Ước mơ của ông "vua" bò cạp

Chủ Nhật, 13/02/2005, 08:28

Từ hơn 10 năm qua có một người đã âm thầm nghiên cứu, sưu tầm và nuôi dưỡng loại côn trùng quý hiếm này những mong một ngày nào đó có thể biến bò cạp trở thành một loài có ích cho đời sống. Song, do không có kinh phí để nghiên cứu, cộng với bao bất lợi, khó khăn khiến "tình yêu" của ông với con bò cạp thành dang dở, cùng một ước mơ không thể hoàn thành.

Ông là PGS.TS. Lê Xuân Huệ hiện làm việc tại Phòng Phân loại Côn trùng (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật). Từng công tác nghiên cứu và tiếp xúc với nhiều loại côn trùng khác nhau ngay từ những ngày đầu mới ra trường (1976), nhưng phải mãi đến năm 1991, PGS.TS. Lê Xuân Huệ mới bắt tay vào tìm hiểu về bò cạp. “Hồi đó, bò cạp chưa được các nhà sinh vật biết tới nhiều nên ban đầu khi trình đề tài nghiên cứu, chúng tôi gặp không ít khó khăn, phải trình lên, trình xuống 5-7 lần mới được Viện phê duyệt cho nghiên cứu ở cấp thử nghiệm” - ông Huệ cho biết. Sau khi nhận đề tài, ông cùng đồng nghiệp chỉ nhận được số kinh phí ít ỏi 1 triệu đồng để đi sưu tầm và bắt bò cạp. Do thấy quá ít tiền, nên GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu (khi đó là Viện trưởng), đã phải cho đoàn nghiên cứu thêm 500.000 đồng tiền riêng của ông.

Từ hành trình đi tìm bò cạp…

Địa điểm đầu tiên mà ông Huệ cùng đoàn nghiên cứu đặt chân tới là vùng rừng núi Mộc Châu (Sơn La) với hy vọng nơi đây sẽ có nhiều bò cạp trú ngụ, bởi cho tới thời điểm đó vẫn chưa có ai biết được bò cạp thường sống ở những nơi nào. Ông kể lại: “Chúng tôi rất mù mờ về chúng. Cả tháng đầu tiên, chúng tôi chỉ có đi và đi, cả đoàn phải đào từng hốc cây, rạch từng vỏ cây khô để tìm bò cạp, nhưng sau hơn một tháng vẫn vô vọng, chẳng có một con bò cạp nào xuất hiện giữa bầy côn trùng đông đúc. Đi mãi, cuối cùng cũng bắt được một vài con bò cạp đen, nhưng do số lượng quá ít, chỉ đủ làm mẫu để xem, đoàn đành quay về Hà Nội xác định lại vùng có bò cạp sinh sống.

Hơn 2 tháng trời lăn lộn khắp vùng rừng núi Sơn La mà không thu được kết quả gì, nhiều người đã chán nản, bi quan và bỏ cuộc giữa chừng, bản thân lãnh đạo Viện cũng hết sức “lo ngại” cho đề tài này, có một mình ông Huệ vẫn cặm cụi tiếp tục nghiên cứu. Và rồi, qua tài liệu đọc được, ông đã nhận ra một điều rằng bò cạp là loài ưa khí hậu nóng, không sống được ở xứ lạnh như các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Ngay lập tức, ông tập hợp đoàn nghiên cứu, tiến hành “Nam tiến” để bắt bò cạp. Vùng tiếp theo mà đoàn xác định là vùng phía tây Nghệ An, Hà Tĩnh, vì đây vốn được coi là mảnh đất khá lý tưởng cho các loại côn trùng ưa khí hậu nóng.

