Nhà báo Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng:

Ứng xử để đạt được mục đích

Thứ Ba, 20/10/2009, 11:16
Nhà báo Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng tâm sự: "Cái gì thuộc về nguyên tắc không bao giờ thay đổi, còn muốn thay đổi nguyên tắc nào đó thì phải có một quá trình. Nguyên tắc cũng do con người sinh ra mà, nguyên tắc có phải thượng đế sinh ra đâu, nhưng cái gì không thuộc nguyên tắc mình có thể ứng xử được thì ứng xử. Mà ứng xử để làm gì? Để đạt được mục đích mà cái nguyên tắc đã đề ra".

Thực sự là tôi đã chuẩn bị cho một cuộc trò chuyện khác ở số báo này nhưng đúng vào trưa thứ ba 6/10, bỗng nhận được điện thoại của anh Trần Thế Tuyển, nói ra Hà Nội mà không ngồi được với nhau là khó chịu lắm. Thế là tôi tới ngồi với anh trước giờ anh lên sân bay để trở về TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực thi nhiệm vụ.

Tôi với anh Tuyển bây giờ khác nhau trên nhiều phương diện nhưng hai anh em đều từng là phóng viên của Báo Quân đội Nhân dân (QĐND), anh "hơn" tôi một cuộc chiến tranh (anh gia nhập bộ đội từ những năm 70 của thế kỷ trước, từ miền Bắc vào chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ và sau năm 1975 đã ở lại Sài Gòn, "bám trụ" cho tới bây giờ và như tôi hiểu, có lẽ tới ngày cuối cùng trên cõi thế; còn tôi mãi tới năm 1979 mới trở thành bộ đội Cụ Hồ, thành tích chiến trường có lẽ chỉ là một số ngày ở đất bạn Campuchia trên cương vị phóng viên của Báo QĐND…) nhưng cả hai có chung một kỷ niệm là cùng được bầu vào Đảng ủy Báo QĐND một khóa (năm 1996-2000)…

Hoạn lộ của anh cứ thong dong phát triển trong màu áo lính cho tới khi ra làm Cục phó Cục Báo chí Bộ Văn hóa -Thông tin  (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) phụ trách phía Nam rồi trở thành Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP).

Nói thực, khi cùng ở Báo QĐND, tôi không quá gần gụi với anh mặc dù cũng quý mến. Thế nhưng, khi hai anh em đều rời khỏi báo QĐND rồi, chúng tôi lại rất quan tâm tới nhau… Đã một lần làm lính là vĩnh viễn mang trong mình tâm hồn người lính.

Bởi vậy khi gặp anh ngày thứ ba 6/10 vừa rồi, tôi bỗng nhớ ra một việc quan trọng: Ngày 20/10 tới là dịp kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập Báo QĐND, nơi cả hai anh em đều có nhiều kỷ niệm và đều tri ân hơn tất cả. Chính ở đó chúng tôi đã lớn lên, đã trưởng thành để sau này dù làm gì vẫn cố gắng không để hổ danh bộ đội Cụ Hồ.

Và tôi đã đề nghị được thực hiện cuộc trò chuyện giữa tháng này với nhà báo Trần Thế Tuyển, không chỉ để tìm hiểu thêm về anh mà để nói về những người chúng tôi đều yêu kính là các phóng viên mặc áo lính, trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo về thời gian. Thậm chí tôi đã phải lấy vé máy bay để cùng anh bay vào TP Hồ Chí Minh ngay trong buổi chiều 6/10 cho trọn vẹn cảm xúc về nhau rồi lại bay về Hà Nội ngay.

Không rõ những công sức bỏ ra có giúp chúng tôi có được bài trò chuyện giữa tháng có chất lượng hay không, nhưng thực sự là chúng tôi đã cố gắng hết sức để phục vụ những độc giả tri âm tri kỷ…

PV: Anh Tuyển à, khi anh quyết định chuyển sang Báo SGGP, tâm trạng anh như thế nào? Tại sao anh lại chuyển sang đấy? Một người thành danh và, anh đừng giận, nhận được đủ "lộc" của Quân đội rồi, sao không thảnh thơi mà an hưởng thời gian còn lại trong quân ngũ mà lại chuyển sang một cơ quan báo chí dân sự với trọng trách chắc chắn là cực kỳ vất vả?

