Trương Đức Hai: Người anh hùng bình dị

Chủ Nhật, 20/04/2014, 15:28

Tôi gọi điện thoại đến mấy lần để hẹn với anh, nhưng phải đến một buổi sáng đầu mùa xuân này tôi mới có dịp được diện kiến anh ở một quán cà phê vườn thoáng rộng, nằm ngay cạnh sân vận động của thành phố Đông Hà (Quảng Trị).

Mới gặp anh, nhìn vóc dáng của người đàn ông đã qua tuổi lục tuần với mái tóc pha sương và gương mặt của một người đã chịu nhiều sương gió, khó ai có thể hình dung được, chính con người ấy trong những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc từng là một chiến sĩ  vô cùng quả cảm của huyện đội Gio Linh (Quảng Trị), là một tay súng bắn tỉa cừ khôi ở cứ điểm Đồi 31 và là một nhân tố quan trọng trong các chiến dịch diệt ác phá kềm ở mặt trận Gio Linh - Quảng Trị. Anh là Trương Đức Hai, người mà cách đây chưa lâu, ngày 26-7-2013 đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Anh sinh ra ở một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ Nam của dòng sông Bến Hải, có tên là Hải Chữ, thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tuổi thơ của anh là những năm tháng nghèo khó, cơ cực. Mẹ anh một mình tần tảo với ruộng vườn để nuôi đàn con 6 đứa. Cha anh theo truyền thống gia đình đi làm cách mạng để đánh Tây bảo vệ xóm làng. Có giai đoạn trong chống Pháp, cha anh là Trung đội trưởng lực lượng du kích của xã Trung Hải. Chú ruột anh trong thời kỳ chống Pháp cũng là một du kích quân gan dạ, mưu trí đã bị lính Pháp phục kích bắt được, rồi chúng đã đưa ông về làng Hải Chữ để hành quyết bằng hình thức chặt đầu để khủng bố tinh thần đối với những người theo cách mạng… 14 tuổi, Trương Đức Hai đã năn nỉ xin các bác, các chú du kích trong làng đi theo cách mạng, nhưng thấy anh còn nhỏ tuổi nên họ chưa đồng ý cho theo. 16 tuổi, anh được các bác chỉ huy lực lượng vũ trang của xã Trung Hải gật đầu cho đi theo để làm du kích. Chỉ sau 2 ngày được huấn luyện, anh đã có thể tháo lắp súng một cách thành thục, được những người đi trước hết sức ngợi khen. Chỉ sau hơn một năm trong quân ngũ, từ chàng thanh niên mới lớn, Trương Đức Hai đã được cấp trên và đồng đội tin tưởng giao phó chức vụ trung đội trưởng, xã đội phó, rồi đảm trách chức vụ xã đội trưởng khi mới tròn 19 tuổi.

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ông Lê Bá Nguyên - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị trao bằng công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho anh Trương Đức Hai.

Nhấp một ngụm cà phê, anh hùng Trương Đức Hai trầm ngâm nhớ lại: Hồi ấy là mùa hè của năm 1967, thời điểm mà quân đội Sài Gòn tăng cường quân số ra vùng chiến sự trọng điểm Gio Linh. Anh được giao nhiệm vụ chỉ huy các cánh quân du kích để đánh phản công cầm chân hướng hành quân của Trung đoàn 2 ngụy từ hướng quân cảng Cửa Việt lên mạn phía tây. Những ngày đối đầu không cân sức ấy, Trương Đức Hai với khẩu súng CKC của mình đã cùng với đồng đội dũng cảm, mưu trí tiêu diệt rất nhiều tên địch trong đó có 2 viên sĩ quan chỉ huy. Gặp phải sự truy cản của ta, địch càng dốc quân vào vùng đất Gio Linh - Quảng Trị. Chính quyền Sài Gòn với sự giúp sức của quân đội Hoa Kỳ đã cho dựng trên mảnh đất này một hệ thống hàng rào điện tử McNamara, để mưu cầu thành công hơn trong kế hoạch “tát nước bắt cá” và hơn thế nữa là để chặn đứng hướng hành quân tiếp viện vào chiến trường miền Nam từ hậu phương miền Bắc. Trong tình thế căng thẳng ấy, Trương Đức Hai được cấp trên điều động vào làm công tác chỉ huy lực lượng du kích ở địa bàn xã Gio Mỹ, một địa bàn quan trọng được xem như yết hầu của mặt trận Gio Linh. Với khoảng gần 150 chiến sĩ trong tay, anh đã cùng đồng đội của mình phối hợp rất nhịp nhàng với bộ đội chủ lực của ta triển khai việc bao vây bất ngờ, bắn tỉa địch để giảm trừ quân số địch. Những ngày ác liệt ấy, anh đã bị trọng thương do trúng đạn của quân thù, đồng đội đã đưa anh ra vùng an toàn để điều trị, phải mất một thời gian dài anh mới trở lại chỉ huy đánh địch ở địa bàn Gio Mỹ…

