Tự đốt lửa dưới ghế mình ngồi

Thứ Ba, 19/04/2011, 13:59
Cải tổ (perestroika) ở Liên Xô là một sự nghiệp lớn được khởi đầu bởi những động cơ tốt nhưng lại bị phá sản vì những người thực hiện không đủ tầm nên đã dẫn tới những hậu quả khôn lường tai hại mà cho tới nay, không chỉ những người dân trong không gian Xôviết cũ phải gánh chịu.

Một trong những nhân vật chính đã gây nên tội lỗi này là Eduard Shevardnadze, nguyên Bí thư Đảng Cộng sản Gruzia và trong thời cải tổ, là Bộ trưởng Ngoại giao của Liên bang Xôviết (từ năm 1985 tới năm 1990)…  Không ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, nhân kỷ niệm 20 năm Liên Xô tan rã, ông Shevardnadze đã có mặt trong nhiều bài trò chuyện công bố trên các phương tiện đại chúng Nga.

Số phận run rủi nên những năm tôi du học ở Liên Xô lại trùng với giai đoạn tiến dần tới công cuộc cải tổ (perestroika) ở nước bạn. Tôi còn nhớ, trong số những nhà lãnh đạo Xôviết gây được ấn tượng mạnh nhất  thời đó với tôi có ông Eduard Shevardnadze - một thủ lĩnh năng nổ, phóng khoáng, dám làm, dám chịu và rất mềm mỏng, giống hệt như Gorbachev trong giai đoạn đầu cải tổ.

Thế nhưng, cũng giống như Gorbachev, càng ngày ông Shevardnadze lại càng bị rối lẫn trước những thực tế của thời mạt quốc và cả hai người đều trở thành những tội đồ chính trong việc làm cho Liên bang Xôviết tan rã. Và dẫu sau này đã trở thành người lãnh đạo tối cao của nước Cộng hòa Gruzia độc lập  thời "hậu Xôviết" trong nhiều năm liền nhưng rốt cuộc ông Shevardnadze cũng đã phải tức tưởi về vườn trước sức ép rất thô bạo từ phía lực lượng của một thủ lĩnh trẻ hơn ông nhiều là Mikhail Saakashvili, người sau đó đã trở thành Tổng thống Gruzia. Bây giờ ông Shvardnadze vẫn nói rằng, sai lầm lớn nhất của ông trong sự nghiệp chính trị chính là để cho Saakashvili lên làm Tổng thống.

Ăn ốc, phải đổ vỏ

Sau khi Liên Xô tan rã, con đường tiến tới xây dựng một nhà nước độc lập ở Gruzia đã trở nên bi thảm. Ngày 31/3/1991, đã có tới 89,9% số cử tri Gruzia ủng hộ việc tách khỏi Liên bang Xôviết trong một cuộc trưng cầu dân ý. Hai tuần trước đó, Gruzia từ chối tham gia trưng cầu dân ý trên quy mô toàn liên bang về việc duy trì Liên bang Xôviết.

Ngày 17/3/1991 cuộc bỏ phiếu đã chỉ diễn ra tại Nam Ossetia, vùng đất mà ở thời điểm đó đã hai năm cầm súng để đòi tách ra khỏi Gruzia. Tại Nam Ossetia chỉ có 9 trong số 44 nghìn cử tri bỏ phiếu chống lại Liên bang Xôviết. Còn tại Abkhazia đã có tới 60% số cử tri tham gia trưng cầu dân ý và hầu như tất cả họ đều ủng hộ ý tưởng độc lập cho Gruzia.

Ngoại trưởng Liên Xô và Ngoại trưởng Mỹ: Bút sa, gà chết...

Tuy nhiên, chỉ ngay năm sau đã bùng nổ cuộc xung đột Gruzia - Abkhazia dẫn đến việc Tbilisi đánh mất quyền kiểm soát với cả vùng lãnh thổ tự trị này. Trước đó không lâu, tháng 12/1991, tại thủ đô Gruzia đã bùng phát các cuộc đụng độ vũ trang giữa lực lượng đối lập với Zviad Gamsakhurdia (Chủ tịch Hội đồng Xôviết tối cao nước CH Gruzia trong những năm 1990-1991, Tổng thống đầu tiên của nước Gruzia độc lập từ tháng 4/1991 đến tháng 12/1993 - HTQ) buộc ông này tới đầu tháng 1/1992 đã phải "bỏ của chạy lấy người" sang Chesnia.