Nhà báo Trần Thế Tuyển (NB TTT):  Hồng Thanh Quang hỏi thế thì tôi xin đọc thơ nhé?

PV: Dạ, mời anh!

NB TTT: "Ta đã ngỡ sân bay mờ trước mặt/ Hạ độ cao ta nhìn rõ mặt đường/ Bỗng từ đâu vang lên khúc hát/ Máy bay ngẩng đầu nhìn mặt đất vấn vương/ Và như thế lại một lần nữa nhé/ Khoác ba lô trở lại chiến trường/ Dẫu ta biết không còn sức trẻ/ Như một thời đã vượt Trường Sơn...”

PV: Tức là mình đã dấn thân rồi… Thế thì phải chấp nhận thôi. Xin được nói thật với anh, theo tinh thần của người lính. Trong con mắt của tôi, Báo SGGP là một thương hiệu lớn. Tôi vẫn nhớ hồi sau năm 1975, khi tôi còn là học sinh phổ thông, tôi đã cực kỳ thích đọc SGGP vì thấy ở đó một phong cách làm báo mới, thấy ở đó những tư liệu cực hay, cả những trích đoạn tiểu thuyết tình báo dài kỳ rất mê như "X 30 phá lưới"… Và sau này Báo SGGP đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển và suốt một thời gian dài thường vẫn rất hấp dẫn. Bây giờ, trong tình hình mới, làm sao cho xứng với "một thời vang bóng" là điều không dễ. Anh có cảm thấy trách nhiệm nặng nề không khi về đây giữ cương vị Tổng biên tập (TBT)?

NB TTT: Chính xác, Hồng Thanh Quang nói chính xác. Bởi vì, tôi vẫn nói là, ngồi ghế TBT Báo SGGP thì việc đầu tiên phải chịu được đó là sức ép, sức ép tồn tại khách quan với...

PV: Với chính bản thân mình.

NB TTT: Với chính bản thân mình! Nhưng mình đã chấp nhận rồi thì mình phải chịu sức ép đó. Sức ép khách quan là gì? Thứ nhất đây là tờ báo, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ địa phương, của Đảng bộ một thành phố lớn nhưng nó không phải chỉ của riêng thành phố mà nó là của cả nước.

PV: Của "Hòn ngọc Viễn Đông"….

NB TTT: Nó được quy định bởi địa lý, địa danh, nó được quy định bởi thương hiệu của tờ SGGP. Đấy là cái thứ nhất. Cái thứ hai là người đứng đầu của tờ báo này phải chịu một áp lực từ các tổng biên tập tiền nhiệm...

PV: Các "đại ca" đi trước…

NB TTT: Thực sự là các "đại ca", những nhà báo xuất sắc, đàn anh về mọi mặt. Mỗi người đã thực hiện nhiệm vụ TBT theo một cách khác nhau nhưng đó là những người đã có đóng góp nhất định, những người đã ghi dấu ấn vào tờ SGGP. ..

PV: Vâng. Không phải ai cũng có dịp ghi dấu ấn (cười).

NB TTT (cũng cười): Tôi là TBT thứ 7, của Báo SGGP, thành ra có lẽ tôi phải chịu một áp lực lớn gấp bảy lần và chính vì thế, tôi phải vượt lên chính mình, như bài thơ "Dấn thân" đã viết: "Khoác ba lô trở lại chiến trường…".

PV: Thì lại phải "vượt Trường Sơn" thêm một lần nữa... Tôi muốn hỏi thế này, hồi anh ở Báo QĐND trước kia có tiếng là chỉn chu và mực thước. Sang Báo SGGP, nó là một cõi mênh mông như thế, anh có cảm thấy ngợp không?

NB TTT: Vừa ngợp vừa không. Ngợp là môi trường mới, công việc mới. Không là bởi vì mình có một nền tảng, nền tảng đó do QĐND đã rèn luyện mình. Tức là nói theo cách của nhà văn Trần Văn Tuấn, nguyên là Phó TBT Báo SGGP, ở quân đội như thế là đã 3 lần thử nóng và 3 lần thử lạnh.

