Vua Abdullah bin Abdul Aziz al Saud ở Arab Saudi:

"Vàng đen" tối thượng

Thứ Năm, 18/11/2010, 16:00
Trong danh sách mới nhất của Tạp chí Mỹ Forbes về 68 nhân vật đang được coi là có quyền lực nhất thế giới hiện nay, nhà vua  Arab Saudi, Abdullah bin Abdul Aziz al Saud được xếp ở vị trí thứ ba, trên cả Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Giáo hoàng Benedict XVI. Ông chỉ phải đứng sau Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Vua Abdullah được Tạp chí Forbes mô tả là "người trị vì tối cao của quốc gia ở sa mạc nắm giữ nguồn trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới và hai nơi linh thiêng nhất của Hồi giáo".

Giàu lên nhờ dầu

Tháng 3/1938 tại Arab Saudi đã phát hiện được những mỏ dầu khổng lồ đầu tiên. Tuy nhiên, do chiến tranh thế giới thứ hai nên việc khai thác dầu mỏ trên quy mô công nghiệp chỉ được triển khai từ năm 1946 và tới năm 1949 tại đây đã hình thành một nền công nghiệp dầu mỏ hoạt động rất hiệu quả. Dầu mỏ đã trở thành  nguồn thu chính yếu của đất nước, động lực chính cho Arab Saudi trở nên thịnh vượng và cực kỳ giàu có.

Có thể nói rằng, toàn bộ nền kinh tế Arab Saudi phải dựa trên công nghiệp dầu mỏ, mới đây còn chiếm tới 45% GDP. Việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ mang lại nguồn thu chiếm tới 75% ngân sách nhà nước và 95% lượng hàng xuất khẩu. Mỗi một ngày đêm ở Arab Saudi khai thác tới gần 8 triệu thùng (barrel) dầu thô mà từ đó, các nhà máy lọc dầu của quốc gia Arab này làm ra tới gần 1,8 triệu thùng xăng.

Lượng dầu mỏ đã thăm dò được ở Arab Saudi hiện ở mức 260 tỉ thùng, bằng khoảng 24% lượng dầu mỏ hiện có thể khai thác được trên toàn cầu. Và một điều quan trọng nữa là, liên tục những mỏ dầu mới được phát hiện thêm giúp cho tiềm lực của Arab Saudi không ngừng gia tăng, trái ngược với đại đa số đang xuất khẩu dầu mỏ hiện nay. Cũng chính vì thế nên Arab Saudi đang có vị trí then chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), liên minh gần như đang là "chủ xị" trong việc xác lập giá dầu mỏ lên xuống trên trường quốc tế.

Về chính trị, Arab Saudi tiếp tục vẫn là một trong những quốc gia có vị thế nổi bật nhất trong thế giới Arab. Trị vì một đất nước như thế, hiển nhiên vua Abdullah xứng đáng được Tạp chí Forbes đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo quốc gia có quyền lực lớn nhất thế giới hiện nay. Cư dân ở đây cũng luôn tự hào về mức sống rất cao của mình và hiện nay gắn những thành tựu đã đạt được với tên tuổi nhà vua.

Nhà vua là nhân vật trung tâm trong hệ thống chính trị ở Arab Saudi. Nhà vua vừa là thủ lĩnh tôn giáo (Iman), vừa là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Ông cũng là người có tiếng nói cuối cùng trong hoạt động của tòa án Arab Saudi, mặc dù về hình thức, ông không phải là người quyết định luật pháp, vì trong thế giới Hồi giáo cho tới nay vẫn tồn tại quan niệm cho rằng, mọi đạo luật đã được ghi chép sẵn trong bộ Shariat vốn được coi là "khuôn vàng thước ngọc", chứa đựng những lời phán tội bất di bất dịch, không bao giờ bị xét lại.

Đường đi nhiều gai

Vua Abdullah sinh ngày 1/8/1924 tại Riyadh. Cha ông là vị vua đầu tiên của vương quốc Arab Saudi, Abdel Aziz.  Abdel Aziz sau nhiều năm tranh đấu kiên trì và không phải không khốc liệt đã liên kết được vùng lãnh thổ xung quanh thành phố Riyadh thành một quốc gia và ngày 23/9/1932 đã tuyên bố thành lập vương quốc Arab Saudi.

