Từ gã thợ hàn thành nhà văn

Thứ Bảy, 26/01/2013, 09:25
Trải qua rất nhiều nghề, tưởng cuộc đời Nguyễn Văn Nhuận sẽ chốt lại với nghề thợ hàn. Nhưng kể từ sau khi người vợ hết mực yêu quý mất vì tai nạn giao thông đúng dịp về quê ngoại ăn tết, thì người thợ hàn đã xúc động làm thơ. Không dừng ở đó bằng sự động viên của bạn bè, cảm hứng cá nhân, ông đã viết tiểu thuyết cho thỏa chí, rồi trở thành một nhà văn thường xuyên có tác phẩm ra đời…

Từ thành công bước đầu...

Tôi nhớ rất rõ cái tiếng gọi oang oang của Nguyễn Nhuận Hồng Phương (bút danh của Nguyễn Văn Nhuận) khi ông đăng ký lớp học ba tháng của Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du. Lần gặp đầu tiên đó, nhà văn Phạm Ngọc Chiểu giới thiệu: “Đây là con gà đẻ khỏe Nguyễn Nhuận Hồng Phương”. Chưa đầy một năm sau, tôi có cơ hội cùng ông tham dự trại Sáng tác văn học do Bộ Công an tổ chức. Những đêm ở trại viết Sầm Sơn (Hải Phòng), khi đã mỏi tay nhọc óc, ông cho phép mình thư giãn đôi chút, lúc đó lại sang phòng tôi (ngay bên cạnh) để tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề.

Nguyễn Nhuận Hồng Phương, sinh năm 1947 tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc, cha mẹ mất sớm, nên phải tự lao động kiếm sống từ 10 tuổi. Từ đó, cuộc đời lang bạt, Nhuận phải là đủ nghề như thợ mộc, làm bốc vác để kiếm ăn. Năm 14 tuổi, Nhuận khai tăng thêm vào lí lịch bốn tuổi nữa để được thoát li làm công nhân khai thác rừng làm thợ phá đá, lái thuyền trên sông Hồng, đi bộ đội, làm lái xe, lái máy ủi, cơ khí gò hàn…

Năm 1999, một biến cố lớn xảy ra trong gia đình Nguyễn Nhuận Hồng Phương, vợ ông mất vì tai nạn giao thông mà chính ông lái xe máy. Bà vợ để lại ba con trai. Ông bỗng trở nên bơ vơ. “Quá buồn và hụt hẫng, tôi quyết định đóng cửa xưởng hàn. Những lúc rảnh rỗi, thường tập hợp bạn bè làm đôi câu thơ đọc chơi, những mong tháng ngày trôi qua đỡ cô đơn. Bài thơ đầu tiên tôi làm là bài thơ khóc vợ, rồi mở rộng đề tài. Những bài thơ đó đều được bạn bè động viên gửi đi đăng báo, nhưng gửi nhiều nơi và chờ đợi mãi chẳng thấy chút tăm hơi. Vì vợ tôi là Phương, nên tôi chọn bút danh là Nguyễn Nhuận Hồng Phương và cái bút danh đó đã sống mãi với tôi đến giờ”, ông kể lại.

Dẫu chưa được đăng, nhưng chẳng vì thế mà dừng viết, Hồng Phương viết thêm trường ca. Năm 2002 ông hoàn thành trường ca Khúc hát Mê Linh, sau khi đọc bản thảo, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thẩm định và được NXB Thanh Niên ấn hành. Quả thực, sau khi được in thơ, ông nghĩ mình sẽ phấn đấu để trở thành thi sĩ. Nhưng rồi trong một lần tâm sự, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi khuyên ông thử viết văn.

Nghe lời ông, Hồng Phương về viết liền một lúc 18 truyện ngắn, tất cả cốt truyện đều lấy từ những câu chuyện xảy ra ở cái thị xã Phúc Yên nhỏ bé thân thương của mình. Ông vẫn nhớ như in niềm vui sướng tột cùng, khi truyện ngắn đầu tay Chiếc xe tang được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Công nhân (tờ tạp chí của NXB Lao động). Sẵn có hứng, và tâm thế “thừa thắng xông lên”, Hồng Phương “bắn” tằng tằng gần hai chục truyện gửi đến.

Dẫu ưu ái, nhưng ban biên tập chỉ in cho vài truyện trên tạp chí, còn lại động viên tác giả giữ lại, sửa chữa để in thành tập riêng. Rồi trong năm 2004, 17 trong 18 truyện ngắn của ông được NXB Lao động cho in thành tập truyện ngắn Trong rác không có rác. Hoàn thành cuốn sách này, ông bắt đầu nghĩ sang thể loại tiểu thuyết. “Nhà văn trẻ” đi học máy tính và mua máy xách tay về viết cho tiện. Có máy, ông viết càng hăng, càng nhanh.