PV: Theo hình dung của tôi, người biết anh tương đối, Trần Thế Tuyển là một nhà báo kỳ cựu của Báo QĐND, một người thậm chí là có bản tính dịu dàng. Nhưng ghế TBT Báo SGGP, như anh nói, là một ghế rất nóng, đòi hỏi phải yêu ghét rất rõ ràng và phải ứng xử rất nhiều vấn đề mà nhiều khi không nằm trong lĩnh vực thi ca nhạc họa… Vậy về đây, anh đã ứng xử thế nào với tất cả những chuyện đấy để cho tờ báo SGGP đến hôm nay theo tôi nhìn nhận là nó yên ổn như thế, yên ổn cả từ miền Nam đến miền Bắc? Bí quyết của anh là thế nào? Anh có thể mách cho chúng tôi được không, biết đâu rồi chúng tôi cũng cần những kinh nghiệm đó (cười tếu táo)?

NB TTT (cũng cười):  Anh nói là yên ổn, nhưng tôi nghĩ là còn nhiều khó khăn, thách thức lắm. Tôi mới về nhận nhiệm vu TBT Báo SGGP chưa đầy hai năm, chưa làm gì được nhiều và chắc cũng không có bí quyết gì đâu. Nhưng có lẽ làm gì được chút ít thì nhờ anh em ủng hộ và đặc biệt tôi học được ở các cụ, mặc dù học các cụ thì mình chỉ học được chưa bằng cái móng tay của các cụ đâu.

Tôi nhớ không nhầm, cách đây hơn nửa thế kỷ, lúc Cụ Hồ đi sang Pháp để thương thảo một hiệp định. Khi cụ Huỳnh tiễn Cụ Hồ ra sân bay thì hỏi rằng, Cụ đi, nước Cộng hòa non trẻ này, Cụ giao cho tôi quyền Chủ tịch thì nên như thế nào? Cụ Hồ bảo: Thưa Cụ, tôi chỉ đề nghị Cụ thế này, dĩ bất biến, ứng vạn biến! Tôi thì tôi không có hiểu câu này một cách trọn vẹn như là các nhà sử học, các nhà nho học nhưng mà tôi có hỏi "thầy" Phạm Đình Trọng, người tiền nhiệm của tôi ở chức Trưởng Cơ quan đại diện Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh…--PageBreak--

PV: Anh Trọng cũng là anh em với cả tôi nữa. Tôi thích nhất vì anh là người sống tình nghĩa và hay hát quan họ qua điện thoại di động…

NB TTT: Thì "thầy" Trọng nói với tôi là, câu đó đại ý rằng, cái gì thuộc về nguyên tắc thì phải giữ tới cùng, còn cái gì  thuộc về sách lược, biện pháp có thể ứng xử linh hoạt được thì cứ ứng xử… Thành ra, khi về làm công tác quản lý Báo SGGP, tôi cũng học theo cái đó. Cái gì thuộc về nguyên tắc không bao giờ thay đổi, còn muốn thay đổi nguyên tắc nào đó thì phải có một quá trình. Nguyên tắc cũng do con người sinh ra mà, nguyên tắc có phải thượng đế sinh ra đâu, nhưng cái gì không thuộc nguyên tắc mình có thể ứng xử được thì ứng xử. Mà ứng xử để làm gì? Để đạt được mục đích mà cái nguyên tắc đã đề ra.

PV: Tôi biết rằng, khi anh về SGGP thì không ít người nghĩ rằng anh cũng là một người lạ. Thực ra, đó không phải là vấn đề, bởi thực sự chúng ta đến đâu thì thoạt đầu cũng là người lạ cả. Chế Lan Viên viết rồi, tôi nhớ đại khái là: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.. Làm sao để sau khi ta ở rồi thì đó là nơi quen, đó là quê hương mới… Và phải nói rằng, trong tình hình báo chí trong nước và thế giới đều đang gặp những khó khăn nhất định thì tờ SGGP vẫn  đang nhìn thấy xu hướng phát triển. Liệu theo anh, trong sự phát triển hiện nay thì đóng góp của anh như thế nào? Trần Thế Tuyển có bí quyết gì để biến một chỗ đất lạ, khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta chưa đi, mà không đi đất đã thành tâm hồn rồi? Anh có cách ứng xử gì để đội ngũ những nhà báo dưới quyền chỉ huy của anh, đều hào sảng và, như tôi thấy, nhiều phần kiêu hãnh, cũng đều cảm thấy anh là người "chơi được", có thể ngồi chung với nhau như một con thuyền? Anh có bí quyết gì không, hay mặc nhiên mọi chuyện nó như thế?