Mẹ vua Abdulah, hoàng hậu Fahda, là người vợ thứ 8 của cha ông. Bà là người thuộc tầng lớp tinh hoa trong bộ tộc Shammar. Hoàng hậu Fahda chỉ có một con trai duy nhất và hai cô con gái với vua Abdel Aziz. Ngoài Abdullah bin Abdul Aziz al Saud, nhà vua Abdel Aziz còn có 43 người con trai nữa. Ông cũng có tới 45 bà vợ…

Thuở nhỏ, hoàng tử Abdullah đã được truyền thụ vốn văn hóa tôn giáo truyền thống trong cung đình và cũng đã được tiếp thu nhiều kiến thức đời thường ở trường học bên ngoài. Tuy nhiên, ông không có bằng đại học. Hoàng tử Abdullah đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cha mình ngay từ tấm bé và tiếp thu lòng tôn kính đối với các truyền thống của đạo Hồi và tình yêu đối với lịch sử đất nước cũng như di sản văn hóa của các thế hệ đi trước.

Từ lúc còn rất ít tuổi, Abdullah đã dành nhiều thời gian để sống trong sa mạc giữa những điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt của dân Bedouin (những người Arab du mục) với truyền thống trọng nghĩa khinh tài và luôn đặt lên trên hết những khái niệm như danh dự, sự hào phóng và lòng dũng cảm dám vượt qua mọi khó khăn bất trắc.

Lớn lên, hoàng tử Abdullah từng làm thị trưởng thánh địa Mecca và Thứ trưởng Quốc phòng. Từ năm 1962, nhà vua Faisal (một người anh em cùng cha khác mẹ với ông, trị vì trong giai đoạn từ năm 1964 tới năm 1975) đã phong hoàng tử Abdullah làm Tư lệnh Vệ binh Quốc gia, lực lượng quân sự phải thực hiện những nhiệm vụ giáo dục khai sáng, được thành lập từ hậu duệ của những người ủng hộ nhà vua Abdel Aziz. Hoàng tử Abdullah đã biến tổ chức này thành một hệ thống quân sự được trang bị vũ khí khí tài hiện đại. Trong những năm từ 1975 tới 1982, ông là Phó Thủ tướng thứ hai của Arab Saudi.

Từ năm 1982 tới năm 2005, Abdullah bin Abdul Aziz al Saud là thái tử thừa kế kiêm chức Phó Thủ tướng Thứ nhất. Năm 1995, ông lần đầu tiên đã phải nếm mùi thế nào là phe đối lập: sau khi nhà vua Fahd (cũng là một người anh cùng cha khác mẹ với ông) bị đột qụi và ông khi thực thi nhiệm vụ trị vì đất nước trong hai tuần đã phải đưa ra lệnh cấm các thành viên hoàng tộc (đông tới gần 7.000 hoàng tử và công chúa) sử dụng công quỹ.

Rốt cuộc là nhóm Sudairi vì sợ mất những đặc quyền của mình đã gây sức ép mạnh mẽ đối với nhà vua Fahd nên nhà vua này đã phải thu lại ấn kiếm từ tay Abdulah. Tuy nhiên, từ năm 1996, Abdulah đã là người cai quản Arab Saudi trong thực tế sau khi vua Fahd bị đột qụi nặng hơn và không thể thực hiện được chức phận của mình.

Tháng 8/2005, nhà vua Fahd tạ thế, Hội đồng hoàng gia theo đúng điều thứ năm của Luật Hồi giáo đã bầu vị thái tử 82 tuổi Abdullah bin Abdul Aziz al Saud lên làm vua. Như vậy ông là vị vua thứ sáu trong lịch sử vương quốc Arab Saudi.

Mềm dẻo cải cách

Sau khi làm lễ đăng quang ngày 1/82005, vua Abdullah đã lựa chọn ngay người làm thái tử thừa kế. Đó là người em trai cùng cha khác mẹ của ông, đại diện cho bộ tộc Sudairi, hoàng tử Sultan Abdul Aziz, Bộ trưởng Quốc phòng và Không quân từ năm 1962, Tổng thanh tra Hoàng gia. Cử chỉ này của ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố khối đoàn kết nội bộ hoàng gia.