Tháng 3/1992, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Xôviết, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô Shavardnadze, đã từ Moskva trở về Tbilisi và đã nắm quyền chèo lái Gruzia suốt 11 năm tiếp theo. Trong cuộc trả lời phỏng vấn bình luận viên tờ "Tin tức Moskva" Mikhail Vignansky trên số báo ra ngày 31/3/2011, ông Shevardnadze đã cố biện minh cho mình và đổ mọi tội lỗi cho những nhà lãnh đạo khác (như Mikhail Gorbachev hay Boris Yeltsin…) nhưng thực ra, ông cũng như họ, đã tự đốt lửa dưới ghế mình ngồi.

Nhà báo Mikhail Vignansky: Liệu khi đó còn có cơ hội để tiếp tục duy trì Liên bang Xôviết hay không?

Ông Eduard Shevardnadze: Những thủ lĩnh Liên Xô lúc đó đã làm mọi việc để thay vì bảo vệ Liên bang thì lại đi phá hủy nó. Chủ yếu việc này diễn ra là do sự đối đầu giữa hai thủ lĩnh - Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin. Đã mất nhiều thời gian để thảo luận việc liệu có nên giữ Mikhail Gorbachev trên vị trí Tổng thống Liên bang Xôviết với những thẩm quyền hữu hạn hay không?

Người ta đã mặc cả với ông ấy về những việc gì mà ông ấy có thể làm, còn những việc gì thì không thể, và rốt cuộc mọi sự đã dẫn tới hiệu ứng ngược chiều. Tôi lúc đó đã thôi chức rồi nhưng vẫn suy nghĩ rất nhiều về tương lai có thể có của Liên bang Xôviết, thảo luận về vấn này nhiều nhất là với Aleksandr Yakovlev (Bí thư Trung ương Đảng trong giai đoạn 1986-1990, một trong những nhà tư tưởng chính của công cuộc cải tổ mà các nhà quan sát đều cho là thiên về phương Tây - HTQ).

Đối với chính bản thân mình thì từ 4 năm trước khi Liên Xô tan rã, tôi đã đoán chắc rằng, kiểu gì thì Liên Xô cũng tan, vì đế chế nào thì sớm muộn cũng phải đi tới sụp đổ, nhưng tôi đã lầm về thời gian. Tôi đã nghĩ rằng Liên bang Xôviết còn tồn tại được thêm hơn chục năm nữa. Nói chung thì tất cả những điều kiện khách quan và chủ quan đã phát triển đến mức mà không thể nào tiếp tục duy trì được Liên bang Xôviết.

Bất chấp những sự việc đã diễn ra trong giai đoạn đầy định mệnh ấy đối với Gruzia đầu những năm 90, cuộc trưng cầu dân ý năm 1991 nhìn chung đã được tổ chức khá suôn sẻ, thậm chí là đã có đại đa số các cử tri Abkhazia tham gia nó.

Và cả cuộc trưng cầu dân ý này và cả những kết quả của nó đều hữu lý nhìn từ góc độ lịch sử. Tbilisi trong những năm đó đã tiến hành một đường lối mạch lạc để trở thành độc lập. Và như vậy là đã thực hiện được ý chí của nhân dân. Còn về việc tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý toàn liên bang  đã có thể tác động thế nào đến số phận Gruzia thì thực rất khó nói. Chuyện này bây giờ chỉ là về mặt lý thuyết mà thôi.

- Vai trò của phương Tây thế nào trong việc Liên bang Xôviết tan rã?

- Tôi nhớ có một cuộc gặp ở ngôi nhà của tôi tại Moskva với Henry Kissinger (cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - HTQ). Hôm đó, Kissinger nói, là chủ yếu. Ông ta bảo rằng, chúng tôi ở Mỹ đã luôn cho rằng, Liên bang Xôviết là một quốc gia đối địch, chúng tôi đã muốn góp phần làm tan rã nó bằng mọi giá, nhưng khi điều này đã trở thành sự thật thì chúng tôi không biết phải làm gì.

