Trung tướng tình báo Nga Leonid Shebarshin: Tận cùng nỗi đau vì đất nước

Thứ Tư, 25/04/2012, 16:44
Trung tướng tình báo Nga Leonid Shebarshin (24-3-1935 – 30-3-2012) vốn được biết tới như một người rất điềm đạm, điềm đạm đến can trường, và cũng đã rất nhiều lần nhìn cuộc bằng con mắt hóm hỉnh, hóm hỉnh đến vô vi. Chính vì thế nên việc ông đã tự sát chỉ vì thị giác đã trở nên tồi tệ đến mức gần mù lòa càng khiến xung quanh cảm thấy suy tư.

Và có lẽ như nhiều đồng đội cũ của ông nhận xét, lý do dẫn tới việc Trung tướng Shebarshin tự sát không hẳn chỉ vì những lý do vật chất cá nhân. Hành động này có lẽ còn bắt nguồn từ nỗi thất vọng lớn lao của người cán bộ an ninh Xô viết  kỳ cựu trước thực tại, khi nhiều giá trị cũ đã bị phỉ báng trong cơ chế mới.

Trí thức không ngậm miệng

Ngay từ ấu thơ, Leonid Shebarshin đã say mê đọc sách. Khi có tuổi, ông đọc chủ yếu là các tập hồi ký và các công trình nghiên cứu về phương Đông. Ông là tác giả của những cuốn sách hấp dẫn và sâu sắc như Bàn tay Moskva; Thời sự của thời vô thời gian. Ghi chép một sếp tình báo… Đó không đơn thuần là những cuốn sách mà là những lời “xưng tội” của ông trước lương tâm…

Là một điệp viên và một chỉ huy tình báo xuất chúng, cho tới cuối đời, trong sâu thẳm tính cách của Trung tướng Shebarshin vẫn là một nhà trí thức học rộng, hiểu sâu. Ông thông thạo bốn ngoại ngữ là tiếng Urdu, Hindu, Farsi và tiếng Anh. Nhiều đồng nghiệp cũ đã nhận xét, phẩm hạnh trí thức của ông đã không hề bị suy kiệt bởi hoạt động trong cái nghề rất đỗi khắc nghiệt mà ông đã gắn bó và cũng không trở nên khắc nghiệt hơn bởi những bất công ở cuối con đường sự nghiệp mà ông đã đi qua. Nó cũng không hóa dửng dưng với đời trong hơn hai mươi năm sau khi ông rời quân ngũ… Khi không còn làm được những công việc thực tế để phục vụ cho thể chế mà ông đã phụng sự trong vai trò một cán bộ an ninh, Shebarshin vẫn cố gắng giúp đời bằng những suy tư của một trí thức đích thực. Sinh thời, ông đã viết: “Là trí thức thì không thể nào ngậm miệng. Chính vì thế nên trí thức không bao giờ trông giống những kẻ khôn ngoan”.

Trung tướng Shebarshin có lẽ đã là một người không khôn ngoan vì ông đã không chỉ không bán rẻ những quan điểm của mình mà còn không bao giờ chịu im lặng trước những cái lệch chuẩn. Những đúc kết của ông về thời cuộc vì thế càng trở nên quý giá với tất cả những ai muốn nhìn nhận đúng hơn về thế giới xung quanh.

Hoài nhớ nhưng công bằng

Sống trong nước Nga thời “hậu Xô viết”, Shebarshin rất thấm thía nỗi đau của người “lưu vong trên chính quê hương”. Nhưng ông cũng biết tự an ủi mình: “Không cần phải quay về quá khứ. Chẳng còn ai ở lại đó đâu!”. Ông cũng biết tự nhạo mình khi nói về quá khứ: “Chế độ cũ hiển nhiên là tốt hơn chế độ hiện tại vô cùng, bởi khi đó tôi còn trẻ và làm sếp…”.

