Tướng Trần Thiện Khiêm của chính quyền Sài Gòn cũ: Đòn xóc hai đầu

Thứ Hai, 02/06/2008, 08:45
...Bề ngoài tỏ ra rất vâng lời thượng cấp, thậm chí còn quá vâng lời, nhưng khi gió đổi chiều, Trần Thiện Khiêm sẵn sàng hy sinh ngay cả những cảm xúc mang tính con người nhất...

Đầu những năm 50 của thế kỷ trước trong nhóm tay sai người Việt phục vụ cho thực dân Pháp ở tiểu khu Hưng Yên có ba viên sĩ quan trẻ: Trung úy Nguyễn Văn Thiệu, quê Phan Rang, mặt quắt, tính tình tinh quái và luôn mồm năm miệng mười; Trung úy Cao Văn Viên, người miền Bắc nhưng lại sinh ra ở Vientiane (Lào), da trắng như da con gái, cao to, điển trai. Đại úy Trần Thiện Khiêm, người Nam, bề ngoài có vẻ đơn giản dễ dãi nhưng rất kín tiếng. Ít ai khi đó ngờ được rằng, sau này, cả ba nhân vật đó đều đã leo lên được những vị trí chóp bu trong bộ máy chính quyền Sài Gòn cũ: Nguyễn Văn Thiệu là Tổng thống cái gọi là Việt Nam Cộng hòa, Trần Thiện Khiêm là Thủ tướng, còn Cao Văn Viên, mang quân hàm đại tướng, đã được giữ chức Tổng tham mưu trưởng.

Tuy nhiên, tới những ngày cuối cùng của tháng 4/1975, cả ba đều đã phải ba chân bốn cẳng tẩu tán khỏi Tổ quốc trong tâm trạng ê chề khó tả.

Ít lời lắm lợi

Trần Thiện Khiêm sinh năm 1925, sớm tham gia lực lượng quân sự làm tay sai cho thực dân Pháp. Trong hai năm 1946-1947, ông ta là chuẩn uý hạ sĩ quan tại Trường Viễn Đông ở Đập Đá. Năm 1948, Khiêm đeo lon thiếu uý sĩ quan tập sự trong cái gọi là lực lượng vệ binh Nam Phần.

Cứ thế dần dà viên sĩ quan ít nói nhưng tương đối đa mưu này thăng tiến dần lên.

Tháng 7/1954, Trần Thiện Khiêm được thăng thiếu tá rồi trung tá. Khi Ngô Đình Diệm được Mỹ bật đèn xanh cho trở thành tổng thống cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa ở Sài Gòn, Trần Thiện Khiêm rất biết cách làm thượng cấp tin tưởng ở mình. Chính vì thế nên tháng 8/1958, ông ta đã là đại tá, giữ cương vị tương đối quan trọng tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và được cho đi tu nghiệp về chỉ huy và tham mưu tại Command and General Staff College ở Fort Leavenworth, Kansas.

Có nguồn tin cho rằng, chính ở đây Trần Thiện Khiêm đã được tuyển dụng và huấn luyện làm nhân viên CIA. Năm 1958, về Sài Gòn, Trần Thiện Khiêm đã được Ngô Đình Diệm cho giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 4 dã chiến.

Tháng 2/1960, Trần Thiện Khiêm được cử làm Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh kiêm Tư lệnh Quân khu 5. Lúc này, ông ta vẫn duy trì tình bạn cánh hẩu với Nguyễn Văn Thiệu, khi đó mới là trung tá và giữ chức chỉ huy trưởng Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt. Một người bạn được coi là thân nhất của Trần Thiện Khiêm trong giai đoạn này là Đại tá Nguyễn Khánh. Cứ tới cuối tuần, Đại tá Khiêm lại lái xe đến đồn điền trà J'Ring đón Đại tá Khánh lên Đà Lạt thăm Trung tá Thiệu để bù khú chuyện trò. Chắc chắn là ngay từ khi đó cả ba người đã không chỉ một lần cùng mơ ước tới những sự đảo lộn thời thế có lợi nhất cho họ.

Nắm trong tay một lực lượng tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn, Trần Thiện Khiêm đã tri ân quan thầy một cách xứng đáng. Ngày 11/11/1960, Trung tá Vương Văn Đông dấy binh định làm đảo chính nhưng Đại tá Khiêm đã kịp thời kéo quân từ miền Tây về Sài Gòn giải cứu cho Ngô Đình Diệm. 

Sau vụ này, Trần Thiện Khiêm càng được Tổng thống Diệm và cả cố vấn Ngô Đình Nhu tin cậy hơn (họ không hề biết ông ta là "tay trong" của CIA).