Bạn bè không thể ngờ một gã thợ hàn giỏi nghề, tưởng chỉ biết các mối hàn, cửa xếp, sống nơi phố thị với những người lao động bình thường, ăn sóng nói gió, nay lại đổi nghề cầm bút. Bạn đọc thấy, mỗi trang viết của ông đều có chất bụi bặm của phố thị, sự quằn quại của các số phận con người.

Nguyễn Nhuận Hồng Phương chia sẻ: “Nếu nói nghề cơ khí vất vả, bụi bặm thì có thể, còn nói là “khô cứng” thì chưa đúng. Với riêng tôi, nghề cơ khí là một nghề cần có đôi bàn tay tài hoa, khéo léo; đầu óc nhạy bén, sáng tạo, linh hoạt và có tâm. Và với tôi, quá khứ  sống và nghề nghiệp tôi đã làm, không bao giờ là sự ngáng trở, đó chính là vốn liếng và tư liệu cho tôi vững tin khi sáng tạo ra những tác phẩm. Còn về những khó khăn, theo ý của đạo Phật: Đó chính là vượt qua chính mình”.

Đến “gà đẻ trứng” tốt!

Tiểu thuyết đầu tay của ông có tên Đồng vọng ngược chiều cũng là tiểu thuyết đầu tiên của đội ngũ những người cầm bút Vĩnh Phúc sau 10 năm, kể từ khi tái lập tỉnh và tách Hội Văn học Nghệ thuật. Tác phẩm của ông được nhận giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và giải thưởng Văn xuôi 5 năm của tỉnh Vĩnh Phúc.

Tiếp đó, Hồng Phương liên tiếp hoàn thành các tiểu thuyết  Vận may, Phá sản xuất bản năm 2006 và tập truyện Khi người ta ngủ in năm 2007. Ông còn “bạo gan” viết kịch bản phim và được đạo diễn - NSƯT Lê Đức Tiến - Giám đốc Hãng Phim Giải phóng (hiện là Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam) dựng thành phim. 20 tập phim truyền hình với tên gọi Vận may do Nguyễn Nhuận Hồng Phương chuyển thể từ tiểu thuyết của mình đã phát sóng. Hiện ông đang viết kịch bản phim Về nguồn.

Trong 5 năm, từ 2003 đến 2008, Nguyễn Nhuận Hồng Phương xuất bản sáu tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Ông cũng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006. Thực tế, mỗi mùa kết nạp hội viên, năm nào cũng bùng nổ chuyện “chạy chọt”. Nhưng với Hồng Phương thì khác, ông được các nhà văn có tài, có tâm giúp đỡ một cách vô tư, cụ thể như có lần ông chia sẻ: “Xin thưa, tôi tiếp xúc với một số nhà văn thì đều được họ ra “luật”. Với nhà văn Phạm Ngọc Chiểu và nhà văn Trần Dũng thì có quy định bất thành văn: Nếu đi ăn cơm với nhau thì chỉ được ăn cơm bình dân, uống bia thì chỉ được uống “bia cỏ”, uống rượu thì uống “rượu nút lá chuối”; còn hút thuốc lá thì chỉ được hút thuốc lá Du lịch”.

Trong lần nhà văn Phạm Ngọc Chiểu đưa Hồng Phương đến gặp nhà văn Ma Văn Kháng để nhờ ông làm người giới thiệu thứ nhất. Khi đi qua chợ Trung Hòa, Hồng Phương dừng xe bảo nhà văn Phạm Ngọc Chiểu: “Để em mua cái gì vào chứ đi tay không ngại lắm”. Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu cười: “Cần gì phải mua, tớ điện hẹn anh Kháng rồi”.

Hồng Phương định thôi, nhưng vì lần đầu đến nên bảo nhà văn Phạm Ngọc Chiểu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện” anh đợi em một tý”. Và ông vào hàng hoa quả mua một quả dưa cộng với năm quả cam sành. Khi vào đến nhà, chào hỏi xong, nhà văn Ma Văn Kháng nói luôn: “Cậu là Phương hả, cậu thì mình chưa gặp nhưng tác phẩm thì mình đọc rồi, được, được đấy!”.

Tôi hỏi, với dáng dấp to lớn, gặp bạn bè cũng vồn vã, nồng nhiệt, ăn to nói lớn, điều đó có ảnh hưởng đến trang viết của ông như thế nào? Hồng Phương trả lời: “Dáng hình và phong cách của tôi là sự thừa hưởng từ cha, mẹ; nói ảnh hưởng bởi tôi bị cảm quan khó gần ngay từ khi mới gặp. Tôi biết họ “bị lừa” vì cái vẻ bề ngoài thô nháp của tôi. Nhưng tôi bảo đảm trăm phần trăm, ai đã đến với tôi những người đó sẽ không bao giờ muốn xa và ân hận.