Tuy nhiên, khi nói về bản chất vấn đề thì ông rất nghiêm túc và nghiêm khắc. Ông thẳng thừng bác bỏ những kẻ muốn bôi lem những tháng năm Xô viết: “Thời u ám thường đi liền với mưa dầm, gió rét, bùn lầy. Thời tiết mùa hè và mùa thu năm 1989 đã rất tuyệt vời…”. Ông không ngại ngần đưa ra đánh giá đúng về những nhà lãnh đạo Xô viết  nhiều góc cạnh: “Chỉ có một nhà lãnh đạo bị buộc phải chịu toàn bộ trách nhiệm nhưng vẫn không sợ chịu trách nhiệm, đó là Stalin”. Ông cũng biết mỉa mai: “Những kẻ phản bội cũng cần cho xã hội. Không có chúng thì những người trung thực không được quý trọng đúng mức”.

Bằng vốn sống rất phong phú và thấm thía của một cựu lãnh đạo an ninh, trong cuốn sách Thời sự của thời vô thời gian. Ghi chép một sếp tình báo, Trung tướng Shebarshin đã đưa ra những nhận định ngắn gọn nhưng cực kỳ chuẩn xác về thời Xô viết và công cuộc cải tổ (perestroika) và những hệ lụy của nó. Ông đã thẳng thừng nói ra chân lý cay đắng những cực kỳ chuẩn xác: “Trong chính trị mọi việc đều được tha thứ, trừ sự yếu thế”. Ông nhận diện công cuộc cải tổ mà Mikhail Gorbachev đã khởi xướng cũng như những hệ lụy của nó:

- “Perestroika” đã giải phóng một khối năng lượng khổng lồ mà hóa ra chẳng biết dùng vào đâu cả.

- Ác cảm đối với Gorbachev đã đoàn kết được đông người hơn bất cứ một lập trường chính trị nào.

- Cách mạng Tháng Mười không đổ máu, cách mạng của Gorbachev không động não.

- Ngày làm việc bình thường của perestroika: một số người bãi công, còn một số người khác thì thuyết phục họ đi làm.

 - Về vấn đề chất lượng dạy trong các học đường Xô viết: Stalin chỉ tốt nghiệp trường dòng cơ sở nhưng để lại sau mình một siêu cường vĩ đại; Gorbachev có hai bằng đại học nhưng đã làm tan rã siêu cường này.

- Ở Liên Xô từng đào tạo được một đội ngũ cán bộ không tồi – Shevardnadze, Aliev, Yeltsin, Nyaov, Karimov, Kuchma, Nazarbayev. Tất cả đều là những đảng viên ưu tú, những chiến sĩ quốc tế cộng sản. Vậy thì trách Đảng Cộng sản Liên Xô về chuyện gì nữa?

- Thời tăm tối, chúa trừng phạt các dân tộc bằng nạn đói, bằng thiên tại địch họa, bằng chiến tranh. Làm thế hơi bị tốn công. Dễ dàng hơn là cho các dân tộc đó những nhà lãnh đạo tồi.

- Chính quyền Xô viết tụt dần tới nạn trộm cắp. Còn nền dân chủ thì lại khởi sự từ nó.

- Công dân Xô viết không chỉ có quyền phê bình lãnh đạo quốc gia mà còn có cả cơ sở thực tế để làm việc này.

- Các quý ngài! Liệu trong lịch sử nước ta đã có gì khác ngoài sai lầm và tội ác?

- Chúng ta không biết các câu trả lời… Tệ hơn là chúng ta còn không biết cả câu hỏi.

- Ai cũng sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho sự nghiệp chính nghĩa nhưng lại muốn làm việc này một cách chậm rãi.

- Giai cấp vô sản không có gì để mất ngoài những tư tưởng của những người khác.

- Tư tưởng về cuộc cách mạng trên quy mô thế giới sinh ra không phải từ một cuộc sống tốt đẹp. Và cũng không phải vì một cuộc sống tốt đẹp mà mất đi.

- Đã cần phải xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, rồi sau đó mới gọi nó là chủ nghĩa xã hội.

- Chúng ta sẵn sàng chết vì sự nghiệp chính nghĩa, nhưng ai đó cần phải chỉ ra chỗ mà chúng ta cần phải đứng cho đến tận người cuối cùng.

- Chỉ có cừu mới bị lùa đi. Còn chúng ta thì tự đi...

- Nếu có thiên đường thì chắc hẳn đã chẳng có ai vô thần.

- Không sợ tương lai chỉ là kẻ chưa từng biết mùi quá khứ.

- Người ta đuổi chó đi, chứ chó chưa bao giờ bỏ người.