- Tức là họ cũng không ngờ rằng mọi sự diễn ra nhanh như thế?

- Đúng vậy.

- Liệu có thể nói rằng từ một thời điểm nào đó trở đi thì sự tan rã của Liên bang Xôviết đã trở nên không thể nào tránh khỏi?

- Trước thời Nikita Khrusov (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn từ tháng 9/1953 tới tháng 10/1964 - HTQ) người dân trên toàn bộ lãnh thổ Liên Xô đã có một cuộc sống tốt hơn hiện nay. Chính Khrusov đã làm hỏng mọi thứ. Người dân bắt đầu bị đói ở nước Nga, ở Gruzia, ở tất cả các nước cộng hòa.

Và đây là kết quả từ hoạt động "thiên tài" của ông ấy. Nếu không phải ông ấy mà là một người bình thường ngồi ở vị trí đó thì Liên bang Xôviết sẽ tiếp tục tồn tại được ít nhất là bằng từng ấy năm trước khi ông ấy lên cầm quyền. Chỉ riêng lệnh cấm duy trì vườn nhà, cấm nuôi riêng gia súc của ông ấy cũng đã gây hại chừng nào! Ngay cả nuôi dê cũng bị cấm!

Đó mới chính là sự khởi đầu dẫn đến tan rã Liên bang Xôviết. Ở Gruzia trong giai đoạn đó có nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản nước cộng hòa là Vasili Mzhavanadze đã tìm được cách để cho nông dân có quyền tư hữu. Bởi vì người ta chủ yếu sống bằng những gì tự nuôi trồng trong vườn nhà. Tôi biết rõ chuyện đó là thế nào vì tôi cũng từng sống ở nông thôn.

- Gorbachev nói rằng phương Tây đã đánh lừa ông ấy khi hứa sẽ không mở rộng NATO sang phía Đông. Ngành ngoại giao Xôviết đã làm sai?

- Không ai lừa ai cả. Mọi chuyện đều là kết quả của các cuộc thương lượng…

- Những gì mà Eduard Shavardnadze mơ ước hai mươi năm trước đã trở thành hiện thực chưa?

- Bản thân việc Gruzia hôm nay là một quốc gia độc lập, là một điều tốt, bất chấp những khiếm khuyết hiện hữu. Còn việc đất nước đang được điều hành như thế nào, có những sai lầm gì, các vấn đề nào đang được giải quyết hoặc chưa được giải quyết, thì đó lại là một chuyện khác.

- Suốt những năm qua vẫn không thể nào làm ổn định được tình hình ở vùng Cápcadơ. Điều gì sẽ chờ đợi khu vực này sau 20 năm nữa?

- Rất khó nói. Đặc biệt là một phần rất lớn của Gruzia lại đang bị thôn tính. Tôi tin rằng sớm hay muộn Abkhazia và Nam Ossetia sẽ được trả lại cho Gruzia. Khi nào việc đó xảy ra, tôi không dám nói chắc. Tất cả đều phụ thuộc vào nước Nga.

Bằng sự công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, nước Nga đã phạm một sai lầm nghiêm trọng vì đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đối với chính nước Nga. Nếu Abkhazia và Nam Ossetia có quyền như thế thì tại   sao Chesnia, Dagestan, Tatarstan lại không có quyền? Đó cũng là những quốc gia hẳn hoi.--PageBreak--

Những hồi ức ngoại giao

Trong bài trả lời phỏng vấn nhà báo Andrey Vandenko trên tạp chí Itogi số ra đầu tháng 2/2011, ông Shevardnadze đã kể rất nhiều điều thú vị về đoạn đời mà ông đã làm người lãnh đạo cao nhất của Bộ Ngoại giao Liên Xô.

Nhà báo Andrey Vandenko: Lần cuối ông tới Moskva là vào năm nào?

Ông Eduard Shevardnadze: Để tôi nghĩ tí đã… Có lẽ là vào năm 2003.

- Ông có vào lại căn hộ của mình ở ngõ Plotnikovyi không?

