Từ làng quan họ ghé thăm phim trường

Thứ Sáu, 17/06/2005, 07:39
“Làn da rám nắng, tóc xoăn, môi trề, gương mặt thì quê ơi là quê. Ở cái tuổi cập kê, tôi đã nhận ra những nhược điểm của mình. Nhưng niềm đam mê nghệ thuật đã khiến tôi quên tất cả, một mình hừng hực đạp xe lên Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Hà Bắc mong sau này được làm văn công...”.

NSƯT Thúy Hường vừa rót nước, vừa tâm sự. Có lẽ thấy các nhà báo từ thủ đô ngược gần 50km về vùng quê chôn nhau, cắt rốn của mình,  nên trong câu chuyện liền chị này như cởi mở hơn.

 

Câu hát bên triền đê

Ba mươi tám tuổi, nhìn Thúy Hường không khác mấy những người phụ nữ thôn quê của xã Cách Bi, huyện Quế Võ. Chị không đẹp như khi xuất hiện trước ống kính máy quay, nhưng trẻ hơn trên màn ảnh khá nhiều. Cầm túi xách, bước trên con đê ven làng, chị tung tẩy, hớn hở như đang tìm về thuở thơ ấu của mình: “Hồi nhỏ tôi nghịch lắm - NSưT Thúy Hường kể – Bắt cua, bắt cá, cưỡi trâu… tôi chẳng thua bất cứ thằng con trai nào trong xóm. Bố mẹ và cả mọi người trong làng bảo tôi là con trai. Nhưng ai cũng phải công nhận tôi hát hay chẳng đứa con gái nào bì được”.

Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều, hoàng hôn đang ngả bóng theo những làn điệu Quan họ mà Thúy Hường ngân nga. Chỉ có tôi và người bạn đồng nghiệp, nhưng chị hai Quan họ này hát say sưa như có hàng trăm khán giả đang theo dõi mình. Hường bảo, ba mươi năm trước, vẫn con đê này, vẫn những làn gió nhè nhẹ này, chị đã hát rất nhiều cho các bạn cùng chăn trâu, cắt cỏ nghe. Khi ấy Hường rất muốn hát, rất thích hát bởi chị mơ ước được làm văn công giống mẹ mình. Dù bà chỉ là diễn viên của đoàn văn công xã, nhưng Hường vẫn muốn giống mẹ. Hơn hai tuổi, cô bé đã theo mẹ đi biểu diễn, rồi lời ca, câu hát ngấm vào tuổi thơ của Hường...

Hơn mười tuổi, Hường đã phải đưa mẹ về với đất. Sự mất mát lớn ấy càng khiến cô nuôi chí trở thành một ca sĩ. Lớn lên cùng những nhọc nhằn, lam lũ nhưng tiếng hát của Hường dường như không lúc nào lắng xuống. Hường hát khi nghỉ ngơi và hát cả khi trên vai đang kĩu kịt gánh lúa. Rồi câu hát của Hường cũng có dịp được vang lên tại Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Hà Bắc. Năm 1985, Hội đồng Tuyển sinh của Trường Văn hóa - Nghệ thuật Hà Bắc thật sự bất ngờ, bởi Quế Võ không phải là “đất Quan họ” nhưng lại có một giọng ca rất đặc biệt. Một giọng ca không chỉ thuyết phục ban giám khảo mà còn chiếm được nhiều cảm tình của cả các thí sinh cùng dự thi.

Niềm tự hào của vùng quê Kinh Bắc

“Nhiều nghệ nhân Quan họ đã phải thừa nhận chất giọng vang, rền, nền, nảy của Thúy Hường là vốn quý của Quan họ Kinh Bắc. Hường là một nghệ sĩ được cả hình thể và giọng hát, nhất là khi mặc trang phục quan họ thì Thúy Hường trở thành một chị hai Quan họ rất là chân chất. Có thể nói, nghệ sĩ Thúy Hường là một giọng hát đáng tự hào của đoàn chúng tôi nói riêng và nhân dân Bắc Ninh nói chung”. – NSƯT Thúy Cải, Trưởng đoàn Quan họ Bắc Ninh tâm sự.