Vì tôi luôn đặt cái tâm của mình khi đối thoại và quan hệ. Chả thế, khi tôi đến Trung tâm Thiên Giao (Hải Phòng), gồm toàn những trẻ con bị nhiễm chất độc da cam, ở đấy hơn hai tháng để viết tiểu thuyết Ngoài vòng tay của Chúa. Sau 3 năm tôi mới quay lại để tặng sách mà các em nhỏ thiểu năng trí tuệ vẫn còn nhớ, ùa ra chào đón. Vậy thì hình dáng và phong cách của tôi cũng được đấy chứ!”.

Những tác phẩm gần đây nhất của “gã thợ hàn” là hai tiểu thuyết Phố thịNgoài vòng tay của Chúa. Cuốn tiểu thuyết Ngoài vòng tay của Chúa lấy cảm hứng và một phần bối cảnh là Trung tâm Thiện Giao, với những cảnh đời bất hạnh, nhưng được một người mẹ nhân hậu, đã hy sinh cả cuộc đời mình, không lấy chồng, tình nguyện nuôi dưỡng và thành lập nên cả trung tâm để giúp đỡ đồng đội, những phận người nghèo khó, đặc biệt là trẻ em thiểu năng trí tuệ.

Trong lần đến trao tặng sách, ông đã phát biểu rất cảm động, cũng là nói lên thông điệp của cuốn sách: “…Cứ thế, tôi đã sống cùng với mọi người trong gia đình Thiện Giao; men theo dĩ vãng, tỉnh thức với bao kí ức của một thời vừa đáng nhớ vừa muốn quên. Và có thể nói, chính họ đã tạo cho tôi niềm cảm hứng để viết ra cuốn tiểu thuyết này; bởi phần xác và linh hồn của họ là điển hình về nỗi đời bi tráng trong sự hào hùng của tiếng kèn chiến thắng; là một hiện thực tàn nhẫn, phũ phàng không chối cãi, không phù phiếm, không ngụy tạo. Và phải chăng đó chính là cái kết không có hậu, không công bằng của Thượng đế khi Người có ý định nặn ra mọi sinh linh trên trái đất”.

Và yêu… máy tính

Ngồi nói chuyện với ông, tôi bị cuốn bởi lối nói chuyện vồn vã, cởi mở, có chút gì đó đúng là bản chất mộc mạc của gã thợ hàn. Giờ đây, không phải lo cái ăn cái mặc. Con cái thành đạt, Hồng Phương chỉ còn mỗi trăn trở là làm tấm gương cho con cháu, để chúng học tập tốt, ngoan ngoãn vâng lời.

Lúc rảnh rỗi, ông vẫn tụ tập bạn bè, uống cà phê, đi câu giải trí, xem bóng đá và viết văn. Đêm về, trong căn phòng yên tĩnh, ông lại ngồi trước chiếc máy tính, vật lộn với những con chữ để có sản phẩm tinh thần giá trị cho đời. Ông luôn coi máy tính là người bạn, bởi nó không chỉ là công cụ giúp ông viết lách thuận tiện, mà còn là phương tiện gắn kết bạn bè khắp nơi.

Câu cuối cùng tôi hỏi “ông Nhuận thợ hàn”, rằng ông có định tìm cho mình người bạn đời để giúp đỡ nhau những năm tháng cuối đời? Ông khảng khái: “Đó là sự giằng xé cho những người vấp vào hoàn cảnh như tôi. Khác chăng, tôi vẫn luôn thèm yêu và khát tình đến cháy bỏng. Nhưng tôi lại sợ mất chính tôi trong sự ràng buộc của một cuộc tình không đoan chắc. Câu hỏi luôn bị hỏi, trái tim đời luôn thổn thức, còn lí trí nhà văn thì mãi muốn tự do…”.

Ông lại cười rất sảng khoái, đôi mắt long lanh. Và trong tâm hồn “nhà văn trẻ” ấy, vẫn còn nhiều dự định, khiến những người trẻ như tôi có theo được cũng phải toát mồ hôi. Người ta có nhiều con đường để thay đổi số phận. Cũng có nhiều con đường để thành một nhà văn. Thành nhà văn bằng sự trải nghiệm, thoát khỏi nỗi đau, học cách yêu đời và yêu con chữ theo kiểu Nguyễn Nhuận Hồng Phương cũng thật đáng quý. Và hình như, văn chương đã trả lại cho ông niềm vui, nụ cười, những người bạn và cả tuổi xuân nữa

A Khoa
.
.