Ngày 6/12/1962, Trần Thiện Khiêm đã được thăng Thiếu tướng cùng chức Tham mưu trưởng liên quân của cái gọi là Quân lực Việt Nam Cộng hòa thay thế tướng Nguyễn Khánh vừa được cử đi làm Tư lệnh Quân đoàn II. Để tạo thêm thế lực cho mình, tướng Khiêm đã đề cử Trung tá Thiệu làm Tư lệnh Sư đoàn 5 dã chiến và Thiếu tướng Khánh làm Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật.

Tới thời điểm này, vị thế của Trần Thiện Khiêm như một VIP trên thượng tầng quyền lực ở Sài Gòn đã tương đối rõ ràng, đến mức có người cho rằng, tất cả các chức vụ quan trọng trong quân đội Sài Gòn nếu có lời đề nghị của tướng Khiêm đều gần như chắc chắn sẽ được Tổng thống Diệm chấp thuận. Cũng vì thế mà quyền lực của Tham mưu trưởng liên quân Trần Thiện Khiêm càng trở nên có uy lực đối với các cấp chỉ huy lớn nhỏ trong quân đội Sài Gòn.

Lấy oán trả ân

Trong mọi biến chuyển dị thường trên chính trường Sài Gòn, Trần Thiện Khiêm vẫn luôn duy trì được vị trí vững chãi và hữu lợi. Tính tình nóng nảy nhưng Trần Thiện Khiêm cũng là người rất biết kiềm chế trong giao đãi với xung quanh theo kiểu sơn ăn tùy mặt. Như những người từng ở gần nhận xét, ông ta cũng rất khéo trong việc tập hợp lực lượng, thường hào phóng chia sẻ bổng lộc, tiền bạc và chức tước cho bạn bè và thuộc cấp.

Tuy nhiên, Trần Thiện Khiêm không phải là một "đệ tử" nhất quán của bất kỳ ai mà ông ta luôn hành xử theo kiểu duy lợi.

Bề ngoài tỏ ra rất vâng lời thượng cấp, thậm chí còn quá vâng lời, nhưng khi gió đổi chiều, Trần Thiện Khiêm sẵn sàng hy sinh ngay cả những cảm xúc mang tính con người nhất. Dù có vẻ như mang ơn Ngô Đình Diệm biệt đãi mình, Trần Thiện Khiêm, cũng như nhiều viên tướng xôi thịt khác của chính thể Sài Gòn cũ, luôn biết rằng tiếng nói có trọng lượng cao nhất trong mọi trò chơi quyền lực ở đây không phải thuộc về người ngồi ở vị trí cao nhất trong bộ máy hành chính tay sai. Chính vì thế, ông ta chỉ ủng hộ Tổng thống Ngô Đình Diệm khi ông này còn chưa làm Washington  phật ý.

Hiểu như vậy sẽ không thấy ngạc nhiên khi biết vai trò ném đá giấu tay của Trần Thiện Khiêm trong cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 ở Sài Gòn, dẫn tới cái chết thê thảm của anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu.

Hơn nữa, Trần Thiện Khiêm thực ra lại thích xuống địa phương giữ chức tư lệnh quân đoàn nhiều bổng lộc và quyền hành hơn ngồi ở Sài Gòn nên trong bụng có phần bất mãn với anh em Diệm - Nhu. Vì thế, khi cần lật đổ anh em Diệm - Nhu, CIA đã liên lạc ngay với Trần Thiện Khiêm để sắp đặt mọi chuyện.

Trước đây, do thiếu những nguồn tư liệu chuẩn xác nên một số người cứ cho rằng, đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đảo chính đẫm máu đó là các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính…

Thực ra, nhân vật có vai trò quyết định thực sự ở đây lại là Trần Thiện Khiêm vì khi đó, với ưu thế sẵn có, chỉ ông ta mới có thể thừa hành mệnh lệnh của các ông chủ Mỹ đóng vai trò thống nhất âm mưu với hầu hết các sĩ quan cao cấp cộm cán chống lại anh em Diệm - Nhu.

Ngay từ đầu tháng 10/1963, Trần Thiện Khiêm đã chủ động chọn cho mình vai trò đứng ở hậu trường điều khiển một cách kiên quyết nhưng kín đáo và đầy thâm ý tiến trình đảo chính. Ông ta kín đáo thăm dò thái độ của các chỉ huy các đơn vị quân đội và địa phương quan trọng đối với chủ trương đảo chính và lôi kéo họ theo hướng có lợi cho ông ta.

Và khi bắt đầu vang lên những tiếng súng đầu tiên của lực lượng đảo chính trưa 31/10/1963, Tham mưu trưởng liên quân Trần Thiện Khiêm, người theo chức trách lẽ ra phải huy động binh lính dẹp loạn và bảo vệ nguyên thủ thì lại thông qua một số tay chân thân tín liên tục đưa ra những mệnh lệnh chống lại anh em Diệm - Nhu. Chính tướng Khiêm đã lệnh cho Tư lệnh Sư đoàn 5 là Đại tá Thiệu điều quân về Sài Gòn để làm chủ lực tấn công Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống và Dinh Gia Long. Ông ta cũng tìm cách hữu hiệu để cô lập tất cả tư lệnh quân binh chủng mà ông ta cho rằng có ý chống lại cuộc đảo chính.