Nhắc đến Quan họ Bắc Ninh bây giờ, người ta thường nghĩ ngay đến giọng ca: NSƯT Thúy Cải và NSƯT Thúy Hường. Không đẹp bằng đàn chị của mình nhưng phần nào Thúy Hường cũng gây được sự chú ý của công chúng hơn. Thúy Hường là một trong những NSƯT trẻ nhất của Việt Nam. Vẻ đẹp khỏe khoắn, mang nhiều hương vị nắng gió của chị đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm điện ảnh.
Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh từng kể rằng, nhiều khán giả nước ngoài yêu mến bộ phim “Thương nhớ đồng quê” còn phong cho Ngữ (nhân vật do Thúy Hường thể hiện) là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới”. Có thể đấy chỉ là những ý kiến riêng của một số khán giả, liền chị Thúy Hường chưa đoạt giải hoa hậu, hay hoa khôi, nhưng với khán giả yêu điện ảnh Việt Nam thì những vai diễn trên màn bạc của Hường đều có một vẻ đẹp riêng. Một vẻ đẹp khá ấn tượng khiến những ai từng xem “Thương nhớ đồng quê”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Đầm hoang”... đều phải lưu luyến.

Năm 1995, Thúy Hường về Hà Nội để thu thanh cho phim “Cây bạch đàn vô danh” của đạo diễn Thanh Vân. Khi ấy, đạo diễn Nhuệ Giang, vợ của Thanh Vân cũng đang tìm diễn viên vào vai Ngữ trong phim  “Thương nhớ đồng quê”. “Lúc đó, chị Nhuệ Giang hỏi xin tôi ảnh, tôi bảo tôi không có. – NSƯT Thúy Hường kể – Tưởng thế là thôi. Hôm sau tôi đang tập ở đoàn thì có người vào gọi, bảo có đạo diễn ở dưới Hà Nội lên tận đoàn tìm. Tôi lo lắm. Nhưng sau khi anh Nguyễn Hữu Tuấn (nhà quay phim) chụp ảnh xong, đạo diễn Đặng Nhật Minh bảo: “Thôi không phải tìm ai nữa, cô Ngữ đây rồi”, thì tôi có vẻ tự tin hơn rất nhiều. Tôi quyết định đi đóng phim, một phần vì cũng thích nhưng phần nhiều vì mình là một khán giả rất thích xem phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh”.

Lần “chạm ngõ” làng phim ấy, Thúy Hường gây ấn tượng bằng lối diễn dung dị, chân chất. Hường đã diễn, đã thể hiện nhân vật người chị dâu như chính cuộc đời mình. Vốn quen việc đồng áng nên từng hành động, từng việc làm của nhân vật Ngữ, Thúy Hường đều diễn tả rất đạt. Nếu “Thương nhớ đồng quê” là  một bức tranh rất đẹp về đồng quê, về những con người nông dân vốn hiền lành, lam lũ thì nhân vật Ngữ của Thúy Hường cũng là một mảng màu sắc giản dị nhưng rất ấn tượng trong tác phẩm điện ảnh ấy.

Đến bộ phim “Đầm hoang” do Hà Sơn đạo diễn, Thúy Hường lại được sống với một nhân vật trái hẳn với tính cách và lối sống của Ngữ. Đó là Di, một người đàn bà sống trên hoang đảo, mạnh mẽ, táo tợn nhưng cũng rất bao dung bởi chị đã gặp quá nhiều sóng gió trong cuộc đời. Xem Di của Thúy Hường, nhiều khán giả đã không ngờ được người đàn bà ấy ở ngoài đời vốn là một liền chị thường vẫn e ấp, dịu dàng cùng những làn điệu Quan họ mượt mà, trong trẻo. Công bằng mà nói, Ngữ được nhiều người biết đến hơn, nhưng Di mới là vai diễn bộc lộ được nhiều khả năng của Thúy Hường. Không kể nhân vật Tiểu đội trưởng Tần trong phim “Ngã ba Đồng Lộc” của Lưu Trọng Ninh, chỉ với Ngữ và Di, Thúy Hường cũng đã được coi là một diễn viên điện ảnh.