- Vào sao được! Nó từ lâu đã không còn là của tôi nữa. Nhưng nếu như nhớ lại những ngày từng sống ở đó thì tôi phải nói rằng, có nhiều thời điểm khác nhau nhưng dẫu sao vẫn nhiều điểm sáng, nhiều niềm vui hơn. Căn hộ nằm ở khu Arbat cổ, đi bộ năm phút là tới quảng trường Smolensk và trụ sở Bộ Ngoại giao mà tôi từng là lãnh đạo từ ngày 2/7/985. Việc bổ nhiệm rất là bất ngờ đối với tôi…

Vấn đề là tôi đã kết bạn với Gorbachev từ lâu. Từ khi ông ấy còn là Bí thư Thứ nhất Khu ủy Stavrapol của Đảng Cộng sản Liên Xô, còn tôi là lãnh đạo Đảng Cộng sản Gruzia. Mikhail Sergeyevich thích nghỉ ở Abkhazia, thường xuyên tới Pitsunda (thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Abkhaxia - HTQ), và chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần ở đó. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau về nhiều chủ đề, chia sẻ những suy tư. Chính ở đó vào cuối năm 1979 qua chương trình thời sự trên đài phát thanh, chúng tôi mới biết về quyết định của Ban lãnh đạo Xôviết đưa quân vào Afghanistan.

Tôi nhớ, tôi đã rất cáu vì việc họ đã không buồn tham khảo ý kiến ngay cả với các ủy viên trung ương về vấn đề quan trọng nhường này và tôi đã nói với Gorbachev: "Hệ thống đã bị hư từ trên xuống dưới, cần phải thay đổi nó trước khi nó bị sụp đổ". Mikhail Sergeyevich lúc đó im lặng, nhưng sau này, khi ông ấy được bầu làm Tổng Bí thư BCH TW Đảng tháng 3/1985, đã không chỉ một lần dẫn lại lời nói của tôi. Ông ấy đã không hề hoài nghi gì về nhu cầu cần những thay đổi quyết liệt. Chỉ một tháng rưỡi sau khi được bầu, ông ấy đã gọi điện thoại xuống Tbilisi cho tôi: "Anh Eduard à, anh phải lên Moskva thôi".

Tôi hỏi: "Có việc gì thế?". Gorbachev không giải thích chi tiết qua điện thoại mà chỉ đáp ngắn gọn: "Có ý tưởng, cần phải thảo luận". Gruzia trong giai đoạn đó được coi là một trong những nền cộng hòa tiên phong nhất, ở chỗ chúng tôi đã tiến hành những thí nghiệm mạnh bạo, mang lại những kết quả tích cực. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikolai Tikhonov thậm chí còn ra một nghị quyết phổ biến những kinh nghiệm của Gruzia ra các khu vực khác trong nước. Tôi đã tưởng rằng câu chuyện sẽ về việc này…

Tóm lại, tôi bay lên Moskva, đi tới chỗ của Gorbachev trên quảng trường Cũ. Ông ấy nói: "Chúng tôi đã tham vấn với các đồng chí khác và định đề nghị anh giữ chức Bí thư Trung ương về đối ngoại. Phương án thứ hai, làm Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô. Anh có thể tùy chọn…".

Nhưng một khi ta chưa chuẩn bị cho việc này thì biết chọn làm sao! Tôi đã định thử từ chối, thậm chí còn đưa ra những lý lẽ, theo cái nhìn của tôi, là rất hợp lý, nhưng Mikhail Sergeyevich không buồn nghe tôi nói và bảo rằng, mọi việc đã được quyết định rồi, không bàn bạc gì nữa.

Ông ấy cần một người lãnh đạo Bộ Ngoại giao đáng tin cậy và tâm đầu ý hợp, một đồng đội. Có lẽ tôi đã thích hợp với vai trò đó. Sau đấy một vài ngày diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị mà trong đó Gorbachev đã tuyên bố rằng, có đề xuất đưa đồng chí Shevardnadze vào chức Bộ trưởng Ngoại giao, còn đồng chí Gromyko (vị Ngoại trưởng lâu năm nhất của Moskva thời Xôviết - HTQ) thì đưa vào chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô.

Theo thang bậc hành chính quốc gia thì đó là vị trí thứ ba sau Tổng Bí thư và người đứng đầu nội các, và đó giống như một sự vinh thăng đối với ông Gromyko, nhưng ông ấy từng ở Bộ Ngoại giao rất lâu, tới 28 năm làm Bộ trưởng và nhờ tính không nhượng bộ của mình đã bị đặt cho biệt danh "Mr. No".