NB TTT: Bởi tôi xác định với các cộng sự của tôi rằng, tôi là người tập hợp họ lại, tạo điều kiện để họ phát triển, cống hiến cho tờ báo. Tôi là thuyền trưởng và họ cùng với tôi trên một con tàu cùng chia sẻ buồn vui với nhau trên một con tàu, nhất là khi sóng to gió lớn, cùng phải quyết vượt lên tới đích.

PV: Anh là người Nam Định đúng không?

NB TTT:  Vâng, trai Thành Nam.

PV: Nói thật, tôi là người rất không có tính địa phương chủ nghĩa, theo tôi, người dưng có ngãi ta đãi người dưng. Nhưng tôi lại rất trọng nguồn gốc, bản quán của mọi người vì muốn nói gì thì nói, gốc ta ở đâu thì trong gien của ta sẽ có tất cả những mạnh yếu cố hữu của vùng quê đấy… Anh là người gốc Nam Định. Theo anh, cái gốc Nam Định tạo cho anh phẩm chất gì để khi anh vào Nam Bộ anh hòa đồng được một cách rất máu thịt và sâu sắc như hôm nay?

NB TTT: Thực ra, tôi ở Nam Định chỉ có 18 năm, còn tôi ở miền Nam gần 40 năm rồi. Tôi kể Hồng Thanh Quang nghe câu chuyện con tôm ở quê tôi. Mẹ tôi kho tôm đặc biệt lắm và tôi không bao giờ quên được. Đó là con tôm cõng muối để ăn hai bát cơm chứ không chỉ một bát cơm đâu. Đấy là cái thứ nhất. Cái thứ hai là, Nam Định có một củ khoai mà  thời này dường như không ai  dùng khoai để ăn nữa, để nuôi heo thôi, mà heo hình như nó cũng chê rồi, đó là khoai ngứa. Hai hình ảnh đó đã quán xuyến trong tất cả các tác phẩm thuộc về văn chương…

PV: Tôi hiểu rồi, nhưng xin anh nói cụ thể hơn…

NB TTT: Nói cụ thể hơn là, người Nam Định là người yêu quý bản sắc nhưng biết vượt lên chính mình. Yêu quý bản sắc và vượt lên chính mình!

PV: Tôi vẫn muốn hỏi anh là, theo anh, anh làm sao hòa đồng được với vùng đất ấy, vùng đất ấy trở thành quê hương của anh và thành cái phù sa của đời anh? Bí quyết này anh cứ nói ra đi và mở ngoặc đơn là anh giữ bản quyền. Làm sao để phù sa Nam Bộ trở thành phù sa của chính những người dân Nam Định như anh, để những người con xuất thân từ vùng đất văn hiến như thế không bị chệch ra cội nguồn mà người ở đây vẫn cảm thấy ta cũng là "người mình"?

NB TTT: Hình như nói đến con người là người ta nói đến hai thứ quan trọng, đó là trái tim và khối óc. Hiểu bằng khối óc và cảm bằng trái tim, hoà đồng được cả hai thứ này là hòa đồng được tất cả.

PV: Tôi xin được nói thật, khi anh mới chuyển về Báo QĐND, đã có người chỉ hình dung anh như là một trưởng ban của tờ báo của Quân đoàn 4, có đúng không ạ?

NB TTT: Tôi là một trong những người phụ trách tờ báo Quân khu 7.

PV: Vâng, tờ báo Quân khu 7. Tôi đã không để tâm tới chuyện này, nhưng đã có người khi ấy nghĩ rằng, ông này về chả ra dân Bắc Bộ, chả ra dân Nam Bộ.

NB TTT: Họ cứ tưởng tôi là dân "nước lợ" (cười).

PV: Tất nhiên, về sau thì họ cũng  hiểu rằng, sự thật không phải thế. Anh là nhà báo đích thực của Quân đội, trong cương vị nào cũng mang chất lính đích thực. Và có lẽ anh sẽ không tự ái nếu tôi nói rằng, anh cũng như tôi, chúng ta trong thời gian làm việc ở Báo QĐND từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã may mắn được gần gụi với những đồng chí lãnh đạo cực kỳ hay. Anh có đồng ý với tôi không?

NB TTT: Đúng thế. Đó là những người có bản lĩnh, dạn dày kinh nghiệm.

PV: Anh hình dung thế nào về bác Trần Công Mân, lúc ấy là TBT Báo QĐND?

