Trưởng lão vào thu

Thứ Tư, 16/11/2011, 15:51
Vừa trở dậy được khỏi giường sau cuộc đại phẫu thuật vì gẫy cổ xương đùi do bị tai nạn, lật bật tập những bước đi đầu tiên, nhạc sỹ Hồng  Đăng đã được vợ - chị Thúy - tháp tùng, lần này thì bằng taxi cho cẩn trọng, tới thăm ông bạn đồng nghiệp Văn Dung.

Nhạc sỹ Văn Dung còn đang phải nằm yên một chỗ, gắng để vượt qua cái hạn bất ngờ ở tuổi 76, cũng là hậu quả của lần bị đâm xe máy trên đường phố Hà Nội. Chẳng hẹn mà gặp, mấy ông nhạc sỹ già, toàn thuộc dòng “chân chạy”, chả bao giờ chịu khép mình vào thế bất động lại phải đành lòng ngắm đất trời và hít thở không khí mùa thu tuyệt đẹp từ bên trong khung cửa gia đình.

1. Nhạc sỹ Văn Dung đang bon bon trên đường, bỗng nhiên bị một chàng trai trẻ đâm xầm vào. Thế là tai bay vạ gió, nhập viện, ra viện, rồi nằm nhà dưỡng thương từ đấy, trong căn phòng nhỏ trên gác 2. Cậu trai “tội đồ” ấy, không bỏ chạy, mà dừng lại đưa ông đi cấp cứu, gọi cả bố mẹ đến trợ giúp.

Sau đó cậu sinh viên chịu khó qua lại thăm hỏi ông, nên giờ cũng đã thành quen, thành thân. Nằm nhà, đau thì đau, nhạc sỹ Văn Dung vẫn không bỏ được thói quen đọc sách, đọc báo, nghe thời sự và dõi theo các sự kiện của đời sống văn nghệ. “Con đường âm nhạc” lấy tiêu đề Trái tim hát, chân dung âm nhạc của nhạc sỹ Văn Dung được VTV3 dàn dựng và phát sóng, may mà diễn ra nồng hậu, ấm cúng và đầy trọng thị hồi tháng 5, chứ để đến thời điểm này thì ông đã không thể trực tiếp đến tham dự được.

Xêm xêm tuổi với nhạc sỹ Hồng Đăng, “cùng một lứa bên trời” với NSND Trần Tiến, cùng dân Hà Nội gốc, nhạc sỹ Văn Dung xem ra giữa những người đồng tuế, lại vào hàng trẻ trung phong độ nhất. Nhìn ông, nói năng rổn rảng, cử chỉ khoáng đạt, điệu cười vang vang mạnh mẽ, chả ai dám nghĩ, nhạc sỹ nếu ở nông thôn thì đã vào hàng thượng thọ, lên lão.

Ngày thường, nhạc sỹ Văn Dung một mình một xe máy, quần bò, áo sơ mi nhanh nhẹn khỏe khoắn, đầy thanh niên tính. Ông đến chỗ nào là chỗ ấy lập tức ồn ào sôi động, nói cười, kể chuyện, tranh luận, bao giờ cũng một phong thái sôi nổi, hoạt ngôn, miệng cười mắt nheo nheo xởi lởi.

Mới năm ngoái, 2010, trong chuyến lên thăm quê hương Cách mạng Cao Bằng, tới Pác Bó, ông đủ sức xăm xăm, mấy tiếng đồng hồ leo lên cột mốc 108, thỏa thuê ngắm nhìn Tổ quốc mình ở ngay đường biên giới, trong sự lo lắng và cuối cùng là bái phục nể nang của các thành viên toàn người trẻ cùng đoàn. Nhiệt tình hăm hở với cuộc sống như ông, ngay nhiều bạn đang độ đôi mươi, những người vẫn vỗ tay theo nhịp bài hát Hành khúc thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh mỗi dịp sinh hoạt Đoàn, hay các hoạt động tập thể, cũng còn khuya mới theo kịp.

Bên trong con người tưởng như hướng ngoại, là bề sâu kiến thức và sự hiểu biết đậm đặc về văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam, nhạc sỹ Văn Dung mang vẻ tài hoa và hào hoa của một người đúng nghĩa Hà Nội, Hà Nội thời của những “người ra đi đầu không ngoảnh lại”, của một thời Lũy hoa lãng mạn, hào sảng.

Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ trên chiếc xe máy quen thuộc.