Khi tình hình ở Gio Mỹ tạm yên, Trương Đức Hai lại được cấp trên tin tưởng điều đến công tác ở địa bàn của xã Gio Lễ. Anh kể rằng, đây cũng là giai đoạn mà trái tim anh buốt nhói nhất, khi liên tiếp hay tin những người thân trong gia đình, dòng họ bị chết vì đạn bom của địch. Người mẹ kính yêu của anh cũng đã vĩnh viễn ra đi trong một trận oanh kích của pháo hạm Hoa Kỳ, khi bà đang trên đường trở lại quê hương từ vùng sơ tán Tân Kỳ (Nghệ An)…

Xã Gio Lễ là một địa bàn nằm tiếp giáp với quận lị Gio Linh và căn cứ Dốc Miếu. Vì vậy mà tình hình kiểm soát của địch ở vùng này thời kỳ ấy hết sức gắt gao. Nhiều cơ sở cách mạng của ta liên tiếp bị vỡ vì tình trạng lục soát nghiêm ngặt của địch và hoạt động đắc lực của bọn việt gian, chiêu hồi. Trước những tổn thất của lực lượng vũ trang địa phương và bị cản trở hoạt động của nhiều cơ sở cách mạng tại chỗ, Ban An ninh Gio Linh quyết định phải thực hiện biện pháp “diệt ác, phá kềm”, phải trừ khử bằng được những đối tượng ác ôn, chỉ điểm. Với vóc dáng to cao, lanh lợi, tài bắn súng được xếp vào hạng thượng thừa của lực lượng vũ trang tại chỗ, nên không ai khác ngoài Trương Đức Hai được lãnh đạo địa phương chọn mặt gửi vàng để thi hành nhiệm vụ khó khăn này.

Nhân một dịp Quân đoàn 1 của quân đội Sài Gòn điều động đến chiến trường Gio Linh rất nhiều lính thủy quân lục chiến từ các Quân đoàn khác. Trương Đức Hai quyết định sẽ cải trang thành sĩ quan thủy quân lục chiến ngụy để trà trộn vào vùng kiểm soát của địch, thực hiện kế hoạch  diệt trừ những đối tượng ác ôn, chỉ điểm đã gây khó khăn và tổn thất cho phong trào cách mạng ở địa phương. Đối tượng gian ác đầu tiên được nhiều cơ sở của ta đề xuất phải diệt trừ là tên Thuận Đỉu - xã trưởng xã Gio Lễ. Qua công tác trinh sát, nắm tình hình, anh biết được Thuận Đỉu là một đối tượng hết sức gian manh. Ban đêm không bao giờ hắn ngủ trong nhà của mình mà lên trụ sở xã nơi có một trung đội địa phương quân canh chừng để ngủ. 8 giờ sáng hôm sau, khi Gio Lễ thực sự trở thành vùng đất do quân đội Sài Gòn quản lý, hắn mới quay về nhà để cơm nước, sinh hoạt cùng với vợ con. Hôm ấy, Trương Đức Hai nhận lệnh thi hành bản án đối với Thuận Đỉu. Anh ngụy trang thành một viên trung úy thủy quân lục chiến rồi dắt theo hai du kích trong trang phục lính thủy quân lục chiến làm “cận vệ” cho mình. Khi tín hiệu của cơ sở báo là Thuận Đỉu đã trở về nhà, anh cùng hai đồng đội chạy xe Honda với dáng điệu rất nghênh ngang tìm đường đến nhà Thuận Đỉu.

Bước vào nhà, anh nhìn thấy Thuận Đỉu đang ngồi ăn cơm, bên cạnh có vợ và hai đứa con còn nhỏ. Lệnh của Ban An ninh huyện là giáp mặt thì bắn ngay, nhưng trước tình cảnh ấy, anh đã không siết cò súng mà chỉ nói với Thuận Đỉu rằng: “Ông xã trưởng ăn cơm lẹ rồi qua đơn vị có chút việc”, Thuận Đỉu vừa ăn cơm vừa hỏi lại: “Trung úy cần tôi có việc chi không?”, anh bảo: “Cần ông xã trưởng vẽ cho cái bản đồ để đêm nay anh em đi tác chiến”. Nghe xong, Thuận Đỉu vội vàng theo chân anh cùng hai “cận vệ” đang đứng lảng vảng phía bên ngoài. Đi được một đoạn, một trong hai “cận vệ” tên Huấn có nhiệm vụ dẫn đường đã dẫn đi quá một khúc nên phải quay lại. Với cặp mắt cú vọ của mình, Thuận Đỉu đã nhận ra anh Huấn nên hắn đã la lên: “Việt cộng… Bà con ơi! Việt cộng!…”, rồi đâm đầu tháo chạy. Nhanh như cắt, anh giằng lấy tay Thuận Đỉu, quật xuống đất nói nhanh: “Im thì sống, còn la làng là tao bắn chết”. Thế nhưng, viên xã trưởng ác ôn vẫn cố tình chống cự, vừa bỏ chạy vừa la làng... Rất bình tĩnh, anh đã nghiêng khẩu súng trên tay siết cò tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng, rồi anh lật người hắn lấy toàn bộ giấy tờ tùy thân mang về báo cáo với cấp trên…

