“Vân tay” Đào Hải Phong

Thứ Ba, 27/09/2016, 07:42
Đào Hải Phong phục trang sành điệu, râu và ria được chăm sóc chỉn chu, ngồi giữa bàn tiệc ly rượu cầm tay nhấp môi rồi cũng lại khẽ khàng đặt xuống, dường như chẳng đoái hoài bận rộn đến những ồn ào tranh cãi chung quanh.

Kiệm lời từ tốn, dẫu Phong vẫn có cái tướng tinh át vía được những người thường tình nhiều ẩn ức. Y như hội họa của mình, cần thể hiện thì đã biểu hiện ra bằng ngôn ngữ tạo hình xem là thấy nhìn là ra, không lẫn lộn giữa những xô bồ tạp nham bát nháo, Đào Hải Phong đã xác định riêng được một cá tính nghệ thuật dị biệt, và may mắn là cái dị biệt ấy lại rất dễ xâm chiếm cảm xúc của số đông, nhẩn nha đi vào lòng người...

1. Mùa thu, Hà Nội đương dưng đẹp trong những ngày tiết trời xao xác đến hiếm hoi, Đào Hải Phong một mình thơ thẩn ở xưởng vẽ nằm trọn trong căn hộ tầng 5 khu tập thể nhuốm mùi bao cấp. Anh chắc thừa tiềm lực tài chính để có thể tậu cho mình không gian to đẹp hơn, tiện lợi hơn làm nơi chốn sáng tác, nhưng cũng chắc bởi tại ngôi nhà này cầu thang này con phố này, cả những ký ức này đã gắn với anh đến thành thân thuộc để không nỡ tách rời. 

Căn hộ của cha - NSND Đào Đức - dành cho Phong, theo anh suốt thời giai trẻ, nơi nhắc nhớ về những tháng năm sinh viên, về bạn bè và những ước mơ hoài bão của thuở chập chững những bước đi đầu tiên trong hành trình nghề nghiệp. 

Là con trai một họa sỹ điện ảnh lão làng, Đào Hải Phong chọn học Trường Sân khấu - Điện ảnh như lẽ đương nhiên, không cần toan tính nhiều. Cùng trường cùng khoa cùng học với Lê Thanh Sơn, Lê Thiết Cương..., Phong luôn giữ trong nỗi nhớ mình sự trầm trồ thán phục vì các bạn anh vẽ tranh từ sớm lắm, bán được tranh cũng sớm lắm. 

Kiểu sáng ra thấy Lê Thanh Sơn rút bao thuốc lá 3 số 5 ra mời, một sự đắt giá hiếm hoi của giai đoạn thứ gì cũng thiếu, Phong trố mắt: “Cậu sang thế, mình chỉ Sông Cầu thôi”, Sơn bình thản “vừa bán được tranh”, rồi ở gallery quen, những gallery đầu tiên của Hà Nội đang háo hức mở cửa, vài ngày lại qua đã thấy chỗ treo tranh của Sơn bỏ trống rồi.

Hay Phong bảo lúc tranh anh mới dè dặt bán chừng 300 đô, thì Lê Thiết Cương đã quay sang “ông đếm hộ tôi”, một tập tiền dày cộp 9.500 đô cho một bức tranh của Lê Thiết Cương độ ấy. 

Phong hào hứng ngoặt sang kỷ niệm với vẻ ngưỡng mộ thích thú dành cho bạn bè, tịnh không chút gì vấn vương sự tỵ hiềm hay ganh ghen thường tình dễ mắc phải. Có lẽ giữ được tâm thế hồn hậu, bình thản nên số phận đã luôn mỉm cười với Đào Hải Phong, và thần may mắn lúc nào cũng hào phóng gọi tên anh...

Phong ẩn sau vẻ tay chơi thời thượng là sự điềm đạm, điềm đạm trong nội tâm nổi loạn, sự nổi loạn của gã trai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, luôn tự nhủ mình là con nhà nòi con nhà có giáo dục, để buộc mình phải giữ cái căn cốt sâu xa. 