Rồi, kết quả cũng đã tới, những con bò cạp đầu tiên đã được tìm ra, đó là một loại bò cạp nâu vốn từ trước tới nay chỉ có ở vùng châu Phi xa xôi. Tuy nhiên, tỉ lệ phân bố bò  cạp ở đây vẫn còn quá thấp so với nhu cầu thực tế cần nghiên cứu, ông Huệ đành phải chuyển hướng vào tận các tỉnh miền Nam xa xôi với điểm đến là tỉnh Sông Bé (Bình Phước ngày nay), bởi ở đây có rất nhiều rừng nguyên sinh, đặc biệt là cây kơnia. Trên chuyến xe ông tình cờ gặp một thanh niên, người này đã giới thiệu cho ông các địa điểm tìm kiếm bò  cạp. Như vớ được vàng, ông đã theo người thanh niên đó lặn lội tìm đến tận các xã Tân Lợi, Tân Hòa, Tân Hưng... thuộc huyện Đồng Phú (Bình Phước). Quả nhiên, bò  cạp ở đây nhiều đến nỗi bắt không xuể. Ông nhớ lại: “Lúc đầu không quen, nên việc bắt bò  cạp gặp rất nhiều khó khăn bởi chỉ sợ nó chích. Bản thân tôi cũng bị bò cạp chích không dưới 10 lần và đã có lần nhiễm độc, lên cơn sốt rất cao, nhưng sau thì cũng quen”.

Đến những ngày “ăn bò cạp, ngủ bò cạp”

Ngay sau khi thu thập được hàng nghìn con bò cạp (gồm cả bò cạp nâu và bò cạp đen) về Viện, ông đã bắt tay ngay vào việc phân tích, lấy mẫu và nuôi. Bắt được bò cạp đã khó, nhưng để nuôi được nó còn khó khăn hơn, vì từ trước tới nay ở Việt Nam nghĩ tới bò cạp người ta đều sợ nên chẳng ai nuôi chúng. Và ông lại phải mày mò, lục tìm từng trang tài liệu nói về bò cạp. Sau nhiều đêm, ông đã tìm ra được cách riêng cho mình.

Để nuôi được bò cạp phải có một không gian, rộng, nhiệt độ môi trường xung quanh cao, đồng thời đào các hố nhân tạo làm nơi cho chúng trú ngụ. Dụng cụ để nuôi, nhốt bò cạp là các hòm gỗ nhỏ đảm bảo kích cỡ 105cm2/hòm, mỗi hòm chia ra làm 4 ngăn, mỗi ngăn nuôi 8-10 con. Kế đó là việc tìm nguồn thức ăn cho chúng. Ông Huệ cho biết: “Bò  cạp là loài ăn thịt, vì thế nếu không đảm bảo thức ăn thường xuyên cho chúng, chúng sẽ quay sang ăn lẫn nhau. Loại thức ăn mà chúng ưa thích nhất là châu chấu, gián...”.--PageBreak--

Cứ như thế 1 năm, rồi 2 năm, số lượng bò cạp của ông tăng dần lên từ 200, 300, 500, có thời điểm lên đến 2.000 con. Ngày đó, mọi người trong Viện thường bảo ông là “lão gàn” vì ông quá say mê nghiên cứu bò cạp. Ngày này qua ngày khác, ông cứ cặm cụi ở phòng nuôi bò  cạp, nâng niu, chăm sóc từng con một, rồi chích hút, lấy nọc của chúng đem về nghiên cứu, phân tích. Có nhiều hôm ông... ngủ quên ở phòng nuôi lúc nào chẳng hay, chỉ tới khi có một vài con bò  cạp chui ra đốt lên người, ông mới tỉnh ngủ.

Những tưởng với thành công ban đầu này, ông sẽ trở thành “vua” bò  cạp và sẽ có nhiều điều kiện để nghiên cứu hơn do đã có nguồn bò cạp tại chỗ, không còn phải lặn lội đi xa để bắt, thì ai dè khi thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển lạnh (năm 1997) với cái rét cắt da, cắt thịt cũng là lúc lũ bò  cạp của ông lần lượt “dắt tay” nhau về thế giới bên kia, bỏ lại ông cùng những cái hòm gỗ trống trơn. Ông như rơi vào tuyệt vọng bởi công sức bỏ ra trong suốt 7-8 năm trời thế là đi tong.

“Thực ra cũng có thể cứu vãn chúng bằng cách sưởi ấm (nếu nuôi ở miền Bắc) và nếu không được thì tiến hành thành lập một khu nuôi ở miền Nam. Nhưng do điều kiện kinh phí quá hạn hẹp (lúc đó tuy đề tài đã được cấp thêm 4,5 triệu đồng/năm, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn còn quá ít), nên cũng đành bó tay...” - ông Huệ tiếc rẻ nói. 