NB TTT: Mỗi người dấn thân cho cuộc đời và có một cái nghề của mình do trời định, do mình định, do bố mẹ định nhưng ai cũng đều có một thần tượng. Thì bác Trần Công Mân đối với tôi là một thần tượng.

PV: Có ai đó bảo rằng bác Trần Công Mân làm việc theo kiểu cũ, tức là làm báo không lựa người cụ thể mà chỉ tuân thủ theo đường lối chung. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?

NB TTT: Bây giờ, khi tôi cũng đã phải đảm đương chức trách TBT một tờ báo rồi, tôi càng thấy bác Trần Công Mân thực sự là một thần tượng. Trong quan điểm của ông, chất lượng tờ báo chính là phụ thuộc vào bản lĩnh, phẩm chất và năng lực của TBT và ông phải chịu trách nhiệm về việc đúng hay sai trong những  định hướng mà ông đưa ra. Và như Hồng Thanh Quang biết đấy, nghề báo thực sự là một nghề không thể chủ quan được.

PV: Đúng thế. Làm báo không chủ quan được anh ạ. Tôi nghĩ, thí dụ một Phó TBT như tôi là phải thực thi nghiêm túc chỉ đạo của TBT và TBT phải thực thi nghiêm túc chỉ đạo của cấp cao hơn. Có đúng vậy không ạ?

NB TTT: Hồng Thanh Quang nói sao cơ?

PV: Quan điểm của tôi là, làm báo bây giờ, thí dụ như tôi phụ trách nội dung của một ấn phẩm nào đấy, thì tôi nghĩ, tôi phải nhất nhất thực thi các chỉ đạo của TBT, còn TBT phải thực thi nhất nhất các chỉ đạo của cấp cao hơn... Có đúng vậy không (cười)?

NB TTT: Câu này của Hồng Thanh Quang tôi chỉ ủng hộ một nửa, còn một nửa thì...--PageBreak--

PV: Anh cứ nói!

NB TTT: Thứ nhất, đối với tờ báo, TBT phải là người chịu trách nhiệm chính. Chất lượng của tờ báo phần nhiều phụ thuộc vào phẩm chất và năng lực tổ chức của TBT. Đương nhiên, TBT là người của cơ quan chủ quản. Nhưng nó chính là dấu ấn của TBT.

PV: Tờ báo là của cơ quan chủ quản, và thể hiện sự chủ quản ấy là qua TBT?

NB TTT: Thứ hai, tờ báo là của cơ quan chủ quản, qua TBT. Anh là TBT, cơ quan chủ quản đã giao cho anh một cái sân rồi thì cứ căn cứ vào Luật, vào quy định, anh tác chiến. Chỉ khi nào có dấu hiệu lạc định hướng thì cơ quan chủ quản mới nhắc…

PV: Tôi thấy một số nhà báo nghĩ rằng mình làm báo thì mình muốn nói gì thì nói. Theo quan điểm của tôi, nhà báo không phải muốn nói gì thì nói mà nhà báo chúng ta phải nói theo nhiệm vụ của chúng ta trong việc đưa ra sự thật có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của xã hội. Anh nghĩ thế nào?

NB TTT: Nhà báo là một chủ thể, nhưng không phải là một chủ thể thì muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Nhà báo thời nay có khác xưa. Đó là một chủ thể vừa tham gia định hướng, vừa tham gia phản biện.

PV: Mà phản biện gì cũng phải là thực thi nhiệm vụ xây dựng xã hội. Nhà báo là phải xây dựng xã hội chứ không phải nhà báo là "đánh" xã hội cho mọi chuyện tung toé lên mà chẳng giải quyết được gì cả, cùng lắm chỉ làm thỏa mãn lòng tự ái cá nhân của một vài người nào đó thôi.

NB TTT: Đúng thế. Phản biện hay định hướng đều chung một mục đích. Có lần tôi đã trả lời phỏng vấn về việc văn với báo khác nhau thế nào thì tôi nói, khác nhau về phương pháp thể hiện, nhưng cùng một cái mục đích là hướng tới chân thiện mỹ. Nói đến chân thiện mỹ, người ta hay đề cập đến văn chương nhiều hơn là nói đến báo chí, nhưng rốt cuộc cùng hướng tới đích đó thôi.