- Trong lúc sắp đặt lại thế giới, chúng ta đã biến nó theo những rối lẫn trong tư duy của mình.

- Trong thời đại công khai thì sát thủ nhất là những viên đạn làm từ vu khống bỉ ổi.

- Chỉ cần các thủ lĩnh của chúng ta định nhảy vượt ra ngoài khả năng trí tuệ của mình là lập tức bùng nổ thảm họa.

- Nhiều người ân hận nhưng không ai tự vẫn. Họ sợ bỏ nhân dân không có thủ lĩnh dẫn đường ư?

- Sếp càng kém thì càng ít hoài nghi về sự anh minh của mình.

- Lãnh đạo đi theo con đường quen, hoàn toàn được chăng hay chớ.

- Trong hàng đầu đội ngũ những kẻ chống lại chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là những người đã không thi đủ điểm môn Duy vật biện chứng mà là những kẻ đã từng giảng dạy môn này.

- Những bước đi của perestroika: Từ sống tới tồn tại, từ tồn tại tới sống sót, từ sống sót tới đấu tranh sinh tồn.

- Các cuộc cách mạng được tiến hành một cách rền vang, nhưng lại bị bán đi một cách thầm lặng.

- Tất cả những gì chúng ta đang có đều là nhờ perestroika. Cũng nhờ perestroika mà chúng ta không có tất cả những gì mà chúng ta từng có.

- Tổ chức thi đề án tượng đài cho các tác giả và anh hùng của perestroika bây giờ là quá sớm. Còn không rõ là liệu họ có còn chỗ mà chôn xác  hay không…

Trung tướng Shebarshin có những câu thấm thía nói về tâm trạng và cảnh ngộ của cá nhân mình ở thời “hậu Xô viết”:

- Chúng ta cũng nghe thấy tiếng đánh động của lịch sử, nhưng không biết chạy đi đâu để khỏi bị giày xéo lên.

- Giấy và mực vẫn còn. Chỉ có tư tưởng thì đã cạn.

- Không gì có thể ảnh hưởng tới thanh danh, một khi đã không có nó.

- Chẳng có chỗ nào để đầu tư tiền. Thực may, đến tiền cũng không có.

- Liệu có nên lặp lại những sai lầm của người khác khi ta có thể gây nên những sai lầm của chính mình?

- Cái đầu hói của mình còn quý hơn bộ tóc rậm của người khác.

- Cuộc đời cũng lý thú nếu ta nhìn nó từ bên lề.

- “Hãy làm việc có ích cho xã hội và việc ấy cũng sẽ có ích cho chính bạn”, - TS Guillotin đã nói như thế sau khi sáng chế ra máy chém, mà về sau đã được sử dụng để chém đầu ông ta.

- Chữa bệnh thì đắt tiền, chết thì không tốn kém nhưng làm tang lễ lại cần nhiều tiền hơn cả chữa bệnh. Vậy nên đành phải sống.

Tuy nhiên, ông vẫn biết mỉm cười hóm hỉnh trong nỗi hoài vô tận: “Trước đây mùa đông lạnh hơn, đồ ăn ngon hơn và phố phường sạch hơn. Giờ thì mọi sự đã đổi khác và chỉ có phụ nữ thì dường như trở nên ngày một trẻ hơn, hấp dẫn hơn…”.

Không thể cùng chơi

Cũng trong cuốn sách “Thời sự của thời vô thời gian. Ghi chép một sếp tình báo”, Trung tướng Shebarshin đã có những đúc kết rất chuẩn xác và sâu cay về chính trường Nga thời “hậu Xô viết” và những gương mặt chủ đạo trong “hội chợ phù hoa” thời ông Boris Yeltsin lên làm Tổng thống Nga. Đọc những ghi chép của ông, ta càng hiểu là vì sao ông đã không thể kết bạn được với những chính trị gia hoạt động đầu thời “hậu Xô viết”. Đây là những nhận định của ông về thế hệ chính trị gia đời mới:

- Các nhà cải cách của chúng ta, đó là những người được dịch từ Anh ngữ sang một thứ tiếng Nga bồi.

- Mục tiêu của chính trị gia: Thuyết phục mọi người thay những lầm lẫn của mình bằng những lầm lẫn của họ.