Tên ác ôn thứ hai là Đá Mói - Bí thư đảng Đại Việt. Gã này tuy đã già nhưng vô cùng gian ác và nham hiểm. Sự tồn tại của hắn đã gây ra không biết bao nhiêu tổn thất và khó khăn cho những cơ sở cách mạng của ta. Trương Đức Hai lại nhận nhiệm vụ cùng với một đồng đội tên Tâm. Ban đêm, các anh đã đột nhập vào nhà của Đá Mói, mặc dù căn nhà này bao giờ cũng có một trung đội lính dân vệ túc trực canh gác. Tiếp cận đối tượng và xác định chính xác, anh Tâm cùng Trương Đức Hải đã đanh thép tuyên bố bản cáo trạng của chính quyền Cách mạng đối với Đá Mói, đồng thời nổ súng kết liễu số phận của kẻ phản quốc này.

Đến đầu năm 1972, xã Gio Sơn của huyện Gio Linh trở thành mặt trận nóng bỏng nhất trong vùng. Một lần nữa, Trương Đức Hai được lãnh đạo mặt trận Gio Linh cử đến vùng đất lửa. Anh đã đề nghị với lãnh đạo cấp trên cho anh được chỉ huy một trận đánh lớn để hy vọng lấy lại thế kiểm soát, vì nếu cứ nằm im sẽ bị địch giành đất và dần dần sẽ đẩy lực lượng của mình ra khỏi địa bàn xã Gio Sơn. Sau khi nghiên cứu, xem xét đề nghị của anh, Tỉnh ủy Quảng Trị đã chuẩn y và điều thêm đơn vị bộ đội C4 địa phương về phối hợp với du kích Gio Sơn thực hiện nhiệm vụ. Trận đánh úp vào căn cứ Quán Ngang đã được các anh thực hiện một cách trọn vẹn. Địch bị tổn thất nặng nề nên đành tháo chạy, nhân dân Gio Sơn được quân giải phóng đón trở lại làng. Trận Quán Ngang oai hùng ấy cũng đã trở thành ngòi nổ đầu tiên cho chiến dịch tổng tiến công mùa xuân năm 1972 trên toàn chiến trường Quảng Trị.

Sau khi Quảng Trị được giải phóng, anh trở thành cán bộ chủ chốt của xã Gio Sơn để cùng với nhân dân xây dựng lại cuộc sống mới sau những năm tháng chiến tranh tàn phá. Sau  năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh được lãnh đạo cho đi học chính trị, rồi về làm cán bộ quản lý cấp phường ở thị xã Đông Hà. Ở tuổi 30, anh nên duyên cùng với một o du kích của xã Gio Mỹ. Cuộc sống những năm sau chiến tranh vô cùng khốn khó. Vợ chồng anh lần lượt sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai). Khi thằng út mới tập nói bi bô thì vợ anh ngã bệnh. Căn bệnh ung thư quái ác đã hành hạ chị suốt 13 năm trời. 13 năm ấy, anh một mình vừa cáng đáng chuyện chăm sóc vợ bệnh tật, vừa phải chăm sóc nuôi dạy các con. Căn nhà tập thể anh chị được cho ở nhờ có lúc đã bị người ta đòi lại. Vợ bệnh, con thơ, anh phải bầu đoàn lang thang đi ở nhà người thân, bè bạn. Rồi cũng may, có một người đã từng cùng anh chiến đấu, sau này trở thành lãnh đạo ở địa phương đã can thiệp cho anh được quyền hóa giá một căn nhà tập thể. Nhưng lúc ấy, sau nhiều chuyến đưa vợ đi tìm thầy chữa bệnh ở ngoài Bắc, trong Nam, gia cảnh của anh túng bấn trăm bề nên không còn tiền để mua nhà hóa giá mà anh lại phải viết đơn xin được ở nhờ… Từ bấy đến nay, anh vẫn đi bên cạnh cuộc đời với tính cách của một con người bình dị. Người ta có thể gặp anh nơi quán cóc, bên góc chợ hay với chiếc xe máy cà tàng tất bật ngược xuôi…

Nay thì cuộc sống của anh đã từng ngày thay đổi, các con anh đã lớn, cô chị cả nay đã là thạc sĩ, giảng dạy ở Trường Nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị; cô kế làm nghề thống kê; cô thứ ba là cán bộ đang công tác tại Công an huyện Gio Linh và cậu út đang theo học ngành Quản lý môi trường. Chia tay tôi, anh tâm sự: Hôm nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mình có được thưởng một khoản tiền, số tiền ấy mình đã cùng với một số anh em thực hiện việc xây dựng một tấm bia tưởng niệm ở Quán Ngang. Ước chi tấm bia ấy ngày một khang trang thêm vì anh em ngày xưa hy sinh ở đó rất nhiều. Chiến tranh mà, mình còn sống đến hôm nay là vì mình may mắn hơn nhiều đồng đội, mình phải nhớ và phải biết tri ân…

Phan Bùi Bảo Thy
.
.