Sau những vai diễn đó, kể cả hiện nay, Thúy Hường vẫn nhận được nhiều lời mời làm phim của các đạo diễn kể cả trong Nam lẫn ngoài Bắc nhưng những câu hát Quan họ đã níu chân liền chị này. “Tôi rất muốn đóng phim nhưng vì công việc của đoàn khá bận. Tôi vẫn tự hứa với mình là sẽ tham gia một bộ phim nào đó, nhưng cũng chẳng biết đến bao giờ mới có thời gian để lại được đứng trước ống kính máy quay” – NSƯT Thúy Hường tâm sự.

Hai mươi năm gắn bó với những làn điệu Quan họ, cái tên Thúy Hường đã trở thành một “thương hiệu” riêng gắn liền với thể loại dân ca đặc sắc của vùng Kinh Bắc. Dù khá thành công với những vai diễn trên màn ảnh nhưng mỗi khi nhắc đến Thúy Hường người ta nghĩ ngay đến những làn điệu Quan họ và khi nói tới dân ca Quan Họ Bắc Ninh khán giả lại nhớ đến NSƯT Thúy Hường. Thành công ấy, niềm vinh dự ấy không phải người nghệ sĩ nào cũng đạt được trong cuộc đời nghệ thuật của mình.

Thành công mới và những khắc khoải khôn nguôi

Sắp bước sang tuổi 40, cái tuổi nhắc những người nữ nghệ sĩ phải lo cho mình một điểm dừng. Và thực tế, không ít giọng ca đã phải dừng lại ở cái tuổi này nhưng với Thúy Hường, tuổi tác không làm giảm nét duyên và sự trong trẻo, mượt mà trong câu hát. Vẫn trong tà áo mớ ba, mớ bảy, Thúy Hường thể hiện “Lúng liếng”, “Cắp nón đón đò”, “Buôn bấc buôn dầu”, “Đêm qua nhớ bạn”, “Nhớ mãi khôn nguôi”…

CD “Lúng Liếng” và DVD “Nhớ mãi không nguôi” của NSƯT Thúy Hường được Hồ Gươm Audio phát hành vào cuối năm 2004 đã chứng tỏ được sức bền của giọng ca Quan họ này. Điều đáng nói hơn, đĩa DVD “Nhớ mãi khôn nguôi” của Thúy Hường đã giành được giải nhất trong cuộc thi Liên hoan băng đĩa hình ca nhạc toàn quốc do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức tháng 4 vừa qua. “Khi quyết định cho phát hành CD “Lúng liếng” và DVD “Nhớ mãi khôn nguôi” tôi chỉ muốn ghi lại những bài hát cổ truyền thống hay, để sau này cho lớp đàn em phát triển, không ngờ lại nhận được giải thưởng. Khi biết tin, tôi rất phấn khởi. Hơn hai mươi năm trong nghề, đến giờ tôi luôn mặc cảm tiếng hát và nhan sắc của mình đã phôi phai, vì thế, nhiều khi tôi cũng tự ti, nên khi nhận được giải thưởng tôi rất xúc động”.

Khi Hường kể, chúng tôi thấy niềm vui bộc lộ khá rõ trong đôi mắt chị. Nhưng ngay sau đó, ánh mắt vẫn thường lúng liếng dưới chiếc nón quai thao lại bỗng u buồn. Hường bảo: “Thành công nào cũng có cái giá của nó”. Những sô diễn gần xa buộc Hường phải thường xuyên vắng nhà. Mà sự đời thì lắm nỗi… Sống với cậu con trai 10 tuổi, giờ đây Hường chỉ biết tìm niềm vui trong câu hát, ngược xuôi nhiều sàn diễn để mong khỏa lấp khoảng trống thời gian

Tân Phong
.
.