- Từ những cán bộ tồi hóa ra lại thành những cựu binh xuất sắc.

- Những chú sói con thời trì trệ đã trở thành những con sói già. Giờ đây chúng lại ăn tươi nuốt sống những người đã từng là thủ lĩnh của đàn và sủa bằng những ngoại ngữ.

- Nước Nga là quả núi kỳ vĩ. Nhưng sao lại sinh ra tuyền những con chuột như thế!

- Những chính trị gia không thay đổi các quan điểm của mình bị vứt ra bãi thải cùng các quan điểm đó.

- Các phó tiến sĩ và tiến sĩ khoa học lao vào chính trường. Xét theo hiện trạng khoa học, có thể dự báo được điều sẽ đợi chính trường.

- Nói dối về tương lai dễ hơn là về quá khứ.

- Không thể thay đổi được quá khứ cũng như tương lai. nhưng có thể viết lại được quá khứ.

- Tổng thống không thể thiếu nhân dân. Đó là “gót chân Asin” của ông ấy.

- Các chính đảng, cũng như hoa, phả hương rất gắt trong giai đoạn cuối của sự tàn úa.

- Cần lập ra nội các gồm toàn các nhà báo. Chỉ có họ mới chuyện gì cũng rành.

- Thời trước có một số người khỏe mạnh đã bị coi là mắc bệnh thần kinh. Giờ thì nhiều kẻ thần kinh được công nhận là bình thường và được bầu vào nghị viện.

- Hôm nay có thể tin từng lời một của lãnh đạo. Nhưng chỉ trong hôm nay thôi vì ngày mai ông ấy sẽ nói những lời khác.

- Nghị viện, đó là nơi mà người ta đã họp để tung ra những lời xúc phạm lẫn nhau.

- Sự khác nhau giữa chính trị và rạp xiếc có lẽ nghiêm trọng hơn thoạt nhìn. Trong rạp xiếc người ta dọa để giải trí, còn trong các cuộc mít tinh lúc đầu là giải trí nhưng rồi rất kinh hãi.

Dân chủ kiểu gì?!

Trung tướng Shebarshin đã lên án những tiêu chí mà giới thượng lưu thời “hậu Xô viết” muốn gieo rắc trong không gian Nga la tư mà ông vô cùng yêu quý và tự hào. Ông “bóc mẽ” cái gọi là dân chủ thời hiện đại:

- Một nền dân chủ sốc.

- Bóng tối lan truyền với tốc độ ánh sáng.

- Chúng ta đã bước vào thời đại của chủ nghĩa duy vật tiền sử.

- Nền dân chủ đã chia đôi xã hội. Một nửa căm thù nó. Nửa còn lại thích cười khẩy.

- Người ta giải thích khái niệm dân chủ như sự thoát khỏi việc lao động trung thực.

- Ở phía cái hay, tức là nền dân chủ, cũng đông bọn lưu manh không kém ở phía cái dở, tức là ở chế độ độc tài.

- Trước thì có “bức màn sắt” chung. Còn bây giờ thì mỗi nhà có một cánh cửa sắt.

- Dân chủ, đó là cách bảo vệ người no đủ nhưng không phải là cách làm no người bị đói.

- Trong xã hội dân chủ sự thật và dối trá đều có quyền như nhau.

- Một xã hội dân chủ lý tưởng, đó là nơi mà bất cứ công dân nào cũng có thể tống cổ người khác cho khuất mắt không phụ thuộc vào giới tính, dân tộc và tín ngưỡng.

- Nền dân chủ đã tước những điều vặt vãnh mà nền chuyên chính đã mang lại cho nhân dân việc làm, nơi ở, sự ổn định; và thay vào đó là tự do.

- Cải cách vượt thời gian đến mức dọa giẫm lên đuôi của nó.

- Đang hình thành một xã hội mà trước nó, chủ nghĩa xã hội cũ của chúng ta hiện lên như một mẫu mực của cái thiện, cái nhân văn và sung túc.

- Sự ảm đạm của canh tân dân chủ.

- Dân chủ, đó là chế độ mà ở đó có thể phê phán lãnh đạo không chỉ sau khi họ chết mà ngay cả khi họ còn sống.