Bởi thế, những người trẻ tuổi dễ khoái Văn Dung, thích chuyện trò túm tụm với ông, nghe ông nói, bình luận đưa ra quan điểm về vấn đề này kia mà không thấy ngần ngại khoảng cách thế hệ, vì ở ông, ít có các triệu chứng của văn nghệ sỹ… già, một công thần hay một người ưa sự xét nét suy bì kẻ cả với đám trẻ.

Văn Dung hay bảo, ông không thích nói về mình, không thích kể chuyện mình, chỉ suốt ngày say sưa khoe bạn bè bằng hữu. Ông tấm tắc với tài năng của NSND Trần Tiến, xưng tụng đấy là vốn quý trời cho, rưng rưng với sự đối đãi quá tử tế của nhà văn Ngô Thảo dành cho những người xung quanh, khen người này, cảm kích với người khác…, cũng bằng sự chân thành, nồng ấm thực thụ.

Ngay trên giường bệnh, nhạc sỹ Văn Dung vẫn săn đón thăm hỏi chuyện nhà văn Ngô Thảo ngày này sang Singapore làm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, sốt ruột vì nhạc sỹ Hồng Đăng cũng gần như cùng lúc với mình, chịu cái hạn lớn.

Được tiếng là người giỏi tử vi, tam phen tứ bận cảnh báo, tư vấn hoạn nạn cho bạn bè, người thân, cả rất nhiều fans hâm mộ, nhạc sỹ Hồng Đăng xòe tay bấm quẻ, đã biết năm nay, năm Tân Mão này kiểu gì mình cũng gặp tai ách. Biết tránh chả được, nên ông đã cố để làm cho hạn to thành nhỏ, hạn nhỏ thành nhỏ hơn nữa. Được mời tham quan và làm việc tại Pháp, ông đã dằn lòng không đi, cốt ở nhà cho lành, tránh được rủi ro chút nào hay chút ấy. Nhưng rồi, chạy trời không khỏi… số, thấy bảo có tờ báo viết bài về mình, Hồng Đăng một mình một xe máy, “lênh đênh” trên đường, ghé vào quầy sách ở Tràng Tiền.

Mua được báo, dắt xe chậm chậm trên vỉa hè, định xuống lòng đường mới đi, mà vẫn bị một kẻ “tổ lái” phi xe máy ầm ầm lao tới, đâm rầm một cái. Ông còn đang tê dại vì đau điếng, thì kẻ phóng nhanh vượt ẩu kia đã cắm đầu cắm cổ chạy trốn. Nghe tin báo, chị Thúy tất tưởi nhào đến, sấp ngửa đưa ông vào viện Việt Xô.

Nghe tin ông nhạc sỹ của Hoa sữa, Biển hát chiều nay… gặp nạn, nhiều giáo sư bác sỹ hàng đầu, toàn bạn bè quen biết, từ các bệnh viện lớn đã sốt ruột kéo đến, cùng hội chẩn, biết ông bị gẫy cổ xương đùi, săm sắn mổ cho ông. Bước đi vẫn còn dò dẫm khó khăn, nhạc sỹ Hồng Đăng đã lại cười lành hiền, nguyên cái giọng hồn hậu hóm hỉnh cố hữu: “Thường ngày đi đâu bà ấy chở thì không sao. Hôm đó lại nằng nặc đòi đi một mình. Đúng là sểnh vợ ra thất nghiệp”.

Sau ngày về hưu, thôi trọng trách Phó chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, vướng phải đủ thứ bệnh tật, thành lệ, nhạc sỹ Hồng Đăng đi đâu là được bà xã đích thân đưa đón chu đáo. Ngồi sau xe máy do vợ cầm lái, cái xe CUB 82 thâm niên chắc cũng lâu đời, nhạc sỹ Hồng Đăng lại nhiệt tình lui tới các cuộc tụ tập bạn bè, những nơi chốn cần ông như cần một người để tạo ra tiếng cười lạc quan, sảng khoái, một người biết khỏa lấp mối lo của người khác, trấn an động viên người khác lúc họ đang rối lòng.

Ai có điều gì vướng bận, có chuyện chưa thư thái tâm hồn, lo tương lai xa tương lai gần chưa biết ra sao, gặp Hồng Đăng, thể nào cũng được ông, bằng cái giọng cười hề hề như thật như không, như đùa như nghiêm túc, đưa ra những lời an ủi, khuyên nhủ nghiêm túc, thông minh nhất.      

