ngồi với các ông trưởng họ Trịnh ở các tỉnh thành, cụ Bích dặn đi dặn lại phải khắc phục chuyện lấy cái áo tổ chức họ để mặc cho lợi ích phường hội.  Chức tước không được tập trung và vun quén cho những người trong họ tộc với nhau. Và nữa, chớ coi họ này bé, họ kia lớn.

Riêng tôi, hóa ra nhờ được cụ sai bảo đâm sáng ra lắm thứ! Chẳng hạn chuyện các dòng họ ở Việt Nam ta có tự bao giờ? Chuyện ấy nếu không chú ý dễ nhãng quên. Nhưng cụ Bích đã chỉ thị thẳng cho tôi phải hỏi hộ cụ việc này. Và tôi đã quấy phiền nhà sử học Dương Trung Quốc và vinh dự được bạch lại với cụ Bích đại ý, có lẽ đến nhà Tiền Lý thì các dòng họ Việt Nam bắt đầu xuất hiện.

Vì từ thời kỳ Lý Bí, sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17/10/503), đã ghi rõ họ và tên trong gia đình: Bố là Lý Toàn, Trưỏng bộ lạc; mẹ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu (Thanh Hóa). Trước thời kỳ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, xã hội Việt Nam còn ở thời kỳ công xã nguyên thủy, thời kỳ mẫu hệ, con đẻ ra phụ thuộc vào mẹ là chính. Thời ấy, văn hóa Việt Nam chưa phát triển. Chúng ta chưa có chữ viết; nếu có thì chữ viết cổ của Việt Nam cũng không tồn tại. Do đó, sẽ không có cơ sở khoa học để xác định dòng họ được lưu truyền như thế nào?

Cũng cần lưu ý thêm, ngoài người Kinh, cộng đồng dân tộc Việt Nam có trên 50 dân tộc anh em. Trong những dân tộc thiểu số này, người Mường là một trong những dân tộc Việt cổ nhất và gần người Kinh nhất. Trước Cách mạng Tháng Tám, trừ tầng lớp quý tộc Lang, Đạo của người Mường có tên dòng họ riêng, còn đại bộ phận người Mường đều chỉ có chung một họ, là họ Bùi.

Mặc dầu những người này sống chung trong một thôn, một bản, nhưng không có quan hệ huyết thống. Ngoài ra, dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị là một thí dụ điển hình về dân tộc Việt Nam không có họ. Trong kháng chiến chống Pháp (sau năm 1945) người Vân Kiều lấy họ Hồ (họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) là họ chung cho dân tộc mình, để nêu lên ý chí quyết tâm của dân tộc Vân Kiều quyết theo Cụ Hồ đi đánh giặc Pháp.

Như vậy có thể nói, thời kỳ xuất hiện các dòng họ ở Việt Nam hiện nay chưa được xác định. Đây chính là một vấn đề tồn tại trong việc nghiên cứu lịch sử các dòng họ ở Việt Nam.

Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác các dòng họ ở Việt Nam. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu người Pháp, Pierre Gourou (năm 1930)  thì ở Việt Nam có 202 dòng họ. Tôi cũng đem về trình cụ Bích cuốn của nhà phả học lớn nhất Việt Nam Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (cuốn Gia Phả - Khảo Luận và Thực Hành  xuất bản trước năm 1975 ở Sài Gòn) ước tính khoảng gần 300 họ. Gần đây, theo số liệu đăng ký ở Hội các Dòng họ Việt Nam thuộc tổ chức UNESCO - Việt Nam, và thống kê sơ bộ ở các địa phương thì dòng họ ở Việt Nam cho đến nay khoảng 209 dòng họ.

Số liệu này vẫn có thể chưa chính xác. Tuy nhiên, cũng có thể sơ bộ nhận định rằng, sai số chủ yếu là số lượng các dòng họ thuộc các dân tộc thiểu số, do điều kiện địa lý và hoàn cảnh xã hội chưa có thể thống kê hết. Còn số lượng các dòng họ của dân tộc Kinh ở Việt Nam cũng chỉ trên dưới 180 dòng họ.

So với dòng họ ở các nước trên thế giới, số dòng họ ở Việt Nam không nhiều? Theo tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Phan Văn Các (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) thì ở Trung Quốc hiện nay có 926 dòng họ, ở Hàn Quốc có 274 họ, nước Anh có 16.000 họ. Nhiều nhất thế giới là Nhật Bản với 100.000 họ.

Việt quốc đại trường tồn. Trịnh gia lưu bất tận. Lại có câu Quang tiền dụ hậu. Đời trước mở mang khai sáng, đời sau bồi đắp. Những đóng góp của họ Trịnh với Đại Việt với đất nước từng được lớp hậu thế như cụ Bích củng cố, tôn bồi. Dịp họp họ 18/2 âm lịch này vắng cụ Bích thấy cảm thương thêm cho những tất tả của con cháu họ Trịnh, trong đó có ông Trịnh Hưng đương gánh chức Chủ tịch Hội đồng họ Trịnh Việt Nam phải lo lắng tiếp những việc mà cụ Bích từng đau đáu lúc sinh thời.

Đó là sơ bộ thống kê dân số họ Trịnh cùng các chi phái. Mở mang tôn tạo Di tích Lịch sử quốc gia Phủ Trịnh cùng việc xây mới khu lăng mộ Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng nhà nước khởi công năm ngoái nhưng vẫn để đó chưa có tiền!

Xuân Ba
.
.