Gromyko là một người rất hiểu biết, giàu tri thức, có uy tín cao, về bản chất chính là người đã gây dựng nên trường phái ngoại giao Xôviết. Và bỗng nhiên là tôi tới… Một con tàu nhỏ so với một hàng không mẫu hạm khổng lồ! Của đáng tội, con tàu nhỏ này có thể là con tàu mang vũ khí hạt nhân…

Ông Gromyko đã chuẩn bị sẵn  một ứng cử viên thay thế mình, đó là một trong những Thứ trưởng của ông, nhưng Gorbachev đã thuyết phục được rằng, trong thời điểm bước ngoặt như lúc đó, cần không chỉ một nhà ngoại giao đơn thuần mà cần một chính trị gia có thể hiểu được từ bên trong thế nào là cải tổ, tăng tốc và đổi mới… Và ông Gromyko đã đồng ý.

- Thì ông ấy còn biết làm gì nữa?

- Tôi cũng không nói là việc đề cử này khiến tôi vui. Tôi đang ở Gruzia rất tốt và tôi không định chuyển đi đâu cả. Và mọi thứ ở Tbilisi đều rất hay. Nhưng trong Đảng Cộng sản Liên Xô đã không có lệ phản biện: một khi quyết định đã được thông qua thì cần phải thực hiện nó.

Tới bây giờ thú nhận thì tôi cũng cảm thấy hơi ngượng nhưng thực sự là ở thời điểm năm 1985, tôi thậm chí còn không biết trụ sở Bộ Ngoại giao ở đâu, trước đó chưa bao giờ tôi tới đấy. Sáng ra, khi lái xe tới chở đi làm, tôi thậm chí còn không biết nói tên địa chỉ cần tới. May mà anh lái xe ấy cũng giàu kinh nghiệm, tự hiểu và lái tới đúng chỗ.

Thật kỳ khôi! Tới nơi rồi, tôi ra khỏi xe. Không có ai theo cùng, không có ai đón chào! Một tòa nhà khổng lồ, cao tới 30 tầng!  Không biết phòng làm việc của Bộ trưởng ở chỗ nào. Có người mách: phải lên tầng thứ bảy. Tôi mở cửa: 8 người, 8 ông Thứ trưởng của tôi đứng dậy chào. Họ nhìn tôi chờ đợi. Chúng tôi làm quen với nhau, bắt đầu trò chuyện.

Tôi nhìn thấy trong mắt họ vẫn chưa biến hết sự kinh ngạc: chẳng lẽ cái ông người Gruzia này lại là Bộ trưởng của chúng ta sao? Tôi cũng thú thực với những người có mặt trong phòng là tôi chẳng hề có hình dung gì về ngành ngoại giao cả nhưng dù sao thì cũng phải làm việc cùng nhau. Và tôi nói thêm: "Tôi hy vọng vào các đồng chí!". Và quả thực là sau một thời gian, chúng tôi đã tìm ra được tiếng nói chung.

Lúc đó không có thời gian để thích nghi nữa. Chỉ ba tuần sau khi nhậm chức, tôi đã phải bay tới Phần Lan dự buổi lễ nhân kỷ niệm 10 năm ký Hiệp ước Helsinki. Tôi phải đọc một bài về an ninh và hợp tác ở châu Âu và đưa ra tuyên bố nhân danh Liên bang Xôviết. Phải nói gì đây?

May mà có người trợ lý lâu năm và rất đáng tin cậy Temo Stepanov - Mamaladze mà tôi mang lên cùng từ Tbilisi. Ông ấy đúng là một viên chức nhà nước mẫu mực, dẫu từng là một nhà báo rất có tài, dù hiểu về ngành ngoại giao cũng không hơn tôi là mấy. Các luận điểm của bài phát biểu do các nhân viên trong bộ máy Bộ Ngoại giao chuẩn bị, còn văn bản thì do Temo soạn thảo…--PageBreak--

- Nhưng ông cũng đã có những kinh nghiệm ngoại giao nhất định trước khi về Bộ Ngoại giao cơ mà. Ít nhất là trong những năm 70, ông đã từng tiếp bà Indira Gandhi ở Tbilisi...