- Hóa ra là “các giá trị mang tính nhân loại” lại hoàn toàn trùng khít với các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

- NATO sẽ bảo vệ các đầu tư của nước ngoài ở Nga. Vì thế nó mới mở rộng.

- Những người dân chủ ngại dùng từ “đồng chí”. Vì họ thấu hiểu nhau quá rõ.

- Thời đại mới đòi hỏi những sai lầm mới.

Đặc thù Nga “mới”

Chỉ bằng những câu văn ngắn, Trung tướng Shebarshin đã vẽ nên được hiện thực Nga với tất cả những rối lẫn của nó:

- Đất nước lại đi lên trên hành trình đau đớn, dài lâu dẫn tới đỉnh cao trơ trụi.

- Ở Nga chỉ có hệ tư tưởng chính thống mới mau thay đổi. Mọi thứ cơ bản đều y nguyên như cũ kể cả lập trường.

- Ở Nga có thể bán và mua đất, cùng với các nông dân.

- Bánh xe lịch sử của chúng ta lại thuộc thiết kế cũ, đó mới chính là nguyên do.

- Người khổng lồ với đầu đất sét.

- Người Nga nào không thích phóng nhanh? Đó là người bị sử dụng làm xe.

- Có lẽ khí hậu đã thay đổi. Chưa bao giờ mảnh đất Nga lại làm nảy nòi nhiều kẻ phản bội như vậy.

- Chân bước sang phương Tây sau khi đã chùi giày vào nước Nga.

- Người ta bắt đầu nói về chúa Jesus nhiều như từng nói về Stalin. Và việc này sẽ không có kết cục tốt đẹp đối với chúa Jesus.

- Nguồn gốc khủng hoảng nói một cách ngắn gọn: trong kinh tế hệ thống vận hành cũ đã bị phá hủy nhưng hệ thống mới lại chưa được xây lên; trong chính trị những gã lưu manh già vẫn còn sống mà lại xuất hiện thêm những kẻ lừa đảo trẻ tuổi.

- Cả người Nga lẫn người Mỹ đều chung một ảo tưởng họ đều tưởng rằng họ xứng đáng được tất cả yêu quý.

- KGB không bao giờ chết ở nước Nga. Chỉ những tên gọi của nó mới có thể bị chết.

- Quá khứ của nước Nga không thể chung sống cùng tương lai của nó.

- Lịch sử dạy rằng, ở nước Nga bất cứ thay đổi nào cũng không dẫn tới sự tốt đẹp hơn. Và từ hai cái dở thì người Nga chọn cái còn chưa biết.

- Khái niệm thiện ác trong chính trị rất tương đối. Chỉ có tổ chức là tuyệt đối.

- Đừng quá hy vọng vào tôn giáo. Lãnh tụ cuối cùng từng nghiên cứu Kinh Thánh là Stalin.

- Vấn đề không phải ở chỗ người Nga quen với mọi chuyện. Chúng ta sẵn sàng quen với mọi chuyện và vì thế, chính quyền nào cũng thích chúng ta.

- Tiền đề của nền chính trị Nga – không cần phải nghe ý kiến của đối thủ. Bởi trông mặt họ rất khó chịu.

- Boomerang được chế ra ở Nga. Chúng ta làm gì thì việc đó cũng quay trở lại tẩn chính chúng ta.

- Quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền có lẽ sẽ kết thúc bằng ngày phán xử cuối cùng.

Hỗn loạn, nhiễu nhương

Đời thường nước Nga hiện đại trong cách diễn đạt của Trung tướng Shebarshin vừa khắc nghiệt vừa trào lộng:

- Tất cả chỉ quan tâm tới một câu hỏi: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

- Nếu chúa trời không muốn con người xem truyền hình thì đã không làm ra máy thu hình. Có điều, chính quỷ sứ đã dúi các MC lên màn hình.

- Người nghèo mua báo, người giàu mua tổng biên tập báo.

- Chưa bao  giờ ở nước Nga người ta lại ăn cắp một cách vui vẻ và thoải mái như hiện nay.

- Quyền cá nhân ở nước ta được bảo vệ chắc chắn. Chỉ có các cá nhân mới không được bảo vệ.

- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, người dân Nga chết chủ yếu vì lý do đã sống ở Nga.

- Những người vô thần Chính giáo.