Những nhân chứng đáng tin cậy của sự kiện này đều khẳng định rằng, trong những ngày định mệnh đó của chính quyền Diệm - Nhu, tất cả các mệnh lệnh và quyền điều hành đảo chính đều xuất phát từ phòng làm việc của tướng Khiêm. Những viên tướng gọi là chủ mưu đảo chính khác, kể cả tướng Nguyễn Khánh, thực chất chỉ đóng vai trò bung xung giúp việc mặc dù đã rất năng nổ xuất hiện như những kẻ đầu trò… 

Chính Trần Thiện Khiêm đã thảo ra toàn bộ kế hoạch đảo chính rồi mới đưa cho tướng Trần Văn Đôn, khi đó tạm nắm chức Quyền Tham mưu trưởng liên quân và tướng Dương Văn Minh, đang là cố vấn quân sự của Tổng thống Diệm, xem xét…

Chính tướng Khiêm trong ngày đảo chính đã không ra lệnh cho Đại tá Thiệu đưa quân đánh chiếm Dinh Gia Long theo đúng kế hoạch, bỏ ngỏ khu vực này suốt buổi chiều ngày 1/11/1963 cho tới tối. Rồi cũng tướng Khiêm lại phái Cao Xuân Vỹ lái xe Renault 2CV lẻn vào cổng sau Dinh Gia Long đón anh em Diệm-Nhu đưa trốn vào nhà Mã Tuyên ở Chợ Lớn.

Tiếp đó, chính tướng Khiêm lại cử một toán quân khác tìm tới nhà Mã Tuyên định giết anh em Diệm-Nhu luôn tại đó nhưng không được vì lúc ấy, hai người này đã đến nhà thờ cha Tam rồi. Cực chẳng đã, tướng Khiêm đổi kế hoạch, cho đón anh em Diệm-Nhu bằng xe bọc thép M-113. Và thế là hai nhân vật chóp bu của cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa đã bị giết trong những tình huống đầy bí ẩn và rối rắm.

Cần phải thấy rằng, trong cuộc đảo chính 1/11/1963, Trần Thiện Kiêm đã rất cố gắng giấu giếm bộ mặt thật của mình. Theo chứng nhận của tướng Trần Văn Đôn, chiều 1/11/1963, vì không thấy tin tức gì về việc Sư đoàn 5 tiến đánh Dinh Gia Long, tướng Đôn đã cho người đi mời tướng Trần Thiện Khiêm tới, nhưng không thấy ông ta ở đâu cả. Tất cả đám tướng tham gia đảo chính đều sợ lỡ đâu tướng Khiêm lại chơi trò "đòn xóc hai đầu". Tướng Dương Văn Minh điều ngay tướng Lâm Văn Phát mang lính đi đánh chiếm Dinh Gia Long. Tướng Phát đồng ý, nhưng không tìm đâu ra lực lượng, vì tất cả các toán quân đều do tướng Khiêm nắm giữ… Mãi tới 8h tối, tướng Khiêm xuất hiện, thanh minh rằng, phải đi nghỉ vì mệt mỏi quá.

Một số nguồn tin cho rằng, nhóm tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 ở Sài Gòn đã nhận một khoản thù lao của quan thầy Mỹ vào khoảng 3 triệu đồng (tiền Sài Gòn cũ). Tướng Trần Thiện Khiêm đã nhận 500 nghìn (có giấy biên nhận).

Tuy nhiên, sau khi đảo chính thành công và anh em Diệm - Nhu đã bị giết chết một cách thê thảm, như thường thấy trong các âm mưu phản loạn, Trần Thiện Khiêm, lúc này đã được phong trung tướng, đã không được đồng bọn nhìn nhận đúng ý. Vì ông ta chủ động "ném đá giấu tay" nên những viên tướng đầy tham vọng khác đã quyết định để cho ông ta tiếp tục đứng trong hậu trường.

Tướng Minh và tướng Đôn lấy lý do công vụ đã đẩy tướng Khiêm xuống làm Tư lệnh Quân đoàn 3, kiêm Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định thay cho tướng Tôn Thất Đính. Dĩ nhiên, ông ta không thể cảm thấy vui vì chuyện này nên về sau đã ủng hộ tướng Nguyễn Khánh theo lệnh CIA làm cuộc "chỉnh lý".

                  Xem tiếp kỳ hai trên Chuyên đề ANTG Giữa tháng 6, năm 2008)

Văn Thư
.
.