- Nhưng đó lại là chuyện khác! Đó chỉ là một chuyến thăm theo lễ nghi bình thường. Mà cũng phải nói rằng, bà Indira đã hai lần tới Gruzia. Lần đầu thì bà ấy dừng lại trên đường đi từ Moskva tới Delhi. Bà bay tới đây vào lúc tối muộn, vào ở trong khách sạn, không hề bước ra ngoài, rồi sớm hôm nay lại bay về Ấn Độ. Hôm ấy, thậm chí là tôi cũng không có dịp được trò chuyện với bà. Lần thứ hai bà Indira tới đây lâu hơn. Đi cùng bà là các thành viên trong gia đình.

Trong công viên trên núi Mtatsminda, - nhìn từ đó có thể thấy rõ cả thành phố Tbilisi, chúng tôi đã mở một bữa tiệc theo kiểu Gruzia đích thực để chào mừng các vị khách quý. Rất cảm động và hoành tráng. Mọi người đã ngồi tới khuya, rất ít nói về công việc, cùng uống rượu vang, cùng hát... Nói chung người Ấn Độ ít uống rượu lắm nhưng hôm ấy cũng đã thử. Và họ rất khen! Đến sáng hôm sau, tôi đã tiễn bà Gandhi ra sân bay.

Sau này tôi có gặp bà ấy thêm một lần nữa. Năm 1982, tôi bay tới Delhi trong đoàn đại biểu chính thức dự Đại hội của Đảng Cộng sản Ấn Độ. Mặc dù những người cộng sản ở Ấn Độ không phải là một lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn nhưng Liên bang Xôviết đã cho là mình có nghĩa vụ phải ủng hộ những đảng anh em. Tóm lại, tôi đã tham gia vào công việc của Đại hội và đang chuẩn bị quay trở về Gruzia thì qua đại sứ Liên Xô ở Ấn Độ, tôi nhận được lời mời tới thăm bà Thủ tướng.

Chẳng lẽ lại có thể từ chối khi nguyên thủ quốc gia mời? Hơn thế, đó lại còn là một phụ nữ đẹp. Cuộc gặp được ấn định vào 10 giờ sáng hôm mà tôi phải bay đi. Khi tôi đã tới gần dinh Thủ tướng thì người ta lại gọi điện thoại tới đại sứ quán và xin lỗi rồi nói rằng cuộc gặp được đổi lại vào thời điểm muộn hơn. Biết làm sao được, lại phải chờ thôi. Một giờ trôi qua, rồi một giờ rưỡi...

Dĩ nhiên là tôi cảm thấy nóng ruột. Tôi cần phải bay về ngay hôm đó mà. Cuối cùng cũng vang lên hồi chuông điện thoại, lý giải nguyên do dẫn tới sự chậm trễ.  Hóa ra là sáng hôm đó trong nhà bà Thủ tướng đã xảy ra một vụ cãi nhau to. Cô con dâu út mà người chồng đã bị chết trong một tai nạn máy bay, đã bất ngờ tuyên bố bỏ nhà mẹ chồng đi một cách ầm ĩ.

Việc này khiến mọi người ở xung quanh rất phẫn nộ. Và bà Gandhi dĩ nhiên là cần thời gian để tĩnh tâm lại. Biết về chuyện này, tôi đã đề nghị hủy cuộc gặp. Nhưng bà Indira đúng là một chính trị gia đích thực, một người có ý chí thép. Bà đợi tôi ở cổng dinh, chào đón rất niềm nở, và đưa vào nhà. Trong suốt cả giờ diễn ra buổi gặp, bà không hề để lộ về việc đang phải phân tâm về một việc gì.

Chúng tôi nói chuyện thoải mái với nhau, nhớ lại những chuyến thăm của bà Gandhi tới Tbilisi và Moskva. Tôi đã mấy lần định chấm dứt buổi thăm nhưng bà Indira cứ giữ lại và tiếp tục trò chuyện. Tôi rời Delhi với hy vọng là sẽ có những cuộc gặp mới trong tương lai.

Chúng tôi bắt đầu trao đổi thiếp chúc mừng nhân dịp năm mới và những ngày lễ quốc gia khác. Không khó hình dung ra tâm trạng của tôi khi tháng 10-1984 hay tin về việc bà Indira Gandhi bị bắn chết bởi chính những  lính cận vệ của mình.