- Nếu không có chiến dịch vận động tranh cử thì đất nước đã không thể biết tới nhiều kẻ lưu manh của mình.

- Giai cấp mới – giai cấp đại gia.

- Bản chất của công khai không phải trong lời nói mà trong sự lảng tránh.

- Cần phải lập trong chính phủ cơ quan liên lạc với tội phạm.

- Thực kỳ quái là cái thế giới của những hồn ma. Trước khi chìm đắm vĩnh viễn trong mộ phần, họ lại bước vào các trang sách báo in để chứng minh rằng, ngay cả khi còn sống họ đã luôn luôn là những kẻ bội tín và phản trắc, rồi mới biến đi. Ngay cả người duy vật cũng cảm thấy khó ở khi phải chứng kiến cảnh này.

- Thiên tài không phải là những cá nhân mà là các chức vụ.

- Phương tiện không tin đại chúng.

- Trong lăng tẩm của chúng ta luôn rộng chỗ. Những anh hùng cũ bị dọn hài cốt đi nhanh hơn là mang hài cốt những anh hùng mới vào.

- Hãy hoài nghi tất cả, ngoài sự anh minh của ban lãnh đạo đương nhiệm.

- Sai lầm của quá khứ là vật liệu xây dựng nên chính sách hiện tại.

- Để xuyên tạc lịch sử một cách ngon nghẻ, cần phải biết nó.

- Anh em song sinh Xiêm La – đó là tội phạm có tổ chức và chính quyền vỡ tổ chức.

- Không phải mọi sự im lặng đều là vàng.

- Quyền lực có tính chất ma thuật. Chỉ bằng một lời phê phán nó đã biến những kẻ trộm cắp lưu manh trở thành những anh hùng nhân dân.

- Thay tên đổi họ - đó không phải là sự tôn trọng lịch sử mà là cú nhổ vào mặt một chính quyền đang hụt hơi.

- Không cần phá tượng đài, mà chỉ cần đổi tên gọi.

- Khi nói về những giá trị chung toàn nhân loại, có lẽ không nên chỉ nghĩ tới ngoại tệ mạnh.

- Cái gì chúng tôi cũng chịu được. Nhưng hãy cho chúng tôi ăn và không phải suy nghĩ.

- Lạc quan hoảng loạn.

- Chính quyền ở cơ sở không thể tránh khỏi đấu tranh. Vì họ không có sức để bỏ của chạy lấy người.

- Họ ngồi họp lắm thế có phải vì sợ phải ra ngoài phố không?

- Lúc nào cũng có những người dẻo mỏ. Nhưng giờ lại xuất hiện rất nhiều cái mỏ mà gắn rất dẻo với chúng là những con người bé tí.

- Nếu nhân dân vẫn phải nghe nói dối thì tức là ai đó còn cần tới họ.

- Chỉ vì thiển cận mà chúng ta không nhìn thấy trong nạn tội phạm có tổ chức một trật tự kinh tế xã hội mới.

- Qua truyền hình họ truyền bá thức ăn tinh thần cho nhân dân không chỉ những món đã được nhai đi nhai lại mà cả những món đã thiu.

- Cuối cùng thì họ mới nói điều họ nghĩ. Và chưa bao giờ thế giới phải nghe nhiều những lời ngu ngốc như thế.

- Thắng lợi của nền dân chủ lại bị u ám bởi hiện tượng thiếu giò ăn.

- Những người lạc quan lịch sử đã đẩy đất nước tới tình trạng mà những kẻ bi quan cũng không thể hình dung được ngay cả trong những giấc mơ hãi hùng nhất.

- Người ta tước hiện tại của nhân dân để cướp tương lai của họ.

- Những người cộng sản biến đổi, nhưng những kẻ chống cộng thì không.

- Trong chính trị các quy luật vật lý vô tác dụng. Dòng chảy cuốn văng đi và để rác rưởi đọng lại.

- Chúng ta tiến tới thị trường thông qua chợ, chúng ta học dần ngôn ngữ chợ búa, phong cách chợ búa, thói quen chợ búa. Và điâ đầu trong chuyện này, như thường lệ, vẫn là tầng lớp trí thức sáng tạo – điều này đã được chứng minh bằng cuộc họp của lãnh đạo Hội Nhà văn tháng 11-1990.