Và ước mơ bất thành của ông “vua” bò cạp

Tuy bò cạp đã chết hết, nhưng PGS.TS. Lê Xuân Huệ vẫn không từ bỏ ý định nghiên cứu của mình và ông bắt đầu vào công việc nghiên cứu, bào chế bò cạp ra thành thuốc chữa bệnh. Theo ông, nếu dùng nó trong y tế sẽ có tác dụng rất tốt. Như con ong chăm chỉ, ông chích lấy nọc của mỗi con và phải chích tới cả vài trăm con mới đủ một mẫu để phân tích và bào chế ra vài gam thuốc (dạng bột). Theo ông Huệ, thuốc bò cạp có thể chữa được rất nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan tới thần kinh, bán thân bất toại (vì trong nọc của bò cạp có các chất chống độc). Ngoài việc bào chế thành thuốc, cũng có thể ngâm bò cạp với cồn cộng một ít dầu nóng có tác dụng chữa các bệng sưng tấy, trẹo xương, viêm khớp, các vết bầm tím do ngã, bỏng nước sôi... (tương đương với mật gấu), nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Khi đau chỉ cần lấy nước cồn ngâm bò cạp thoa nhẹ lên chỗ đau là khỏi. Bản thân ông cũng đã từng chữa cho một đứa cháu nội 18 tuổi bị ngã gãy chân, phải bó bột tới 60 ngày mà chưa khỏi, thế mà dùng thuốc của ông chỉ thoa nhẹ trong một vài ngày đã khỏi...

Sau nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm trên cả người và động vật, cuối năm 2002, ông cũng đã hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình. Những tưởng đây sẽ là một công trình “độc” trong giới nghiên cứu khoa học sẽ được đưa vào ứng dụng. Ai ngờ, những ý tưởng, những mong muốn của ông bị đổ vỡ, phá sản hoàn toàn do Viện cắt kinh phí nghiên cứu vì xét thấy đề tài không có tính khả thi, khó ứng dụng. Còn các sản phẩm cồn, thuốc bột khi đưa sang bên y tế xin được kiểm nghiệm và đưa vào dùng thử cũng bị gạt (bên y tế yêu cầu ông phải chi ra 20-30 triệu đồng để làm thí nghiệm, thử máu...). Số tiền trên quá lớn, ông đành ngậm ngùi mang thuốc về cất trong tủ. Được một thời gian, có người giới thiệu ông mang thuốc đến Viện Y học cổ truyền dân tộc để xin làm thí nghiệm. Song một lần nữa ông lại phải ra về vì ở đây người ta... không có thời gian để thử và e sợ nọc bò  cạp vẫn còn độc?

Giờ đây, khi đã bước qua tuổi lục tuần, thời gian dành cho công tác nghiên cứu cũng đã hết, nhưng xung quanh bàn làm việc của ông Huệ vẫn còn ngổn ngang những bọc thuốc bò cạp đã bào chế, cùng những lọ cồn ngâm các con bò cạp nằm la liệt mà không được sử dụng. Mỗi lần nhìn thấy chúng mà lòng ông lại đau đáu về một công trình còn dang dở. Có lẽ niềm an ủi lớn nhất của ông lúc này là thỉnh thoảng vẫn có một vài bạn bè, đồng nghiệp là các GS-TS đến xin một ít thuốc trị bệnh mỗi khi bị ngã xe hay sưng tấy. “Nếu được ủng hộ và cấp kinh phí tiếp, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, bởi bò  cạp còn rất nhiều công dụng và bí mật mà khoa học chưa khám phá hết...” - ông Huệ bày tỏ.

Chẳng biết ước mơ đó của ông có thực hiện được không, và cũng chẳng biết đến bao giờ những vị thuốc đầu tiên từ bò  cạp mới được đưa vào sử dụng đại trà, chỉ biết rằng suốt hàng chục năm nay đã có một con người, một nhà khoa học miệt mài ngày đêm tìm hiểu và nghiên cứu về loại côn trùng còn khá xa lạ này mà cho tới nay ở nước ta vẫn chưa có ai (ngoài ông) đeo đuổi tìm hiểu chúng

Lê Vân Trường
.
.