- Có thể so sánh bà Gandhi với bà Thatcher không?

- Họ hoàn toàn khác nhau. Bà Magraret cũng là một phụ nữ rất thông minh, nhưng bà ấy... biết nói thế nào nhỉ?

- Cứng rắn?

- Đúng, đúng thế! Anh có biết tại sao các nhà lãnh đạo Xôviết trong suốt một thời gian dài không sang London không? Ngay cả ở cấp Ngoại trưởng. Ông Gromyko suốt mấy thập niên liền đứng đầu Bộ Ngoại giao nhưng không một lần chính thức sang thăm nước Anh. Người đầu tiên trong số những gương mặt cao cấp của Liên bang Xôviết tới Anh là Gorbachev. 

Việc này xảy ra năm 1984, trước cả khi Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư. Khi ấy bà Thatcher đã nói câu sau này trở thành nổi tiếng: "Con người ấy có thể tin được". Sau này, năm 1989, trên đường trở về từ Cuba, tôi và Gorbachev đã quá giang tại London. Bà Thủ tướng Anh mời chúng tôi tới văn phòng của mình trên phố Dawning.

Bà Thatcher trong bất cứ một cuộc gặp nào cũng muốn nắm quyền chủ động và thể hiện rõ ai là thủ lĩnh thực sự. Và trong lần gặp đó, bà ấy cũng tấn công trước khi trình bày những đòi hỏi khá nghiêm trọng trong nhiều vấn đề khác nhau với Liên bang Xôviết. Gorbachev cũng không chịu lùi và đáp trả trong từng việc một.

Tôi quyết định không can thiệp vào, vì tôi nghĩ, Thatcher và Gorbachev sẽ tự xử lý được câu chuyện, không cần đến tôi. Còn chuyến thăm London chính thức của tôi trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đã diễn ra từ tháng 7/1986 và kéo dài trong ba ngày. Sau các cuộc hội đàm với người đồng cấp ở Anh, ngài Geoffrey Howe, tôi đã  tới thăm "bà đầm thép".

Bà ấy tiếp khách theo phong cách quen thuộc, đề cập tới cuộc chiến tranh ở Afghanistan, về quyền con người ở Liên Xô, về những hậu quả từ thảm họa hạt nhân Chernobyl, nhưng trong lòng tôi đã chuẩn bị cho không khí đối thoại trong các vấn đề cùng quan tâm. Cuộc trò chuyện diễn ra thông qua các phiên dịch viên. Hôm ấy giúp tôi là Pavel Palazhchenko, một chuyên gia siêu hạng…

Sau khi được cử làm Bộ trưởng, tôi đã nghĩ tới việc mời thầy về dạy tiếng Anh nhưng rồi đã mau chóng hiểu ra rằng, với cường độ công việc mà tôi phải gánh thì làm gì còn sức mà học. Cuộc gặp với bà Thatcher kéo dài hơn hai giờ, chúng tôi đã thảo luận nhiều vấn đề và tới cuối buổi thì giọng điệu đã trở nên bình tĩnh hơn nhiều, rồi mọi sự kết thúc bằng việc đích thân bà Thủ tướng tiễn tôi ra tận cổng dinh, thậm chí ra cả ngoài đường, dẫu đấy không phải là việc quy định trong nghi lễ. 

Các nhà báo viết về chuyến thăm của tôi sang London đều đánh giá đó là cử chỉ thiện chí từ phía bà Thatcher.

Rồi "bà đầm thép" sang Moskva. Các cuộc hội đàm giữa bà ấy với Gorbachev diễn ra trong nhà khách của Bộ Ngoại giao trên phố Tolstoi. Công việc diễn ra khó khăn, đầu tiên tham gia hội đàm là  cả hai đoàn trong thành phần đầy đủ, rồi hai nhà lãnh đạo trực tiếp trò chuyện với nhau. Tôi đã chứng kiến Gorbachev và Thatcher đã to tiếng với nhau.