Ngày tốt nghiệp ra trường về hãng phim, đã từng theo các đoàn phim làm họa sỹ thiết kế, thậm chí có lần “nhẹ dạ” đóng phim, vai một công tử bị phụ tình trong Số đỏ, kiểu chàng nhà giàu gia giáo bị gã lưu manh mới nổi Xuân tóc đỏ nẫng tay trên người yêu đầy oan ức, tập tành vẽ, để chơi thôi... 

Tình cờ sao đó, họa sỹ người Pháp trong đoàn phim Đông Dương thấy được bức tranh in trên Báo Quân đội Nhân dân, hỏi Phong “Của mày à”, nằng nặc đòi xem bản chính, nhất định đòi mua, rút tiền ra trả đâu 100 đô. Lần đầu bán được tranh, lần đầu  tận mắt thấy tờ đôla, Phong bốc đồng rủ cả người mua cả bạn bè đi uống rượu tới nửa đêm, trả một phát gần hết số tiền lần đầu tiên ấy. 

“Cú sốc” choáng ngợp khích lệ tinh thần, khiến Phong tập trung hơn cho hội họa giá vẽ, rõ ràng hơn về tương lai sự nghiệp của mình. Ảnh hưởng từ cha, hoặc thiên tính vừa hướng nội vừa nổi loạn ngầm, ngay thuở ban đầu, Đào Hải Phong đã ý thức về cái tôi khu biệt của mình, ý thức về cá tính, sự độc đáo, không bao giờ muốn biến mình thành bản sao của bất cứ ai. 

Một trong những tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Đào Hải Phong.

Có lẽ thế, gần 30 năm làm nghề, hội họa Đào Hải Phong luôn là một sự nhất quán với chính anh, bất cứ những tìm tòi làm mới nào cũng chỉ phô diễn con người anh, bản năng anh, tâm tưởng anh, cái mã nguồn người Việt trong anh mà không để bị tác động bởi những xu thời hay phong trào gì đó. 

Kể cả lúc những người bạn quanh mình bán tranh ào ạt, Phong cũng kệ, sự tự trọng bản thân, tự trọng nghề nghiệp buộc anh tránh xa những bắt chước, và sự cứng đầu mình cứ là mình đã thúc đẩy anh trở thành một Đào Hải Phong của ngày hôm nay, một họa sỹ thành công cả về mặt thị trường lẫn cái tôi cá nhân mạch lạc rõ ràng trong nghệ thuật... 

Phong có bản lĩnh và sự kiên định, điều mà các họa sỹ bây giờ đang cần trau dồi tu dưỡng, để tránh những sốt ruột gấp gáp rồi lại thành ra bộp chộp vội vàng mờ nhạt.

2. Có một dạo, Đào Hải Phong nằm trong số những họa sỹ bị copy sao chép nhái tranh hàng đầu trên thị trường. Các gallery (nổi tiếng) cũng chủ động làm giả tranh anh để bán.

Có lần họa sỹ Đinh Quân đùa, Đào Hải Phong mà chết đi, những người làm tranh giả chắc phải lập miếu thờ tạ ơn anh đã tạo công ăn việc làm cho họ. Bức xúc tranh đấu mãi rồi cũng thôi, Phong kệ, kiêu hãnh vì mình là hình mẫu của sự bắt chước, tiếp tục tìm về những ôn hòa tĩnh tâm cho ngày rộng tháng dài. 

Trong anh dường như chất chứa rất nhiều mâu thuẫn, và những mâu thuẫn ấy biểu hiện rờ rỡ trên toan, để mỗi bức tranh toát ra những xúc cảm dịu dàng, sự ấm áp lãng mạn và thẳm sâu nỗi buồn da diết, nhưng lại qua một bảng màu chói chang mãnh liệt. 