2. Nếu không vướng các sự cố ngoài ý muốn, mạnh chân mạnh tay như lúc chưa có chuyện gì xảy ra, mấy ông văn nghệ sỹ đều thuộc hàng trưởng lão ở Hà Nội rất hay tổ chức “sự kiện” để gặp nhau, lấy vui làm chính. Cuối thu, trời lúc hanh hao se lạnh, lúc oi nồng hương “hoa sữa”, nhưng dẫu có nắng mưa bất chợt, thì đây cũng là những khoảnh khắc nôn nao ít ỏi và mong manh hiếm có mà thiên nhiên ưu ái dành riêng cho Hà Nội.

Nhà văn Ngô Thảo ở Singapore về, hồ hởi tự trào bệnh tật đã bị đẩy lùi, sức khỏe giờ phần nhiều bình ổn, mạnh mẽ như chàng trai 15, 19. Nhạc sỹ Hồng Đăng đang tập đi ở nhà, nhạc sỹ Văn Dung đếm mùa thu trôi qua khuông cửa nhỏ, cả giáo sư - NSND Trọng Bằng cũng phải để mắt từng giây tới căn bệnh huyết áp, tim mạch, chả ai còn rảnh rang thư thái thả hồn theo cái bảng lảng một năm mới tới một lần của tiết giao mùa.

Thoáng trông NSND Trọng Bằng vẫn hồng hào đỏ đắn, cao lớn như một “tướng nhạc”, dù bước chân ông đã run, mỗi lần đi ra khỏi nhà là một lần con cái lại thắt tim bồn chồn phấp phỏng. Nhạc sỹ Trọng Bằng năm nay cũng ngoài 80, thời gian mỗi độ mỗi khác, vài năm trước, ông còn hỉ hả tiết lộ, đi khám sức khỏe, cô bác sỹ trẻ nhắc bác cởi áo ra để nghe tim phổi, chụp XQ, rồi cũng cô ấy choáng, khen nắc nỏm, bác bảy mấy tuổi rồi mà sao còn “ngon” thế.

Căn nhà xinh xẻo ngăn nắp của nhà văn Ngô Thảo trong ngõ nhỏ trên phố Hàng Bông vốn là địa chỉ thân quen thường được các tao nhân mặc khách, các văn nghệ sỹ quen mặt quen tên lui tới, gặp gỡ hàn huyên, uống rượu và xả “sì trét”. Mấy tháng trước, cả Trọng Bằng, Văn Dung, Hồng Đăng cùng nhiều gương mặt văn nghệ khác còn tham gia tiệc rượu ở nhà Ngô Thảo, rượu tràn ly và tiếng cười ăm ắp không gian.

Rượu được đem ra làm cái cớ, ăn nhậu cũng lý do thuần túy được đem ra thành nguyên do cho những buổi tụ bạ, quan trọng nhất là những người bạn già gặp nhau, nhìn thấy mặt nhau, yên tâm khi thấy nhau còn đi lại, nói cười được, uống rượu được, tức là còn khỏe, còn có mặt, hiện hữu được bằng xương bằng thịt trên cõi đời này.

Thà cứ gặp được nhau mà uống rượu, còn hơn dăm bữa nửa tháng mấy ông bạn già lại điện thoại nhắn tin cho nhau, rồi hẹn hò đi thăm người này nhập viện, đi thăm người khác bị tai nạn hay vừa phát hiện ra bệnh trọng.

Buồn thì chả buồn, coi như đã biết được mệnh trời, chấp nhận thực tại và cả số phận, nên dẫu có tai ương hoạn nạn, mấy ông nghệ sỹ thành danh, nổi tiếng vẫn vui, lạc quan và dứt khoát không chịu để cho ngày tháng thản nhiên qua đi một cách vô ích.

Nhạc sỹ Văn Dung chưa gì đã hẹn hò gặp mặt uống rượu và kể chuyện hay về bạn bè, đồng nghiệp, nhạc sỹ Hồng Đăng tự rút kinh nghiệm nằm lòng: Từ giờ đi đâu cũng chỉ taxi hay vợ chở, như thế cho an toàn. Ông Hồng Đăng hô quyết tâm, phấn đấu mua bằng được một cây piano, thay cho cây đàn cũ kỹ long tróc được trưng dụng như giá để đồ chễm chệ trong phòng khách nhà ông.

Nhạc sỹ Văn Dung còn lưu dấu trong trí nhớ mình hàng hàng ký ức về những người cùng thời, những bạn văn bạn nghề bạn rượu, những người có tên có tuổi trong đời sống văn nghệ nước nhà nhiều thập niên qua, và hứa khi nào túc tắc đi lại được, thay vì nói chuyện về chính ông, sẽ hàn huyên về những con người đáng yêu đáng mến ấy, cho người hôm nay có thêm tư liệu hay mà giữ gìn, tưởng nhớ

Ngô Hương Sen
.
.