- Tư tưởng thị trường cũng ít chấp nhận thỏa hiệp như tư tưởng chuyên chính vô sản.

- Hội đồng An ninh – đó là cơ quan quan sát tư vấn.

- Khoa học xã hội từng suốt một thời gian dài là nạn nhân của chính trị. Còn giờ thì lại trở thành đao phủ của chính trị.

- Ở nước cộng hòa nghèo tài nguyên nhưng lại thừa lòng kiêu hãnh dân tộc. Và cư dân tại đó cho rằng họ có tiềm năng xuất khẩu không tồi.

- Mọi thứ của chúng ta đều ở phía trước. Ý nghĩ này khiến phải lo lắng.

- Giai đoạn hòa bình hiện nay chỉ khác thời chiến trước kia ở sự suy sụp tinh thần chung và sự khoái chí lén lút của những kẻ phản bội.

- Đã thông qua những biện pháp khẩn cấp để khôi phục lại trật tự của sự  hỗn loạn.

- Xem phim kinh dị để thoát khỏi hiện thực.

- Nếu công việc cứ diễn tiến như hiện nay thì nhân dân thậm chí không còn sức đểâ làm nội chiến.

- Nhiều người vào chính trường chỉ vì đó là việc có lãi lớn hơn là đi cướp có vũ khí.

- Lưỡi như dao cạo, sắc nhưng mảnh.

- Những người đã làm nên perestroika quá kém trí tưởng tượng. Họ đã không thể hình dung ra là mọi sự có thể trở nên tồi tệ hơn nữa.

- Nếu tất cả đều bị hạ bệ ngay bây giờ thì những thế hệ tương lai sẽ nhận được những gì? Nếu hình tượng Stalin không đủ cho dài lâu thì liệu các nhân vật thủ lĩnh hiện nay có thể làm đầy chỗ trống được không?

- Có thể tin vào sự lương thiện của các ứng cử viên vào bộ máy quyền lực nếu chúng ta không biết quá khứ của họ.

- Trong bầu cử bây giờ cần đếm không phải là phiếu mà chỉ là những tiếng gầm gào.

- Khi hạn chế công khai trước đây, chính quyền đã sợ không hẳn là sự thật mà là sự ngu ngốc. Và hóa ra là đã đúng.

- Cái mới sẽ tìm ra đường cho mình, nếu không già quá mau.

- Mọi phương tiện đều tốt trừ những phương tiện mà ta không có.

- Chính quyền không hợp pháp hay luật pháp không quyền lực? Hiện giờ thì đang theo phương án thứ ba – không hợp pháp và cũng không quyền lực.

- Chúng ta đang sống như trong phòng đợi của bác sĩ nha khoa. Chúng ta biết rằng sẽ bị đau nhưng không rõ, liệu làm thế rồi có đỡ hơn không.

- Công chức tử tế chỉ nhận những gì được biếu, còn không trung thực thì ép phải biếu.

- Không thể có những hành vi bất hợp pháp khi không có luật pháp.

- Con người có thể cho phép mình không khách quan chút ít khi đánh giá hiện thực. Việc này giúp giảm bất công trong chính hiện thực.

- Luận điểm duy nhất có sức nặng trong các cuộc tranh luận ở Nga – đó là cú đập vào đầu.

- Chúng ta bắt đầu khoe  rằng chúng ta chẳng có gì để khoe cả.

- Ngày 12/6/1991, các công dân Nga đã trả nghĩa cho nền dân chủ khi bầu nên Tổng thống nước cộng hòa.

- Một chùm những hố đen – danh sách các ứng cử viên Tổng thống Nga.

- Người ta nói nhiều về nạn chảy máu chất xám. Nếu chúng ta có chất xám thì tại sao chúng ta lại phải rơi vào tình trạng như hiện nay?

- Không ở đâu mà các giá trị toàn nhân loại lại đắt đỏ như ở nước Nga.

- Họ bỏ phiếu cho những ai hứa nhiều hơn. Đó là từ thói quen tin vào quyền năng vô tận của chính quyền – trở thành sếp rồi thì việc gì cũng làm được.

- Tính cách của sếp chỉ được cải thiện sau khi mất chức.

- Các thây ma chính trị sống lại cực kỳ dai

Lương Khanh - Tự Thái
.
.