Phong là cá tính dễ nhận ra của hội họa, anh xác lập cho mình con đường riêng, và nói như họa sỹ Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong đã tạo ra một khuynh hướng, điều mà bất cứ nghệ sỹ sáng tác nào cũng ao ước tìm tòi, dù không phải ai cũng thành công, được tổ đãi.

Một trong những tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Đào Hải Phong.

Mỗi con người đều có bộ gen riêng không trùng lắp, một bộ gen được mã hóa là duy nhất. Mỗi cá nhân cũng có một vân tay, hàng tỷ triệu con người có hàng tỷ triệu vân tay khác nhau, hội họa Đào Hải Phong chính là vân tay của anh, bản sắc của anh, và có bị làm hàng copy sao chép thì cũng luôn là những phiên bản máy móc, sản xuất hàng loạt, bởi không thể in dấu trong đó hồn cốt cá nhân của một con người. 

Tranh Phong ít xuất hiện người, thỉnh thoảng chơi chơi thì tự họa mình, hoặc vẽ chân dung vợ, hoặc điểm xuyết vài vóc hình liêu xiêu mờ ảo, nhưng lạ một điều là cứ thấy ở sâu trong những bức sơn dầu đập vào thị giác người xem ấy, là những con người đang suy tư trong nếp nhà của mình, đang đọc sách, nghe nhạc, đang quây quần bên mâm cơm gia đình buổi chiều muộn hay thở dài vì một mối lo chưa hóa giải được trong đời.   

Có một sự nghiệp rờ rỡ, một lượng fan hâm mộ khổng lồ, Đào Hải Phong bình thản cho rằng, điều mà anh tự thấy mình đạt được, chính là treo ở đâu trưng bày ở đâu, người ta cũng nhận ra anh đến từ Việt Nam.

Có lúc giữa những khu trưng bày ở nước ngoài, giữa những đồng nghiệp nhiều quốc gia nhiều danh tiếng, lùi lại ngắm tranh mình, Phong tự tin vì không lẫn đi đâu, mình trong đám đông rõ ràng là một “anh Lý toét”, một người Việt gen Việt vân tay Việt không lạc loài khó lẫn với số đông. 

Chiêm nghiệm cứ Việt Nam, đi đến tận cùng văn hóa Việt Nam thì sẽ ra được thế giới, chinh phục được số đông, Đào Hải Phong vẫn trước sau cho sự lựa chọn, và hạnh phúc tận hưởng sự thành đạt cá nhân. 

Tự tin tuyệt đối về mình, anh càng ngày càng bình thản, không chấp nê câu nệ những thị phi tị hiềm lẩn khuất đâu đây, mặc kệ toan tính của người đời, vẫn thung thăng trên con đường mang tên mình, mang khuôn mặt của số phận mình. 

Phong thừa hiểu vị trí của anh, giá trị của anh và cũng thừa hiểu thấy vậy mà chưa hẳn đã vậy, có to có khỏe thì vẫn cứ là con trắm con trôi, đủ tinh lực hóa rồng vượt vũ môn chỉ có thể là con chép tràn trề nội lực.

Đào Hải Phong có một fan hâm mộ đặc biệt, một người trẻ tây học kiến thức đầy mình, hiểu anh và hội họa của anh hơn cả những nhà phê bình uy tín, một người luôn nhắc kể về anh với sự vì nể không giấu giếm. 

Và có thể, ở đâu đó trên trái đất này, anh còn thêm nhiều những fan hâm mộ như thế, những người chắt chiu tiền túi ra sưu tầm tranh anh, săn đón từng tác phẩm của anh, nâng niu gìn giữ như một giá trị tinh thần khó tính đếm. Và cũng vì, Đào Hải Phong đã là một con đường, nên anh hạnh phúc đi trên con đường ấy, mặc kệ những người đời lẽo đẽo theo sau...

Ngô Hương Sen
.
.