Abdullah bin Abdul Aziz al Saud được coi như một vị vua chủ trương tuân thủ nghiêm ngắn nếp sống khắc kỷ của dân Bedouin, luôn ủng hộ tinh thần đoàn kết Arab và nhiệt thành bảo vệ đạo Hồi. Ông tiến hành chính sách bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

Trong chính sách đối ngoại, ông ngay từ khi mới chỉ là hoàng tử đã không chỉ một lần đứng ra làm trung gian hòa giải các vụ việc mâu thuẫn nội bộ trong thế giới Arab. Năm 1984, ông đã ủng hộ việc rút binh lính Syria ra khỏi Lebanon và yêu cầu lính thủy đánh bộ Mỹ cũng phải rút chân ra khỏi khu vực này…

Trong nhiều năm qua, vua Abdullah liên tục phê phán thái độ ủng hộ của Washington đối với quốc gia Do Thái Israel. Ông từng kêu gọi tẩy chay Ai Cập sau khi nước này ký thỏa thuận Trại David với Israel năm 1979. Tuy nhiên, năm 2002, cũng chính ông đã trở thành tác giả của cái gọi là Sáng kiến hòa bình Saudi với đề nghị ký hiệp định hòa giải giữa Israel với tất cả các nước Arab khác với điều kiện quốc gia Do Thái phải rút khỏi toàn bộ vùng lãnh thổ của Palestine, Syria và Lebanon mà họ đã chiếm đóng.

Sáng kiến này đã nhận được sự đồng tình trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn các quốc gia Arab vào những năm 2002 và 2007. Tuy nhiên, cho tới nay Israel vẫn chưa trả lời một cách chính thức đối với sáng kiến này của Liên đoàn các quốc gia Arab.

Trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Abdullah bin Abdul Aziz al Saud đã bộc lộ thái độ không đồng tình với chính sách ủng hộ  sự hợp tác với Washington của vua Fahd. Ông chủ trương xích lại gần với IranSyria. Tuy nhiên, cũng trong năm 1991, ông vẫn ủng hộ Ai Cập đưa ra đề nghị các nước Arab ngừng tẩy chay Israel với điều kiện rút quân đội Israel ra khỏi lãnh thổ Palestine…

Năm 2002, khi vẫn còn là thái tử, Abdulah đã đưa ra sáng kiến đề nghị thế giới Hồi giáo công nhận nhà nước Israel, nếu quốc gia Do Thái đồng ý trở lại với đường biên giới từng tồn tại trước năm 1967.

Ngày 22/1/2008, nhà vua Abdullah bin Abdul Aziz al Saud đã ra sắc lệnh cho phép phụ nữ được nghỉ tại khách sạn mà không cần có người thân là đàn ông hộ tống. Trước đó, phụ nữ ở Arab Saudi bị cấm tự mình đi thuê phòng ở khách sạn. Theo quy định mới, phái yếu Arab Saudi từ nay có thể làm việc này nếu trình ra chứng minh thư có kèm ảnh. Tuy nhiên, nhân viên ở khách sạn phải thông báo với cảnh sát về những sự việc như thế.

Cũng kể từ sau khi lên ngôi, nhận thức tình hình quốc tế một cách tỉnh táo hơn, vua Abdullah đã tiến hành chính sách xích lại gần hơn với Washington. Ông đã ủng hộ những nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố sau tấn thảm kịch ngày 11/9/2001. Ông cũng đã cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ Arab Saudi làm nơi tập trung quân để tiến hành cuộc chiến tranh lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq

Sau sự kiện 11/9, khi biết về việc 15 tên khủng bố trong số phần tử đã cướp máy bay là các công dân Arab Saudi, thái tử thừa kế Abdullah đã hứa hẹn sẽ triệt tận gốc tất cả các nhóm cực đoan trên lãnh thổ Arab Saudi.

Áp lực từ phía Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đối với Arab Saudi đã gia tăng tới mức tại nước này đã bùng nổ những vụ việc hỗn loạn, buộc Abdullah bin Abdul Aziz al Saud phải mạnh tay ra lệnh bắt giam hoặc tiêu diệt hàng chục những tên đầu lĩnh quân sự của các tổ chức cực đoan.

Lên ngôi rồi, Abdullah bin Abdul Aziz al Saud đã tuyên bố tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố và nói:

- Arab Saudi sẽ chiến đấu chống khủng bố quốc tế, chúng tôi sẽ tiêu diệt các phần tử khủng bố và tất cả những ai khích lệ hay dung túng cho chúng trong 10, 20 hay 30 năm, một khi điều này cần thiết để chiến thắng chúng…

Đời riêng xông xênh

Vua Abdullah mê xem thi lạc đà và săn chim ưng. Ông cũng rất thích nuôi các giống ngựa quý, tự tay mình săn sóc các loài ngựa Arab và lập ra một câu lạc bộ đua ngựa thể thao.

Ông là một trong những nhân vật trong làng lãnh đạo được coi là giàu nhất thế giới mà Tạp chí Forbes lập nên. Gia sản của ông ước tính ở mức 25 tỉ USD

Hoàng Phong
.
.