Nghe từ xa nên không rõ họ nói gì nhưng cách nói chuyện ấy khiến ta không thể nuôi ảo tưởng gì. Không ai chịu nhượng bộ, ai cũng muốn giữ cái lý của mình. Cứ thế kéo dài tới 8 tiếng. Công chuyện kết thúc bằng việc ký thông cáo chung và bắt tay nhau trước ống kính. Ngoại giao, đó là cuộc tìm kiếm vĩnh viễn những thỏa hiệp! Có thể và thậm chí là cần tranh luận nhưng dù thế nào cũng phải tôn trọng nhau, không vượt rào...

Vĩ thanh

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn trên, ông Shevardnadze đã nói về một câu chuyện tiếu lâm (có liên quan tới bà Thatcher) mà ông từng kể cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nghe ở Nhà Trắng. Tổng thống Reagan là một người rất thù địch đối với Liên bang Xôviết. Thái độ thù địch của ông ta với Moskva đã khiến cho suốt một thời gian dài quan hệ cá nhân của ông ta với các nhà lãnh đạo Xôviết rất căng thẳng.

Tuy nhiên, cuối cùng Gorbachev cũng như Shevardnadze cũng thiết lập được mối quan hệ tương đối ổn thỏa với Reagan và đây cũng là một cái thiệt hại cho công cuộc cải tổ: khi ta thân thiện quá với kẻ thù thì là lúc sự nghiệp của ta bắt đầu xuống dốc. Chân lý này đâu có mới mẻ gì! Ông  Shevrdanadze kể:

- Tôi đã bảy lần tham gia các cuộc hội đàm hoặc thương lượng với Reagan. Ông ta đã kết thúc một trong những cuộc gặp đầu tiên bằng một chuyện tiếu lâm - Reagan là người thích và thuộc vô số chuyện tiếu lâm. Từ đó trở đi việc này đã trở thành truyền thống: trước khi chia tay, Reagan như để bày tỏ cảm tình và quan hệ đặc biệt  luôn kể một chuyện tiếu lâm mới, và lạ là không chuyện nào trùng với chuyện nào.

Và trong một lần tôi tới Nhà Trắng, đại sứ Liên Xô tại Washington, Anatoli Dobrynin đã khuyên tôi cũng nên giao đãi lại bằng một chuyện tiếu lâm nào đó để mọi sự diễn ra suôn sẻ hơn. Thực ra, tôi cũng không muốn đua tài với một cựu diễn viên chuyên nghiệp như Reagan nhưng tôi hiểu: Dobrynin đúng tuyệt đối.

Với tư cách một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, ông ấy đã tìm ra được cách diễn đạt rất hay để tôi không thể khước từ: "Chẳng lẽ một người đàn ông Gruzia tới từ Guria lại thua về trí tuệ tinh nhạy hóm hỉnh so với một anh cao bồi tới Illinois ư?". (Guria là quê của ông Shevardnadze, còn Illinois là quê của Reagan - HTQ). Tôi cũng định từ chối nhưng may thay, lúc đó lại chợt nhớ tới một câu chuyện mà tôi được nghe ở Moskva trước lúc bay  sang Mỹ.

"Chúa trời mời Tổng thống Mỹ, Tổng thống Liên Xô và nữ Thủ tướng Anh lên gặp mình và đòi nghe báo cáo về tình hình công việc trần gian. Người nói đầu tiên là Reagan: "Khải tấu, con đã hoàn thành lời hứa trước nhân dân Mỹ và đã tạo ra được thêm 5 triệu chỗ làm mới". Gorbachev báo công: "Công cuộc cải tổ đang diễn ra mạnh mẽ, càng ngày càng sâu sắc hơn và nhanh hơn".

Chúa trời gật gù tỏ ý hài lòng và hỏi bà Thatcher: "Thế  công việc ra sao rồi hả con gái của ta?". Và  nữ Thủ tướng Anh đã trả lời: "Tất cả đều ổn, nhưng đó không phải là điều chính yếu. Thứ nhất, tôi không phải là con gái của ông; thứ hai, ông đang ngồi chiếm chỗ của tôi đó!".

Khi tôi kể xong, Reagan bật cười rất lâu rồi yêu cầu kể lại chuyện tiếu lâm này thêm một lần nữa. Ông ta thân với bà Thatcher nhưng cũng thích có dịp chế giễu bà ấy"

H.T.Q
.
.