PV: Ta cùng nói chuyện với nhau về Báo QĐND nhé, không hiểu sao dù dã gần chục năm rồi không làm ở đó nữa nhưng tôi vẫn rất yêu tờ báo này và luôn đau đáu về nó. Trong cách nhìn của anh hiện nay, anh bây giờ cũng là TBT, TBT của một tờ báo rất lớn, anh hình dung thế nào về bác Trần Công Mân? Điều gì mà bác Trần Công Mân đối với anh, đã cho anh một cái đúc kết gì, khi nhớ về Trần Công Mân thì theo anh chúng ta nên nhớ về điều gì nhất để mà chúng ta có thể phát triển liên tục?

NB TTT: Trong phòng làm việc của tôi có một cái tủ. Hằng ngày tôi đều nhìn  vào đó. Bên cạnh ảnh của mẹ tôi, thì có một bức ảnh nữa mà tôi cũng rất trân trọng, đó là ảnh của Thiếu tướng Trần Công Mân. Tại sao lại thế? Là vì, nhà báo Trần Công Mân đã ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.

PV: Bác ấy cũng có ảnh hưởng lớn đối với tôi.

NB TTT: Khi tôi được giao nhiệm vụ làm TBT Báo SGGP, tôi đã đọc lại các bài báo của bác Trần Công Mân rất nhiều và tôi tự lý giải, tại sao mình lại luôn luôn có hình ảnh nhà báo Trần Công Mân bên cạnh. Ấy là hình ảnh một người lái tàu mà người lái tàu người ta không quan tâm tàu ở trong bến xuất phát…

PV: Mà chỉ quan tâm tới con tàu khi ở giữa đại dương?

NB TTT: Vâng, nhất là ở giữa đại dương khi giông bão, đang có bão cấp 15 chẳng hạn... TBT, anh là ai? Là thuyền trưởng chứ còn ai nữa. Bởi vì, chỉ  lúc đó, hơn bao giờ hết  thuyền trưởng mới thể hiện bản lĩnh của mình, gắn liền  số phận mình với số phận của thủy thủ đoàn, gắn liền với con tàu, gắn liền với việc định hướng. Lúc đó thuyền trưởng có thể ra lệnh, sang trái hoặc sang phải… Nhưng điều quan trọng là thuyền trưởng phải vững vàng, quyết đoán để con tàu lách sóng ngầm, tảng đá ngầm, tiến tới mục tiêu đã chọn. Đấy là bài học mà tôi đã học được ở bác Trần Công Mân.

PV: Anh có thấy bác Mân, trong cuộc sống của bác ấy, vì bác ấy giỏi quá nên cũng gặp nhiều hơn những vất vả không đáng có?

NB TTT: So sánh thì khập khiễng, không đủ thông tin, nhưng tôi nghĩ bác Trần Công Mân đủ sức chịu trận và ông luôn xác định được mình là ai, đang ở đâu và phải làm gì….

PV: Trần Thế Tuyển có nghĩ rằng Trần Thế Tuyển thành đạt hơn Trần Công Mân vì Trần Thế Tuyển biết thích ứng với thời đại hơn không?

NB TTT: Không thể có chuyện đó, tôi mãi chỉ là học trò, một người lính của ông.

PV: Anh có nghĩ tại sao chúng ta sẽ không bao giờ đạt được cái phẩm giá gọi là sĩ phu như bác Trần Công Mân không? Hay là cũng có khái niệm sĩ phu thời hiện đại, nhưng đã khác trước rồi?

NB TTT: Có thể biểu hiện khác nhau, nhưng tôi nghĩ, mỗi người đều có phương pháp tiếp cận riêng của mình.

PV: Và chúng ta sẽ không phải xấu hổ gì với tiền bối vì chúng ta biết "ứng xử" với thời đại hiện nay của chúng ta?

NB TTT: Dân tộc ta hay nhất ở chỗ luôn luôn phải vượt qua sóng gió, vượt qua chính mình để tiến lên và muốn tiến lên thì chí ít phải có một thủy thủ đoàn…

PV: Mong sao chúng ta luôn có một thuỷ thủ đoàn đồng tâm hiệp lực với các thuyền trưởng để con tàu luôn đi lên phía trước về hướng chân thiện mỹ, về hướng xây dựng xã hội ổn định và phát triển… Xin cảm ơn anh!

H.T.Q. (thực hiện)
.
.